Mễ Du: từ Ủy Ban Giáo Hoàng tới Đặc Sứ Giáo Hoàng
Mấy ngày nay, tin tức và bình luận về Mễ Du bỗng sôi nổi hẳn lên, khiến nhiều người cho rằng sắp sửa có giải đáp về vấn đề này. Mặc dù cả Đức Hồng Y Muller, người đang lo khía cạnh tín lý, lẫn Đức Tổng Giám Mục Hoser, người đang lo khía cạnh mục vụ, đều yêu cầu mọi người nên nhẫn nại, vì vấn đề càng phức tạp, ta càng cần nhiều thì giờ hơn để xem xét.
Từ nhận định của đấng bản quyền...
Hiện tượng Mễ Du quả không đơn giản. Những vị như Đức Cha Ratko Peri, Giám Mục sở tại của Mễ Du, trong rất nhiều dịp, nhất là ngay trước khi Đức Tổng Giám Mục Hoser tới Mễ Du, nhất quán và thẳng thừng bác bỏ tính siêu nhiên của hiện tượng Mễ Du. Lời tuyên bố của ngài áp dụng cho các lần nói là Đức Mẹ hiện ra hiện nay mà cả những lần nói là ngài hiện ra trước đây nữa, “bất luận lúc nào”.
Ngài viết như sau trên trang mạng của giáo phận: “Xem xét mọi điều tòa này vốn tìm tòi và nghiên cứu lâu nay, kể cả bẩy ngày đầu tiên nói là hiện ra, ta có thể an lòng mà quả quyết rằng: Đức Mẹ không hề hiện ra ở Mễ Du!”
Theo ngài, những lần hiện ra ấy chỉ là những thao túng của các thị nhân và các linh mục làm việc ở Giáo Xứ Thánh Giacôbê, tức các tu sĩ Phanxicô.
Đến lập trường của Tòa Thánh, và thực tế...
Ai cũng biết, Tòa Thánh có lập trường khác thế. Vì lợi ích của các linh hồn bao giờ cũng là thiện ích tối thượng không thể cứ nhắm mắt bỏ qua! Mà lợi ích của các linh hồn thì phải mở mắt ra mới thấy, không thể chỉ suy nghĩ hợp luận lý, kể cả hợp tín lý.
Nữ ký giả Inés San Martín, dù đi khắp đó đây, nhưng chưa bao giờ tới Mễ Du, cho đến một ngày theo cha mẹ đến đó “cho biết”. Cô kể lại:
“Bản thân tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy những hàng nối đuôi dài để vào xưng tội, dù có tới 35 tòa giải tội nói 7 thứ tiếng khác nhau. Tôi cố gắng đếm. Có ít nhất 300 người đứng đợi!”
Cô gặp một linh mục đến từ Á Căn Đình đang đứng đợi để thay thế một cha giải tội khác. Vị này cho cô biết ngài vốn là người hoài nghi, đến đây là vì con chiên trong xứ “lôi” ngài đi. Ấy thế nhưng sau khi ngồi tòa một buổi chiều, ngài không thể nào không tin rằng một điều gì đó siêu nhiên đang diễn ra ở đây.
Ngài bảo: “cây xấu không sinh trái tốt được” và cho rằng làm linh mục suốt 30 năm qua, chưa bao giờ ngài nghe được những cuộc xưng tội sốt sắng như ở đây.
Martín nhận định: “Bất cứ bạn làm gì với khối lượng vô số các mạc khải nói là do Đức Maria tiết lộ suốt các năm qua, hay các căng thẳng trong Giáo Hội quanh địa điểm này, những điều tôi thấy nói với tôi rằng: thật khó mà lý luận chống lại các trải nghiệm thiêng liêng tích cực đang diễn ra trên mảnh đất này”.
Ủy Ban Giáo Hoàng
Nói cho ngay, sứ điệp Mễ Du không thua gì sứ điệp Lộ Đức hay sứ điệp Fatima, cả hai đã được Giáo Hội thừa nhận. Nó xoay quanh 5 chủ đề: hòa bình, đức tin, hoán cải, cầu nguyện và ăn chay.
Chỉ có điều: Giáo Hội thường chỉ phán quyết tính chân thực của các lần hiện ra khi chúng đã chấm dứt. Trường hợp Mễ Du khác hẳn: chúng vẫn liên tiếp diễn ra cho đến nay, không biết đến bao giờ mới kết thúc!
Có lẽ một phần vì thế, mà theo đức Phanxicô và tường trình mới đây của Báo Chí, Tòa Thánh buộc phải phân biệt các lần hiện ra trước 1981 và sau 1981 để “tạm” ra phán quyết, như nhận định mới đây của Linh Mục Salvatore Perrella, một thành viên của Ủy Ban, khi ngài nói với Cindy Wooden của Catholic World News rằng: “Dù Đức Giáo Hoàng Phanxicô chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về các lần nói là hiện ra này, nhưng ngài nghĩ đây là một ý tưởng tốt để làm tan đi một số sương mù”.
Việc phân biệt trên là thành quả của Ủy Ban Giáo Hoàng do Đức Bênêđíctô XVI thiết lập năm 2010 dưới sự lãnh đạo của Đức Hồng Y Ruini để khảo sát tường tận các biến cố ở Mễ Du.
Nhưng thực ra, hướng giải quyết biến cố Mễ Du đã có trong tâm trí Đức Bênêđíctô XVI từ lâu trước đó. Thực vậy, năm 1998, Đức Tổng Giám Mục Tarciso Bertone, lúc đó là viên chức thứ hai sau Đức Hồng Y Joseph Ratzinger tại Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã gửi một lá thư cho các giám mục Nam Tư cho biết rằng trong khi chờ phán quyết cuối cùng về vấn đề này, các cuộc hành hương tại Mễ Du được phép “với điều kiện chúng không được coi là để chứng thực cho các biến cố vẫn còn đang diễn ra”.
Chỉ thị trên phù hợp với văn kiện năm 1991 của Hội Đồng Giám Mục Nam Tư. Văn kiện này viết:
“Chúng tôi, các giám mục, sau 3 năm xem xét của một Ủy Ban, đã tuyên bố Mễ Du là một nơi cầu nguyện và là một đền thánh của Đức Mẹ… Còn về đặc tính siêu nhiên của các lần hiện ra, chúng tôi đã tuyên bố: cho tới thời điểm này, chúng tôi không thể xác quyết”.
Ủy Ban Giáo Hoàng về Mễ Du do Đức Hồng Y Ruini làm chủ tịch có sự tham dự của các vị Hồng Y Jozef Tomko, Vinko Puljić, Josip Bozanić, Julián Herranz và Angelo Amato; tâm lý gia Tony Anatrella, các nhà thần học Pierangelo Sequeri, Franjo Topić, Mihály Szentmártoni và Nela Gašpar, nhà thánh mẫu học Salvatore Perrella, nhà nhân học Achim Schütz, nhà giáo luật học David Jaeger, phát ngôn viên Bộ Phong Thánh Zdzisław Józef Kijas, tâm lý gia Mijo Nikić và viên chức Bộ Giáo Lý Đức Tin Krzysztof Nykiel.
Nhiệm vụ của Ủy Ban là “thu lượm và khảo sát mọi chất liệu” về Mễ Du và đệ trình “một phúc trình chi tiết” tiếp theo một cuộc bỏ phiếu về “bản chất siêu nhiên hay không” của các lần hiện ra cũng như “các giải pháp mục vụ” thích đáng nhất. Ủy Ban họp tất cả 17 lần, khảo sát mọi tài liệu lưu giữ tại Vatican, giáo xứ Mễ Du và các văn khố của sở mật vụ Nam Tư cũ. Ủy Ban nghe mọi thị nhân và nhân chứng có liên hệ, và tháng Tư năm 2012, thực hiện cuộc thanh tra tại Mễ Du.
Theo nhà báo kỳ cựu Andrea Tornielli, vốn chuyên về Vatican, thì Ủy Ban đệ trình bản tường trình của mình năm 2014. Mười ba phiếu của Ủy Ban ủng hộ việc thừa nhận bản chất siêu nhiên của 7 lần hiện ra đầu tiên (diễn ra cuối tháng Sáu đầu tháng Bẩy năm 1981), một phiếu chống và một phiếu tạm hõan, sẽ cho câu trả lời sau. Còn đối với hiện tượng hiện ra từ cuối năm 1981 cho tới nay, thì đa số phiếu xin tạm hõan và nhiều phiếu hoài nghi.
Đối với 7 lần hiện ra đầu tiên, Ủy Ban cho rằng các thị nhân lúc đó ổn định về tâm lý và bỗng thấy mình can dự vào việc hiện ra. Nghĩa là lúc ấy, chưa có gì chứng tỏ các em chịu ảnh hưởng của các Cha Dòng Phanxicô sở tại và các chủ thể khác. Các em còn chống lại việc phải nói lại những điều đã xẩy ra dù bị cảnh sát bắt giữ và đe dọa giết.
Còn đối với các lần hiện ra sau đó, thì Ủy Ban cho rằng có sự can thiệp nặng nề gây ra bởi sự tranh chấp giữa vị giám mục giáo phận và các cha Dòng Phanxicô của giáo xứ, cũng như có sự kiện này: các cuộc hiện ra, được thông báo trước và được lên chương trình riêng cho từng thị nhân, vẫn cứ tiếp tục với những sứ điệp lặp đi lặp lại. Dù chính các thị nhân cho biết các lần hiện ra sẽ chấm dứt, nhưng hình như sẽ chẳng bao giờ chấm dứt. Ngoài ra, còn vấn đề “các bí mật” có mùi vị khải huyền nữa cũng được các thị nhân cho là do Đức Mẹ tiết lộ.
Về các lần hiện ra thứ hai trên, Ủy Ban bỏ phiếu qua hai bước. Bước thứ nhất, căn cứ vào các hoa trái thiêng liêng của Mễ Du nhưng bỏ qua một bên tác phong của các thị nhân. Trong bước này, 3 thành viên và 3 chuyên viên cho biết: có những thành quả tích cực, 4 thành viên và 6 chuyên viên cho là có những thành quả lẫn lộn vừa tiêu cực vừa tích cực. Nhưng nếu xét cả tới tác phong của các thị nhân, thì 8 thành viên và 4 chuyên viên cho rằng không thể đưa ra ý kiến gì được, trong khi hai thành viên khác bỏ phiếu chống lại bản chất siêu nhiên của hiện tượng.
Ủy Ban cũng xem xét các giải pháp mục vụ cho hiện trạng Mễ Du và đã ủng hộ việc bãi bỏ lệnh cấm hành hương tại đây. Thêm vào đó, 13 thành viên và chuyên viên trong số 14 người hiện diện đã bỏ phiếu tán thành việc thiết lập “một thẩm quyền lệ thuộc Tòa Thánh” tại Mễ Du và biến giáo xứ thành một đền thánh giáo hoàng, để, nói như một thành viên trong đoàn là Cha Perella, nơi này có một mục tử chứ không phải một đại lý du lịch.
Các khuyến cáo trên dựa vào các lý do mục vụ: chăm sóc hàng triệu khách hành hương, tránh hiện tượng “hai Giáo Hội song hành”, minh bạch về các vấn đề kinh tế, chứ không hề ngụ ý thừa nhận bản chất siêu nhiên của các cuộc hiện ra.
Về sự tranh chấp giữa Dòng Phanxicô và Đức Giám Mục sở tại, trong cuộc phỏng vấn của Cindy Wooden ngày 18 tháng Năm vừa qua, Cha Perrella thừa nhận việc này và thêm: “trong một số nói là sứ điệp, Đức Maria về phe với các cha Phanxicô”.
Nhân dịp này cha nhận định rằng trong ủy ban, có cả các nhà chuyên môn về tâm lý học và phân tâm học, “một thành tố luôn được đề nghị trong bất cứ cuộc điều tra chính thức nào về những điều được coi là hiện ra”. Cha cho biết thêm: “Hàng loạt các nhân tố con người và áp lực bên ngoài, chưa kể bệnh tâm thần, có thể đóng một vai trò trong việc dẫn các người nói là thị nhân đến chỗ sai lạc. Chúa Giêsu đã chọn những con người tầm thường, chứ không phải các ông thánh, làm tông đồ của Người thế nào, thì Thiên Chúa cũng không chọn các người thánh thiện làm thị nhân như vậy”.
Cha Perrella cũng cho rằng: Giáo Hội Công Giáo đánh giá các cuộc nói là hiện ra như “ơn phúc của Thiên Chúa và là dấu chỉ sự hiện diện của Người vào một thời điểm nhất định, ở một nơi chốn nhất định và với các thị nhân nhất định”. Chứ “việc Mẹ Chúa Giêsu hiện ra, nếu đúng như thế, như Đức Giáo Hoàng nói, không thêm gì và cũng không thể thêm gì cho mạc khải của Chúa Kitô, nhưng ngài nhắc mọi người và mời gọi họ trở về với Tin Mừng”.
Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin
Tất cả các khuyến cáo như trên của Ủy Ban Giáo Hoàng chỉ có tính tư vấn. Nên sau đó, bản tường trình của Ủy Ban đã được đệ trình lên Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin để khảo sát chính thức. Thánh Bộ này tỏ vẻ hoài nghi cả hiện tượng Mễ Du lẫn Bản Tường Trình Ruini. Năm 2016, một “feria” (Feria IV) tức cuộc họp hàng tháng của Thánh Bộ đã được triệu tập để thảo luận biến cố Mễ Du và bản tường trình Ruini. Mỗi vị Hồng Y và giám mục thành viên của Feria IV đều nhận được bản văn của Ủy Ban và nhiều tài liệu khác của chính Thánh Bộ. Trong phiên họp này, các thành viên được yêu cầu cho biết ý kiến. Nhưng, Đức Phanxicô không muốn thấy Bản Tường Trình Ruini, một bản tường trình ngài rất qúy, bị đem ra “đấu giá”, nên đã yêu cầu các ý kiến của Feria IV được gửi thẳng cho ngài.
Đặc Sứ Giáo Hoàng
Sau khi xem xét Bản Tường Trình Ruini và các ý kiến của Feria IV, Đức Phanxicô quyết định ủy thác cho Đức Tổng Giám Mục Henryk Hoser, người Ba Lan, “sứ mệnh đặc biệt của Tòa Thánh thu lượm sâu xa hơn sự hiểu biết về tình trạng mục vụ” của Mễ Du, và “trên hết, các nhu cầu của tín hữu đến đó hành hương” nhằm “gợi ý bất cứ sáng kiến mục vụ nào trong tương lai”.
Đến mùa hè này, Đức Tổng Giám Mục Hoser sẽ đệ nạp các kết quả điều tra của ngài để Đức Giáo Hoàng quyết định. Ngài đã đích thân tới Mễ Du gặp Đức Cha Ratko Peric, các thị nhân, các mục tử và giáo dân của khu vực. Ngài ghi nhận ý kiến của các người đã nhận được ơn ích thiêng liêng nhờ tới Mễ Du hành hương, nhất là con số ơn gọi làm linh mục, tôn thờ Thánh Thể và lãnh nhận bí tích Hòa Giải.
Ngày 15 tháng Ba năm nay, trước khi lên đường qua Mễ Du, Đức Tổng Giám Mục Hoser xin mọi người cầu nguyện cho sự thành công của sứ mệnh ngài. Nhân dịp này, ngài không ngại cho biết quan điểm của ngài về hiện tượng Mễ Du. Ngài nói với tờ Aleteia: “Nếu lòng sùng kính Đức Mẹ triển nở ở Mễ Du, nếu ngần ấy đám đông tới đó, thì nó là nơi lòng sùng kính sẽ tiếp tục, vì Đức Mẹ có thể được sùng kính ở mọi nơi, nhất là ở những nơi lòng sùng kính này đơm hoa kết trái đến thế, như ta nghe thấy từ vô số các chứng từ”.
Các chứng từ này hẳn không ít vì theo Đức Tổng Giám Mục, hàng năm có từ 2 tới 2 triệu rưỡi người khắp thế giới tới Mễ Du hành hương, một điều mà Đức Tổng Giám Mục khuyên không nên bỏ qua. Cũng theo ngài, có tới 50 tòa giải tội tại đây với các vị giải tội nói nhiều thứ tiếng khác nhau.
Một điều đáng chú ý là Đức Tổng Giám Mục Hoser vốn tốt nghiệp đại học y khoa, từng thiết lập Trung Tâm Y Khoa và Xã Hội tại Kigali, Rwanda. Ngài từng đảm nhiệm hai sứ mệnh quan trọng của Tòa Thánh, trong đó, sứ mệnh ở Rwanda kéo dài tới mấy năm trước khi nước này rơi vào họa diệt chủng.
Đức Phanxicô lưu ý tới lòng đạo bình dân
Nhân dịp có mặt tại Nhà Thờ Thánh Giacôbê ở Mễ Du cuối tháng Ba năm 2017, Đức Tổng Giám Mục Hoser cho hay Đức Giáo Hoàng Phanxicô rất lưu ý tới việc phát triển lòng đạo bình dân tại Mễ Du. Điều này dễ hiểu vì Đức Phanxicô nổi tiếng xưa nay là vị giáo phẩm biết đánh giá cao sự quan trọng của lòng đạo đức bình dân. Cha Juan Carlos Galli, một nhà thần học gần gũi với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, có lần nói với tờ Crux rằng: từ sớm, đức Phanxicô đã biết đánh giá cao các phát biểu của lòng đạo như thế, coi chúng không phải là kỳ cục hay hào nhoáng, mà đúng hơn là viên đá góc của thần học và sinh hoạt mục vụ. Hồi còn ở quê hương Á Căn Đình, ngài năng lui tới các đền Đức Mẹ ở Luján và San Cayetano; không những thế, ngài còn đồng hành với hàng trăm ngàn người cuốc bộ 46 dặm Anh tới Luján nữa.
Cùng hiệp ý với người đã sai mình, ngày 6 tháng Tư năm 2017, sau khi kết thúc chuyến viếng thăm Mễ Du, Đức Tổng Giám Mục Hoser không ngần ngại ví Mễ Du với Lộ Đức và Fatima.
Ngài ca ngợi Mễ Du như là “mảnh đất rất mầu mỡ cho các ơn gọi tu trì”. Theo ngài, 610 vị linh mục đã cho Mễ Du là sức mạnh thúc đẩy các ngài dấn thân vào ơn gọi của mình; phần lớn các linh mục này xuất thân từ Hoa Kỳ, Ý và Đức. Điều này hết sức có ý nghĩa khi trên thế giới đang có cuộc khủng hoảng về ơn gọi.
Ở Mễ Du, người hành hương cũng tìm được những điều họ không thấy ở quê hương. Vì “tại nhiều nước theo Kitô Giáo lâu đời, việc xưng tội cá nhân không còn nữa. Tại nhiều nước, không còn việc thờ lạy Bí Tích Cực Trọng nữa. Tại nhiều nước, không còn có việc đi đàng thánh giá. Không còn lần hạt nữa… Những sự khô khan về thiêng liêng này lẽ dĩ nhiên dẫn tới cuộc khủng hoảng đức tin”.
Một đặc trưng khác của Mễ Du là tước hiệu “Nữ Vương Hòa Bình” nói là do Đức Mẹ tỏ cùng các thị nhân. Đức Tổng Giám Mục Hoser cho rằng tước hiệu này hết sức đáng lưu ý trong một thế giới mà Đức Phanxicô cho rằng đang lâm vào “Thế Chiến 3” dù chỉ từng mảng.
Thực vậy, trong bối cảnh các cuộc chiến tranh tàn khốc hiện nay, nhất là tại Syria, “kêu cầu Nữ Vương Hòa Bình, Mẹ Thiên Chúa, đây chính là vai trò chuyên biệt của Mễ Du. Vai trò này hết sức quan trọng”.
Ngài kêu gọi: “Các bạn thân mến, các bạn hãy loan các tin vui này đi. Và các bạn có thể nói với toàn thể thế giới rằng ở Mễ Du, có một ánh sáng… Chúng ta cần các đốm sáng này trong thế giới ngày nay, một thế giới đang sa xuống đêm đen”.
(Vũ Văn An, vietcatholic 18.05.2017)