Suy tư: GIÂY PHÚT TRỞ VỀ
Chúng ta đang sống trong mùa Phục sinh năm 2016. Trở về lại với thời gian qua, chúng ta nhận ra rằng Giáo Hội luôn mời gọi người Kitô hữu nhìn lại chính mình, nhìn lại thân phận yếu đuối mỏng giòn của con người, và cũng là thời điểm Giáo Hội nhắc nhở chúng ta tình yêu bao la của Thiên Chúa. Người vẫn luôn yêu thương chăm sóc, ban ơn cho chúng ta từng ngày, nhưng liệu chúng ta có nhận ra điều đó hay không? Hay chúng ta được sống trong ân sủng Chúa mà chẳng hề quan tâm rằng Chúa đang đồng hành, gìn giữ, ban ơn cho ta trên từng bước đường ta đi, để rồi cứ giữ lấy cho riêng mình những gì Chúa ban mà không hề đoái hoài tới những thân phận bất hạnh, bị hất hủi, bị bỏ rơi bên dòng chảy ngược xuôi của cuộc đời.
Với nhịp sống xô bồ của xã hội hôm nay, nhiều bạn trẻ đang bị cuốn vào dòng xoáy của tiền tài, vật chất, và bị vây quanh bởi những câu hỏi: Làm sao mình có được việc làm tốt? Làm sao để mình có được cuộc sống đầy đủ, tiện nghi hơn? Làm sao để mình thỏa mãn được nhu cầu của mình đây? Sống trong một xã hội đầy bon chen khiến người ta nhiều khi đánh mất chính mình, khiến các bạn trẻ lạc vào một thế giới phải cạnh tranh khốc liệt, và nơi đó, dường như sự chia sẻ, cảm thông không hề hiện hữu. Khi sống Mùa Chay 2016, đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương xót, chúng con được mời gọi sống yêu thương nhiều hơn, đóng góp những hy sinh ít ỏi để chia sẻ nhiều hơn với những mảnh đời bất hạnh đang cần đến sự giúp đỡ dù nhỏ nhoi của chúng con. Trong tâm tình đó, sinh viên lưu xá Emmanuel chúng con được may mắn đến với Mái ấm Phan Sinh vào Chúa nhật V Mùa Chay - Chúa nhật cuối cùng trong Mùa Chay Thánh để dọn tâm hồn cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua và đón mừng Đại lễ Phục sinh.
Con đường tìm đến mái ấm cũng không phải là khó. Chúng con chỉ mất khoảng một tiếng rưỡi để di chuyển từ trung tâm thành phố đến với mái ấm bằng xe buýt. Chúng con được chào đón bằng nụ cười ấm áp của Thầy Châu, người chịu trách nhiệm chính tại nơi đây. Đến với mái ấm Phan Sinh, một trong những điều làm con ấn tượng nhất là câu lời Chúa được trích trong Tin Mừng Thánh Mát-thêu: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Con cảm nhận câu Lời Chúa này dường như là kim chỉ nam, là động lực nâng đỡ cho những người đang âm thầm phục vụ tại đây…
Đến với mái ấm, chúng con cũng được nghe thầy Châu chia sẻ những khó khăn trong quá trình thành lập cũng như những khó khăn vẫn đang tồn tại trong hoạt động của mái ấm. Hơn một trăm con người sống nơi mái ấm đang phải chịu những đau đớn thể xác và tinh thần khác nhau. Tuy nhiên nơi đây vẫn không thiếu những nụ cười, những sự cảm thông, chia sẻ thật sự, chứ không phải sự chia sẻ giả tạo mà người ta vẫn thường dành cho nhau trong xã hội ngày nay. Đến với mái ấm, chúng con được tận mắt chứng kiến những mảnh đời thật éo le, đau khổ. Họ không thể làm chủ các hoạt động, không thể chăm sóc chính bản thân mình. Mọi sinh hoạt của họ đều nhờ vào sự giúp đỡ của người khác.
Theo như chia sẻ của Thầy Châu, phần lớn những mảnh đời được đưa đến đây đều đã bị các nơi khác từ chối, vì họ không còn tìm thấy hy vọng gì ở các bệnh nhân đó, và người ta đưa họ đến mái ấm chỉ chờ ngày được Chúa gọi về. Đối với những người bình thường, ngày được Chúa gọi về, họ được ở trong vòng tay yêu thương của người thân và được đưa tiễn cách long trọng đến nơi lòng đất. Nhưng với những mảnh đời nơi mái ấm, đến lúc chết đi, họ vẫn phải chịu thiệt thòi với cái “chết chui”, theo lời của Thầy Châu. Tất cả mọi thứ để đưa người quá cố về với lòng đất phải được diễn ra trong bí mật, không để người ngoài phát hiện, nếu không Thầy Châu sẽ gặp rắc rối...
Đến với mái ấm, chúng con được nghe những lời tâm sự của các cụ già, được tận tay chăm sóc các bệnh nhân, được nghe, được thấy những nụ cười vô tư của các em nhỏ, những ánh mắt muốn nói lên lời cảm ơn thay cho môi miệng của các bệnh nhân, chúng con cảm thấy ấm áp vô cùng. Những giọt nước mắt của các bạn đã rơi khi chứng kiến những nghịch cảnh của cuộc đời. Đến với mái ấm, chúng con nhận thấy rằng vẫn còn rất nhiều mảnh đời xung quanh chúng con cần sự ủi an, chia sẻ, cần sự chung tay góp sức của cộng đồng.
Hoạt động của mái ấm đã đi vào ổn định, nhưng để duy trì hoạt động như hiện nay vẫn cần sự hỗ trợ to lớn từ cộng đồng, để mái ấm đầy đủ tiện nghi hơn, đặc biệt là đội ngũ nhân lực phục vụ nơi đây. Đến với mái ấm, chúng con một lần nữa lại được nhìn thấy và khắc sâu hơn tình yêu bao la vô bờ của Thiên Chúa trên cuộc đời chúng con. Chúng con được sinh ra trong một gia đình hạnh phúc, có một cơ thể khỏe mạnh, có điều kiện chăm lo học hành, nhưng nhiều khi chúng con quên đi tất cả những gì chúng con có đều do Chúa ban, nếu không có ơn Chúa, chúng con chẳng có gì cả. Đến với mái ấm, một lần nữa Chúa muốn âm thầm nhắc nhở chúng con hãy biết mở rộng lòng mình ra để biết yêu thương, quan tâm đến những mảnh đời cơ cực, khó khăn bên cạnh chúng con, để tiếp nối công việc yêu thương của Thiên Chúa nơi trần gian đang đầy những sự dối trá, hận thù, chia rẽ và bất công...
Sau thời gian sinh hoạt suốt buổi sáng nơi mái ấm, chúng con rời khỏi mái ấm để trở về lại lưu xá lúc giữa trưa và dùng bữa trên xe. Đã có những cái ngoảnh đầu nhìn lại, những vẻ mặt trầm ngâm, đượm buồn khi phải rời mái ấm. Không cần nói ra, chúng con đều đã có những bài học cho riêng bản thân mình…
Tạ ơn Chúa vì muôn hồng ân Chúa đã ban xuống trên cuộc đời chúng con. Tạ ơn Chúa vì Chúa vẫn luôn đồng hành, nâng đỡ và chẳng khi nào rời bỏ chúng con dù chúng con nhiều lúc quên đi sự hiện diện gần bên của Chúa. Tạ ơn Chúa vì chuyến đi bình an và cơ hội Chúa mang đến cho chúng con để chúng con biết yêu thương nhiều hơn.
Chúng con rất biết ơn các soeur đã tạo mọi điều kiện cho chúng con được đến với mái ấm, để được trở về với lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa và thực hiện bài học yêu thương của Người. Chúng con xin cảm ơn quý ân nhân đã hỗ trợ cho chúng con trong chuyến đi này. Nguyện xin Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương ban muôn hồng ân và chúc lành cho mọi dự tính của các soeur và quý ân nhân. Chúng con xin chân thành cám ơn.
Nguyễn Thị Mỹ Hảo
Sinh viên Lưu xá Emmanuel I.