Qua buổi tìm hiểu ơn gọi con nhận thấy các Sơ có cách nói chuyện tạo nên sự gần gũi, làm cho sinh viên cởi mở năng động hơn, tự tin hơn khi tương tác với các Sơ. Tuy thời lượng tìm hiểu không nhiều nhưng các Sơ đã cung cấp được khá nhiều thông tin bổ ích, không nặng lý thuyết mà chủ yếu cho sinh viên thực hành bằng cách đặt ra những câu hỏi khác nhau, hoặc trả lời những câu hỏi theo cách mà các Sơ đã cho chúng con tự chọn số và trả lời câu hỏi.
Đầu tiên, các Sơ có đưa ra một số câu hỏi, theo con cảm nhận đó còn là những phương châm sống tốt, sống đẹp, góp phần vào sự thành công trong sự nghiệp của mỗi người và còn có câu con tâm đắc nhất là: “Lúa chín đầy đông mà thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ gặt lúa về”. Vì không phải chỉ là nhóm Mười Hai tông đồ, mà là 72 môn đệ; không phải chỉ là 12 chi tộc Israel, mà là mọi người thuộc mọi dân nước. Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Mọi Kitô hữu đều được mời làm thợ gặt. Cả linh mục, tu sĩ, giáo dân đều được sai đến với cánh đồng hôm nay. Một lời rao giảng làm rộn lên niềm vui: Nước Thiên Chúa đã đến gần anh chị em. Một lời chào thân thiện: Bình an cho nhà này. Một thứ hành trang nhẹ tênh: không túi tiền, bao bị, giày dép. Một việc phải làm: chữa lành những người ốm đau. Một thái độ phải có: khiêm tốn và siêu thoát, đón nhận những gì người ta cung cấp cho, không tìm kiếm tiện nghi, dễ chịu…
Nếu hôm nay Ðức Giêsu sai chúng ta đi, Ngài sẽ dặn chúng ta điều gì? Chắc Ngài sẽ dặn khác, vì cánh đồng con người đã đổi khác. Chúng ta phải hiểu thấu nỗi khát vọng của bạn bè, phải biết nói sao để họ hiểu được, nhạy cảm để thấy điều họ thực sự đang cần, và sống hài hòa với lời mình giảng. Có thể chúng ta sẽ đi giày, và có ba, bốn áo, sẽ có ví tiền và máy vi tính xách tay, sẽ có văn phòng, máy fax và điện thoại thông minh. Nhưng những thứ đó không làm chúng ta nặng nề. Hành trang không được trở thành những cản trở khiến ta mất sự tín thác vào Thiên Chúa và xa lạ với con người, nhất là những người nghèo khổ.
Khi giao lưu, bạn Nguyệt Ánh đã hỏi: “Phải làm sao để biết đó là lời của chính mình nói hay tiếng Chúa nói với bản thân mình” và Sơ Vân đã trả lời cho câu hỏi của Ánh : “Phải thật sự tập tính im lặng để lắng nghe tiếng Chúa” và đưa ra những lời khuyên cho sinh viên như phải vận dụng tất cả trí tưởng tượng, sự khéo léo, nhanh nhạy, quyết đoán để vượt qua những khó khăn nhờ ơn Chúa giúp. Ngoài ra Sơ còn hướng dẫn cho biết có rất nhiều những ơn ích trong đời sống tu trì qua những việc chăm sóc người nghèo, người vô gia cư, người bệnh tật đau yếu...
Trong việc bớt đi khoảng cách với người nghèo cần biết giữ thân thế nào là phù hợp, không gây sự hiểu lầm; trong những tình huống giao tiếp cần thoải mái, không nên nhăn nhó, gây khó chịu cho người nghe mà thay vào đó là nụ cười tươi tắn, thân thiện; cử chỉ nhẹ nhàng, tế nhị, không thô lỗ; sử dụng từ ngữ, ngôn phong chắt lọc... để gây thiện cảm với đối tượng giao tiếp. Các Sơ cũng đã quảng bá về Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ ở nhiều nơi trên thế giới. Cũng có những khác biệt đầy thách đố về văn hóa, ngôn ngữ, thời tiết, ẩm thực, cách sống…, cùng với những khó khăn như một tuần chỉ tắm được một lần...
Với cá nhân con, đã trải qua vài lớp về tìm hiểu ơn gọi thì đây là một buổi tìm hiểu ơn gọi gây ấn tượng mạnh, thú vị và đạt được hiệu quả về mặt truyền tải nội dung. Con cảm thấy, một buổi chưa đủ để học hết những điều hay, những kinh nghiệm lý thú, và không phải trong thời gian ngắn có thể áp dụng được hết những kiến thức mà các Sơ truyền tải. Nhưng những kiến thức đó luôn hữu dụng, có thể không phải là bây giờ, nhưng biết đâu, năm sau, hay hai, ba năm nữa nó sẽ là “hành trang” quý giá khi con bước chân vào “cuộc chiến tìm việc khốc liệt”!
SV phòng 201.