Thế là từ nay tôi không còn được gọi bằng hai từ “sinh viên” nữa, từ nay cuộc đời tôi đã bước sang một trang mới thực sự, kết thúc chặng đường 16 năm đèn sách và mở ra một cuộc sống mới với biết bao chờ đợi, bao chông chênh, bao hy vọng và có chút lo sợ ở phía trước! Ngày hôm nay, ngồi đây trước màn hình máy tính, ngoài trời đang lắc rắc những giọt mưa và trong mình mang chút cảm xúc bâng khuâng, tôi muốn viết cho bản thân vài dòng trước ngày tốt nghiệp, âu cũng để sau này nhìn lại, đọc lại, thấy rằng “À, mình đã có một thanh xuân như thế”!!!
Một đứa trẻ, dù có chìm đắm trong tuổi thơ của mình đến đâu thì cũng phải trở thành người lớn, cũng phải trưởng thành, muốn thế, nó phải tự mình trải qua những cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố. Từ khi bắt đầu là một sinh viên năm tư, tôi đã mang trong mình biết bao cảm xúc, tôi lo lắng cho tương lai của mình phía trước sẽ ra sao, ra trường sẽ làm gì để mưu sinh. Trước guồng quay mạnh mẽ của xã hội, tôi nghĩ sự lo sợ đó là điều hiển nhiên. Bởi cái nghề tôi chọn học vốn dĩ đã không được xã hội “ưa chuộng”. Tôi còn nhớ cái ngày mình là tân sinh viên, mỗi lần tôi nói “Con học sư phạm”, thế là người thì lắc đầu, người thì cười trừ cho qua, người thì thẳng thắn “Ôi, học bốn năm rồi cũng về bế con thôi con à! Giờ ai học cái nghề khó xin việc, khó kiếm ra tiền đấy nữa”. Những thái độ và lời nói như thế cũng ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ của tôi. Thế rồi, tôi xùy một cái và nghĩ “Thôi, phóng lao rồi thì cứ theo lao” và tôi vẫn đi học cái nghề mình đã chọn.
Tôi còn nhớ cái ngày đầu tiên khi tôi đặt chân lên Sài Gòn để đi học là một ngày mưa gió bão bùng. Ngày ấy, tôi được bố đưa lên Lưu xá để gặp các Sr với đồ đạc cồng kềnh. Trong đầu tôi lúc ấy, lưu xá là nơi có các Sr, có các chị, các bạn sinh viên cùng chung sống và sinh hoạt, thế thôi. Sau khi gặp gỡ các Sr, tôi được chị trưởng phòng và Sr dẫn lên phòng. Ấn tượng mà tôi nhớ mãi là lưu xá vô cùng sạch sẽ và thoáng mát nhưng “Sao cái gì ở Sài Gòn nó cũng nhỏ thế nhờ? Cái vòi nước này sử dụng làm sao? Và tôi từng tưởng “Bồn giặt đồ có thể gội đầu ở đó”. Đến giờ nghĩ lại tôi còn buồn cười.
Thế rồi ngày qua ngày, tôi được đi học và sinh sống, nghỉ ngơi trong sự bảo vệ, chăm sóc của các Sr. Tôi nghe bạn tôi nói nó ở kí túc xá mất cái này, ở phòng trọ bị trộm cái kia mà tôi thêm trân trọng cuộc sống ở đây hơn. Vậy mà, thấm thoắt đã bốn năm trôi qua. Giật mình ngoảnh lại, mọi thứ sao nhanh quá! Bốn năm đại học tôi trải qua cũng nhiều chuyện, gặp gỡ có, chia ly có, vui có, buồn có, thất vọng chán nản có. Trải qua tất cả những điều ấy, ngày mai, tôi là một tân cử nhân. Thế nhưng, từ lâu tôi đã luôn nghĩ rằng, ngày tốt nghiệp tôi sẽ không mời quá nhiều người, chỉ một vài người bạn thân là đủ, vì tôi không muốn người thân của mình phải vất vả, tôi muốn thể hiện tình yêu thương bằng hành động cụ thể hơn và cũng một phần vì cái tính luôn thu mình vào của tôi. Tôi cứ nghĩ rằng ngày tốt nghiệp của mình sẽ chẳng có ai biết và tôi cũng không dám hy vọng gì nhiều. Thế nhưng trước ngày quan trọng đó, các Sr và chị em trong lưu xá làm tôi vô cùng ngạc nhiên. Trong giờ đọc kinh ngày hôm ấy, các Sr và chị em trong nhà đã bí mật tặng tôi một chậu hoa với những lời chúc tốt đẹp nhất. Biết bao cảm xúc đan xen trong tôi, từ ngỡ ngàng đến hạnh phúc. Tôi không nghĩ là các Sr và mọi người lại làm một điều đặc biệt như vậy cho mình. Tôi vô cùng biết ơn và trân quý tình cảm ấy của mọi người.
Thế rồi, ngày tốt nghiệp đến, tôi chỉ có 2 đứa bạn thân đến tham dự thôi, thế nhưng ít mà chất lượng. Tôi cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương của mọi người dành cho mình. Tôi nhận ra rằng không phải cứ đông đúc, cứ thật nhiều hoa, nhiều quà mới là hạnh phúc. Con người ta vẫn hạnh phúc nếu họ nghĩ rằng mình hạnh phúc, sẽ cô đơn nếu nghĩ rằng mình cô đơn. Bằng cách này hay cách khác, tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn khi Chúa đã ban cho tôi các Sr, các chị em trong lưu xá, những người thân, người bạn vô cùng tuyệt vời.
Sau ngày tốt nghiệp, có thể chúng tôi sẽ bận rộn với công việc, với cuộc sống mưu sinh, sẽ có thêm những mối quan hệ khác, nhưng tôi tin ở sâu thẳm đâu đó trong tâm hồn vẫn còn chỗ lưu trữ những ký ức tuyệt đẹp về “Thời sinh viên”. “Bạn tôi sáng nhịn ăn lên giảng đường, bạn tôi sáng đjap xe 20 cây số. Thằng đi dạy thêm, đứa làm tiếp thị, thằng làm quán cơm, tối về một gói mì tôm. Tối về kể chuyện nhau nghe, chuyện buồn vui ngày tháng xa nhà…” Những câu hát trong bài “Bạn tôi” lúc này vang lên mới da diết làm sao. Tôi mong rằng sau này, dù công nghệ 5.0 hay 6.0 đi chăng nữa, tình cảm thời sinh viên vẫn mãi như vậy: trong sáng và chân thật.
Thủy Tiên, 600.