MẸ MARIE DE LA PASSION VÀ HOÀ BÌNH

Giữa biết bao bất ổn của thế giới hôm nay, với nhiều biến cố kinh hoàng và chiến tranh vẫn không ngừng tiếp diễn, việc hiểu biết về hòa bình và các phương cách để xây dựng hòa bình là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Chị em Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ muốn đào sâu và thừa kế gia sản của Mẹ Marie de la Passion, muốn bước đi theo luống cày mà Mẹ đã vạch, để sẵn sàng đi khắp mọi nơi, đến với mọi người trong thái độ học hỏi, đón nhận cũng như sẵn sàng trao ban...

 

MẸ MARIE DE LA PASSION VÀ HOÀ BÌNH

Đôi lời giới thiệu . . .

Mẹ Marie de la Passion là Vị Sáng lập của Hội Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ (FMM), sống cách chúng ta gần hai thế kỷ. Đó là một thời đại mà vai trò của người phụ nữ còn bị xem nhẹ, các dòng tu nữ chỉ hiện diện với đời sống chiêm niệm, trong lúc xã hội lại có quá nhiều vấn đề…

Là một phụ nữ ngôn sứ với một trực giác bén nhạy về nhiều mặt, những hành động và suy tư của Mẹ đến ngày nay vẫn rất hợp thời. Cách nay đúng 125 năm, Mẹ đã thành lập Hội Dòng để đáp ứng cho những nhu cầu của thời đại, đặc biệt là cho việc thăng tiến người phụ nữ và giúp chị em trở nên những nhà Thừa sai cho Giáo Hội. Những ưu tiên của chị em là làm việc cho sự phát triển, cho công lý và sự giải phóng toàn vẹn con người, như một nhu cầu cấp bách của sứ điệp Chúa Giêsu. Chị em cộng tác và tham gia vào tiến trình hội nhập đức tin giữa các dân tộc, trong môi trường chị em tháp nhập. Ở những nơi không thể công bố rõ ràng về Đức Giêsu Kitô, công cuộc Phúc Âm hóa được thực hiện qua chứng tích đời sống, đặc biệt qua việc Thờ Phượng Thánh Thể và sự hiện diện của chị em với những người nghèo nhất như dấu chỉ và sự biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa trong thế giới.

Cuộc đời của Mẹ Marie de la Passion đặc biệt là mẫu gương cho chị em trong khía cạnh kiến tạo hòa bình và hòa giải - ấn dấu Phan sinh của Hội dòng  - chị em Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ dấn thân đấu tranh cho một thế giới công bình hơn, nhân bản hơn, cùng cộng tác với những người đang làm việc cho mục đích này. Chị em không phân biệt chủng tộc, văn hóa, quốc tịch, tôn giáo hay đảng phái chính trị, nhưng đến với mọi người kém cỏi, khiếm khuyết thể lý hay tâm thần, người thất học, tị nạn chính trị hay di dân, với những dân quê nghèo nàn, những người vô tổ quốc hay phải sống tha hương, với các tù nhân, người phung cùi, các bệnh nhân, thăng tiến phụ nữ, làm việc giữa những phạm nhân, gái điếm, kẻ nghiện ngập ma túy, những gia đình tan vỡ...

Giữa biết bao bất ổn của thế giới hôm nay, với nhiều biến cố kinh hoàng và chiến tranh vẫn không ngừng tiếp diễn, việc hiểu biết về hòa bình và các phương cách để xây dựng hòa bình là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Chị em Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ muốn đào sâu và thừa kế gia sản của Mẹ Marie de la Passion, muốn bước đi theo luống cày mà Mẹ đã vạch, để sẵn sàng đi khắp mọi nơi, đến với mọi người trong thái độ học hỏi, đón nhận cũng như sẵn sàng trao ban. Chắc hẳn chúng ta sẽ góp phần thay đổi chiều hướng của lịch sử nếu chúng ta biết cách trao ban Chúa Kitô cho nhân loại.

Bước vào đầu mỗi một năm mới, Sứ điệp của Đức Thánh Cha trong ngày Thế Giới Hòa Bình cũng mời gọi mỗi người chúng ta sống công bằng, yêu thương và tha thứ. Trong tinh thần đó, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Sr. Rose Fernando - fmm, nói về Mẹ Marie de la Passion là con người có trực giác ngôn sứ về một nền văn hóa hòa bình. Trực giác đó thể hiện qua bút tích của Mẹ, cũng như các chứng tích đời sống rất gần gũi với mỗi chúng ta. Mong ước đây là một đóng góp nhỏ bé giúp chúng ta suy nghĩ để áp dụng cho chính mình. Nhờ đó mỗi người chúng ta sẽ trở nên khí cụ bình an cho mọi người.

Mẹ MARIE DE LA PASSION:

TRỰC GIÁC NGÔN SỨ VỀ MỘT NỀN VĂN HOÁ HOÀ BÌNH

Sự hiểu biết về hòa bình của Mẹ Marie de la Passion đâm rễ từ nơi Thiên Chúa, từ trong gia đình nơi Mẹ tăng trưởng và trong bối cảnh lịch sử thời Mẹ. Mẹ lớn lên trong một ngôi nhà gồm hai gia đình kết chặt lại, nơi mà tình yêu và sự hiệp nhất ngự trị. Điều này góp phần cho những kinh nghiệm sâu xa của Mẹ về hòa bình, ngay tại Châu Âu của thế kỷ 19 và Giáo Hội Kitô giáo đầy những hỗn loạn. Chính vì để chống lại những tụt hậu mà Mẹ đã phát triển trực giác ngôn sứ về hòa bình của mình.

Hòa bình đâm rễ nơi Thiên Chúa và trong tinh thần Phan Sinh:

Đối với Marie de la Passion, bao lâu một con người còn có Thiên Chúa thì người đó sống trong bình an. (CT/2: 184) Cả cuộc đời của Mẹ phản ánh chân lý này. Ở một nơi khác Mẹ nói rằng “Bình an chỉ có thể giữ được qua việc biết từ bỏ cho Thiên Chúa”. (CT/2: 315).  Mẹ xác tín rằng nếu chúng ta thực sự đâm rễ trong Tin Mừng và trong tinh thần chí ái, sự an bình của chúng ta sẽ không khi nào bị xáo động. (MD 285)

Hòa bình được xem như sự nghèo khó về tinh thần và về vật chất:

Theo như Marie de la Passion, chúng ta chỉ có thể có sự hòa bình đích thực nếu chúng ta sống nghèo trong mỗi ý nghĩa của ngôn từ này, và nếu chúng ta có thể kêu lên như Cha thánh Phanxicô : “Thiên Chúa tôi và Tất cả của tôi.” (CT/2: 184)

Hòa bình đến từ công lý:

Bình An, là “hoa trái của yêu thương” (IP, 216) và của chân lý, kế đó là hoa trái của công bằng… Mẹ thường nói về nhu cầu “kiến tạo hòa bình giữa trời và đất”, mà theo Mẹ, đó chính là đặt thế giới này trở lại trong kế hoạch của Thiên Chúa.

Mẹ mời gọi chúng ta tiến bước để giúp đỡ những ai đang gặp hiểm nguy, để làm bạn với những ai tuyệt vọng, để nâng đỡ những mục tiêu vì chính nghĩa và liên kết với những người bảo vệ sự thật… (MD 12).

Hòa bình đến từ những mối tương quan đúng đắn:

Mẹ Marie de la Passion đặt một tầm quan trọng lớn lao cho các mối tương quan Phúc Âm với mọi người, không loại trừ một ai. Tất cả những ai làm thương tổn đến Mẹ cách sâu xa, Mẹ đều tha thứ cho họ, và Mẹ xin chị em đừng bao giờ lỗi đức ái khi nói về những người làm cho Mẹ đau khổ. (Khi Mẹ rời Ooty về Roma).

Khi bị cất chức khỏi trách vụ Bề Trên Tổng Quyền, Mẹ giữ sự bình thản và tĩnh lặng, vì biết rằng Thiên Chúa trong tình thương xót của Người sẽ có ngày cho phép Sự thật và Bác ái chiến thắng. Trong liên hệ với những con người khác nhau trên mọi nẻo đường cuộc sống, Mẹ tỏa chiếu sự bình an trong cách mẹ hợp tác với họ, vì mối bận tâm duy nhất của Mẹ là cổ võ cho Triều Đại của Thiên Chúa. Một số người mà Mẹ có tương quan với họ là: các Linh mục, Tu sĩ,  các nhà lãnh đạo Công giáo (như ông Léon Harmel), nhóm Công đoàn thương mại (Béitry), các viên chức quân sự trẻ (như ông Marc Sangnier), các nhà xã hội (Decurtins, Lorin), các phụ nữ thuộc giai cấp thượng lưu (đặc biệt ở nước Áo và Hungary), các nhà lãnh đạo đảng phái chính trị (Mgr. Shaepmann), các nhà tài chính (Pacelli, Count de Burnay)… Mẹ cố gắng thận trọng để hiệp nhất họ, như một khí cụ của sự bình an. Mẹ cũng lấy làm tiếc về sự chia rẽ giữa giới quân sự Công Giáo, và sự chia rẽ giữa những trường phái tư tưởng khác biệt, mà thường chống lại nhau cách đầy bạo lực.

Hoà bình đến từ sự cởi mở với thời đại của Mẹ:

Mẹ là người phụ nữ của trực giác, và điều này thật rõ ràng khi Mẹ phân tích về xã hội thời Mẹ: “Tương lai thuộc về người dân… Tôi tin rằng đó là sự thực...”. (JO, 18-5-1902); “các con suối và dòng chảy của người dân sẽ cắt ngang những bình nguyên và núi non… họ sẽ chỗi dậy như một dòng tộc mới…”; “…người công nhân đã trở nên vững chãi, tự hào, anh ta không còn muốn của bố thí nữa… đó là lý do vì sao giải pháp thực sự cho vấn đề xã hội là giao công việc cho người dân…” (trích trong “Sự dữ và các niềm hy vọng của nước Pháp”, từ quyển tiểu sử do M. M. Jehanne và Hygonet viết).

Hòa bình đến từ lòng thương xót, sự ân cần và kính trọng với người nghèo:

Mẹ dành thời gian và sức lực cho người nghèo và những người ở trong cảnh túng quẫn (JO. 13-8-1896). Chúng ta đọc về mối quan tâm và sự kiên nhẫn của Mẹ đối với những người di tản Ácmêni, và Mẹ đã dành cho họ lòng hiếu khách tại nhà Via Giusti (JO, 16-11-1897). Mẹ còn dành nhiều thời gian, mặc dù rất mệt, tìm kiếm phương cách để làm cho món quà hữu ích gồm trái cây và rau lấy từ Grotta trở nên theo kiểu một gói quà, để trông không giống như của bố thí. (JO, 22-8.1897).

Hòa bình qua việc giáo dục:

Nói về mối quan tâm của Mẹ đối với lớp dạy nghề mà mẹ nài nỉ để xin cho có được vì nhu cầu giáo dục ...  (Thư từ của Mẹ với ông G. Decurtins, 1903-1904)

Hòa bình được xem như không loại trừ một ai:

Mẹ đã mời gọi chúng ta vào mỗi cuối ngày tự hỏi chính mình xem chúng ta có bất kỳ mối ác cảm nào với ai không, và nếu chúng ta có, phải cố gắng để thắng vượt nó, bằng cách làm một cử chỉ cụ thể (“nụ hôn bình an”chẳng hạn), và không loại trừ bất kỳ ai trong tiến trình đó. (CT/1: 133)

Hòa bình đến từ tinh thần hèn mọn:

Mẹ không tìm kiếm những hành động thu hút sự chú ý. Mẹ đã hành động cách cá nhân và làm nổi lên những sáng kiến khiêm tốn. Mẹ có cách riêng của mình để trang bị năng lực cho người khác. Đường lối hành động của Mẹ là “bắt đầu từ điều nhỏ…, chờ đợi giờ của Chúa cho sự phát triển của nó”. (Thư gởi ông Pacelli, 27.12.1903)

Hòa bình như là sự hoà giải:

Mẹ nói với chúng ta rằng đừng bao giờ đi ngủ mà chưa có được sự giải hòa, mà không có “sự tái lập bình an hoàn hảo”. (MD 684).

Từ khi còn là một đứa bé, mẹ đã hiểu thấu sự quan trọng của điều này, và đã sống nó. Chúng ta đọc trong cuộc đời của Mẹ về một sự kiện trong gia đình,… về cách mà Mẹ đã không thể đi ngủ khi chưa xin lỗi người anh rể, mà trong ngày đó mẹ đã có một cuộc tranh cãi quyết liệt.

Hòa bình, nối kết sự hiệp nhất và tha thứ những xúc phạm:

Mẹ đã mời gọi chúng ta chiếm hữu cho được, và gieo rắc quanh ta sự Bình an, Hiệp nhất và Tha thứ, ở bất cứ nơi nào chúng ta đến. (MD 234)

Hòa bình để có thể đương đầu với những tranh đấu và những khó khăn:

 Mẹ đã xin chị em giữ sự mạnh mẽ trong đức tin, niềm hy vọng và đức ái, vì theo Mẹ chỉ khi đó chúng ta mới có thể đương đầu với các vấn đề. (CS 5)

Hòa bình như sự hiền lành và khiêm hạ:

Chúng ta có được bình an nếu chúng ta sống hiền lành và khiêm nhường. (CT/2: 221).

Hòa bình không phải là sự bình lặng:

Mẹ Marie de la Passion cảnh báo cho chúng ta cách rõ ràng là không được tìm kiếm sự an bình trong những “vẻ bình lặng” tiêu cực, không tránh né những va chạm của cá tính… Mẹ qui chiếu về Chúa Giêsu, sự thông hiểu của Người về hòa bình thể hiện không phải bằng sự im lặng, và là Đấng qua đau khổ dạy cho chúng ta biết ý nghĩa đích thực của sự bình an thế nào. (CT/2: 70)  

Kết luận:

Mẹ Marie de la Passion muốn chúng ta trực diện và suy tư về Hoà Bình. Theo Mẹ, điều này chỉ có thể có được khi chúng ta sống yêu thương, hiền hòa và vui tươi (MD 135). Đây là cả một chương trình sống. Thế kỷ mà chúng ta mới chấm dứt được xem như một trong những thế kỷ bạo lực nhất của lịch sử. Sự hiểu biết về hòa bình của Mẹ Marie de la Passion phải được đem tháp nhập vào. Toàn bộ đời sống của Mẹ phản ánh sự bình an. Mẹ là sự bình an. Trong lúc chúng ta sống trong một thiên niên kỷ mới, và hướng đến việc xây dựng một nền văn hóa vì Hòa bình, nguyện xin cho mỗi chúng ta, các Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, có thể đóng góp để làm thay đổi dòng lịch sử này, bằng cách trở thành những người kiến tạo hòa bình, xây dựng hòa bình và cầu nguyện cho hòa bình.

…Chúng ta có một sứ vụ bình an cần hoàn thành.... (NS 291)

... Chị em hãy đạt cho được ân ban, là trở nên thành phần của đạo quân những người kiến tạo hòa bình, mà đến hôm nay, than ơi, hãy còn quá nhỏ bé...  Amen. (MD 221)

Rose Fernando, FMM

(M. Ngọc Lan, fmm – chuyển ngữ).