Dâng hiến Sáng tạo (phần 12)

Một công việc bên ngoài xem ra nhỏ bé có thể rất quan trọng về giá trị, vì nó đem đến sự trợ giúp cho một bề trên quá nặng gánh hay một đồng bạn mệt mỏi. Một tu sĩ tự động làm những công việc lặt vặt mà người khác bỏ quên, lượm các vật dụng hay rác rến quanh nhà và chú ý đến các chi tiết nhỏ nhặt khác thật rất quý giá cho cộng đồng.

Dâng hiến Sáng tạo (phần 12)

Bất thích ứng

Một tu sĩ thiếu an ninh nơi chính mình hay quá buồn phiền vì bị bỏ rơi đương nhiên sẽ có những thái độ hung hăng gây hấn. Cuối cùng họ tuyên bố là trong cuộc đời cần phải biết xoay xở; cũng có thể tìm đến những phương thế ti tiện để người ta nghe thấy tiếng nói của họ hay sử dụng những cách đặt điều nói xấu hoặc những thủ đoạn đê hèn khác để thỏa mãn hận thù.

Người tu sĩ sống bình an với bề trên và được cộng đoàn chấp nhận không cần những thứ tự vệ này. Trong một cộng đồng, bề trên và tu sĩ có thể làm nhiều điều để sửa chữa hoàn cảnh này. Không phải bằng những lời phỉ báng cay chua vốn không thay đổi gì, nhưng bằng cách học biết đón nhận kẻ khác.

Các tu sĩ gây hấn sẽ không đầu hàng cho đến khi họ được chấp nhận trong cộng đoàn. Càng muốn cho họ thấy cái dở trong tác phong của họ, càng làm cho họ ngoan cố trong sự đối kháng và nhu cầu làm nổi bật chính mình. Người ta nói: “tôi đòi hỏi công bình”, nhưng phải hiểu là: “tôi muốn được chấp nhận”. Nói cách khác, đương sự sẽ nhận ra trách nhiệm của mình như phần tử của nhóm, ngày nào mà đương sự được chấp nhận như phần tử của nhóm. Nếu bạn bỏ rơi họ, họ sẽ không thích ứng được. Các thái độ tự vệ là những dấu chứng của tình trạng bất thích ứng.

Thật đặc biệt khó khăn cho một vị bề trên – cũng như khó cho mọi tu sĩ – là nhìn nhận rằng mình có xu hướng từ rẫy đối với một vài người. Một vài sự quên lãng, một vài dấu hiệu thiếu kiên nhẫn và tức giận, còn được, nhưng nhìn nhận rằng mình có thành kiến và bất bình với ai đó, thì quá cực nhọc.

Khi thấy sự vô trách nhiệm xã hội nơi kẻ khác, với một chút sáng suốt, chúng ta không thể không nhớ rằng: chính các thái độ của chúng ta có thể làm tê liệt thiện chí của họ. Rất dễ mà biện hộ cho những tâm tình đố kỵ của chúng ta bằng cách nhắm mắt lại trước những nhu cầu của kẻ khác; việc phát huy trách nhiệm xã hội là một tiến trình hai chiều: cởi mở đối với chính mình và cởi mở đối với kẻ khác. Đòi hỏi đối với chính mình, nhưng bao dung đối với tha nhân, đó là lý tưởng của một tu sĩ có trách nhiệm trên bình diện xã hội.

Một vài dấu chỉ bất thích ứng xã hội và thiếu thích ứng cá nhân rất thường bị bỏ quên vào lúc đầu. Sự khẳng định chính mình (ra vẻ ta đây) để được nhìn nhận là một phương thức chống đối xã hội (anti-social). Thường những thành quả tốt đẹp thì đáng ghi nhớ, cả khi không cần đòi hỏi, nhưng kẻ nào không đựơc phần chú ý mà họ có quyền đòi hỏi, thì trong vô thức có thể sử dụng các phương tiện tiêu cực để được chú ý, bắt kẻ khác theo ý mình hay làm ngược lại điều kẻ khác muốn. Do đó mà có nhiều sự va chạm và đổ vỡ.

Báo thù

Thói quen hận thù với những mưu đồ thật ti tiện là một ngăn trở nghiêm trọng cho các tương quan xã hội. Người ta có thể tìm cách trả đũa, đối xử với các tu sĩ khó thương bằng những phương thế tinh vi. Nhưng sự trả thù không làm giảm bớt các khuyết điểm của kẻ mang nó. Nó chỉ làm hại cho kẻ chủ trương nó. Người báo thù chỉ làm thiệt hại cho chính mình, mà không có lợi ích nào khác.

Đáp trả sự khinh thị bằng những lời mạt sát không làm cho bầu khí thêm trong sáng. Đối chọi với các lời đả kích bằng sự khinh miệt cũng không giảm bớt sự đụng chạm, trả lời kẻ khoe khoang bằng một cái cười ngạo nghễ cũng không thêm được gì. Ngoài đặc tính xúc phạm, các lời đáp tiêu cực chỉ tổ làm gia tăng sự bất đồng ý kiến và thêm căng thẳng. Chà đạp và chèn ép là hai giải pháp không đem đến kết quả nào.

Nói quanh

Nhiều khi trong các tiểu thuyết và kịch bản người ta cho thấy những cách nói quanh để xoay xở như một điều hợp pháp. Nhưng thực ra đó là một điều thiệt hại cho sự cương trực của tinh thần, cho suy nghĩ có trách nhiệm. Sử dụng cách nói quanh để tránh phiền hà hay trốn thoát những đòi hỏi khắt khe của lề luật là một xảo kế chống-xã-hội, mặc dầu ít có người nghĩ đến điều đó. Thường thì đó là những sự dối trá thực sự dưới chiêu bài xoay xở. Thường xuyên sử dụng cách nói đầy ẩn ý cuối cùng làm tiêu hủy sự chân thành và lòng tin tưởng.

Nghĩ rằng, vì các sự lơ đễnh hay lỗi phạm mà kẻ khác đáng gặp thất bại và mất tiếng tốt của mình, chứng tỏ một phán đoán nghèo nàn. Chính Thiên Chúa cũng không phạt chúng ta vì mỗi lầm lỡ của chúng ta; nếu Người làm thế, tất cả thời giờ của chúng ta phải dùng vào việc đền tội. Tin rằng một đồng bạn đáng gặp thất bại hay thiệt thòi, là phán đoán quá mức về tội trạng của y. Trách nhiệm xã hội đòi buộc một thái độ trưởng thành đối với kẻ khác, là muốn sự thiện cho kẻ khác về phương diện xã hội cũng như cá nhân. Nếu không có thái độ này, chúng ta không hành động tốt hơn con thú, vốn chỉ biết bảo vệ nòi giống theo bản năng và tuân theo quy luật “mạnh thì sống”.

Khuyến khích Sáng kiến

Khuyến khích sáng kiến của các tu sĩ là một công việc hữu ích. Nhiều khi các tu sĩ trẻ cho rằng “tinh thần phục vụ” không lợi gì cho họ, bởi vì người ta lạm dụng thiện chí của họ. Nếu họ tình nguyện làm một công việc phụ trội, thì họ nhận thấy người ta bắt họ làm quá nhiều. Tuy nhiên, nếu cả nhóm đều có óc sáng kiến và có tinh thần cộng tác, thì không còn phải sợ kẻ khác lợi dụng.

Các tu sĩ trẻ phải học tự chính mình đảm nhận trách nhiệm trong một vài trường hợp. Mưa tạt ướt phòng bên cạnh, nếu ai biết điều đó thì đi đóng cửa sổ, coi như công việc ấy liên can đến mình cách trực tiếp. Sự thờ ơ đối với lợi ích chung của cộng đồng hay đối với các nhu cầu của một tu sĩ khác là một thiệt hại lớn lao và trên phương diện luân lý, đó thường là dấu chỉ của một sự xung đột nội tại nghiêm trọng. Điều này có lý do của nó. Những người bị chi phối bởi những bận tâm riêng của mình, chắc chắn phải mù lòa trước nhu cầu của kẻ khác hay giải thích những nhu cầu ấy cách lệch lạc.

Ba con đường của đời sống Kitô hữu

Đối với đa số Kitô hữu, sự tiến đến hoàn thiện như mục đích cuối cùng là một cuộc hành trình chậm chạp và lâu dài và bằng những con đường khác nhau tùy theo từng người. Như vậy, trên nguyên tắc, có nhiều ơn gọi theo tài năng và khí chất; nhưng nếu xét kỹ, thì chỉ có ba lối dấn thân cơ bản: quyết định hoàn bị đời sống thiêng liêng một mình; chọn đời sống lứa đôi trong hôn nhân; hay tận hiến cho Thiên Chúa trong đời sống tu trì. Không có giải pháp khác: sống một mình, với một người khác hay với nhiều người.

Các tu sĩ đã chọn đời sống cộng đồng; chính bởi lối sống tập thể mà họ thể hiện con đường tiến bước thiêng liêng. Họ nhắm đến sự kết hợp với Chúa Kitô bằng các tương quan liên vị trong gia đình tu viện và họ không thể đạt đến mục đích bằng cách nào khác. Những ai tìm kiếm một con đường khác, ở ngoài tương quan với cộng đồng mà họ trực thuộc, thì cố gắng đưa tay nắm lấy một sự thiện vốn không hiện hữu đối với họ. Chính vì thế mà chúng ta có trách nhiệm rất lớn về sự tiến bộ thiêng liêng của nhau. Chúng ta không thể tăng trưởng một mình. Chúng ta tùy thuộc nhau, vì đã chọn con đường tìm Chúa qua đời sống cộng đồng.

Nếu chúng ta loại trừ một người anh chị em ra khỏi tập thể cộng đồng của mình, thì cũng bỏ đi con đường duy nhất được dành cho họ để tiến tới đời sống thiêng liêng. Sự dấn thân theo Chúa Kitô trong đời sống tu trì là một công việc của trách nhiệm hỗ tương. Nếu có thất bại thì cùng nhau thất bại; nếu thành công, thì cùng thành công. Không có một sự thất bại hoàn toàn cá nhân, cũng như không có sự thành công hoàn toàn cá nhân. Điều này có vẻ thật khắt khe và cứng rắn, nhưng sự chọn lựa của chúng ta từ đầu có tính cách tự do; các tu sĩ tự hiến cho Thiên Chúa qua đời sống cộng đồng.

Các dòng tu trình bày những quan niệm khác nhau về đời sống cộng đồng. Trong một vài hội dòng, nhất là các dòng chiêm niệm, đời sống cộng đồng rất chặt chẽ; trong dòng khác, đời sống cộng đồng bao gồm nhiều công việc khác nhau vốn đòi hỏi các thành viên sống riêng lẻ thường ngày trong một thời gian nào đó.

Có bao nhiêu dòng tu thì cũng có bấy nhiêu sự khác biệt. Nhưng cũng nên có một vài ý tưởng về các thích nghi xã hội cần thiết cho đời sống tu trì, nếu không thì chắc không tránh khỏi những xung đột tâm lý và những thiệt hại thiêng liêng. Một tu sĩ phải hiểu được các lợi ích thiêng liêng của đời sống cộng đồng và nhờ thế họ mới ham thích sống chung và cũng làm cho kẻ khác cảm nếm được lợi ích của lối sống này. Họ rất tận tình hành động để siết chặt mối dây thân hữu giữa các đồng bạn và khi thông hiệp với kẻ khác, họ cũng thông hiệp với Chúa Kitô.

Con người có nhiều giới hạn và khuyết điểm. Luôn nhìn thấy những sự yếu đuối loài người nơi kẻ khác, có nguy cơ làm chúng ta phải mù quáng về những phẩm tính và đức hạnh thực sự của họ. Một tu sĩ phải biết giá trị nội tại và tầm quan trọng của sự tham gia vào sinh hoạt cộng đồng trước tiên như phương thế hữu hiệu cho sự tăng trưởng thiêng liêng của mình rồi sau đó mới đến sự viên thành tâm lý.

Hiện nay người ta rất khổ sở vì sự cô độc trong một xã hội mà mỗi người có cảm tưởng mơ hồ là mình “bị bỏ rơi”. Một nền văn hóa kỹ thuật đương nhiên đòi hỏi cạnh tranh và bởi thế cá nhân rất dễ bị xóa mờ trong đám đông đến độ làm mất nhân phẩm của mình. Đời sống cộng đồng không phải là trốn tránh những sự đấu tranh cho cuộc sống, nhưng là một nơi luyện lọc để các đức tính cao quý nhất của sự cởi mở cho tha nhân và và xã hội tính đích thực có thể tạo một bầu khí đặc biệt thuận tiện cho đời sống thiêng liêng.

Thăng tiến thiêng liêng nhờ cộng đồng

Mỗi người phải giả thiết rằng đồng bạn của họ có thể thông cảm với họ và với nhau. Ai cho rằng không thể có đời sống hạnh phúc trong môi trường của họ thì hoặc họ sẽ đau khổ vì một mặc cảm bị bỏ rơi hay vì một lý do nào khác, họ sẽ thấy mọi sự với cái nhìn đen tối. Người ta không thể kiên trì trong đời sống cộng đồng và tìm sự cứu độ nơi đó, mặc dầu có những kẻ khác nhưng bởi vì có kẻ khác và với kẻ khác: vận mạng chúng ta được trao phó cho anh chị em.

Sự chú ý và tôn trọng lẫn nhau phải là những đặc điểm của cộng đồng chúng ta. Cộng đồng không phải là một thể thức hiện hữu bị áp đặt bằng võ lực và được bảo vệ bằng các vòng rào chống lại sự tự do hay một hệ thống những hạn chế được quy định bằng hình luật. Trưởng cộng đồng nào thích sử dụng các phương pháp tiêu cực và sửa trị, và là đồ đệ nhiệt thành của một loại tương quan liên vị khắc khổ (theo kiểu Jansénius), thì có thể thông giao não trạng này cho các môn sinh của mình, nhất là những người trẻ tuổi.

Nhưng cách chung, các tu sĩ ước muốn cảm nếm niềm vui của ơn gọi và các đặc ân của đời sống cộng đồng. Các tu sĩ thích nghi với đời sống cộng đồng thường không biết đến những sự giằng co trong nhóm của họ. Không thể tránh là người này hay người kia thường cãi cọ với nhau, không đồng ý với kẻ khác, nhưng không vì thế mà tình cảm của họ đối với toàn thể cộng đoàn bị thay đổi. Họ biết đánh giá những sự cố gắng và công việc của kẻ khác, cả đối với những người mà họ không cảm thấy đặc biệt lôi cuốn. Việc thích nghi cộng đồng tùy thuộc ước muốn chân thành và thích thú được ở chung với nhau.

Người tu sĩ trưởng thành cố gắng nhìn thấy trong các buổi hội họp, cơ hội đến gần nhau trong cách suy nghĩ để có thể cộng tác thân mật hơn trong tư tưởng cũng như hành động. Có lẽ nếu xét bên ngoài thì không thấy nếp sống cộng đồng đem nhiều lợi ích, nhưng năng động tập thể cũng ảnh hưởng một cách tinh vi và các hậu quả vô hình có thể rất sâu xa hơn hình thức bên ngoài. Cốt yếu là làm sao mọi tu sĩ đều phải vun trồng thái độ cộng tác này, một tình trạng tinh thần hữu ích và ý nghĩa cho mỗi người cũng như cho tất cả, còn hơn là các thành quả khả nghiệm.

Chớ gì không ai nghĩ là đã mất đi lý tưởng cộng đồng khi thấy tính chất nghèo nàn của các kết quả. Tinh thần của mỗi người để tham gia vào sinh hoạt của kẻ khác còn quan trọng hơn mọi đóng góp cụ thể. Điều đáng kể cho sự liên đới của một cộng đồng, trước tiên là sự nâng đỡ tinh thần mà mỗi người đóng góp vào đó chớ không phải là tiền của hay cả tài năng của họ.

Nòng cốt của một nhóm cộng đồng được gầy dựng bằng sự tụ họp của thiện chí, tương trợ và các tài nguyên của các phần tử. Điều gì phân chia sự trực thuộc hỗ tương của các phần tử cũng làm cho nó yếu đi. Môi trường cộng đồng là nơi nương náu đặc tuyển của người tu sĩ thích ứng. Họ không cảm thấy hạnh phúc hơn khi ở ngoài cộng đồng. Chắc chắn họ cũng thích có cơ hội để nghe diễn thuyết, gặp gỡ các tu sĩ khác và những người ngoài đời, giải trí đôi chút và có dịp để ra ngoài, nhưng bình thường họ phải luôn luôn vui thích khi ở lại cộng đồng, mái ấm đích thực của họ, nơi duy nhất hoàn toàn thuận lợi cho sự sung mãn thiêng liêng của họ.

Không phải là họ không biết những điều gì xảy ra nơi khác, lợi ích thiêng liêng và giáo dục cao đẳng mà các tu hội khác hiến cho tu sĩ của mình, nơi đó sự tiến bộ có thể được nhanh chóng hơn và ít khó nhọc hơn. Dầu vậy, đối với riêng họ, với tính cách tu sĩ, không có điều gì khác tốt đẹp hơn cho việc phát huy nhân cách ngoài gia đình tu viện của họ. Dấu ấn đặc trưng của tu sĩ thích ứng là tinh thần đồng đội (hay cộng đồng) của họ.

Công việc được giao phó

Mọi tu sĩ đều có thể coi công việc được chỉ định cho mình như một phương thế quy giá để tăng trưởng trong đời sống thiêng liêng và tâm lý. Đa số những kỹ thuật hữu ích để tăng hiệu năng trong công việc cũng trùng hợp với những đức hạnh giúp tăng trưởng thiêng liêng và với các đức tính cá nhân cũng như xã hội vốn cấu thành những yếu tố của sự trưởng thành tâm lý.

Thực ra và đúng lý mà nói, không có xung đột giữa các khía cạnh khác nhau của việc phát huy nhân cách. Những khía cạnh này đều hướng về sự viên mãn và thành toàn của hữu thể nhân linh. Một tu sĩ không kém đức hạnh hơn bởi vì xuất sắc trong công việc. Kẻ ấy cũng không phải là tu sĩ tốt hơn bởi vì quá tầm thường trong phương diện giao tế xã hội hay trong các công việc trần thế. Mọi sự đều tùy thuộc hệ thống đẳng trật các nguyên động của từng người và tầm quan trọng tương đối họ gán cho mỗi công việc.

Nói cách khác, nếu một tu sĩ nhắm đến những thành đạt học vấn hay muốn hoàn thiện trong chức vụ điều dưỡng, quản lý hay nhạc sĩ thì người ấy không cắt xén điều gì trong các tiến bộ như một tu sĩ hay làm giảm bớt đi sự hội nhập như một con người thành toàn, nếu thực sự người ấy đã không làm điều gì lỗi. Nếu sự chú tâm chu toàn bổn phận làm cho người ấy chậm lại trong bước tiến thiêng liêng, bỏ kinh nguyện và các giờ chung, thiếu bác ái đối với kẻ khác vì vô tình hay hữu ý, thì sự lưu tâm làm một công việc cách tốt đẹp làm cho kẻ ấy quên đi điều cốt yếu của một công việc lớn hơn và đời sống hoạt động của họ chỉ là một sự quay cuồng náo động.

Nhưng một tu sĩ biết tuân giữ hệ thống đẳng trật các giá trị trong công việc và đời sống thiêng liêng và biết thích ứng chính mình vào hoàn cảnh, thì chắc chắn phục vụ cộng đồng của mình cách tốt đẹp hơn và nhờ thế tiến xa hơn trên con đường toàn thiện.

Trong một nghĩa nào đó, sự thích ứng vào công việc được hoạch định là một đức tính quan trọng đối với tu sĩ còn hơn là đối với giáo dân. Tu sĩ ít có dịp để bù trừ sự căng thẳng, hậu quả của tình trạng thiếu thích nghi vào công việc; giáo dân có nhiều phương tiện giải trí hơn. Thường thì tu sĩ phải tìm thấy trong chính công việc của mình một sự giải tỏa cho các nhọc mệt của đời sống nội tâm. Các việc đạo đức đòi hỏi một sự tập trung cao độ. Một sự thay đổi ý tưởng và công việc như sự chuyển tiếp từ các giờ kinh quy định đến giờ học hay giờ làm việc, có thể đem đến một sự thư thái nào đó, miễn là chính công việc không đưa đến áy náy và suy nhược tâm thần.

Người tu sĩ có thể cảm thấy chán ngán công việc vì không có tự do, không được đóng góp sáng kiến và sáng tạo cá nhân. Phải có một chút tự do nào đó để hoàn tất mọi công việc cách tốt đẹp. Một công trình tốt đẹp là một công việc được làm cách tự do. Cả khi một tu sĩ không đặc biệt khéo léo trong nghề của mình, thì cũng có thể làm việc ấy cách vui tươi nếu người ta cho họ thì giờ để họ làm theo sở thích, ý tưởng và cách thức của họ.

Một công việc vốn kêu gọi đến “độc đáo tính” thường rất hữu ích cho tác giả của nó, cũng là thích hợp nhất cho việc phát triển cá nhân và tiến bộ thiêng liêng. Dấn thân vào công việc trong cốt yếu là tự hiến chính mình. Đa số các tu sĩ đều muốn làm việc của cộng đồng cách chung, nhưng họ vẫn ước ao làm công việc ấy một cách đặc thù (theo cách của riêng mình).

Trong một cộng đồng tu sĩ, không phải luôn có thể giao cho mỗi người một công việc họ thích; dầu vậy cũng phải nhắm đến điều đó vì nó ích lợi cho tất cả mọi người. Vì nghe giảng dạy quá nhiều về sự hãm mình, các tu sĩ còn giữ mãi cảm tưởng là điều gì “làm vui thích” dầu là con người, nơi chốn hay sự vật, thì không tốt. Chán ghét công việc của mình hay bất cứ điều gì thì không thể là một đức hạnh. Sự yêu thích công việc của mình có thể được nhiều công phúc và lợi ích cho cả cộng đồng.

Một tu sĩ không có khả năng yêu mến công việc thường ngày mà kẻ ấy phải bỏ phần lớn thời giờ để làm thì chắc chắn sẽ lãnh nhận những hậu quả tai hại: tình trạng xao xuyến, xu hướng gây hấn, bực dọc. Trái lại, một người có thể dần dà yêu thích một công việc mà họ ghê tởm vào lúc đầu. Có thể họ ghê sợ vì thiếu kinh nghiệm hay vì một cảm tưởng bất lực. Sau khi vượt thắng các chướng ngại, họ bắt đầu lên tinh thần và thích nghi với công việc.

Nhưng nếu sự chán ghét có một nguyên nhân sâu xa hơn, một sự thiếu khả năng thực sự để làm một công việc lâu dài, thì họ có thể tìm “bù trừ” một cách vô thức hay phải suy sụp mà không biết tại sao. Một trong những nguyên nhân thông thường nhất của các trạng thái suy nhược thần kinh là sự thiếu thích ứng đối với công việc. Một trong những phương dược tốt nhất chống lại các sự buồn nản thường ngày trong cuộc sống ở thế kỷ XXI, là tìm thấy một công việc thích hợp.

Người ta cần phải lưu ý đến tầm quan trọng của việc thích ứng vào công việc trong đời sống tu trì cả trên bình diện tâm lý lẫn thiêng liêng. Có lẽ trong một trường hợp nào đó, không thể có sự thuyên giảm tức khắc, nhưng nếu tu sĩ may mắn gặp một linh hướng có khả năng nghe họ thì sẽ giúp họ giải quyết vấn đề. Một thứ chinh trị “bế quan tỏa cảng” nào đó của bề trên có thể gây thất đoạt và tuyệt vọng làm u ám toàn thể đời sống thiêng liêng. Tu sĩ nào có thể giải bày các khó khăn trong công việc với bề trên có thiện cảm và thông cảm, thì có nhiều cơ may tránh khỏi các xáo trộn nhân cách.

Tu sĩ có thể giúp đỡ lẫn nhau trong công việc. Giúp công việc của kẻ khác là khuyến khích họ làm tốt hơn. Chúng ta không nên van xin những lời khen tặng và tán thưởng, nhưng chúng ta phải biết sử dụng cơ hội để khen tặng kẻ khác. Một cộng đồng mà các phần tử biết nhận thấy và quý chuộng những công việc được thực hiện cách khéo léo thì đang trên đà tiến bộ thiêng liêng cũng như vật chất.

Cảm thấy hữu dụng

Sự thích ứng vào công việc rất thuận lợi cho sự kiên vững của người tu sĩ vì thấy những cố gắng của mình đem lại kết quả khả quan. Một tu sĩ không thể trực thuộc một nhóm, hay cộng đồng nếu không thấy rằng mình cũng đóng góp vào đó. Công việc của họ làm cho họ được nâng cao vì cho phép họ tự hiến cho nhóm, và vì lợi ích của nhóm. Sự tôn thờ và đền tạ như nhiệm vụ của tu sĩ chiêm niệm cũng còn là phương thế để tự hiến một cách thâm sâu cho cộng đồng. Các giờ chầu và đền tạ cho một ý hướng nhất định là công việc của họ.

Trong đời sống hoạt động, một tu sĩ có thể biểu lộ ước muốn phục vụ cộng đồng bằng cách chu toàn bổn phận. Người không thích ứng với công việc hay không nhìn thấy nơi công việc một phương thế biểu lộ sự thân thiết đối với cộng đồng, thì sẽ bị thất đoạt trong nơi sâu thẳm của hữu thể về phương diện thiêng liêng và tâm lý. Họ không có thể triển nở hoàn toàn trong lãnh vực thích hợp nhất cho sự tăng trưởng theo chiều hướng của ơn gọi. Công việc đối với họ là phương thế thực hành duy nhất để làm một điều gì đó cho kẻ khác, để dấn thân cách cụ thể cho kẻ khác. Dầu công việc ấy có vẻ âm thầm không mấy sáng sủa thì cũng không quan trọng; điều cần thiết là nó đáng giá và hữu ích cho cộng đồng và được bề trên và đồng bạn phán quyết như vậy.

Một công việc bên ngoài xem ra nhỏ bé có thể rất quan trọng về giá trị, vì nó đem đến sự trợ giúp cho một bề trên quá nặng gánh hay một đồng bạn mệt mỏi. Một tu sĩ tự động làm những công việc lặt vặt mà người khác bỏ quên, lượm các vật dụng hay rác rến quanh nhà và chú ý đến các chi tiết nhỏ nhặt khác thật rất quý giá cho cộng đồng.

Một người đang dưỡng bệnh hay một người đang hưu dưỡng mà còn có thể làm những công việc ấy, thì thực hiện một công việc vô giá. Người ta sẽ nhận ra điều đó, khi họ đổi nhà hay không còn ở đó nữa. Những công việc loại đó không quan trọng lắm, nhưng điều quan trọng là công việc của tu sĩ ấy, công việc thích hợp với khả năng của kẻ ấy, mà bề trên và anh chị em đều nhận biết giá trị.

Những dấu hiệu rõ ràng về bất thích ứng trong công việc đòi hỏi bề trên phải mất công và mất thời giờ để cứu xét và sửa đổi vì hạnh phúc của toàn thể cộng đồng. Đó là trường hợp của một tu sĩ khi cảm thấy công việc của mình không được quý chuộng, luôn áy náy, muốn một mình làm những công việc vốn cần phải có nhiều người. Họ cho rằng luôn bị bề trên và anh chị em chỉ trích và chính họ cũng không bao giờ hài lòng với ai cả. Đó là những dấu chỉ chứng tỏ sự không thỏa mãn trong công việc cũng như các xung đột nội tâm nghiêm trọng hơn.

Sự thích ứng xã hội đích thực

Sự thích ứng xã hội mang nhiều sắc thái, nơi nhiều người khác nhau. Không có một tiêu thức hay khuôn mẫu lý tưởng duy nhất cho việc thích ứng cá nhân. Nhưng người trưởng thành được thống nhất cách viên mãn ở bên trong thì có thể nhận lãnh trách nhiệm bên ngoài trên phương diện xã hội. Sự thích nghi xã hội trong đời sống tu trì là mở rộng cho tình bạn; cảm thụ tính (sensitiveness) được trải rộng và thiện cảm nhạy bén cách trực giác. Người biết thích ứng thì tham gia vào công việc của kẻ khác; trở nên một với kẻ khác. Tất cả các điều đó, để hiến thân và thuộc trọn về Chúa Kitô.

(còn tiếp)