Ba dạng linh đạo

Tất cả chúng ta đều đấu tranh, và đấu tranh theo 3 cách. Chúng ta đấu tranh để giữ mình, đấu tranh để lớn lên, và đấu tranh để giữ khủng hoảng và cái chết không len vào mình. Vì phải đấu tranh ở ba tầm mức này, nên chúng ta cần ba dạng linh đạo trong đời.

Ba dạng linh đạo

ất cả chúng ta đều đấu tranh, và đấu tranh theo 3 cách. Thứ nhất là, đôi khi chúng ta đơn thuần đấu tranh để giữ mình, để vẫn lành mạnh và ổn định, để bình thường, không sụp đổ, để cuộc sống chúng ta không vướng vào những hỗn loạn và khủng hoảng. Cần thực sự nỗ lực để giữ mình được lành mạnh bình thường, ổn định, và hạnh phúc.

Nhưng ngay cả khi được như thế, thì một phần khác trong chúng ta luôn vươn lên, đấu tranh để lớn lên, để đạt được những điều cao hơn, để không phí hoài những phong phú và ơn ích của mình, để sống một đời sống đáng ngưỡng mộ hơn, cao quý hơn và vị tha hơn.

Rồi đến một tầm mức khác, chúng ta đấu tranh với một bóng tối đầy đe dọa đang bao quanh và len vào chúng ta. Sự phức tạp của đời sống có thể ngập tràn áp đảo chúng ta, làm cho chúng ta cảm thấy mình bị đe dọa, nhỏ bé, bị loại trừ và tầm thường. Vì lẽ này, mà một phần trong chúng ta luôn ý thức rằng chúng ta đang ở trong một thời kỳ, một đổ vỡ, một quan hệ mất mát, mất việc, cái chết của người thân yêu, hay một chuyện gì đó mà chúng ta không thể lường trước, trượt dốc qua tình trạng khủng hoảng trầm cảm tê liệt, một căn bệnh, hay một hỗn mang tăm tối mà chúng ta không thể kiểm soát.

Nói ngắn gọn, chúng ta đấu tranh để giữ mình, đấu tranh để lớn lên, và đấu tranh để giữ khủng hoảng và cái chết không len vào mình. Vì phải đấu tranh ở ba tầm mức này, nên chúng ta cần ba dạng linh đạo trong đời.

Ở tầm mức thứ nhất, chúng ta cần linh đạo giữ gìn, nghĩa là một linh đạo giúp chúng ta duy trì tinh thần lành mạnh, ổn định, và bình thường của mình. Các giáo huấn thiêng liêng thường hay bỏ sót khía cạnh linh đạo sống còn này. Lúc nào chúng ta cũng chịu thách thức để phải lớn lên, trở nên người tốt hơn, Kitô hữu tốt hơn, đơn giản là tốt hơn hiện tại. Điều này tốt, nhưng sẽ ngây thơ khi nghĩ rằng chúng ta đã đủ lành mạnh, ổn định, và mạnh mẽ để đón nhận thách thức này. Và, như chúng ta biết, rất nhiều khi không phải như vậy. Có những thời điểm trong đời, khi việc tốt nhất chúng ta có thể làm, chỉ là bám thật chặt, đừng sụp đổ, và chiến đấu để lấy lại tinh thần lành mạnh, ổn định và sức lực trong đời, để đơn giản là đặt được một chân về phía trước. Những lúc này, những gì đích thực chúng ta cần không phải là những thách thức, mà là cần có được một sự chấp nhận thiêng liêng để cảm nhận những gì chúng ta đang cảm nhận và chúng ta cần một bàn tay ấm áp để kéo chúng ta về lại phía lành mạnh và mạnh khỏe. Thách thức phải đến sau.

Và thách thức này đến với lời mời chúng ta hướng lên, hướng đến linh đạo của con đường hướng thượng. Tất cả mọi linh đạo đáng nói, đều nhấn mạnh nhu cầu phải có một sự hướng thượng nhất định, để lớn lên vươn ra khỏi sự ấu trĩ, lười biếng, những thương tích, thói ham khoái lạc cố hữu, và sự hời hợt trong nền văn hóa của chúng ta. Điều cần nhấn mạnh ở đây, chính là luôn luôn vươn lên, vượt qua, hướng đến những gì từ trời, và hướng đến tất cả những gì cao cả, vị tha, nhân ái, yêu thương, đáng ngưỡng mộ, và thánh thiện hơn. Đa số linh đạo Kitô giáo kinh điển là linh đạo hướng thượng, lời mời gọi đến với một điều cao đẹp hơn, lời mời gọi hãy thành thực với những gì thâm sâu nhất trong chúng ta, cụ thể là, Hình ảnh của Thiên Chúa và Giống như Thiên Chúa.

Các lời dạy của Chúa Giêsu đích xác là mời gọi chúng ta hướng đến một tinh thần cao đẹp hơn. Đức Không Tử, một trong những nhà lãnh đạo tinh thần vĩ đại nhất mọi thời, đã có đường hướng sư phạm tương tự như vậy, khi ngài mời gọi mọi người hãy nhìn về cái đẹp và sự thiện, và luôn luôn đi theo đường hướng đó. Còn thời chúng ta thì có thánh Gioan Phaolô II, ngài đã áp dụng rất hiệu quả điều này khi ngỏ lời với giới trẻ, thách thức họ luôn luôn, không thỏa hiệp hay theo đuổi cái tốt thứ yếu, nhưng phải nhìn đến một cái tốt cao hơn và cao cả hơn nữa để hướng dẫn cuộc đời của mình.

Nhưng thách thức lớn lên cũng cần một linh đạo hướng hạ (xuống núi), một quan điểm và tập hợp nguyên tắc chỉ cho chúng ta thấy rằng, không phải chỉ hướng về mặt trời mọc, nhưng cũng phải nhìn theo hướng mặt trời lặn. Chúng ta cần một linh đạo không trốn tránh hay bác bỏ sự phức tạp của đời sống, hay âm mưu điên rồ của các thế lực vượt ngoài tầm chúng ta, những mất mát điếng người, và các khủng hoảng trong cuộc đời, cũng như thực tế đập thẳng vào mắt của ốm đau, bị hạ thấp, và cái chết. Đôi khi, chúng ta chỉ có thể lớn lên bằng cách đi xuống vào trong âm phủ đáng sợ đó, là nơi, như Chúa Giêsu, chúng ta trải qua sự biến đổi bằng cách đối diện với hỗn loạn, bị hạ thấp, bóng tối, các thế lực ma quỷ (dù chúng là gì đi nữa) và cả cái chết.

Trong một vài nền văn hóa cổ, điều này được gọi là ‘ngồi trong đống tro’ hay ‘làm con cái Thổ tinh’ (hành tinh biểu tượng cho khủng hoảng). Là Kitô hữu, chúng ta gọi tiến trình này là mầu nhiệm vượt qua. Cho dù mang tên gì đi nữa, thì tất cả mọi linh đạo đáng được gọi tên, đôi khi trong đời bạn, bạn sẽ bị mời gọi làm một cuộc hành trình đi xuống đau đớn vào con đường kinh hãi của hỗn loạn, khủng hoảng, mất mát, tầm thường, bóng tối, các thế lực ma quỷ, và cả cái chết.

Đời sống tự tỏ mình cho chúng ta, từ trên, từ dưới, và trong bề ngang của sự bình thường. Không được loại bỏ bất kỳ điểm nào. Chúng ta cũng luôn cần phải giữ mình ổn định vững vàng, ngay cả những khi hướng thượng, và đôi lúc cũng phải để mình đi xuống và ở trong bóng tối.

Và vẫn còn thời gian cho chúng ta làm tất cả mọi việc này: Như Rainer Marie Rilke đã từng viết:

Ngươi chưa chết, vẫn còn chưa quá muộn

Để mở toang những sâu thẳm tâm hồn

Bằng hồ hởi nhận chìm trong thẳm tận

Và uống lấy cho thấm cạn trong đời

Đang lặng lẽ tỏ bày mình nơi đó.

J.B. Thái Hòa dch

Ngun:http://phanxico.vn