Chương 6: Xây dựng tầm ảnh hưởng như thế nào

Ba tố chất: phải tận tâm, tập trung và có tinh thần chiến đấu là những cốt yếu để xây dựng tầm ảnh hưởng. Công việc thì có thể tiếp diễn mà không cần ba tố chất này, nhưng những nhà lãnh đạo mà đã chọn để Chúa sử dụng cuộc đời mình sinh hoa trái thì sẽ nhận ra họ cần có những tố chất này...

Trở nên nhà lãnh đạo Chúa muốn

Chương 6: Xây dựng tầm ảnh hưởng như thế nào

Cha của ông ta là một người tội lỗi. Khi nhìn vào những gì ghi lại về người cha, vua A-khát, thì bạn sẽ thắc mắc phải chăng ông ta cũng chỉ ngồi không nghĩ ra những cách phạm tội mới và dẫn người dân lạc lối. Trong mười sáu năm ông ta đắm chìm trong vũng lầy của những đồi bại. Ông ta làm những hình tượng đúc dâng kính các thần Ba-an và làm lễ thiêu con trai mình theo các thói ghê tởm. Ông ta đóng cửa nhà Chúa và cho dựng nên những bàn thờ sùng bái trong khắp ngõ ngách ở Gê-ru-sa-lem. Sau mười sáu năm tàn phá thì ông ta chết.

Theo tục lệ thời đó thì con trai ông lên ngôi thay. Khít-ki-gia lên ngôi vua khi được hai mươi lăm tuổi. Ông đã thấy tội lỗi và lòng tham lam của vua cha và ông không muốn theo đuổi con đường đó. Ông quyết tâm thay đổi mọi sự và kêu gọi đất nước trở về với Thiên Chúa. Khi chúng ta nhìn vào mớ hỗn độn mà ông thừa hưởng từ người cha thì chúng ta có thể kết luận rằng không thể cải tiến gì trong một đời người, nhưng thật sai lầm khi chúng ta nghĩ như vậy. Trong một khoảng thời gian rất ngắn cục diện đã đổi ngược hoàn toàn. “Ở Giê-ru-sa-lem, người ta hân hoan vui sướng, bởi vì từ thời vua Sa-lô-môn, con vua Ða-vít, vua Ít-ra-en, chưa hề xảy ra như thế bao giờ ở Giê-ru-sa-lem.” (2 Sb 30 :26).

Quả là một câu chuyện ngoài sức tưởng tượng. Khít-ki-gia đã xây dựng tầm ảnh hưởng mạnh vì Chúa và đó là một điều kỳ diệu. Khi bạn nghiên cứu về đời sống của nhà vua, bạn sẽ nhận ra một số nguyên lý cơ bản hình thành nên tính cách của nhà vua. Cả ba đều đồng nhất với nhau.

Sự Tận Tâm

Nguyên lý thứ nhất để xây dựng tầm ảnh hưởng cho Chúa là sự tận tâm. “Trong mọi việc vua đã khởi sự, từ việc phục vụ Nhà Thiên Chúa đến việc tuân giữ Lề Luật và mệnh lệnh, vua đều nhằm tìm kiếm Thiên Chúa của vua với cả tâm hồn, nên vua đã thành công.” (2 Sb 31 :21)

Thánh Phaolô tông đồ cũng mời gọi chúng ta tương tự như vậy “Bất cứ làm việc gì, hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời” (Cl 3 : 23). Vua Salômôn thì nói theo cách này  “Những gì trong tầm tay, bạn hãy ra sức làm, vì trong cõi âm ty, nơi bạn đang đi tới, không còn hoạt động, không còn dự tính, chẳng còn hiểu biết, chẳng còn khôn ngoan.” (Gv 9 :10).

Khi chúng ta đọc những đoạn Kinh Thánh này chúng ta có thể nhận ra rằng Thiên Chúa muốn con người hăng hái và nhiệt tâm. Nhưng chúng ta nhận ra tinh thần nào đang có trong thời đại chúng ta đang sống? Chúng ta có thường xuyên cổ vũ cho sự tận tam không? Rất ít khi. Hầu như hàng ngày chúng ta nghe mọi người bảo chúng ta “Thoải mái đi” / “Đừng siêng năng quá” / “Đừng làm nhiều quá”. Điều đáng lo là sự thiếu tận tâm có thể được tìm thấy nơi những tín hữu làm lãnh đạo. Khi rơi vào tình trạng đó thì mọi việc trở nên bình bình và các nhà lãnh đạo thất bại trong công việc.

Mẫu người lý tưởng của tôi thời trung học là một anh lớn hơn có tên cún cơm là “H-ball.” Anh ấy chơi thể thao rất giỏi và là một học sinh tài năng. Tôi bắt chước kiểu đi đứng và phong cách riêng của anh ấy. Tôi học cách rê bóng và ném bóng của anh ấy. Anh ấy là ngôi sao ném bóng trong đội bóng chày và tôi bắt chước mọi việc anh làm, cả cách anh đội mũ nữa. Tôi quyết tâm trở thành cầu thủ ném bóng khi tôi tốt nghiệp.

Một năm sau khi anh tốt nghiệp thì tôi đến thử môn bóng chày. Huấn luyện viên đến hỏi tôi có thích chơi không. “Tôi có thể chơi được chứ huấn luyện viên? Tôi sẽ chơi hết mình. Tôi ham thích chơi bóng chày tới độ tôi cảm nhận nó trong máu mình”.

Bằng mọi cách tôi cố cho huấn luyện viên biết tôi hâm hở và quyết tâm ra sao. Ông ấy hài lòng và bảo tôi mặc đồ vào và cho ông ấy xem tôi có thể chơi bóng thế nào. Tôi tham gia đội. Thực tế là tôi trở thành cầu thủ ném bóng.

Bạn nghĩ mọi việc sẽ diễn ra thế nào nếu tôi nói với huấn luyện viên “Ồ, tôi không biết thế nào. Tôi cũng có nghĩ đến việc chơi bóng chày, nhưng đó là việc lớn. Có thể tôi sẽ thử tìm một đội bóng, nhưng tôi cũng chẳng hứng thú gì việc chơi bóng cả.” Và huấn luyện viên sẽ chẳng thèm để ý tới tôi nữa. Và thế là sự nghiệp bóng chày của tôi tiêu tan.

Bạn có nghĩ là Thiên Chúa có tiêu chuẩn thấp hơn tiêu chuẩn của huấn luyện viên trung học của tôi ? Không bao giờ. Thiên Chúa tìm kiếm những ai cam kết tận tâm với Ngài và công trình của Ngài. Tinh thần yếu đuối, lười biếng và nửa vời của thời đại này không phải là tiêu chuẩn của Ngài. Nhưng thật khó để giữ tiêu chuẩn của Kinh Thánh trong một thời đại thiếu kỹ luật. Chuẩn mực về thực thi công việc của bạn phải cao.

Trong năm đầu tiên của sứ vụ truyền giáo tại Midwest tôi có gặp một anh bạn trẻ tên là Johnny Sackett. Chúng tôi bắt đầu đồng hành với nhau trong việc học Lời Chúa và cầu nguyện, Thiên Chúa đã kết nối com tim của chúng tôi với nhau. Johnny bắt đầu thực hiện những lời hứa tốt đẹp trong sứ vụ của Đức Kitô. Một ngày kia anh ấy hỏi tôi là anh ấy có thể tham gia nhóm của tôi được không. Tôi giải thích cho anh ấy sứ vụ của nhóm và anh ấy rất phấn khởi tham gia nhóm chúng tôi. Anh ấy là một cộng tác viên tuyệt vời, dấn thân đầy nhiệt huyết.

Mọi việc diễn ra tốt đẹp trong vài tháng. Một cuối tuần nọ chúng tôi dự định tổ chức hoạt động làm chứng tá tại khuôn viên trường đại học bang Iowa. Khi đến giờ xuất phát đi đến trường thì tôi phát hiện ra thiếu Johnny. Khi tôi hỏi thì một bạn nói là anh ấy quyết định không tham gia hoạt động này. Khi tôi hỏi phải chăng vì anh ấy gặp phải áp lực của việc học hay không thấy khoẻ hay có việc gì với gia đình thì tôi được báo lại là anh ấy chỉ quyết định không tham gia thôi.

Chúng tôi vẫn đi mà không có Johnny và mọi việc rất tốt đẹp. Chúng tôi gặp được một vài sinh viên rất thao thức chia sẻ về Thiên Chúa và vài em cam kết dâng đời sống cho Chúa. Chúng tôi trở về với niềm vui vô bờ và tạ ơn Chúa.

Thứ hai sau đó tôi mượn người bạn chiếc xe Volkswagen và chạy đến thăm Johnny. Sau một hồi nói chuyện tôi hỏi anh ấy có hiểu những chuẩn mực mà nhóm đã đề ra không. Anh ấy thừa nhận là có biết và anh ấy rất vui là một thành viên của nhóm. Tôi nói với anh ấy là vì tôi vui khi có anh ấy trong nhóm nên tôi lấy làm tiếc là anh ấy chọn lựa không tiếp tục tham gia với chúng tôi nữa. Anh ấy ngạc nhiên và hỏi tôi nói vậy là có ý gì, tôi nhắc cho anh ấy nhớ một trong những chuẩn mực là sẵn sàng tham dự khi nhóm thực hiện một sứ vụ. Anh ấy bắt đầu khóc nức nở. Sau khi anh ấy lấy lại bình tĩnh anh ấy ra khỏi xe và đi về phòng.

Tôi cầu nguyện cho Johnny hàng ngày trong vòng hai tuần và rồi tôi nhận một lá thư của anh ấy. Anh ấy cám ơn tôi đã giải thích ý nghĩa khi tham gia sứ vụ và liệt kê danh sách 30 lý do tại sao anh ấy cần gia nhập nhóm trở lại. Ngay lập tức tôi gọi điện cho anh ấy và chào đón anh quay trở lại. Kể từ đó anh ấy trở thành một thành viên đem lại nhiều hoa trái nhất và phục vụ Thiên Chúa trên khắp châu Mỹ. Vấn đề hệ ở chỗ anh ấy không hiểu hết ý khi tôi giải thích về chuẩn mực về tính cam kết và sự tận tâm. Sự thông cảm sẽ khiến cho sự việc trôi qua một cách dễ dàng, nhưng tình thương thì không để sự việc trôi qua như vậy.

Khi Chúa Giê-su nói “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo,” (Lc 9, 23) thì Ngài có ý nói đến điều đó.

Thật lòng mà nói, nhiều năm qua khi tôi nhìn lại sự việc đó tôi biết là tôi có thể xử lý tình huống theo cách khác. Có lẻ tôi đã phải thể hiện tính nhạy cảm và sự dịu dàng của Đức Kitô, nhưng vẫn không trái với nguyên tắc.

Hướng dẫn viên thực tập của tôi trong trại huấn luyện quân sự cứ khăng khăng giữ tiêu chuẩn cao về thành tích, không phải vì ông ấy cố gây khó cho tôi, nhưng vì ông ấy biết tôi sắp ra chiến trận và ông ấy phải giúp cho những thói quen thấm nhuần trong tôi để tôi có thể bảo toàn tính mạng. Ông ấy không làm hại tôi. Ông ấy làm những điều tốt đẹp cho tôi. Và khi nằm dưới những làn đạn nơi mà sự chết chóc và sự tiêu diệt diễn ra thì tôi biết ơn ông ấy về những gì tôi đã học được.

Cũng tương tự như vậy, các nhà lãnh đạo phải thể hiện được tinh thần tận tâm hầu những thừa cấp của họ sẽ tận tâm trong công việc. Giả như Khít-ki-gia không thể hiện sự dấn thân một cách tận tâm thì có lẽ đất nước của ông đã không thể thoát khỏi tội lỗi để trở thành một hình ảnh mới đáng nể như vậy. Sự lãnh đạo của ông đã chỉ ra đường lối và thiết lập tinh thần chung cho toàn dân thực hiện.

Tôi ở Minneapolis để tham gia chương trình giảm cân với một người bạn tên là Bill Cole. Một người bạn khác đến tham gia cùng chúng tôi trong chốc lát, và khi anh ấy rời phòng tập thể dục thì tôi đang nâng cái tạ 85 ký trên bàn nằm. Anh ấy nhìn tôi và nói “Cứ thư giãn đi”. Nếu tôi thư giãn ngay lúc ấy chắc tôi tự xác quá! Theo nghĩa bình thường thì anh ấy không có ý vậy, đó chỉ là cách anh ấy chào tạm biệt thôi. Nhưng tôi thường xuyên nghĩ đến câu nói đó. Cho dù người ta không hiểu câu đó theo nghĩa đó lắm nhưng nếu ai làm theo lời nói đó thì thì có thể nguy hiểm đến tính mạng, nhưng chúng ta vẫn luôn nói “Cứ thư giãn đi”. Thật tình mà nói, tôi không cần lời cổ vũ kiểu đó. Tôi quyết tâm thực hiện việc đó mà không cần trợ giúp bên ngoài. Bản chất vô kỹ luật, lôi thôi, lười biếng của tôi khiến tôi luôn cần phải làm điều đó. Điều tôi cần là bị thách thức để đạt kết quả với những gì tôi đang có.

Các nhà lãnh đạo phải xem xét những yếu tố sau. Họ không chỉ đang xây dựng cho  hiện tại mà còn cho tương lai nữa. Nếu com tim họ không thiết tha lắm thì tương lai sẽ ra sao? Những người họ đào tạo sẽ như thế nào ? Con tim họ có bừng cháy với lòng nhiệt thành cho Chúa không? Nếu con tim nhà lãnh đạo không thiết tha gì thì chẳng làm gì được cả, chỉ có thể đốt được ngọn nến le lói thôi. Khi Chúa Giê-su dọn dẹp lại đền thờ, hành động của Ngài nhắc đến những tông đồ trong thời Cựu Ước, “Lửa nhiệt thành làm con héo hắt” (Ga 2 :17, Tv 119 :139).

Cả hai đoạn Kinh Thánh đều nói đến việc sự thiệt thòi khi dấn thân cho Chúa. Lần gần nhất bạn nhắc nhở ai đó về một đoạn Kinh Thánh đề cập đến việc chịu thiệt thòi khi nhiệt tâm việc Chúa là khi nào? Có phải trong xã hội giờ chỉ còn những điều phối viên cổ vũ trong thể thao là những người làm việc với lòng nhiệt thành và sự thích thú thôi sao? Một nhà lãnh đạo như Giê-su thật thụ sẽ biểu lộ ngọn lửa bừng cháy như Chúa Giê-su đã làm.

Sự tận tâm và lòng nhiệt thành là hoa trái của tình yêu bừng cháy trong con tim nhà lãnh đạo. Từ đó ngọn lửa sẽ được lan toả ra đến con tim và cuộc sống của những ai nắm bắt tinh thần đó. Một số người thì cảm thấy là nhà lãnh đạo nên  “nhẹ nhàng” để khỏi khiến người khác e sợ. Điều này không đúng. Nếu nhà lãnh đạo thực thi những công việc cho người trưởng thành thì những người chung sức cũng cần trở nên người trưởng thành. Điều răng thứ nhất vẫn còn trong Kinh Thánh: “Ðức Giêsu trả lời: “Ðiều răn đứng đầu là: Nghe đấy, hỡi Ítraen, Ðức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Ðức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi”  (Mc 12 :29-30)

Sự Tập Trung

Điều thứ hai nhận thấy nơi đời sống của vua Khít-ki-gia là sự tập trung của nhà vua. Nhà vua có một công việc chính và ông tập trung vào công việc đó.

Năm thứ nhất triều đại vua Khít-ki-gia, vào tháng thứ nhất, vua đã mở các cửa Nhà Ðức Chúa và làm lại cho chắc chắn. Vua cho mời các tư tế cùng các thầy Lê-vi vào và tập hợp tất cả lại ở công trường về phía Ðông. Vua nói với họ: “Các thầy Lê-vi, xin nghe tôi đây! Bây giờ, các ông hãy thánh hiến chính mình và thánh hiến Nhà của Ðức Chúa, Thiên Chúa của tổ tiên các ông và hãy loại mọi điều ô uế ra khỏi Thánh Ðiện” (2 Sb 29:3-5).

Nhà vua không bị phân tâm, dù có gặp phải bất hoà trầm trọng, sự nhạo báng hay đối đầu.

Ba tác giả Thánh Kinh đều cho chúng ta biết những lý do cần phải tập trung. Phê-rô nói “Nhưng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Ngày đó, các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu hủy” (2 Pr 3:10). Tất cả mọi sự trên thế gian này là tạm thời và chóng qua. Hai điều vượt trên trần gian này và sẽ tồn tại muôn thuở: Lời Chúa và linh hồn của con người. Một khi các nhà lãnh đạo đặt mình trước hai điều này thì họ sẽ hướng trọn đến những giá trị vĩnh hắng đó. Họ sống giữa trần gian, nhưng họ chỉ nhắm đến những gì trường tồn.

Lới đề nghị của Gia-cô-bê là lý do thứ hai để tập trung: “Trong khi các người không biết cuộc đời mình ngày mai sẽ ra sao. Thật vậy, các người chỉ là hơi nước xuất hiện trong giây lát, rồi lại tan biến đi” (Gc 4:14). Cuộc sống thì ngắn ngủi nên không thể để hoang phí. Một khi người ta nhận ra sự thật này thì sự thật đó sẽ giúp họ khỏi bị những gì thuộc về thế gian tấn công khiến họ sa ngã và tách rời họ khỏi Chúa Giê-su. Lời Chúa hướng dẫn chúng ta:

Như thế, phần chúng ta, được ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh, chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Ðức Giêsu là Ðấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa. (Dt 12:1-2)

Thánh Phaolô nói đến lý do thứ ba để tập trung, “Bởi vậy, anh em thân mến, anh em hãy kiên tâm bền chí, và càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa, vì biết rằng: trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích” (1 Cr 15:58). Một khi chúng ta đi theo Chúa Giê-su trên con đường thẳng lối nhưng nhỏ hẹp thì chúng ta được đảm bảo rằng những gì chúng ta đang làm đều sinh hoa trái. Thật đẹp khi các nhà lãnh đạo biết rằng trong khi đa số con người ta ném đời họ vào những hoạt động vô bổ  thì những gì họ phục vụ Đức Kitô lại đem lại sự sống đời đời.

Kinh Thánh chứa đựng rất nhiều mẫu gương tập trung trên con đường theo Chúa. Mô-sê là một mẫu gương điển hình.

Nhờ đức tin, ông Môsê, khi lớn lên đã từ chối không chịu cho người ta gọi là con của công chúa vua Pharaô; ông thà cùng chịu ngược đãi với Dân Thiên Chúa còn hơn là được hưởng cái sung sướng chóng qua do tội lỗi mang lại; ông coi sự ô nhục của người được xức dầu là của cải quý báu hơn các kho tàng của Người Ai cập, vì mắt ông vẫn đăm đăm nhìn phần thưởng mai sau. (Dt 11:24-26)

Thánh Phaolô tông đồ cũng nói tương tự: “Thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Ðức Kitô Giêsu” (Pl 3:13-14)

Tuy vậy, gương mẫu tuyệt vời nhất chính là Đức Giê-su. “Khi đã tới ngày Ðức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem” (Lc 9:51). Các môn đệ của Ngài chứng kiến điều này và kinh hoàng. “Ðức Giêsu và các môn đệ đang trên đường lên Giêrusalem, Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình” (Mc 10:32). Tại sao các môn đệ lại kinh hoàng? Vì Ngài biết rõ điều gì đang chờ đợi Ngài mà vẫn tiến lên không chùn bước. “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sự. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại.” (Mc 10:33)

Điều gì đó trong sự điềm tĩnh của Chúa Giê-su khiến nhóm Mười Hai cảm thấy không an lòng. Họ e ngại điều đang diễn ra trước mắt họ và họ kinh sợ trước sự điềm tĩnh của Nhà Lãnh Đạo của họ. Không một chút nao núng Chúa Giê-su bước thẳng đến thập giá. Ngài ý thức sứ mệnh của mình và Ngài được chọn để thực thi sứ mệnh đó. Chúng ta cũng phải như vậy. Thế gian khiến chúng ta bị trói buộc bởi điều này hay bị gánh nặng bởi điều kia, nhưng Lời Chúa mời gọi chúng ta buôn bỏ hết, gạt những gánh nặng sang một bên, và hướng về mục đích phía trước. Thật không dễ có được tư duy tập trung nhưng thật cần thiết để có điều đó.

Khi Billy Graham chia sẻ tại đám tang của Dawson Trotman, ông ta nói về sự tập trung của Daw. Ông ấy nói, “Anh ta không nói rằng ‘Tôi chỉ thoáng qua bốn mươi việc này,’ nhưng anh ta nói ‘Đây là một việc tôi làm’”.

Một con người có thể phá hỏng cuộc đời mình bằng ba cách. Thứ nhất là bám vào bản chất lười biếng ể oải và chẳng làm gì cả. Tôi đã từng nhìn thấy người trẻ rơi vào hoàng cảnh đó. Họ mua cây đàn guita, mặc chiếc quần ngắn, đi ra biển nắng của California, và lãng phí cuộc đời bằng cách nằm ì ra ở đó.

Cách thứ hai để phá hỏng cuộc đời bạn là đặt cho mình một mục tiêu, làm việc chăm chỉ, và cuối cùng khám phá ra là bạn đã đặt cho mình một mục tiêu sai. Tôi có biết nhiều người lâm vào cảnh như vậy. Một số họ đã kể lại câu chuyện của mình trong hối tiếc và đầy nước mắt.

Cách thứ ba là điều mà Tiến sĩ Graham nói tới. Là trở thành người ba hoa, chẳng bao giờ làm gì cho ra hồn.

Giô-suê được cảnh báo về kiểu làm qua loa: “Tuy nhiên, ngươi phải mạnh bạo và rất can đảm, để lo thi hành tất cả Lề Luật, mà Mô-sê tôi trung của Ta đã truyền dạy ngươi. Ðừng đi trệch bên phải bên trái, ngoài Lề Luật, để được thành công ở bất cứ nơi nào ngươi đi tới. (Gs 1:7). Đây không phải là lời cảnh báo việc đi sai đường, nhưng cảnh báo việc trệch bên này rồi lại bên kia.

Tôi đã từng quan sát những mẫu người như vậy. Họ khởi đầu rất tốt, nhưng trong quá trình thực thi có điều gì đó tác động đến ý muốn nhất thời của họ thế là họ bị trệch hướng. Cuối cùng họ cũng nhận ra điều dại dột khi đi theo hướng đó và quay lại con đường ban đầu, và rồi khi đi tiếp lại bị trệch hướng do một điều gì đó. Thật là đáng tiếc! Những con người tốt lành, với tấm lòng tốt đẹp mà lại chẳng đi về đâu. Tại sao vậy? Do dễ trệch hướng. Sự tập trung của Mô-sê hay Phaolô hay chính Đức Kitô không phải là một phần trong đời sống của họ.

Vài người than phiền, “Thật khó làm được như vậy.” Tất nhiên là khó rồi. Thánh Phaolô tông đồ có nói “Tôi lao mình về phía trước” chứ ngài không nói “Tôi trôi mình về phía trước, tôi trượt về phía trước, tôi trờ về phía trước, tôi bị cuốn về phía trước”. Ngài nói lao, và từ đó thể hiện sự tiên liệu việc sẽ có sự chống trả. Thế gian sẽ quyến rũ bạn và ma quỹ sẽ chiến đấu với bạn, nhưng nếu bạn hướng đến Chúa Giê-su trong cuộc chạy đua này thì Ngài sẽ giúp bạn đến đích thành công.

Lời chứng ta của Thánh Phaolô đã mô phỏng sống động điều này: “Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giêsu, là long trọng làm chứng cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa”. (Cv 20:24). Ngài nói đến “chặng đường.” Niềm vui lớn lao nhất trong đời sống là biết rằng bạn đang sống trong kế hoạch của Chúa, thực thi những gì Ngài muốn bạn làm theo cách thức của Ngài.

Các chiến binh Dơ-vu-lun thách thức chúng ta thế này: “Trong chi tộc Dơ-vu-lun: năm mươi ngàn chiến binh sẵn sàng lâm trận, biết sử dụng mọi thứ vũ khí và dũng cảm chiến đấu, không sờn lòng” (1 Sb 12 :34). Đây là những người đàn ông tham gia chiến trận, được huấn luyện, trang bị, có kỹ luật và tập trung.

Mỗi người trong chúng ta đều có một chặng đường để đi, một sứ vụ để hoàn thành và một mục tiêu để đạt đến, “Xin nhắn với anh Akhíppô: “Hãy lưu tâm đến chức vụ Chúa đã giao cho anh, và lo chu toàn”. (Cl 4:7).

Tôi nhớ lại một sự việc xảy đến trong đời tôi điều mà đã định đoạt vận mệnh của tôi. Vợ chồng tôi đã gặp Chúa qua việc đọc Kinh Thánh. Xung quan chúng tôi không có nhiều người tư vấn sâu xa về thiêng liêng cho chúng tôi, nhưng cả hai chúng tôi đều nhất trí là chúng tôi theo Chúa với một mục đích duy nhất. Vị linh mục Arlan Halverson của Harlan, Iowa chia sẻ với chúng tôi về một ngôi trường ở Minneapolis, nơi chúng tôi có thể học lời Chúa. Chúng tôi là những Kitô hữu mới trở lại đạo nên chúng tôi mong được thăng tiến. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm đi học ở trường đó và dành trọn cuộc sống cho sứ vụ của Đức Kitô. Thời điểm đó tôi đang có một công việc tốt và khi tôi chia sẻ với các bạn đồng nghiệp về ý định của mình thì tôi chẳng nhận góp ý nào từ họ ngoại trừ sự chỉ trích. Họ gọi ý định đó là ngu xuẩn – là cuồn tín. Bỏ một công việc tốt với mức thu nhập cao và ổn định là một sự điên rồ. Nhưng chúng tôi biết điều chúng tôi cần phải làm là gì.

Tôi nghỉ việc và chuẩn bị rời Bluffs, Iowa để đến trường Northwestern. Chúng tôi bán những gì mình có, cho hết những thứ còn lại và tự do để lên đường. Chúng tôi xếp quần áo và một ít đồ gia dụng vào vài thùng nhỏ, chất chúng lên chiếc xe kéo trẻ em và đi ra nhà ga. Virginia kéo chiếc xe còn tôi thì đẩy nó, và thế là chúng tôi tiến bước trên hành trình phiêu lưu. Chúng tôi quyết tâm không quay lại phía sau cũng như không nhìn qua phải hay sang trái. Chúng tôi chỉ ngước nhìn lên Chúa Giê-su và đi đến bất cứ nơi nào Ngài dẫn đưa chúng tôi đến. Qua nhiều năm chúng tôi đối diện với những cản trở và thử thách nhưng Ngài vẫn chỉ lối cho chúng tôi.

Ngày nay Thiên Chúa tìm kiếm những con người không quan tâm đến những lời tôn vinh trống rỗng hay những vui thú chống qua của thề gian này. Ngài tìm kiếm những ai quan tâm đến thực trạng là thế giới cần Đức Kitô, những ai khao khát đi theo Ngài với mục đích và có sự tập trung. Lời chứng của Thánh Phaolô là một khích lệ:

Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện  (2 Tm 4:6-8)

Tinh thần chiến đấu

Ngoài sự tận tâm và sự tập trung thì vua Khít-ki-gia cũng thể hiện một tinh thần chiến đấu rất đáng chú ý. Bất chấp những xung đột không tưởng tượng nỗi, nhà vua vẫn tiến bước đầy dũng khí và với đức tin mạnh mẽ. Những người đưa thư của nhà vua bị chế nhạo khi đi khắp nơi. “Những người đưa thư rảo khắp thành này tới thành kia trong đất Ép-ra-im và Mơ-na-se, cho đến tận Dơ-vu-lun. Nhưng người ta nhạo cười và chế giễu họ” (2 Sb 30:10). Điều đó có khiến cho công việc của nhà vua bị trì hoãn không? Thưa hoàn toàn không. “Vua Khít-ki-gia đã làm như thế trong toàn cõi Giu-đa. Vua đã làm điều thiện hảo, ngay thẳng và chính trực trước mặt Ðức Chúa là Thiên Chúa của vua” (2 Sb 31:20).

Đây chính là tinh thần nền tảng mà trải dài trong Kinh Thánh chúng ta nhận thấy nơi đời sống của những nhà lãnh đạo của Chúa. Thánh Phaolô đã có lời chứng “Năm lần tôi bị người Dothái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi! Tôi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trôm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng. Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh!” (2 Cr 11:24-28).

Thánh Phaolô có thái độ thế nào khi đối diện với những khó khăn? “Quả thế, nhờ Ðức Kitô, anh em đã được phúc chẳng những là tin vào Người, mà còn được chịu đau khổ vì Người.” (Pl 1:29).

Nơ-khe-mi-a đối diện với sự đối đầu triền miên của kẻ thù. “Nhưng khi Xan-ba-lát, Tô-vi-gia và các người Ả-rập, Am-mon, Át-đốt nghe tin là công việc sửa chữa tường thành Giê-ru-sa-lem tiến triển khả quan -vì các lỗ hổng bắt đầu được trám lại- chúng nổi giận đùng đùng. Cả bọn liên minh với nhau để tiến đánh Giê-ru-sa-lem, nhằm gây rối loạn trong thành.” (Nhm 4:1-2).

Tinh thần chiến đấu của Nơ-khe-mi-a được thể hiện qua lời đáp trả của ông “Khi kẻ thù nghe tin chúng tôi đã biết chuyện và Thiên Chúa đã phá vỡ ý đồ của chúng, thì tất cả chúng tôi trở lại tường thành, người nào việc nấy” (Nhm 4:9)

Qua thời gian thì những chống đối càng chồng chất nhằm khiến cho Nơ-khe-mi-a không đạt được mục tiêu của mình, và mỗi lần như vậy Nơ-khe-mi-a đều thắng thế.

Xan-ba-lát và Ghe-sem cử người đến nói với tôi: “Mời ông đến, chúng ta sẽ gặp nhau ở Cơ-phi-rim, trong thung lũng Ô-nô.” Nhưng bọn họ mưu hại tôi. Tôi cho sứ giả đến gặp họ và nói: “Tôi đang lo một việc quan trọng, nên không thể xuống được. Làm sao ngưng việc và bỏ dở để xuống với các ông?” Cũng một lời mời như trên kia, họ nhắn gửi tôi đến bốn lần và tôi cũng trả lời như vừa nói. (Nhm 6:2-4).

Thánh Phaolô tông đồ mời gọi chúng ta chú ý tới đời sống của một người lính, một vận động viên và một nông dân.

“Anh hãy đồng lao cộng khổ như một người lính giỏi của Ðức Kitô Giêsu. Trong nghề binh, không ai vướng mắc vào những việc thuộc đời sống dân sự; có thế mới đẹp lòng người đã tuyển mộ. Người tham dự điền kinh cũng vậy, không đoạt giải nếu không thi đấu theo luật lệ. Còn người nông dân làm việc vất vả, thì phải là người đầu tiên được hưởng phần hoa lợi.” (2 Tm 2:3-6)

Biểu hiện của một người lính giỏi là người ấy lo lắng về kẻ thù. Kẻ thù của thập giá Đức Kitô hoảng sợ khi Thánh Phaolô xuất hiện. Do bởi việc Thánh Phaolô làm ở Êphêxô mà người thợ bạc tên là Ðêmếtriô đã cho là công việc đúc tượng thần bằng bạc của mình tiêu tan (tham khảo Cv 19:23-28). Thánh Phaolô bị các nhà lãnh đạo của tà giáo và ma quỷ của địa ngục chống đối, nhưng ngài vẫn kiên cường. Ngài quả thật đã thể hiện biểu hiện của một người lính giỏi.

Tất nhiên các vận động viên thì thi đua với những vận động viên bạn, nhưng thường thì đối thủ chính của họ chính là bản thân họ. Họ phải vượt qua những nghi ngờ, lo sợ và sự lười biếng và ước muốn nuông chiều bản thân. Thánh Phaolô tông đồ cũng kể về cuộc chiến trong cuộc đời của Ngài.

“Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát. Vậy tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không xác tín; tôi đấm như thế, chứ không phải đánh vào không khí. Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại.” (1 Cr 9:25-27).

Các nhà lãnh đạo thường xuyên đối mặt với những vấn đề và khó khăn từ người khác, nhưng cuộc chiến chính của họ thường là với chính bản thân họ.

Nhà nông thì đối diện với hạn hán, lũ lụt và đủ loại bệnh hoa mùa, tôi còn nhớ nông dân khổ sở hứng chịu một cơn bão cách đây vài năm. Cây bắp cao khoảng 1,8m nhưng sau khi cơn bão ập đến thì bạn khó nhận ra đó là cánh đồng bắp nữa. Cơn bão lớn đến nỗi khiến tháp chuông nhà thờ bị đỗ sậpg và hàng loạt cửa sổ bị vỡ toan. Môt công ty chuyên về hạt giống ở Shenandoah, Iowa, biết đến tình cảnh của chúng tôi và đã gởi người đến giúp đỡ. Họ chở tới một xe tải đầy hạt đậu nành và nói chúng tôi trồng để có thức ăn cho gia cầm trong mùa đông.

Lúc ấy chúng tôi không hiểu biết nhiều về hạt đậu nành, nhưng chúng tôi ý thức là đã quá trễ để trồng cây bắp lại. Vì thế chúng tôi thử gieo hạt đậu nành. Và tất nhiên nhờ thế mà chúng tôi có đủ lương thực cho gia cầm trong suốt mùa đông. Cơn bão rất lớn, nhưng tôi thấy người anh của tôi vẫn sắn tay áo lên và chiến đấu. Tôi tin chắc là nếu anh buôn tay nói “còn làm gì được nữa?” thì quá dễ. Nhưng anh ấy không làm vậy. Anh ấy thể hiện tinh thần chiến đấu thật sự.

Sau khi Waldron Scott cùng gia đình anh ấy đi truyền giáo ở Trung Đông vào những năm thập niện 50 thì mọi sự trở nên khó khăn. Tài chính thì còn ít đến nỗi họ không thể mua nỗi đồ nội thất. Vì thế Joan lót một tấm trải trên ống hơi nước nóng và họ dùng làm chỗ ngồi trong phòng khách. Khi hơi nước nóng lên thì Joan bị bỏng nặng. Và do một chuỗi những sự việc lạ lẫm xảy đến, Scotty bị giam trong tù. Gia đình họ thật sự ngã gục. Chỉ còn tinh thần chiến đấu và đức tin của họ vào lời hứa của Thiên Chúa là có thể giúp họ tiếp bước. Những tín hữu này là những chiến binh của thập giá can trường, vững trãi, chính họ đã thấy được gương mẫu của chiến binh thật sự, chính là Đức Kitô. Trong hoàn cảnh mà dường như mọi sự là không thể mà họ vẫn gặt hái được nước trời.

Điều này giúp cho các tôi trung của Đức Kitô trong Hội Thánh Tân Ước trở nên xuất chúng. Họ có tinh thần chiến đấu của những chiến binh hiến mình cho Đức Kitô. Họ là những người đàn ông, những phụ nữ “những người đã cống hiến cuộc đời vì danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Cv 15:26). Tinh thần này có phải là tố chất lãnh đạo trong các doanh nghiệp của tín hữu ngày nay không? Trong vài trường hợp thì có, nhưng thường thì chúng ta chỉ nhìn vào quyền lực trí tuệ hay trình độ tri thức như là đỉnh cao của danh giá.

Tôi từng nghe một người được tôn vinh trong một sự kiện vì ông ấy có một thư viện với mười ngàn đầu sách! Dĩ nhiện việc sở hữu và đọc sách thì chẳng có gì là sai trái cả. Nhưn chúng ta phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa của chúng ta với hết trí khôn của mình. Nhưng những nhà lãnh đạo thì không chỉ dừng lại ở đó. Không phải là một cái đầu khôn ngoan mà là tinh thần chiến đấu mới là điều giúp họ tiến bước trong bối cảnh mọi sáo trộn đang vây quanh họ.

Khi mới trở thành Kitô hữu, Thánh Phaolô tông đồ đã cho thấy ngài đối diện với những đau khổ thế nào. “Nhưng Chúa phán với ông: ‘Cứ đi, vì người ấy là lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Ítraen. Thật vậy, chính Ta sẽ chỉ cho người ấy thấy tất cả những đau khổ người ấy phải chịu vì danh Ta’”. (Cv 9:15-16). Ngài cho thấy giải thưởng Ngài lãnh nhận, lẫn cái giá ngài phải trả. Ngài ý thức cái giá phải trả để trở thành môn đệ. Sau này Ngài nói “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian. Quả thật, cắt bì hay không cắt bì chẳng là gì cả, điều quan trọng là trở nên một thụ tạo mới. Chúc tất cả những ai sống theo quy tắc ấy, và chúc Ítraen của Thiên Chúa được hưởng bình an và lòng thương xót của Người. Ước gì từ nay, tôi chẳng còn sợ ai làm phiền nữa, vì tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Ðức Giêsu.” (Gl 6:16-17).

Khi Thánh tông đồ muốn bác lý những người đánh đập mình thì Ngài chỉ cho họ những vết sẹo trên lưng mình. Những tín hữu tiên khởi đối diện với nguy hiểm, đánh đập và sự dữ. Họ là những anh hùng đúng nghĩa. Còn chúng ta thì tận hưởng, cầm điều khiển, nằm trên nệm xem tivi. Xin Chúa ban cho chúng ta ơn can đảm và đức tin mạnh mẽ mà dân của Chúa luôn thể hiện.

Vậy thì ba tố chất này là những cốt yếu để xây dựng tầm ảnh hưởng. Chúng ta phải tận tâm, tập trung và có tinh thần chiến đấu. Công việc thì có thể tiếp diễn mà không cần ba tố chất này, nhưng những nhà lãnh đạo mà đã chọn để Chúa sử dụng cuộc đời mình sinh hoa trái thì sẽ nhận ra họ cần có những tố chất này.

Hướng dẫn học cá nhân và tập thể

Để trở thành nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng, thì người đó phải tận tâm, tập trung và có tinh thần chiến đấu.

Xây dựng cộng đồng

1. Nếu có thể chọn một lĩnh vực sứ vụ để tập trung trong quảng thời gian còn lại của đời mình thì bạn sẽ chọn điều gì? Hãy càng cụ thể càng tốt.

2. Bạn thường tập trung một việc trong một thời điểm hay bạn ôm đồm nhiều việc cùng lúc? Đâu là thuận lợi và bất lợi.

Câu hỏi khám phá

1. Khi có sự thay đổi lớn hay một tác động lớn đến với bạn thì bạn lạc quan hay bi quan?

2. Với thái độ tổng quan về thay đổi, bạn nghĩ gì về câu chuyện của vua Khít-ki-gia mà Eims kể đầu chương?

3. Khi bạn gần với những người “nhiệt thành” cho Chúa thì bạn cảm thấy thế nào?

4. Đâu là những phương cách để một ai đó quyết định lĩnh vực sứ vụ để tập trung vào đó?

5. Bạn có cho là người giáo dân cần có một tập trung nhất định nào đó cho sứ vụ hội thánh trong khi vẫn lao động mưu sinh không? Vui lòng giải thích

6. Tham khảo Thư gởi tín hữu Do Thái 12:1-2. Theo bạn các nhà lãnh đạo là tín hữu thường mắc phải những tội nào nhất trong “cuộc đua” của họ?

7. Những điều gì đè nặng hay cản trở chúng ta?

8. Hãy nêu ba cách là Eims tin là con người phá huỷ cuộc đời mình. Bạn dễ rơi vào cách nào nhất?

9. Trong Thư 2 gởi ông Ti-mô-thê 2:3, Thánh Phaolô tông đồ khuyến kích chúng ta “đồng lao cộng khổ”. Trong văn hoá của chúng ta, đâu là những khó khăn mà nhà lãnh đạo là tín hữu được mời gọi gánh chụi vì Đức Kitô?

10. Làm thế nào để “tinh thần chiến đấu” hoà hợp với những đức tính khác của người Kitô hữu như: an lành, nhẹ nhàng, tử tế?

Gợi ý cầu nguyện

Hãy cầu nguyện về ba khía cạnh mà Eims chia sẻ trong chương này. Thú nhận những thiếu sót của bạn, tạ ơn cho những gì bạn đang làm tốt và xin soi sáng để nhận ra những điều mà Chúa muốn bạn thay đổi để có ảnh hưởng lớn hơn cho vương quốc của Ngài.

Những hoạt động khác

1. Hãy đọc tiểu sử của một ai đó nổi tiếng trong lịch sử Hội Thánh. Hãy để ý xem ba tố chất trong chương này có (hay không có) trong đời sống của nhân vật đó ra sao.

2. Hãy để ý một ai khác có ảnh hưởng cho danh Chúa và xác định xem người đó có một trong ba tố chất đó không

Bài tập

1. Đọc chương 7 và làm bài tập

2. Xem xét xem bạn đang ở mức độ nào của thành công trong công việc và sứ vụ