ĐỨC TIN THỜI WTO.

Bầu khí kinh tế thị trường trước hết sẽ trở thành một lời chất vấn đối với nếp sinh hoạt của Giáo Hội Việt Nam. Khi người Tín Hữu không tìm thấy được trong Giáo Hội những đáp ứng cho nhu cầu tâm linh chân chính và có tính nhân – thân của mình, thì sẽ có một số người bỏ Giáo Hội, hoặc tìm đến những giải đáp khác; và khi mà các người có trách nhiệm trong Giáo Hội không "trả lời" được cho lời chất vấn ấy một cách tự nguyện, thì sẽ đến lúc chính qui luật cung cầu sẽ trở thành một qui luật khách quan buộc Giáo Hội Việt Nam phải thay đổi cung cách của mình...

THỜI WTO, ĐE DỌA HAY CƠ MAY

CỦA ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN ?

      NGUYỄN TRỌNG VIỄN, OP

      Trong bầu khí kinh tế thị trường, chẳng những chúng ta có thể khám phá ra được những nguyên lý vận hành tốt đẹp trong đời sống Đức Tin của người Tín Hữu Công Giáo, nhưng còn có cơ may định hướng một cách chân thật hơn trong nỗ lực mục vụ của các người lãnh đạo trong Giáo Hội trong thời đại mới; nhất là cơ may khám phá những giá trị đích thực của Tin Mừng. Bởi vì cơ cấu của một nền kinh tế thị trường, hoặc mạnh hơn nữa là cơ cấu cạnh tranh khốc liệt của thời đại WTO, mặc dù trước mắt có thể làm suy yếu nếp sinh hoạt rầm rộ quen thuộc của Giáo Hội, nhưng đó cũng có thể là một thách đố giúp cho sinh hoạt của Giáo Hội Việt Nam tìm lại khuôn mặt nguyên tuyền hơn của mình.

      Một sự thay đổi theo chiều hướng tôn trọng "Thượng đế" hơn

      Thời kinh tế thị trường, nhất là thời kinh tế hội nhập vào trào lưu kinh tế của thế giới, thời đại WTO, là thời đại người bán hàng phải hết sức tôn trọng khách hàng, tôn trọng như "thượng đế" vậy. Nguyên tắc ấy trước tiên, biểu lộ một sự đảo ngược trọng tâm của vận hành kinh tế; chính nhu cầu của người tiêu dùng mới là điểm qui chiếu của hoạt động kinh tế chứ không phải một chương trình ít phản ảnh được nhu cầu thực sự. Có lẽ điều trước tiên sẽ xảy đến trong sinh hoạt của Giáo Hội Việt Nam là: sống trong bầu khí ấy, chắc chắn càng ngày người Tín Hữu sẽ nhận ra sự phi lý, hoặc sự nặng nề của tổ chức trong Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt là những Giáo Xứ hoặc những Giáo Phận ít nhiều mang tính cách "toàn tòng", chúng ta có thể thấy hầu hết vẫn vận hành theo kiểu lấy ý muốn của cha xứ làm trọng tâm, hoặc đặt ưu tiên cho một trật tự ổn định, một nề nếp quen thuộc của Giáo Xứ hơn là đáp ứng những hoàn cảnh thực tế của đa số người Tín Hữu.

      Những hoàn cảnh cá biệt thì dĩ nhiên là bị loại trừ không thương xót. Các Linh Mục, và cả các Giám Mục hình như vẫn quen đánh giá một tập thể trong Giáo Hội theo tiêu chuẩn nề nếp chung, trật tự chung, một thứ "chủ nghĩa xếp hàng" nào đó buộc mọi người phải đáp ứng những đòi hỏi như nhau để được những ân huệ như nhau. Sinh hoạt Giáo Xứ chỉ được quan tâm ở những tổ chức, những sinh hoạt chung chứ ít khơi lên và nuôi dưỡng được một "khung trời" tự do nội tâm, một thứ "bản lãnh" nội tại của người Tín Hữu trong đời sống đạo, và như thế "đạo sinh hoạt", treo đời sống Đức Tin của mình vào những tổ chức, những sinh hoạt đao đức chứ không thực sự sống Đức Tin như một người trưởng thành.

      Thứ đến, ta có thể thấy rằng quyên tắc tôn trọng "thượng đế" của nền kinh tế thị trường cũng phản ảnh một chút tinh thần của Tin Mừng, của tinh thần Tân Ước, nghĩa là tinh thần của người mục tử đi tìm con chiên lạc chứ không phải chờ con chiên trở về; chỉ có điều nếu châm ngôn khách hàng là "thượng đế" của nền kinh tế thị trường nhằm o bế những người có tiền, thì tinh thần của Tin Mừng lại đòi hỏi người mục tử quan tâm đến những người nghèo, nghèo cả về vật chất lẫn tinh thần.

      Tuy nhiên, trong đời sống của Giáo Hội Việt Nam, chúng ta nhận thấy, nói chung, người mục tử ít tôn trọng nhu cẩu riêng của người Tín Hữu. Nhất là những "người nghèo", những người có hoàn cảnh riêng biệt thì thường không được tôn trọng và không được lắng nghe để tìm được cách giải quyết. Giáo quyền thì thường giải quyết vấn đề theo kiểu "không kiểm soát được thì cấm"; biện pháp ấy có thể ngăn chặn được một số lạm dụng, nhưng cũng luôn bao hàm những áp đặt oan ức cho một số người khác, những người có hoàn cảnh khó khăn thực sự, những "người nghèo" thực sự, những người có nhu cầu thực sự cần được linh động giải quyết. Một số Giáo Phận và một số cha xứ không muốn hoặc hạn chế tối đa việc giải quyết phép chuẩn hôn nhân chẳng hạn, theo tôi, đó là một thứ biện pháp giải quyết theo kiểu "không kiểm soát được thì cấm".

      Không kể những lý do về não trạng, về đạo đức, theo phân tích xã hội, chúng ta có thể nhận ra lý do sâu xa của tình trạng nói trên cũng chính là qui luật cung – cầu. Nếu xét theo qui luật cung cầu thì trong Giáo Hội Việt Nam hiện nay, người Linh Mục không cần giáo dân mà giáo dân cần Linh Mục; nghĩa là cung không đủ cầu. Chính điều đó làm cho người Linh Mục càng ngày càng ít quan tâm đến việc "lên đường đi tìm con chiên lạc", ít nỗ lực xoay sở để loan báo Tin Mừng; nhưng thường thoả mãn nhu cầu tâm linh của người giáo dân một cách bất đắc dĩ; hoặc đạo đức hơn thì cũng dừng lại ở mức độ một người mục tử liêm chính, chu toàn trách nhiệm đòi hỏi của một người công chức.

      Những tính cách như thế khác xa mẫu mực của người mục tử mang ngọn lửa của sứ vụ trong tim. Tình hình mất quân bình theo luật cung cầu như thế làm cho người Linh Mục cũng như những sinh hoạt trong Giáo Xứ rất dễ tiến theo kiểu ban phát, theo cơ chế xin cho như chúng ta thấy trong xã hội thời kinh tế bao cấp trước đây.

      Khám phá nhu cầu thật của người Tín Hữu

      Khi người nông dân không có khả năng để đi vào thời đại cơ khí hoá, anh ta vẫn "trung thành" với con trâu. Thế nhưng trong tình hình chung của nền sản xuất cơ khí hoá, anh nông dân sẽ phải nhìn sang mảnh ruộng bên cạnh, để thấy chiếc máy cày đi quá mau, cầy xới đất quá tốt, rồi anh ta đâm ra bực tức, quát nạt con trâu già của mình để nó đi nhanh hơn, cầy xới đất tốt hơn. Thế nhưng, com trâu không thể nào trở thành chiếc máy cày được; con trâu ì ạch kéo cày và lãnh nhận những đòn roi vô lý từ anh nông dân chậm tiến.

      Đó là thứ bệnh tạm gọi là bệnh "quát nạt những con trâu già"; bệnh của những người "mục đồng" không theo kịp được diễn tiến mới của thời đại, không đủ sức "leo lên máy cày" để hướng dẫn người Tín Hữu trong thời đại mới, và để bù trừ thì người mục tử ấy trút tất cả nỗi giận của mình lên những con trâu khốn khổ, dựa theo những thói quen của một thời đại đã qua: phải ăn mặc đồng phục khi đi lễ, không được đi lễ trễ, phải ngồi vào hàng nghế trên, phải xưng tội vào đúng giờ qui định, phải làm thủ tục hôn phối đúng giấy tờ…; người mục đồng ấy trách móc người Tín Hữu không tha thiết với việc Nhà Thờ, người mục đồng ấy kêu than người Tín Hữu đam mê kiếm tiền và ham mê thăng tiến thế gian…; người mục đồng ấy không hiểu được những thúc bách gay gắt của thời đại mới, những nhu cầu chính đáng, những thách đố gay gắt của con người trong thời đại đau thương và cả những hoàn cảnh bi đát khiến nhiều người không thể vào Nhà Thờ đúng giờ, không thể lên hàng nghế trên để ngồi cách thanh thản, không thể đi xưng tội đúng giờ…

      Chúng ta có thể thấy rõ là Giáo Hội Việt Nam chưa có, hoặc chưa có một cách phổ biến, việc nghiên cứu mục vụ có tính cách "khoa học" để có thể "cảm" được những biến động sâu xa trong tâm hồn con người trước tác động của thời đại mới, nhất là không có được những đường hướng có tính chiến lược trong kế hoạch mục vụ của mình. Hình như các đấng bậc có trách nhiệm cao nhất trong Giáo Hội Việt Nam ít dám nghĩ và dám làm, nên không thấy được những vấn đề trong Giáo Hội của mình và cũng không đưa ra được một đường hướng rõ rệt nào cả. Điều ấy khiến những người có trách nhiệm thường đưa ra những biên pháp "kỷ luật" không nhằm một chiến lược nào cả mà chỉ là những biện pháp có tính cách đối phó tình thế; và đó chính là mảnh đất tốt cho căn bệnh "quát nạt những con trâu già".

      Chẳng hạn, chúng ta có thể thấy rõ Giáo Hội Việt Nam nói chung và người Tín Hữu nói riêng quá thiếu sót trong khía cạnh sống chứng tá Tin Mừng giữa trần thế; hầu hết các hội đoàn của chúng ta mang tính cách của một thứ hội đạo đức nhiều hơn là sống tinh thần Công Giáo Tiến Hành, nghĩa là qui tụ người Tín Hữu thuộc đủ mọi thành phần vào những việc đạo đức như nhau chứ ít khi giúp cho người Tín Hữu sống Tin Mừng trong nghề nghiệp, trong môi trường sống của mình như một lời chứng.

      Chẳng hạn người Tín Hữu trong Giáo Hội Việt Nam thường "treo’ đời mình vào sinh hoạt chung hơn là sống Đức Tin với sự tự chủ, tự nguyện từ chính bản thân; từ đó, người Tín Hữu đạo đức dễ trở thành những người vui với những sinh hoạt đạo đức chứ không phải là những người thực sự có mối tương quan sống động với Chúa Giê-su; điều đó làm cho người Tín Hữu đọc kinh giỏi chứ không biết cầu nguyện và hết giờ sinh hoạt của Nhà Thờ thì không biết làm gì.

      Chẳng hạn người Tín Hữu Việt Nam thường tìm cách chu toàn lề luật hoặc né luật chứ không biết sống với Chúa trong một lương tâm sáng suốt và ngay thẳng; chẳng hạn người Tín Hữu Việt Nam không có khả năng sáng tạo bản thân để đáp lại thánh ý Chúa đối với mình.

      Những nhận định như thế, nếu được đón nhận một cách khoa học hơn, nếu được đưa vào trong chiến lược phát triển của Giáo Hội, thì chúng ta cần có những lối mở: chẳng hạn khuyến khích tạo bầu khí thinh lặng trong Phụng Vụ, khuyến khích việc chầu Thánh Thể riêng, tập cho các Tín Hữu biết đọc Kinh Thánh trong suy niệm và cầu nguyện; chẳng hạn nên để rộng một số quy định để người Tín Hữu tập dần biết sống với Chúa trong sự tự chủ của lương tâm mình nhiều hơn.

      Cơ may thể hiện những giá trị chân chính của Tin Mừng

      Tôi thường nghĩ rằng một Giáo Hội không mang trọng trách loan báo Tin Mừng, một Giáo Hội mà cán cân truyền giáo không cân xứng, thì những thành phần trong Giáo Hội ấy, Linh Mục và Tín Hữu, thay vì nhận thấy những giá trị nhân bản Ki-tô đích thực để giới thiệu cho người khác, ta sẽ chỉ quanh quẩn xét nét nhau trong nội bộ và tạo ra bao nhiêu những lễ nghĩa rườm rà mà thôi. Giáo Hội đóng kín ấy thích đề cao chuyện đánh giá hơn thua; tô vẽ những sinh hoạt hình thức rầm rộ; đặt ra nhiều qui luật đòi hỏi nhau một cách khó khăn. Những yếu tố như thế chúng ta có thể thấy rõ trong các Xứ Đạo "toàn tòng" hoặc những Giáo Phận có nhiều tính cách "toàn tòng".

      Cũng thế, với thách đố của bầu khí kinh tế thị trường, người mục tử không thể dễ dàng đưa ra những áp đặt kỷ luật theo kiểu từ trên xuống, nhưng luôn phải khám phá nét đẹp của Tin Mừng để giới thiệu, để mời gọi, để thuyết phục; người Tín Hữu sẽ nhạy bén hơn để thấy được cái kỳ cục trong lối sống của mình. Trong bầu không khí kinh tế thị trường, người ta luôn hy vọng vào một lời đáp trả tự nguyện của "người tiêu dùng". Bầu không khí "cạnh tranh" như thế buộc người mục tử phải đi vào "cuộc chơi" một cách bình đẳng hơn.

      Một cách nào đó, nền kinh tế phân phối vận hành theo hướng: "cái thiện" được chuyển tải theo nẻo đường "cái chân" để đến với người tiêu dùng; vận hành ấy dễ trở thành một sự áp đặt của bên sản xuất đối với bên tiêu dùng. Trong khi đó, vận hành của nền kinh tế thị trường lại đi theo chiều hướng "cái thiện" chọn con đường "cái mỹ" để kêu gọi, để "quyến rũ" được sự đáp ứng của người tiêu dùng; vận hành này mang tính cách của một cuộc "đối thoại" bình đẳng nhằm tìm ra chân lý.

      Trong đường hướng của nền kinh tế phân phối, người ta đã có sẵn "cái thiện" từ trước, người ta xác tín vào "cái thiện" ấy và tìm biện pháp buộc người khác phải chấp nhận bằng một hệ thống ý niệm chặt chẽ. Ngược lại, trong đường hướng của nên kinh tế thị trường, "cái thiện" của tôi được đưa vào cuộc thử luyện, vào cuộc cạnh tranh trên bình diện giá trị ( cái mỹ ) để có thể tự chứng tỏ phẩm chất của mình. Khi mà nhu cầu cuộc sống trở nên phong phú và đa dạng, người ta không chỉ cần ăn no mặc ấm, nhưng cần ăn ngon mặc đẹp, thì đường lối của nền kinh tế phân phối không thể đáp ứng được nữa, nhưng chính tính cách năng động của nền kinh tế thị trường mới có thể tạo ra được mối tương quan sòng phẳng hơn giữa người sản xuất và người tiêu dùng, cũng như sáng tạo ra dược những hàng hoá tích hợp cho nhiều nhu cầu mới.

      Chúng ta có thể thấy một qui luật vận hành tương tự như vậy trong đời sống Giáo Hội. Trong một Giáo Xứ toàn tòng chẳng hạn, các Linh Mục thường áp dụng đường lối của một thứ "kinh tế phân phối" trong cách tổ chức và sinh hoạt; trong đó, có rất nhiều những qui định chẳng những làm khó cho người Tín Hữu nhưng nhất là còn làm lu mờ các giá trị nhân bản cũng như những giá trị cứu độ của Tin Mừng. Ngược lại, khi phải đối diện với người khác tôn giáo, hoặc khi phải đối diện với bầu khí kinh tế thị trường mà trong đó có rất nhiều giá trị khác, nhiều tổ chức khác có thể quyến rũ tâm hồn con chiên, thì người mục tử sẽ thấy phải làm sáng nét đẹp tinh tuyền, cao quý của đạo Chúa.

      Quả thật, nhiều Linh Mục, và cả nhiều Tín Hữu nữa, đã quá quen với cơ chế xin – cho, quen với mối tương quan bề trên – bề dưới, quen với cung cách đòi hỏi chứ không chịu luỵ phiền, quen với sự khoái trá được phục vụ chứ không phải phục vụ… và không nhận ra được nhiều sự kỳ cục thậm chí đến mức quái dị đi ngược lại hoàn toàn với tinh thần Tin Mừng. Có thể chính bầu không khí mới của nền kinh tế thị trường, bầu khí cạnh tranh gay gắt của thời đại WTO sẽ là những yếu tố tạo nên một sự cải tổ bắt buộc đối với những môi trường Giáo Hội; và như thế, cũng có nhiều cơ may làm sáng lên nhiều giá trị đẹp của Tin Mừng Đức Giê-su hơn.

      Tạm kết

      Bầu khí kinh tế thị trường trước hết sẽ trở thành một lời chất vấn đối với nếp sinh hoạt của Giáo Hội Việt Nam. Khi người Tín Hữu không tìm thấy được trong Giáo Hội những đáp ứng cho nhu cầu tâm linh chân chính và có tính nhân – thân của mình, thì sẽ có một số người bỏ Giáo Hội, hoặc tìm đến những giải đáp khác; và khi mà các người có trách nhiệm trong Giáo Hội không "trả lời" được cho lời chất vấn ấy một cách tự nguyện, thì sẽ đến lúc chính qui luật cung cầu sẽ trở thành một qui luật khách quan buộc Giáo Hội Việt Nam phải thay đổi cung cách của mình; nghĩa là khi mà người Tín Hữu ngán ngẩm và không còn nhiều nhu cầu về tôn giáo nữa, hoặc đúng hơn người Tín Hữu không còn chấp nhận được tính cách bị bó buộc trong Giáo Hội, thì các đấng bậc trong Giáo Hội mới cuống cuồng chạy theo để vớt vát.

      Có người đã phải nói rằng: tôi sốt ruột vì chưa thấy Giáo Hội Việt Nam suy sụp. Đó không phải là lời của một người chủ trương xoá bỏ tôn giáo, nhưng là nỗi lòng của một Linh Mục nhận thấy rằng: vì Giáo Hội Việt Nam không có vị Thánh để thực hiện được một sự cải tổ từ bên trong, thì đành phải chấp nhận qui luật gay gắt của một sự cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường để có được một sự cải tổ bắt buộc từ bên ngoài vậy.

__________________________

Đức Tin Ngược Đời

Lung Linh

Khi suy tư về biến cố Đức Giêsu chịu phép Rửa, hầu như ai cũng muốn xoáy vào chủ đề: Con rất yêu dấu của Cha - qua đoạn tường thuật của thánh Luca:

Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra,22 và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con yêu dấu (You are my beloved Son) của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con. (Lc 3:21-22)

Từ hình ảnh người con yêu dấu chúng ta nhớ về giây phút trọng đại của biến cố Truyền Tin để xác mình lý lịch Con Yêu Dấu của Cha. Sứ thần Gabriel đã quả quyết:

- " Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế Đấng Thánh sắp được sinh ra, sẽ được gọi là Con Thiên Chúa" ( Lc 1, 35). 

Đọc tới đây hầu hết chúng ta gật gù và cho là một chuyện rất tự nhiên. Đức Giêsu là Chúa thì danh hiệu Con Thiên Chúa, con Đầng Tối Cao là chuyện khỏi phải bàn luận mất thời giờ.

Còn chúng ta thì cứ việc tự nhận mình là phàm hèn, yêu đuối, là không trước mặt Chúa cho chắc ăn..

Chúng ta cứ việc nhắm mắt mà tin rằng chỉ duy nhất mình Đức Giêsu được sinh ra mà không phải tạo thành..còn chúng ta tòan là một lũ phàm nhân, là một lũ VẬT ĐƯỢC TẠO THÀNH chứ không được diễm phúc do Chúa sinh ra. Dù rằng Tin Mừng Gioan đã quả quyết:

Họ được sinh ra, không phải do khí huyết,
cũng chẳng do ước muốn của nhục thể,
hoặc do ước muốn của người đàn ông,
nhưng do bởi Thiên Chúa. (Ga 1:13)

Đoạn Kinh Thánh này quan trọng đền nỗi.. ngày xưa phải đọc trong các Thánh Lễ.. ông bà miền quê gọi là E-van thứ hai.

Ngày nay đoạn này được đọc trong – Lễ Giáng Sinh ban ngày và Thứ Bảy Bát nhật Giáng sinh.

Đọc ngoài miệng là Họ được sinh ra ... do bởi Thiên Chúa...Nhưng vì đã được dạy cả hàng ngàn năm nay nên chúng ta cứ tin như đóng đinh vào cột: Chúng ta là vật được tạo thành.

Ai dám tuyên bố: Tôi là con Thiên Chúa. Tôi là con yêu dấu của Chúa. Tôi là con ruột của Chúa.. lập tức những người tự nhận mình là vật phàm hèn sẽ vung tay thật cao khép kẻ dám phạm thượng vào trọng tội: chống Giáo Hội.. Bè rối.. lạc đạo...

Lý do: đây là những danh hiệu cao quí chỉ được dành riêng cho Đức Giêsu mà thôi.. dù rằng Kinh Thánh đã xác tín: chúng ta được sinh ra ... do bởi Thiên Chúa..cũng mặc kệ . Miễn là được dạy sao thì cứ việc tin như thế, đừng hỏi lôi thôi, đừng thắc mắc vớ vẩn... mà bị lên án là rối đạo ... khốn khổ cả một đời. Chết không được chôn trong Đất Thánh!!

Rõ ràng là Đức Tin ngược đời!!

Mời quý độc giả nghiên cứu lại việc xuất hiện của Gioan Tảy Giả, Kinh Thánh cũng ghi rất rõ:  lời của một Thiên sứ:

Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Rượu lạt rượu nồng em sẽ đều không uống.

Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần.

Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. (Lc 1:15-16)

Một câu hỏi thật nghiêm chỉnh xuất hiện:

Phần chúng ta, Ngay khi còn trong lòng mẹ, chúng ta đã đầy Thánh Thần không??

Hấu hết chúng ta cho rằng không. Phải đợi sau khi được chịu Phép Rửa mới được trở nên con cái Chúa – Không biết từ khi sinh ra cho tới khi chịu phép Rửa tôi là con cái của ai? Của Ông Ađam? Của ma quỷ?

Sau khi chịu phép Rửa, nhận được Thánh Thần  để trở nên con Thiên Chúa qua việc xức dầu thánh... thế mà vẫn cứ yêu đưối.

Lớn lên thêm một chút, chúng ta chịu phép Thêm sức, nhận tới 7 ơn Thánh Thần trong đó có ơn Sức Mạnh..nhưng vẫn tiếp tục xác nhận mình yếu đuối, phàm hèn cho tới chết!!!

Tại sao vậy? Tại sao cứ mãi phàm hèn, yêu đuối như vậy??? 

 Một hòn đá – không, một tảng đá rất lớn - khiến chúng ta thường vấp phải đó là Phân biệt rõ ràng Thánh – Phàm.

Đức Giêsu là Thánh – Chúng ta là Phàm

Gioan Tảy Giả là Thánh – Chúng ta là Phàm

Phao-lô là thánh - Chúng ta là Phàm.

Nếu như vậy thử hỏi chúng ta đọc Kinh Thánh để làm gì?

Lập tức các người tự nhận mình là Phàm Nhân sẽ la toáng lên:

Vậy mà cũng hỏi, để bắt chước các nhân đức của các ngài chứ để làm gì!! Sao ngu quá vậy!!!

Dạ em ngu lắm, nhưng Chúa là Thánh, mình là Phàm, làm sao bắt chước nổi??

À, thì mình phải cố gắng, cố gắng, cố gắng..

Bao giờ mới thành công??

Chuyện đó thì có lẽ đến chết cũng chẳng đi đến đâu..vì mình cảm thấy phàm hèn yếu đuối quá sức. Phạm tội.. xưng tội..rồi lại phạm tội..rồi lại xưng tội..Cái vòng luẩn quẩn này không biết bao giờ mới kết thúc!!!

Đây chính là mấu chốt của vấn đề. Bấy lâu nay mình đọc Kinh Thánh mà cứ mang trong đầu tư tưởng phân biệt Thánh – Phàm thì cho dù đọc mỗi ngày 2 tiếng đồng hồ, suy niệm 5 tiếng đồng hồ thì cũng chẳng nên cơm cháo gì!!! Mèo vẫn hoàn mèo – Phàm nhân vẫn hoàn Phàm nhân.

Rõ ràng là Đức Tin ngược đời!!

Một số người khác sẽ đưa ra lý luận cổ điển:

Thánh Gioan Tảy Giả, thánh Phaolô đã được Chúa thương chọn cách riêng, còn chúng ta không được chọn như thế.

Hóa ra Chúa thiên vị, thương người này ghét bỏ người khác..Suy ra, Chúa thương rất ít và bỏ rơi rất nhiều. Có thể nói: thương chỉ chừng 10% là các thánh và những người Chúa chọn như các linh mục, tu sĩ..; còn 90% là phàm nhân, thành phần bị bỏ rơi.. sống chết mặc bay. Thế thì tình yêu Chúa vô biên ở chỗ nào???

Này, anh đừng phạm thượng. Đây là một màu nhiệm ..không thể hiểu nổi..Anh đừng tuyên bố bừa bãi.

Ấy, tôi chỉ nêu vấn đề  để chúng ta cùng suy tư và tìm hiểu đến nơi đến chốn, kẻo chúng ta cứ nhắm mắt tin bừa: Tình yêu Chúa vô biên nhưng cùng lúc đó chúng ta lại chấp nhận Tình yêu Chúa rất giới hạn, chọn người này, bỏ rơi người kia.

Rõ ràng là Đức Tin ngược đời!!

Bây giờ giả sử chúng ta mạnh dạn tin rằng không những Đức Giêsu, Gioan Tảy Giả, Phao-lô là Con Yêu Dấu của Chúa... mà cà chúng ta nữa, mỗi người chúng ta đều là Con Yêu Dấu Ngài thì chuyện Tình yêu bao la vô biên của Chúa lập tức sẽ rõ như ban ngày, chứ đâu phải lúng túng cắt nghĩa bằng đủ mọi trường phái Thần học, rồi khi bí quá.. liền mang bùa hộ mệnh Màu Nhiệm ra để khỏa lấp Đức Tin ngược đời của mình!!!

Tóm lại tảng đá vấp phạm khiến Đức Tin  của chúng ta trở thành ngược đời đó chính là chúng ta luôn mang trong trí óc mình tư tưởng: Tôi là VẬT PHÀM HÈN chứ không phải CON YÊU DẤU của Chúa.

Về thân xác, chúng ta thường lầm tưởng rằng con người mình chỉ có phần thân xác: tôi dễ mệt mỏi, dễ nhiễm bệnh, dễ bị tổn thương bởi bất cứu tai nạn nào: đụng xe, hỏa họan, động đất, sóng thần… tàn tạ hư hao, chỉ là tro bụi, sẽ trở về bụi tro…

Về mặt tâm linh: tuy thân xác tôi mong manh như cây sậy, nhưng tôi Không Phàm Hèn bởi vì tôi được sinh ra bởi chính Thiên Chúa, mang hình ảnh của Ngài, tràn đầy Thần Khí Thiên Chúa …

Thánh Phaolô đã khẳng định:

Dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi (mong manh, yếu đuối), thì con người bên trong (con yêu dấu đầy sức mạnh Thần Khí của Chúa) của chúng tôi ngày càng đổi mới. (2Cr 4:16).

 Ta thấy đó, chính điều lầm tưởng này khiến cho Đức Tin của chúng ta trở thành ngược đời

Tin một đàng…..Nghĩ một nẻo...

Tin như trống đánh xuôi…

Sống như kèn thổi nguợc!!!