Khi bị quấy rầy

Cuộc sống có nhiều lúc chúng ta bị quấy rầy, đa dạng với nhiều mức độ khác nhau. Biết tự giải thoát mình khỏi những sự quấy rầy đó là người khôn ngoan, là biết sống, là biết điều với chính mình...

Khi bị quấy rầy

Cuộc sống có nhiều lúc chúng ta bị quấy rầy, đa dạng với nhiều mức độ khác nhau. Biết tự giải thoát mình khỏi những sự quấy rầy đó là người khôn ngoan, là biết sống, là biết điều với chính mình. Ngạn ngữ Anh có câu: “Ai không biết giận là dại, ai không muốn giận là khôn”. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta cần phải khôn khéo xử lý hoặc phản ứng sao cho phù hợp.

1. Với người luôn chê trách người khác, kể cả bạn

Cứ bình tĩnh, và cứ khôi hài: “Tại sao lại luôn là lỗi của người khác nhỉ?”. Có thể là họ sẽ cười cho qua hoặc cảm thấy… “nhột”. Có tật giật mình mà. Dù họ có phản ứng cách nào thì lời nhận xét của bạn cũng được “lưu ý”.

2. Với người “phỗng tay trên”, hưởng lợi từ công trạng của bạn

Điều này khó chứng tỏ vì “tình ngay, lý gian”. Hãy cẩn thận để tên mình ở các tài liệu mà bạn hoàn tất. Nếu có người gạt bỏ ý tưởng của bạn ở buổi họp, bạn hãy chỉ rõ ngay – nếu có thể thì nên dùng cách nói khôi hài. Sau đó, gặp trực tiếp và nói với họ: “Đừng làm như vậy nữa nhé!”. Đây là loại “đạo tặc”, thời nào cũng có và có trong mọi lĩnh vực: Đạo nhạc, đạo thơ, đạo văn,…

3. Với người luôn ngắt lời hoặc phá đám

Đừng chịu đựng một cách vô lý. Hãy thản nhiên và cương quyết: “Để tôi nói xong đã”, hoặc “Chờ tôi làm xong đã”. Nếu cần thì cứ lặng im, coi như không có họ để bạn có thể tập trung làm việc. Im lặng không phải là THUA CUỘC mà là thể hiện MẠNH MẼ về tâm lý.

4. Với người làm bạn lúng túng trước mặt người khác

Hãy cho họ ngồi lên “chiếc ghế nóng” bằng cách nói: “Tôi chắc là anh/chị không có ý làm tôi khó xử như vậy, thế mà anh/chị đã làm tôi lúng túng quá”. Nói xong rồi thôi, không đay nghiến hoặc lặp đi lặp lại. Nếu họ biết điều thì tốt, không thì… thôi. Đời là thế mà!

5. Với người không biết điều, hay mách lẻo

Một người đồng nghiệp không thể bắt người khác chịu trách nhiệm, nhưng bạn có thể cho họ biết rằng cách xử sự của họ làm bạn thất vọng, đồng thời bạn có thể cho sếp biết động thái “giật dây” hoặc “ném đá giấu tay” của người kia.

6. Với người “nhiều chuyện”

Người ta thích làm thầy thiên hạ, tỏ vẻ “ta đây”, nịnh trên nạt dưới, nên dễ bép xép, đặt điều để “buôn dưa lê” hoặc có họ với “bà Tám”. Hãy đối chất trực tiếp nếu chuyện có liên quan đến bạn. Cần thì nhờ hỗ trợ của người khác để “ba mặt một lời”. Không nên bực tức với các dạng “bà tám”, nhưng có thể coi thường họ vì họ không đáng để mình kết bạn hoặc quen biết.

7. Với người áp chế và đe dọa

Họ có thể dùng tiền để “cả vú lấp miệng em”, đe dọa hoặc là đánh đập, thậm chí họ có thể đánh vào nhược điểm của bạn (giới tính, tuổi tác, danh dự, nghề nghiệp, chức vị,…), buộc bạn phải nhượng bộ. Bạn đừng ngần ngại nói: “Vậy là bất công, tôi không thể làm điều gì trái lương tâm. Tôi có nhân cách riêng và không được phép làm trái đạo làm người”.

8. Với người không thích mình

Họ không thích mình hoặc ghét mình có thể vì không hợp tư tưởng, đôi khi có thể do “ghen ăn tức ở”. Con người được tạo nên không chỉ bằng máu, thịt, mà còn bằng lòng can đảm kỳ diệu. Hãy cứ thanh thản và cứ là chính mình. Họ không thích bạn có thể họ sợ bạn và lòng họ vẫn khâm phục bạn.

TRẦM THIÊN THU