Thích cái gì mình có thôi

Cà phê là thứ sẽ thuộc về mình, ly tách là thứ phải để lại, thuộc về bên ngoài, thuộc về khách quan và về “người khác”, “điều khác”. Cho nên hãy biết bằng lòng thưởng thức cái gì có thuộc về mình, hãy biết thích những gì mà mình hiện có. Và sẽ thấy thoải mái và hạnh phúc hơn khi biết là không thể thích được những gì mình không có, hay không thể có...

Thích cái gì mình có thôi

Chuyện kể có một nhóm cựu sinh viên gặp lại nhau cùng lời hẹn sẽ cùng trở về ngôi trường đại học thời xưa họ từng học với nhau và cũng để thăm một vị giáo sư ngày xưa mà họ rất quý mến và kính trọng. Cần nói ngay là trong số họ đa phần là những người thành công trong sự nghiệp và một số đang giữ những chức vụ địa vị cao trong xã hội.
 
Trong khi ngồi hàn huyên tâm sự với nhau, mọi người bắt đầu than phiền về những công việc bận rộn, nhiều người phàn nàn về công việc bận rộn và căng thẳng trong chức phận quản lý hoặc chuyên môn của mình. Không ít trường hợp còn nêu cả những vướng mắc, sự phức tạp buồn phiền trong đời sống riêng tư mà họ gặp phải cũng do quá mất thì giờ về công việc nó phát sinh ra…
 
Nghe hết những lời tâm sự chân thật và chẳng giấu diếm những điều bất cập với cuộc đời của tốp sinh viên ngày xưa như vậy, vị giáo sư chưa nói một điều gì ngay tiếp theo mà ông ra hiệu mọi người dừng nghỉ chút. Ông mời những người học trò cũ của mình giải lao và uống cà phê.
 
Ngay sau đó vị giáo sư đi vào nhà trong và mang ra một bình cà phê lớn. Cùng với bình cà phê là một chồng các ly tách đủ loại: bằng sứ, plastic, thủy tinh… Đương nhiên bên những các tách dáng và màu sắc rất khiêm nhường thì cũng có những cái tách thoạt nhìn là biết đắt tiền bởi vẻ sang trọng về màu sắc và chất liệu làm tách.
 
Vị giáo sư không rót cà phê mà mời những học trò cũ của mình tự rót lấy cà phê vào tách của mình.
 
Khi mỗi người đã có một ly cà phê trong tay, vị giáo sư mới chậm rãi nói: 
 
“Tôi tin vì cũng vừa chú ý quan sát các anh chị lấy cà phê cho mình. Những tách cà phê đẹp và đắt tiền được chọn lấy trước hết, và đương nhiên chỉ còn lại những ly tách rẻ tiền và tầm thường cho người nào chậm tay... Đối với các anh chị việc ấy cũng thường thôi! Chúng ta ai mà lại chẳng muốn chọn cho mình những gì hay và đẹp nhất”.
 
 
 
 
Người giáo sự dừng lại chút nhìn lại một lượt các khuôn mặt, rồi tiếp lời:
“Nhưng đó cũng là nguyên nhân của sự căng thẳng và những khó khăn của các anh chị trong cuộc sống. Những gì anh chị muốn, thực sự là cà phê, chứ đâu phải là chiếc tách chiếc ly. Nhưng các anh chị lại có ý đi lựa cho mình những chiếc tách đẹp nhất và thỉnh thoảng cũng nhìn sang người bên cạnh, xem họ có những chiếc tách nào...
 
Cũng vậy, nếu cuộc sống là cà phê, thì những công việc, tiền bạc, địa vị trong xã hội là những chiếc tách.
 
Chúng chỉ là những phương tiện để chứa đựng sự sống của mình, chứ phẩm chất của sự sống không hề khác biệt. Và nhiều khi chúng ta vì quá chú ý và tập trung vào những chiếc tách, mà lại quên thưởng thức hương vị cà phê thơm ngon trong ấy, điều tôi nói có đúng không nào?”.
 
Hình như giáo sư muốn kết luận câu chuyện “những cái tách cà phê” của mình:
 
“Vì vậy cho nên các anh chị nhớ, đừng để những chiếc ly chiếc tách sai xử mình.
 
Hãy thưởng thức hương vị cà phê thơm ngon của cuộc sống.
 
Hạnh phúc không có nghĩa là mọi vấn đề chung quanh chúng ta phải được toàn bích và hoàn hảo tất cả. Hạnh phúc có nghĩa là chúng ta biết nhìn xa hơn, vượt ra ngoài những sự bất toàn ấy”.