Không còn một chỗ nào cho đồng xu bạc
Đã bao giờ bạn cảm thấy mình có quá nhiều deadline cần phải làm cho đúng hạn và không có thời gian để làm nhiều việc yêu thích...
Bạn có bao giờ thấy cuộc sống của mình rất bận rộn và rất “đầy”? Nếu bạn giống như tôi, thì có thể vào rất nhiều thời điểm, bạn thấy mình QUÁ bận rộn. Đôi khi tôi đổ đầy cuộc sống của mình bằng cách làm những việc mà tôi nghĩ rằng mình NÊN làm, hoặc thậm chí là những việc mà người khác nghĩ rằng tôi nên làm. Đến mức tôi không còn thời gian để làm những điều tôi MUỐN làm, mặc dù một số điều trong số đó thực sự là quan trọng.
Tôi thường xuyên có cảm giác rằng mình đang có một ngàn cái deadline cần phải làm cho đúng hạn, và còn thường xuyên hơn nữa là tôi thấy mình không thể lấy đâu ra đủ thời gian để đọc, để viết – hai sở thích lớn của tôi, tôi bỏ cả thói quen tập thể thao, hoặc tôi phớt lờ cả một chút thời gian – không bị ngắt quãng và sao lãng - cần thiết để ngồi một mình tĩnh tâm, thư giãn, suy nghĩ...
Mỗi lần như vậy, sẽ rất có ích nếu bạn nhớ đến câu chuyện về một cô bé và con heo đất của mình. Bố cô bé vừa tặng cho cô một tờ tiền giấy và một đồng tiền xu bằng bạc để tiết kiệm. Cô bé sung sướng và hào hứng chạy về phòng mình để “nạp tiền vào tài khoản” heo đất. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau, cô bé quay lại và đưa trả cho bố tờ tiền giấy cùng đồng tiền xu, mặt bí xị.
- Bố ơi – Cô bé nói buồn bã – Con phải trả lại tiền cho bố đây. Con không thể cho chúng vào con heo đất của con được nữa.
- Sao lại không chứ? – Bố cô bé hỏi với vẻ quan tâm.
- Vì nó quá đầy rồi ạ - Cô bé đáp, rõ ràng là rất thất vọng.
Muốn xem sự thực ra sao, bố cô bé dẫn cô con gái vào phòng của cô bé, và ở đó, rõ rành rành: con heo đất đã quá đầy, đến mức không thể “nuốt” thêm dù chỉ một đồng tiền nữa. Trong con heo toàn những đồng xu mệnh giá nhỏ nhất!
[Trong trường hợp bạn muốn biết kết quả, thì bố cô bé đã giúp cô mở nắp con heo, đổ tiền xu ra, xếp gọn vào một chiếc túi khác để có thể đem ra ngân hàng đổi lại thành tiền mệnh giá lớn hơn, hoặc ít nhất là để cho gọn và con có chỗ bỏ thêm tiền vào].
Bạn có bao giờ thấy cuộc sống của mình cũng giống như con heo đất đó? Quá nhiều việc vụn vặt, những lo lắng, những điều bắt buộc phải làm và những hoạt động chưa chắc đã có giá trị lâu dài. Đến mức đơn giản là chẳng còn chỗ nào mà “nhồi” thêm những điều thực sự quan trọng và có giá trị cao – như đồng tiền xu bằng bạc.
Tác giả Grenville Kleiser có lần nói: “Sống vào thời điểm hiện tại là một đặc quyền vô giá, và một bổn phận rất quan trọng được trao cho bạn là sử dụng hợp lý những cơ hội của mình. Ngày hôm nay là ngày để cố gắng và làm và đạt được điều gì đó đáng giá”.
Bạn có còn đủ chỗ trong “ngân hàng heo đất” của mình dành cho vài đồng xu bằng bạc; cho điều gì đó mà bạn tin rằng xứng đáng? Nếu không còn, thì có thể đã đến lúc bạn cần phải bỏ bớt đi vài đồng xu nhỏ. Điều đó sẽ khiến cho chính cuộc sống của bạn giá trị và trọn vẹn hơn.
Kéo mình lên
Corrie Ten Boom đã có câu nói rất hay: “Thước đo của cuộc sống, nói cho cùng, không phải là ở độ dài của ngày tháng, mà là độ rộng của tấm lòng”...
Bạn có bao giờ cảm thấy rất tệ không? Chán nản, buồn bã, tẻ nhạt? Có bao giờ bạn ước mình có một thứ gì đó thường trực có thể “kéo mình lên”? Nếu như thế thì bài viết này có thể dành cho bạn...
Vào những năm 1920, nếu bạn tìm kiếm một thứ gì đó để giúp mình thay đổi tâm trạng thì bạn có thể đã lấy ngay một cốc 7-UP mát lạnh khiến bạn thấy tỉnh hẳn người. Hồi đó thì nó không được gọi là 7-UP, mà là “Bib-Label Lithiated Lemon-Lime Soda” (đố bạn nói nhanh được cụm từ này 3 lần liên tiếp đấy !).
Công thức chế biến ban đầu của nhà phát minh C. L. Griggs bao gồm chất lithium, có khả năng chống suy nhược và trầm cảm, được coi là “chất có thể nâng đỡ tâm trạng”, cho đến những năm 1940. Công thức sơ khởi của Coca-Cola cũng có một “chất có thể nâng đỡ tâm trạng” – cocaine.
Ngày nay, những người không bị trầm cảm nghiêm trọng thì đều hiểu rằng thường thì chúng ta không cần đến những chất thay-đổi-tâm-trạng để đối diện với cuộc sống hàng ngày. Nhưng hầu hết mọi người đều phải chiến đấu với một chút trầm cảm hoặc stress nhẹ, hoặc những lần nản lòng hay thất vọng, hoặc “những chuyện bực mình”, từ lần này sang lần khác, không lúc này thì lúc khác.
Vậy bạn làm thế nào để nâng đỡ tâm trạng của mình khi bạn cảm thấy tinh thần đang xuống dốc, mà không cần sự giúp đỡ của hoá chất, của “Bib-Label Lithiated Lemon-Lime Soda”?
Tôi hy vọng rằng đây không phải là điều gì mới đối với bạn, khi tôi nói rằng các giải pháp bao gồm nói chuyện cởi mở về những lý do mà bạn cảm thấy mệt mỏi, thực hiện những thay đổi cần thiết, xem xét lại chế độ ăn uống, ngủ đủ và tập thể dục thể thao, phát triển một cách nhìn cuộc sống tích cực…
Tất cả những điều đó đều là những mảnh ghép quan trọng của bảng ghép hình cảm xúc của bạn. Nhưng có một chiến lược đảm bảo để bạn cảm thấy dễ chịu hơn, tốt đẹp hơn, quan trọng không kém gì các yếu tố khác, nhưng lại được sử dụng ít nhất. Đó là giúp đỡ những người khác!
- Thăm một người hàng xóm hoặc họ hàng.
- Viết một bức thư.
- Gọi điện cho một người bạn cũ.
- Tham gia tình nguyện ở khu phố, ở trường, ở một quỹ từ thiện.
- Tự làm bánh và mời bố mẹ hoặc bạn bè.
- Rửa sạch xe đạp cho nhóc em.
- Trông giúp cô hàng xóm đứa con nhỏ.
- Tặng một món quà cho ai đó mà không nhân dịp gì và chẳng vì lý do gì.
Những người cần giúp đỡ thì rất nhiều (và có ai mà không cần giúp đỡ?), và những người dành chút thời gian để làm một điều tử tế cho người khác thường cũng sẽ quên luôn rằng mình đang cảm thấy tồi tệ. Tại sao cách này lại có hiệu quả? Chưa có cách giải thích nào hoàn toàn thuyết phục…, nó chỉ như một điều đương nhiên. Với tay ra và giúp đỡ một ai đó, và thế là, theo một cách kỳ diệu nào đó, bạn cũng lại giúp đỡ được chính mình.
Corrie Ten Boom đã có câu nói rất hay: “Thước đo của cuộc sống, nói cho cùng, không phải là ở độ dài của ngày tháng, mà là độ rộng của tấm lòng”.
Vậy nếu bạn đang cảm thấy tinh thần đi xuống, thì đó là lúc tuyệt nhất để với tay ra và mở rộng lòng mình đấy!
Cài thêm niềm vui
Khi những gì chúng ta đang làm mà có thêm cả niềm vui, thì chúng ta sẽ thích nó hơn. Và khi chúng ta thích nó hơn, thì chúng ta sẽ làm tốt hơn...
Plato từng nói rằng những việc bạn làm cũng nên là… trò chơi của bạn. Không phải như thế để coi nhẹ nó, mà là để bạn có nhiều hứng thú như khi bạn chơi vậy.
Một số nhân viên hàng không đã rất coi trọng lời khuyên này và thực hiện nó một cách nghiêm túc. Sau khi máy bay hạ cánh, một nhân viên phi hành đoàn của hãng Delta đã hào hứng tuyên bố:
- Cảm ơn quý khách đã bay chuyến bay hạng thương gia của hãng hàng không Delta. Chúng tôi hy vọng quý khách đã thích thú với việc tạo cơ hội làm ăn cho chúng tôi cũng như chúng tôi đã thích thú với việc chuyên chở quý khác
Đó là một nhân viên phi hành đoàn đã biết biến công việc thành trò chơi vui của mình. Không biết có phải không, nhưng tôi cứ có cảm giác đó cũng chính là cô nhân viên trên chuyến bay, mà khi hành khách chuẩn bị ra khỏi máy bay, đã thông báo
- Quý khách nào hoặc chen lấn, hoặc quá chậm trễ, sẽ bị mời ở lại lau dọn máy bay.
Một nhân viên bảo hiểm người Anh sau khi đọc bản tường trình của một khách hàng bị tai nạn giao thông nhẹ, đã viết báo cáo gửi lên cấp trên: “Khách hàng đã đi chậm lại, nhưng giao thông lại ở trạng thái tĩnh hơn mức khách hàng tưởng tượng”. Ai cũng biết là giao thông có thể khiến người ta stress đến mức nào, nhưng đọc bản báo cáo trên thì không ai không bật cười.
Hay một nhân viên khác cũng báo cáo lên cấp trên về trường hợp khách hàng của mình cần bảo hiểm, ngắn gọn như sau: “Kính chắn gió bị vỡ. Nguyên nhân chưa xác định. Có lẽ do một thế lực siêu nhiên”. “Thế lực siêu nhiên” thì nghe có vẻ đáng lo, nhưng thực tế đó chỉ là một cơn bão xảy ra buổi đêm.
Trước khi trở thành diễn viên, Ray Liotta đã làm việc ở một… nghĩa trang. Ông thường hài hước nhớ lại: “Tôi không hiểu sao bây giờ mọi người đứng ở dưới và nhìn thấy tôi trên sân khấu thì cứ hò reo ầm ỹ, chứ trước đây, ở nơi tôi làm việc, cũng có hàng trăm người phía bên dưới tôi, và tất cả đều im lặng như tờ”. Công việc trước đó của ông rõ ràng chẳng phải là thú vị gì, nhưng qua lời ông kể như vậy, thì nghe đã nhẹ nhõm đi hơn nửa.
Tôi có hai người bạn làm trong ngành Y tế. Cô bạn tôi là một dược sĩ, còn chồng cô ấy là nhân viên kinh doanh cho một công ty dược. Khi gặp họ lần đầu, tôi hỏi họ làm nghề gì. Anh chồng cười toe toét:
- Cô ấy làm ra thuốc, còn tôi phải cố gắng mà bán chúng.
Chắc hẳn không ai không thích cái ý tưởng gài một chút “trò chơi” vào những việc mình đang làm. Chắc chắn bạn sẽ thích khi gặp một người nói về công việc của mình, về những việc mình đang làm với rất nhiều cảm hứng và lạc quan. Và một trong những lợi ích to lớn của việc này là: khi những gì chúng ta đang làm mà có thêm cả niềm vui, thì chúng ta sẽ thích nó hơn. Và khi chúng ta thích nó hơn, thì chúng ta sẽ làm tốt hơn. Bất kể việc gì cũng vậy.
Bạn đã cài thêm niềm vui vào những việc mình làm chưa?
Steve Goodier / Thục Hân (dịch)