Bài học trường đời quan trọng

Việc học cách đánh giá, tiếp thu thông tin có chọn lọc và hiệu quả là một trong những bài học trường đời quan trọng nhất. Một khi không thể biết được, không thể chọn lựa được những điều tốt đẹp trong hàng triệu triệu thông tin, thì điều duy nhất mà chúng ta có thể làm không gì khác hơn là phải nhận biết thông tin mà mình nhận được đó: - “Nó tác động với mình như thế nào”? Có giúp cho mình học thêm được điều hay, lẽ phải gì không? Có giúp cho mình lạc quan, thư giãn, thêm niềm tin, yêu cuộc sống… Hay đó chỉ là những thông tin tiêu cực, “vô lương” với mục đích làm bại hoại, làm nản lòng và làm thui chột ý chí chúng ta?

 

Bài học trường đời quan trọng nhất

 

Học cách đánh giá, tiếp thu thông tin có chọn lọc và hiệu quả là một trong
những bài học trường đời quan trọng nhất: Tránh thị phi và không để những
kẻ tiêu cực làm thui chột ý chí!
 
 
 

"Cuộc đời, dù tang tóc, nhiễu nhương và hữu hạn, vẫn có ý nghĩa. Ý nghĩa duy nhất
của cuộc đời là nhận thức của con người” - (Márai Sándor)

 
Đừng vội tin những điều “khoác áo” khoa học!
 

Tâm lý chung của thanh niên chúng ta vẫn là người lớn chỉ bảo, trẻ nghe theo.
Nhưng thay vì được hướng dẫn để có được sức khỏe tinh thần lành mạnh,
chúng ta luôn bị bủa vây bởi những hứa hẹn viển vông của các công ty quảng cáo,
lắm phim ảnh ẩn nhiều chuyện phi giáo dục...

 

Ngay cả những thông tin từ những nguồn truyền thông với các tuyên ngôn: “Giáo dục, mở rộng tầm nhìn, nâng cao trình độ dân chúng…” cũng chơi trò trá hình khoa học! Từ những bài “khoa học vớ vẩn” như “Ăn gì để đẹp trai?”, cho đến những thông tin “khoa học mơ hồ” có tác động rất xấu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức về thế giới của chúng ta, ví dụ như: “Theo nghiên cứu ở Đức, nếu ngày nào cũng nhìn ngắm phụ nữ, và nên kiếm những bộ ngực lớn một tí rồi nhìn vào đấy mỗi ngày 10 phút thì bảo đảm sẽ sống thọ” (?) - Chà! Chắc mấy ông chuyên “rình” phụ nữ thì “sống thọ” lắm đây… (Ngắm ngực phụ nữ thêm tuổi thọ!) Vì thế, trước các loại thông tin khoác áo khoa học để “câu khách” như vậy, nếu chúng ta có đọc thì cũng chỉ để giải trí và bỏ qua, tuyệt đối đừng vội tin!

 
- Chuyện thị phi và tâm lý bầy đàn.
 

Thời gian gần đây, sự kiện “Wikileaks.org” – Assange, một người mang quốc tịch Australia công bố hàng loạt tài liệu quân sự mật về cuộc chiến của Mỹ ở Iraq và Afhghanistan, đã được nhiều người trong giới truyền thông xưng tụng như một vị “anh hùng”. Nào là: Nhân vật tiêu biểu, người của công lý, thành công lớn nhất thời đại…, một số người còn ca ngợi WikiLeaks là ngọn hải đăng vụt sáng, phát đi ánh sáng của tự do…

 

Nhưng, “là anh hùng” hay “khổ nhục kế” thì làm sao biết được? Bạn thử nghĩ xem, bây giờ họ ca ngợi đó là “người anh hùng của công lý”, nhưng có ngày “anh hùng” bổng nhiên công bố các tin “mơ hồ” làm nguy hại cho chính quê hương của những người đã (lỡ) ca ngợi hết lời, thì sao? - Chuyện thị phi, mắt thấy tai nghe ngay trước mũi còn chưa dám chắc huống hồ là chuyện “ảo” trên mạng. Vì thế, khi tiếp nhận thông tin, nếu thông tin “thị phi” mình nhận được nằm ngoài sự kiểm soát, vượt quá hiểu biết và khả năng của mình, thì tốt nhất là đứng ngoài quan sát, đừng hùa theo kiểu bầy đàn, tránh “mắc quai” - khó gỡ sau này…

 

Đừng để những kẻ bi quan làm thui chột ý chí!

 

Có những người không muốn để con cháu xây dựng sự nghiệp, hoặc họ muốn ra vẻ “sành sõi”: Họ nói rằng bạn không thể thành công đâu, nên hãy bỏ cuộc đi! - Học làm gì, bởi bạn thuộc dân tộc kém thông minh mà! - Học làm gì, người Việt có học nhiều, có ham học thì cũng chỉ là người Việt “hiếu danh” mà thôi! - Hoặc, học làm gì, rằng môi trường xã hội cản trở nhân tài, xã hội chỉ thích sử dụng người xu nịnh!… Rõ ràng, nếu không nhận biết, bạn sẽ mất niềm tin, sẽ chán nản vì cảm thấy rằng mình đang bị và sẽ bị “chôn vùi” (dưới đống thông tin tiêu cực như thế!)

 

Cho nên, khi tiếp nhận loại thông tin này, bạn hãy xem xét trong đó có được bao nhiêu phần là tích cực, nó có biện pháp xây dựng thực tiễn nào không, nó có góp ý cho bạn được một cách làm nào tốt hơn (dù là chút xíu) hay không? Hay đó chỉ là kiểu “la làng”, do họ muốn "tạo hư danh trên cộng đồng mạng”, muốn được nổi tiếng và làm ra vẻ “ta đây!”…

 

Hãy đánh giá, chọn lọc thông tin để học, để tự tin vào bản thân hơn trong tương lai!

 

Truyền thông chính là phương tiện tốt để phát triển trí tuệ của chính mỗi người. Nhưng chúng ta phải nhận biết, phân biệt tính tích cực và tiêu cực của thông tin. Không để công cụ truyền thông tiêu cực biến mình trở thành nạn nhân của đồi trụy, bạo lực và là “con rối” trong tay các bài báo “vô lương”.

 

Ví như, cuộc sống phải có lúc này lúc kia, người này người nọ. Nhưng hiện nay, không thiếu những bài viết nhặt nhạnh các chuyện “bê bối”, các tình huống ứng xử sư phạm non kém của thầy cô…, cả chuyện có thật và không có thật, được làm rùm beng như là sự thiếu nhân cách của toàn ngành giáo dục? – (Nhìn thầy cô giáo và thầy hiệu trưởng như kẻ thù và coi những kẻ côn đồ là bạn?)

 

Những ảnh hưởng tác động của nó tới tâm lý, nhận thức xã hội đối với con người, đặc biệt là giới trẻ chúng ta là không nhỏ. Một khi mất niềm tin vào thầy cô giáo và những người hướng dẫn của chính mình, những ước mơ của chúng ta dễ dàng sụp đỗ. Và nếu chúng ta không nghĩ rằng thầy cô quan tâm đến mình hoặc cứ thấy cuộc đời u ám như vậy thì làm sao chúng ta có thể mong đợi rằng mình sẽ có đủ niềm tin?

 

Nhưng, (*) lúc trò chuyện với những nhà giáo trẻ, GS.NGND Hoàng Như Mai cho biết, thầy gửi vào những nhà giáo trẻ một niềm tin mãnh liệt về nền giáo dục nước nhà dù cũng còn không ít băn khoăn. Thầy nói: “Chúng ta có niềm tin, dù vẫn còn những chuyện làm mọi người bức xúc như trò đánh thầy, nhưng truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta sẽ giúp chúng ta có niềm tin vào tương lai”. Và thầy gửi gắm: “Tương lai đất nước tùy thuộc vào các anh chị đấy”.

 
 

Có một ngọn lửa vô hình đã được đốt lên và âm thầm lan tỏa trong bao trái tim yêu nghề và đầy nhiệt huyết của những nhà giáo trẻ... Các nhà giáo trẻ tiêu biểu đến thăm và chúc mừng giáo sư, nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai tại nhà riêng chiều 14-11 – (Ảnh: Minh Đức/Báo Tuổi trẻ)

 
Bài học trường đời quan trọng nhất
 

Vì thế, thế hệ trẻ chúng ta nên biết cách đánh giá thông tin để có cái nhìn toàn diện hơn về tình hình đất nước, những gì được và chưa được. Không phải thanh niên chưa có địa vị là không thể làm nên những điều có ý nghĩa, chỉ cần chúng ta có niềm tin để rèn luyện và xây dựng nhiệt huyết. Từ đó, mỗi chúng ta sẽ tìm thấy động lực và trách nhiệm muốn làm điều gì đó, dù nhỏ bé để đóng góp vào những sự thay đổi lớn hơn, mang tính cộng hưởng và lan rộng ra cả cộng đồng.

 

Và để xây dựng niềm tin thì học cách đánh giá, tiếp thu thông tin có chọn lọc và hiệu quả là một trong những bài học trường đời quan trọng nhất. Một khi không thể biết được, không thể chọn lựa được những điều tốt đẹp trong hàng triệu triệu thông tin, thì điều duy nhất mà chúng ta có thể làm không gì khác hơn là phải nhận biết thông tin mà mình nhận được đó: - “Nó tác động với mình như thế nào”? Có giúp cho mình học thêm được điều hay, lẽ phải gì không? Có giúp cho mình lạc quan, thư giãn, thêm niềm tin, yêu cuộc sống… Hay đó chỉ là những thông tin tiêu cực, “vô lương” với mục đích làm bại hoại, làm nản lòng và làm thui chột ý chí chúng ta?

 
Văn Học Trò tổng hợp (Hieuhoc.com)
 

Sự cần thiết của các kỹ năng sống trong xã hội hiện đại

 


“Chất lượng cuộc sống của chúng ta phụ thuộc khá lớn vào việc xung quanh chúng ta có nhiều người thấu hiểu chúng ta hay không”. Nhà tâm lý học Ba Lan Krytyna Skarzyska và "Sự Thành công của mỗi người chỉ có 15% là dựa vào kỹ thuật chuyên ngành, còn 85% là dựa vào những quan hệ giao tiếp và tài năng xử thế của người đó". Kinixti - Học giả Mỹ

--------------------------------------------------------------------------------

Cuộc sống hiện đại đòi hỏi mỗi cá nhân phải không ngừng cập nhật giá trị và hoàn thiện giá trị của mình. Để tồn tại và phát triển, với bất kỳ ai, việc có công việc làm để đảm bảo sự tồn tại của cuộc sống là vô cùng quan trọng. Đồng thời với đó là yêu cầu học tập, bồi dưỡng, rèn luyện không ngừng để nâng cao chất lượng đời sống đó, để đời sống thực sự là “sống” chứ không là “tồn tại”.

Vậy chúng ta đã làm như thế nào và chúng ta đã nâng cao chất lượng cuộc sống của mình ra sao? Và để có kết quả cuối cùng thực sự tốt đẹp, ta cần bồi dưỡng thêm cho mìnhnhững tố chất gì?

Đó là những câu hỏi mà không phải ai cũng có thể trả lời một cách dễ dàng được.

Có một thực trạng rất dễ nhận ra trong mặt bằng giáo dục, đào tạo ở Việt Nam. Để có một bằng chứng nhận về học tập kiến thức trong nước và quốc tế, với chúng ta, đó không là điều quá khó. Nhưng để có giải huy chương vàng trong các môn thể thao hay bằng sáng chế thì chúng ta khó có thể đứng trong tốp đầu thậm chí là còn rất xa nếu xét trên đấu trường quốc tế.

Có phải chúng ta lười luyện tập hay không?

Chắc chắn không phải như vậy. Đất nước Việt Nam nổi tiếng với truyền thống hiền tài. Sinh ra trong một đất nước vốn xuất phát từ nền nông nghiệp, người Việt Nam đã tôi luyện cho mình một truyền thống ý chí sắt đá, một tinh thần ham học hỏi, một nghị lực quật cường vượt lên hoàn cảnh từ ngàn xưa.

Nhưng tại sao cái ta nhận về chưa thực sự đúng với những ý chí, những tinh thần và những công sức ấy?

Sẽ có rất nhiều nguyên nhân. Nhưng một trong những nguyên nhân căn cốt đó là: việc nhận diện cái cần rèn luyện để trở thành chuyên nghiệp chưa được xác định đúng, cái cần chuyên nghiệp thì không đảm bảo còn cái không cần chuyên nghiệp thì có lẽ rất giỏi. Ví như bạn có thể không biết đá bóng nhưng bạn bình luận bóng đá quả là không thể chê vào đâu được, như vậy bạn đã chỉ mạnh đánh giá, mà quên đi mình đâu có thực hành được. Bạn nấu ăn chẳng đâu vào đâu, nhưng ăn một bát canh nhạt do tay mẹ nấu, thì bạn chê ỏng eo: “Sao canh mẹ nấu chán thế?”, như vậy, bạn đã chứng tỏ bạn rất chuyên nghiệp trong việc chê trách người, nhưng cái quan trọng nhất là chuyên nghiệp trong công việc gia đình và ứng nhân xử thế thì lại không được bạn xây dựng thành ý thức…

Tại Mỹ, từ những năm 1916, người Mỹ đã nhận ra rằng tri thức nhân loại là rất lớn nhưng để thực hành thành thạo và áp dụng, ứng dụng vào cuộc sống thì thường không như mong muốn. Cho nên mỗi người dân lao động tại Mỹ phải đảm bảo thực hành và phải được các tổ chức công nhận là đã qua 13 kỹ năng bắt buộc.

 

13 kỹ năng bắt buộc đó là:

1. Học cách học – Phương pháp học

2. Lắng nghe & Thấu hiểu

3. Thuyết trình & Thuyết phục

4. Giải quyết vấn đề

5. Tư duy sáng tạo & hiệu quả

6. Tinh thần tự tôn

7. Đặt mục tiêu và tạo động lực

8. Phát triển cá nhân và sự nghiệp

9. Giao tiếp thành công

10. Tinh thần đồng đội - TEAM

11. Đàm phán & Thương lượng thành công

12. Đảm bảo hiệu quả tổ chức

13. Lãnh đạo bản thân và tổ chức

Vậy kỹ năng con người là như thế nào?

Theo các chuyên gia tâm lý, để sống và làm việc, tất cả các vận động của con người theo bản năng hay có ý thức thì đều xảy ra liên hoàn và liên tục. Ví như hàng ngày bạn không thể ngồi 1 chỗ mà có thể giải quyết được tất cả những công việc liên quan như: ngủ, ăn, vệ sinh, gặp gỡ, trao đổi, hội họp, tư duy, đi lại… Và mỗi một chi tiết nhỏ từ tĩnh đến động hay luân chuyển liên kết đều tạo thành những chuỗi hành động của con người.

Đó là sự tập hợp những vấn đề từ đơn giản đến phức tạp cấu thành. Để làm một việc như đánh răng buổi sáng chẳng hạn thì đầu tiên ta phải đi tới chỗ cần đánh răng sau đó ta lấy bàn chải, bơm thuốc vào bàn chải răng, lấy cốc, vặn mở vòi nước, hứng nước, vặn khóa tắt, đánh răng, súc miệng, nhổ nước vào bồn, rửa mặt rồi lấy khăn mặt và phơi khăn ….

Như vậy để hoàn thành 1 công việc thì ta phải làm hàng chuỗi công việc liên quan đế công việc đó và bổ trợ cho nó.

Trong cuộc sống của chúng ta trong một ngày thì phải giải quyết bao nhiêu vấn đề như vậy? Chắc là vô số vấn đề mà ta không thể đếm được. Những việc ta làm thường theo những thói quen, từ người khác hướng dẫn hay bắt trước người khác làm gì thì mình cũng làm như vậy, thấy được được là ta cho là được và những công việc không cần học và rèn luyện ta cũng có thể hoàn thành. Đó là những việc mà theo các chuyên gia gọi đó là làm theo cảm tính hay bản năng, nhưng có những công việc cần phải đòi hỏi phải có nỗ lực trải nghiệm và phải được dạy, học tập kỹ càng, thậm chí không thể giải quyết một mình mà phải cần có nhiều người hỗ trợ mới thành công được.

Trong thời đại ngày nay, Con người ngày càng nhận thức rất rõ ràng rằng để giải quyết mỗi vấn đề dù là nhỏ nhất thì không thể giải quyết theo cảm tính, những quan điểm cá nhân, mà tất cả những vấn đề dù tĩnh hay động liên quan đến cá nhân hay tổ chức ở mọi góc độ hay cấp độ đều phải được đào tạo một cách bài bản và chuyên nghiệp.

Nhưng ở Việt Nam, thực tế ta đã làm điều đó như thế nào? Nếu bạn muốn làm nghề nào thì sẽ có tổ chức đứng ra sẽ đào tạo cho bạn kỹ năng để làm nghề đó, nhưng để đảm bảo cho vận hành nghề thành công thì ngoài kỹ năng nghề được đào tạo cho bạn dù rất giỏi thì cũng chỉ đảm bảo 15% cho sự thành công của bạn còn 85% cho sự thành công của bạn lại cần những kỹ năng khác bổ trợ đó là những kỹ năng sống, kỹ năng lãnh đạo bản thân. Sự thật là rất nhiều người đi học nghề và rất giỏi nghề  nhưng không để ý tới những kỹ năng lãnh đạo bản thân nên vẫn khó có việc làm tốt và ổn định. Có rất nhiều người rất giỏi nghề tuy học vấn của họ không cao nhưng sự trải nghiệm và những kinh nghiệm làm việc của họ rất tốt, rất chuyên nghiệp nhưng cũng chỉ eo hẹp trong phạm vi cá nhân. Nếu họ có đào tạo thì cũng chỉ cho người thân và người nhà của họ chứ không mang tính chất rộng hơn cho cộng đồng. Để cho cộng đồng có thể tiếp cận những kỹ năng sống và kinh nghiệm của người đi trước được nhiều hơn, hiện nay các tổ chức đào tạo tại Việt Nam cũng đã được mở, nhưng mới chỉ dừng lại ở việc dịch vụ và môi giới đào tạo chứ chưa có những giảng viên cơ hữu được đào tạo bài bản về chuyên ngành, chuyên nghiệp đào tạo kỹ năng mềm. Các trung tâm hay công ty đào tạo chỉ triển khai tuyển dụng, kêu gọi học viên và giới thiệu PR các chương trình đào tạo được thiết kế theo nhu cầu rồi mời các giảng viên thỉnh giảng, các chuyên gia trong nước và quốc tế bên ngoài về là giảng viên với chi phí rất hấp dẫn.

Đã đến lúc các tổ chức, các chủ doanh nghiệp và mỗi người chúng ta phải nhận thức rằng ai cũng cần có sự thành công, cống hiến, hạnh phúc trong cuộc sống. Và để đảm bảo tính bền vững của những mong muốn đó thì không thể giải quyết vấn đề, công việc, giao tiếp, hành động… bằng cảm tính, bắt chước, chia sẻ từ người khác được, mà cần có ý thức và quyết liệt hơn về việc trải nghiệm thực tế.

Đã đến lúc chúng ta cần nâng cao kỹ năng sống của bản thân, kỹ năng làm việc của cá nhân trong tổ chức lên tầm chuyên nghiệp hơn để phù hợp vào mọi hoàn cảnh gia đình, tổ chức, cộng đồng xã hội và hòa nhập quốc tế.

10 KỸ NĂNG CỐT YẾU TẠO THÀNH CÔNG TRÊN CON ĐƯỜNG DANH VỌNG

Những bậc thang thăng tiến trên con đường danh vọng phụ thuộc nhiều vào những kỹ năng và khả năng nghề nghiệp mà thị trường lao động đang có nhu cầu cao. Nói chung, những khả năng này phụ thuộc vào những lợi ích của từng cá nhân và mục tiêu mà họ đặt ra. Tuy nhiên, có những kỹ năng mà thị trường lao động ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào cũng có nhu cầu cao. Dưới đây là 10 kỹ năng như vậy do Bộ Lao động Mỹ đã đưa ra:

1. Khả năng giải quyết vấn đề:

Khả năng nhận biết, nghiên cứu và giải quyết vấn đề một cách có hiệu quả được đánh giá rất cao trong các lĩnh vực hoạt động xã hội, kinh doanh, y tế, khoa học và kỹ thuật.

2. Các kỹ năng về nghề nghiệp - kỹ thuật:

Khả năng lắp đặt, bảo vệ và sửa chữa các thiết bị điện tử và cơ khí được đánh giá cực kỳ cao trong các lĩnh vực kỹ thuật, viễn thông và giao thông vận tải.

3. Khả năng giao tiếp:

Bầu không khí làm việc trong một tổ chức và hiệu quả công việc phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của các mối quan hệ giữa nhân viên với khách hàng của họ

4. Sử dụng máy vi tính và lập trình:

Việc nắm bắt các tính năng của máy vi tính và khả năng sử dụng các tính năng đó tạo nhiều cơ hội cho người lao động trong việc tìm kiếm việc làm tốt.

5. Khả năng sư phạm:

Dòng thông tin vô tận đã làm tăng nhu cầu về giảng viên và những người hướng dẫn có khả năng sư phạm cao, đặc biệt trong các lĩnh vực giáo dục, dịch vụ công cộng và dịch vụ xã hội, thương mại và quản lý.

6. Khả năng về khoa học và toán học:

Khả năng về toán học có ý nghĩa rất lớn quyết định đến thành công trong các lĩnh vực y tế, kỹ thuật và khoa học.

7. Quản lý tiền bạc:

Nhu cầu về các nhà môi giới đầu tư, kế toán và những người làm công tác xã hội là vô tận.

8. Quản lý thông tin:

Thông tin hiện nay là nhân tố cực kỳ quan trọng ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của con người, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế. Nhu cầu sẽ ngày càng tăng đối với các nhà phân tích hệ thống, các chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và các nhà điều hành các cơ sở dữ liệu.

9. Ngoại ngữ:

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, thì việc nắm bắt các ngoại ngữ "nóng", như tiếng Nga, tiếng Nhật, tiếng Trung và tiếng Đức, có thể làm tăng đáng kể cơ hội tìm kiếm việc làm tốt và thăng tiến.

10. Quản trị kinh doanh:

Hiện thị trường có nhu cầu rất cao đối với những kỹ năng quản lý, bao gồm quản lý nhân sự, quản lý hệ thống, quản lý các nguồn lực và tài chính, việc nhạy bén nắm bắt được những nhu cầu của người tiêu dùng và có khả năng biến các tri thức đó thành tiền.

Nguồn: (theo báo Đầu Tư)