Duy trì ngọn lửa trong đôi mắt

Hãy nhìn vào gương, nhìn khuôn mặt mình cho đến lúc tính ích kỷ, hoài nghi, giả dối, không khiết tịnh và thích làm người lớn của mình bong ra. Nhìn kỹ vào mắt cho đến khi nào lớp kính giả tạo vỡ ra và chúng ta tìm lại được đứa trẻ ngày xưa của mình.

Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser

Thỉnh thoảng chúng ta đứng trước gương để nhìn dấu hiệu tuổi già qua khuôn mặt. Chúng ta bật đèn sáng lên và nhìn chăm chú. Có phải đây là vết nhăn? Mắt thâm quầng chưa? Tóc bạc nhiều chưa? Chúng ta săm soi nhìn kỹ. Chẳng có gì là quá đáng.

Nhưng khi làm việc này chúng ta nên nhìn thẳng vào mắt. Lúc đó là lúc chúng ta biết mình có đang già và có dấu hiệu lão hóa hay không.

Nhìn kỹ, tìm dấu hiệu tuổi già, nhưng phải nhìn thẳng vào mắt. Đôi mắt nói lên gì? Nó mệt mỏi, thiếu sức sống, thiếu hăng hái, hoài nghi, đờ đẫn, nghiêm khắc không? Nó có chứa lòng đố kỵ của Ca-in không?

Nó có lửa không? Đam mê còn cháy trên mắt không? Nó chán vì đã sống và không còn khả năng ngạc nhiên không? Nó mất nét đẹp nguyên khai chưa? Nó mệt mỏi hay đầy hăng hái? Đâu đó đằng sau nó vẫn còn là một đứa trẻ hay không?

Dấu hiệu suy yếu tuổi già biểu hiện trong ánh nhìn chứ không phải trên làn da. Da thịt mềm nhão có nghĩa là chúng ta già về mặt thể lý, thế thôi. Cơ thể già và chết theo tiến trình tự nhiên, bất khả kháng như luật trọng lực nhưng đôi mắt ủ rũ là dấu hiệu của tinh thần già nua, một lão hóa chết người. Nó ít tự nhiên hơn.

Tinh thần có nghĩa là mãi mãi trẻ trung, luôn luôn thơ ngây, luôn luôn nguyên khai. Nó không bị buộc phải ủ rũ hay chết đi.

Nhưng nó có thể chết đi vì chán nản và xy-níc. Đúng, nó có thể chết đi vì thiếu đam mê, vì ảo tưởng của một thân thiết, vì đánh mất thơ ngây và trong trắng, và vì hao mòn tinh thần mà chúng ta gọi là thất vọng.

Thất vọng là một điều lạ. Chúng ta không thất vọng vì chán những khiếm khuyết và khổ đau của cuộc đời đến mức chúng ta không chịu đựng được. Không. Ngược lại, chúng ta thất vọng vì: chúng ta không còn vui được.

Niềm vui phát sinh từ những gì chúng ta khám phá cuộc đời trong vẻ tươi tắn, mới lạ, và nguyên sơ của nó, như trẻ con, với một tinh thần thanh khiết nào đó. Hình thức vui vẻ này không phải là lạc thú, dù nó làm cho vui.

Người ta có thể có lạc thú mà không có niềm vui, nhưng loại lạc thú này chỉ là kết quả của thiếu khiết tịnh trong cuộc sống. Lạc thú này, mới đầu người ta luôn luôn xem như một chiến thắng, như vượt qua tính ngây thơ, một giải phóng, nhưng chẳng bao lâu nó chuyển thành thất bại: gục ngã, chán nản, mất và thiếu đam mê. Nó nhanh chóng trở nên nhạt nhẽo, như món rau luộc không có nước chấm. Một đĩa rau như thế không ai thích ăn.

Khi nhiệt tình mất đi, mệt mỏi tinh thần bắt đầu xuất hiện. Niềm vui chính yếu của chúng ta là ở thơ ngây, là trong trắng của kinh nghiệm và cái ngày chúng ta không còn tìm được niềm vui này, chúng ta không còn thích lạc thú, chúng ta mất hứng khởi, chúng ta thờ ơ,  chai đá, cay chua, vô cảm. Chẳng còn gì tươi mát và thanh xuân trong con người chúng ta.

Đôi mắt chúng ta bắt đầu cho thấy rõ nét này. Nó mất nét sáng ngời, nét trẻ con. Trong quyển sách Stone Angel – Thiên thần đá, Margaret Laurence mô tả Hagar, nhân vật nữ chính, tuyệt vọng, không còn sức sống, đứng soi mình trong gương:

Tôi đứng rất lâu, nhìn và tự hỏi làm sao tôi đã thay đổi đến mức như vậy… Tất cả đã biến chuyển một cách chầm chậm. 

Khuôn mặt này, làn da nâu và rám nắng này, không còn là của tôi nữa. Chỉ đôi mắt là còn thuộc về tôi, đang nhìn chòng chọc như thể muốn xuyên thủng lớp kính giả tạo để đưa về một hình ảnh thật, đã vô cùng xa cách.

Đó là một cái nhìn thật trong gương mà đa số chúng ta gặp phải: một khuôn mặt không hồn, một khuôn mặt không còn là của mình, đôi mắt ủ rũ, đôi mắt của chúng ta, che giấu sâu kín đàng sau lớp kính giả tạo.

Đôi mắt chúng ta, khuôn mặt chúng ta, thô tháp, sâu hóp, trống rỗng, xa lạ, không còn nét thơ ngây, trong sáng; thì đến một lúc (nó tiến hành một cách chầm chậm), ngọn lửa của chúng ta đã tắt ngúm!

Chúng ta cần làm gì? Tôi xin đề nghị chúng ta hãy nhìn mình thật lâu trong gương. Xem xét đôi mắt thật lâu và thẳng thắn. Cứ để những gì mình thấy làm mình hoảng sợ, đủ để chúng ta đi về con đường học lại, tân trang lại.

Hãy nhìn vào gương, nhìn khuôn mặt mình cho đến lúc tính ích kỷ, hoài nghi, giả dối, không khiết tịnh và thích làm người lớn của mình bong ra. Nhìn kỹ vào mắt cho đến khi nào lớp kính giả tạo vỡ ra và chúng ta tìm lại được đứa trẻ ngày xưa của mình.

Khi đó, sự ngạc nhiên, nét rạng rỡ sẽ hồi sinh và, cùng nó, một sự tươi mát và trinh khiết sẽ làm chúng ta trẻ trung lại.

Đôi mắt chúng ta hiếm khi mệt mỏi, nhưng nó thường bị che mờ. Vì thế nó làm cho ánh nhìn trở nên trống rỗng, lạnh lùng. Cơ thể già nua, nhưng đôi mắt là tinh thần. Nó phóng chiếu, tròn to lên tranh luận và ánh lên niềm khát khao trước cơn lũ quay cuồng của thực tế. Đôi mắt luôn luôn chỉ muốn ngắm nhìn.

Một trong những khác biệt chính giữa ki-tô giáo và một vài tôn giáo khác là ở đôi mắt. Chẳng hạn, đôi mắt các bồ tát luôn luôn khép lại, trong khi các thánh ki-tô luôn luôn có đôi mắt mở to. Vị bồ tát Phật giáo có cơ thể đầy đặn, hài hòa nhưng đôi mắt thì khép kín, nặng trĩu.

Vị thánh ki-tô thời Trung cổ có thân xác hao mòn, gầy guộc, nhưng đôi mắt thì hết sức sống động, khát khao, sắc sảo. Người Phật tử có cái nhìn hướng nội. Người ki-tô hữu có cái nhìn đam mê mãnh liệt hướng ra bên ngoài.

Nguyễn Kim An dịch