Chúng ta học được gì qua các thất bại, qua những lúc bị hạ thấp vì lỗi lầm của mình? Thường thì đó là cách duy nhất để chúng ta phát triển. Khi bị hạ thấp vì những bất đạt của chính mình, chúng ta học được những bài học cuộc đời mà chúng ta không hề cảm nhận được khi đầy tự tin và kiêu hãnh. John Updike đã nói, có những bí mật mà người khỏe mạnh không biết được. Bài học này có đầy trong Kinh thánh và thấm sâu trong mọi linh đạo của mọi tôn giáo đáng trọng.
Linh mục Raymond E. Brown, đã cho chúng ta một mô tả về sự khôn ngoan Kinh thánh này. Suy ngẫm về việc dân Chúa chọn, dân Israel, đã có lúc họ phản bội lại đức tin của mình và hậu quả là bị hạ bệ, bị Chúa ngoảnh mặt làm ngơ, cha Brown cho thấy, về lâu dài, cái tưởng như là thảm họa này cuối cùng lại là một trải nghiệm tích cực. “Dân Israel hiểu thêm về Chúa trong đống tro tàn của Đền thờ bị dân Babylon hủy diệt, hơn là trong thời kỳ huy hoàng của Đền thờ dưới thời Vua Salomon.”
Cha Brown nói thế nghĩa là sao? Ngay trước khi bị Nebuchadnezzar, vua của Babylon chinh phạt, dân Israel đã trải qua một thời kỳ mà nhìn bên ngoài tưởng như là thời kỳ huy hoàng nhất trong lịch sử của họ (về mặt chính trị, xã hội, và tôn giáo). Israel có được đất hứa, đã chinh phục mọi kẻ thù của mình, đã có một đức vua vĩ đại trị vì, và có một đền thờ nguy nga ở Giêrusalem làm nơi thờ phượng và trung tâm quy tụ toàn dân. Tuy nhiên, trong cái có vẻ là hùng mạnh đó, và có lẽ chính vì nó, mà Israel đã trở nên tự mãn về đức tin và lòng trung tín ngày càng lung lay. Sự tự mãn và lung lay đó dẫn đến sự sụp đổ của nó. Năm 587 trước Công Nguyên, nó đã bị một nước ngoại bang chinh phạt, bị cướp hết đất đai, hầu hết dân chúng bị đày đến Babylon, vua bị giết và đền thờ bị phá hủy đến tận viên đá cuối cùng. Israel đã phải trải qua gần nửa thế kỷ lưu đày, không có đền thờ, đấu tranh để tin tưởng rằng Thiên Chúa yêu thương mình.
Tuy nhiên, xét toàn cảnh, chuyện này hóa ra lại tích cực. Nỗi đau khi bị lưu đày và những nghi hoặc trong đức tin do đền thờ bị phá hủy, cuối cùng lại được bù đắp bằng những gì dân Israel học được qua việc bị hạ nhục và khủng hoảng, cụ thể là họ biết được Thiên Chúa vẫn trung tín dù chúng ta thì không, biết được những thất bại mở mắt chúng ta nhìn ra sự tự mãn và mù quáng của mình, biết rằng những thứ bề ngoài là thành công thường là ngược lại, cũng như những thứ bề ngoài là thất bại thường cũng là ngược lại. Như cha Richard Rohr nói, trong thất bại, chúng ta có cơ hội để “ngã lên”
Tôi tin rằng không có hình ảnh nào dễ hiểu hơn để hiểu được những gì Giáo hội đang phải chịu đựng nhục nhã vì cuộc khủng hoảng xâm hại tình dục của các giáo sĩ trong giáo quyền và trong các Giáo hội khác nữa. Hãy nói lại thấu suốt của cha Raymond Brown như thế này: “Giáo hội có thể học biết thêm về Thiên Chúa trong đống tro tàn của khủng hoảng xâm hại tình dục của các giáo sĩ hơn là trong các thời kỳ huy hoàng với các đại thánh đường, với sự mở mang cực đại của Giáo hội, với thẩm quyền tuyệt đối của Giáo hội.” Giáo hội cũng có thể biết thêm về chính mình, về kiểu bịt mắt làm ngơ những lầm lỗi của mình, và về nhu cầu phải thay đổi cơ cấu và biến đổi con người trong Giáo hội. Mong là như cuộc lưu đày Babylon với dân Israel, chuyện này đến tận cùng cũng là một điều tích cực đối với Giáo hội.
Hơn nữa, một chuyện đúng với Giáo hội (và chắc chắn với các tổ chức khác nữa) thì cũng đúng cho mỗi người chúng ta trong đời sống riêng. Sự nhục nhã chặn đường chúng ta vì những bất đạt, tự mãn, thất bại, phản bội, không chịu nhìn ra lỗi lầm, những thứ đó đôi khi có thể là cơ hội để chúng ta “ngã lên”, để khi ở trong đống tro tàn chúng ta học biết được những điều chúng ta đã không học được khi đang trên đà thành công.
Hầu như không có ngoại lệ, những thành công lớn trong đời, những thành tựu lớn, và những vinh quang danh giá thường không đào sâu con người chúng ta. Xin trích lại lời của James Hillman, thành công thường không đem lại chiều sâu gì cho cuộc đời chúng ta. Ngược lại, nếu can đảm và thành thật suy ngẫm mọi điều từng đem lại chiều sâu và tạo nên tâm tính chúng ta, chúng ta phải thừa nhận, trong mọi trường hợp, nó đều là một thứ gì đó đáng hổ thẹn, một cảm giác bất đạt về thân thể, một nét không mấy tự hào thưở nhỏ, những lỗi lầm đáng xấu hổ trong đời, hay một tính cách mà chúng ta thấy phần nào hổ thẹn. Đây là những điều cho chúng ta chiều sâu.
Sự nhục nhã tạo nên chiều sâu, nó đẩy chúng ta đi vào những phần sâu sắc hơn trong tâm hồn mình. Tuy nhiên, không may là, không phải lúc nào nó cũng đem lại kết quả tích cực. Nỗi đau của nhục nhã khiến chúng ta sâu sắc, nhưng có thể là sâu sắc theo hai hướng, hướng thấu hiểu và thông cảm nhưng còn là hướng chua cay thù hận cả thế giới.
Nhưng điều tích cực là: Như dân Israel trên bờ biển Babylon, khi đền thờ của chúng ta bị phá hoại hay bị hủy diệt, trong đống tro tàn của thời kỳ lưu đày, chúng ta có cơ hội để nhìn ra những điều thâm sâu hơn mà thường chúng ta nhắm mắt làm ngơ.
Ronald Rolheiser,
J.B. Thái Hòa dịch