Đức Giêsu, người thua cuộc vui vẻ
Thật khó để chúng ta yêu thương nhau. Các mối quan hệ của chúng ta thường nhuốm mùi cạnh tranh, ghen tương và bạo lực.
Chiến thắng! Phải là người hàng đầu trong mọi chuyện! Phải để người khác thấy bạn là người tài năng và xuất chúng hơn họ! Phải bỏ tất cả đối thủ lại đằng sau! Phải chứng tỏ tài năng của bạn! Chiến thắng không là điều gì, nhưng là điều duy nhất! Hãy chỉ cho tôi một người thua cuộc vui vẻ, tôi sẽ cho bạn thấy một người thua đậm.
Những câu này không phải đơn thuần là những câu cổ động của các cổ động viên nhằm khuyến khích chúng ta làm tốt hơn, nhưng là những câu nhiễm độc văn hóa và ý thức hệ chúng ta. Từ nhỏ chúng ta đã bị nhiễm thói lấn lướt, giành giật và chèn ép nhau. Từ đó đưa đến cạnh tranh, bạo lực và ganh tương.
Chúng ta xây dựng cuộc sống chung quanh tinh thần cạnh tranh và phần lớn ý nghĩa của chúng ta chỉ căn cứ vào thành tựu. Khi thành công, chiến thắng hơn người khác về một phương diện nào đó, cuộc sống của chúng ta dường như đầy đủ hơn. Hình ảnh cá nhân của chúng ta to phình, chúng ta cảm thấy tự tin và có giá trị. Ngược lại khi không thể nổi bật, khi chỉ là một bộ mặt tầm thường giữa đám đông, chúng ta ra sức chiến đấu để có một hình ảnh cá nhân tốt hơn.
Trong cả hai trường hợp chúng ta liên tục chiến đấu với tâm trạng ganh tương và bất mãn. Chúng ta ghen tị và thầm ghét người có tài năng, sắc đẹp, quyền lực, giàu có, thành công, nổi tiếng, chiến thắng. Hơn thế, chúng ta tự làm khổ bằng cách không ngừng so sánh, cho rằng chúng ta thiếu tài năng, sắc đẹp và thành công so với người khác.
Chúng ta bị nhiễm bệnh này từ khi còn nhỏ, bệnh cạnh tranh không lành mạnh. Từ lúc mới đi học, và ngay cả trước đó, mọi thứ ở chung quanh chúng ta (và cả những thứ thứ trong bản thân chúng ta) thúc bách chúng ta thành tựu, tách biệt mình khỏi người khác. Vì thế chúng ta thúc đẩy bản thân mình phải nổi bật, trở thành học sinh dẫn đầu lớp, vận động viên xuất sắc nhất, người ăn diện đẹp nhất, có ngoại hình hấp dẫn nhất, có tài năng âm nhạc nhất, nổi tiếng nhất, trải nghiệm nhất, đi du lịch nhiều nhất, hiểu biết nhất về xe hơi, phim ảnh, lịch sử, tình dục, các siêu sao, hay bất cứ chuyện gì khác.
Bằng mọi giá, chiều hướng luôn luôn là tìm một cái gì đó mà chúng ta có thể đánh bại người khác. Bằng mọi giá, quan niệm dùng cách này hay cách khác để bản thân mình khác biệt và đứng trên người khác.
Quan niệm đó cắm rễ sâu trong chúng ta. Do đó, các quan hệ của chúng ta nhuốm mùi ganh tương, cạnh tranh và bạo lực. Làm sao chúng ta có thể yêu thương và chấp nhận nhau trong tôn trọng và bình đẳng khi mà trước hết chúng ta phải tranh đua lẫn nhau?
Làm sao chúng ta có thể yêu thương nhau khi mọi thành tựu là nguyên nhân cho ghen tương và oán giận? Làm sao chúng ta yêu thương nhau khi tinh thần cạnh tranh quá mức làm cho chúng ta không nhìn nhau bằng quả tim và tinh thần của Đức Ki-tô?
Yêu thương là trở nên yếu mềm. Yêu thương là nhìn người khác ngang hàng với mình. Yêu thương là để tài năng và thành tựu của người khác làm nâng cao đời sống mình. Nhưng chung chung, chúng ta không có các khả năng này.
Chúng ta bị nhiễm quá nặng tính cạnh tranh đến mức không cho phép mình trở nên yếu mềm, không thể nhìn người khác ngang hàng với mình, không thể không ghen tị thành công và tài năng của họ. Do đó, chúng ta phát triển tài năng, không phải để chia sẻ quà tặng của mình và nâng cao đời sống người khác, nhưng để cân đo mình, chứng tỏ mình, nổi bật mình. Vì thế, chúng ta chia người khác thành hai nhóm, nhóm chiến thắng và nhóm thua cuộc, nhóm thành công và nhóm thất bại. Chúng ta phục và thầm ghét nhóm trước, chúng ta xem thường nhóm sau.
Do đó, chúng ta không ngừng cân đo nhau, sắp hạng vóc dáng, tóc tai, thông minh, trang phục, tài năng và thành công của người khác. Khi sắp hạng như thế, chúng ta thất vọng một cách không lành mạnh khi người khác nổi trội hơn mình và bị thổi phồng một cách không lành mạnh khi vượt trội hơn người khác.
Sự bí ẩn tách biệt chúng ta với nhau trở nên khó hiểu hơn khi chúng ta ngày càng bị ám ảnh với bản thân và với nhu cầu muốn đặc biệt, muốn ngồi trên. Chúng ta sống trong ghen tương, cạnh tranh và bạo lực. Chúng ta lúc nào cũng nhìn người khác như một mối đe dọa.
Chúng ta cần để quả tim và tâm trí của Đức Ki-tô xua đuổi tên yêu ma này ra khỏi đời sống.
Trong quả tim và tâm trí Đức Ki-tô, chúng ta sẽ thấy được các con đường vượt trên tính cạnh tranh, ganh tương và bạo lực. Trong quả tim và tâm trí Đức Ki-tô, không cần phải vượt trội và đặc biệt. Ở đây, tài năng đặc biệt của người khác không bị xem là mối đe dọa nhưng là một điều gì đó nâng cao cuộc sống, kể các cuộc sống chúng ta.
Tâm trí và quả tim của Đức Ki-tô là gì? Là chấp nhận sự kiện mỗi người đều đặc biệt và mọi người đều ngang hàng nhau. Không ai ở trên người khác và cũng không ai có quyền cho mình hơn người khác. Điều này đúng cho các quốc gia cũng như cho các cá nhân.
Nếu các cá nhân chấp nhận điều này, thì sẽ ít có ganh tương, cạnh tranh và bạo lực giữa nhau. Nếu các quốc gia chấp nhận điều này thì, thế giới của chúng ta sẽ không bị mất thăng bằng trên bờ vực của hủy diệt kinh tế và hạt nhân.
Chỉ cho tôi một người thua cuộc vui vẻ, tôi sẽ chỉ cho bạn một người thua đậm! Đức Giê-su là một người thua cuộc vui vẻ. Nhờ sự thua cuộc của Người mà chúng ta được cứu chuộc. Trong tâm trí và quả tim của Người có chứa đựng hạt giống liên kết chúng ta vào một quả tim vượt lên ganh tương, cạnh tranh và bạo lực.
Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser
Nguyễn Kim An dịch
(phanxico.vn 20.05.2019)