Làm thế nào để không còn ganh tị?
Chúng ta dễ dàng ganh tị với người khác, nhất là những người chúng ta thấy trên Facebook hay trên các trang mạng xã hội. Các đầu bếp nấu ăn tài giỏi, các vận động viên ngoại hạng. Có vẻ như họ lấy hết tài năng của thiên hạ, thêm nữa họ lại khéo thu xếp việc nhà.
Phải chấp nhận chuyện này. Ganh tị với người khác là chuyện bình thường. Đặc biệt với “các bạn mình” trên trang mạng xã hội. Khi tìm hiểu cuộc đời của họ, chúng ta thèm muốn có cuộc đời giống họ, có của cải nhiều như họ, có tài năng của họ. Ngắn gọn, chúng ta muốn hạnh phúc của họ. Linh mục Dòng Đa Minh Louis de Grenade vào thế kỷ 16 đã đưa ra quan điểm của mình trong quyển sách có tên là Hướng dẫn cho những kẻ có tội. Trong tác phẩm này, cha đưa ra lời khuyên để cho những ai muốn thực hành đức hạnh lên chương trình hành động, để họ được giải phóng khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Sau đây là vài lời khuyên ngài muốn nói với những ai ganh tị với người khác.
Tạ ơn Chúa cho điều tốt của người khác
Khi chúng ta thấy người anh em của mình hạnh phúc hơn mình, chúng ta phải tạ ơn Chúa và nghĩ rằng, hoặc mình chưa xứng đáng, hoặc tốt hơn là mình không nên có những lợi ích như vậy. Chúng ta luôn nhớ rằng sự tốt lành của người khác không phải là phương thuốc chữa sự nghèo nàn của tâm hồn mình, nhưng đúng hơn là gia tăng sự khốn cùng của mình.
Kết hiệp trong Chúa Kitô, chúng ta có thể hưởng lợi ích từ ơn lành của người khác
Nếu chúng ta muốn có đức tính giống người khác thì tại sao chúng ta lại than phiền? Khi chúng ta thèm muốn đức hạnh của người khác, chúng ta thành kẻ thù lớn nhất của mình. Nếu chúng ta ở trong tình trạng được ân sủng, chúng ta sẽ hưởng lợi từ đức hạnh của người anh em. Và công đức của họ càng lớn, thì chúng ta càng được hưởng theo. Vậy chúng ta chẳng có lý do gì để ghen tị với họ; nhưng ngược lại chúng ta phải vui với họ, cho họ và cho chúng ta, vì chúng ta cũng dự phần vào các việc tốt lành này. Nếu người anh em của chúng ta càng tốt hơn, chúng ta sẽ ganh tị với họ nhiều hơn sao? A! Nếu chúng ta thương người anh em về các đức tính mà chúng ta không có, thì chúng ta chia sẻ cùng các đức hạnh này qua đức ái. Bằng cách này, ơn ích thâu được từ các công việc của họ sẽ trở thành ơn ích của chúng ta.
Nhận ra sự khốn cùng do tính ganh tị gây ra trong lòng chúng ta
Tính ganh tị gặm nhấm quả tim, làm suy yếu sự thông hiểu của mình, hủy bình an nội tâm, làm cho đời chúng ta buồn bã và xua đuổi mọi niềm vui từ tâm hồn. Nó giống như con sâu gặm nhấm, ăn chính gỗ đã sinh ra mình. Cũng vậy, tính ghen tương tàn phá tâm hồn, nơi đã sinh ra nó. Sự thoái hóa của nó lan rộng khắp cơ thể, khuôn mặt tái nhợt chứng tỏ tình cảm tiêu cực đang chiếm ngự tâm hồn bên trong. Tính ghen tương là quan tòa nghiêm khắc nhất chống với chính nạn nhân của mình, bởi vì nó không ngừng hành hạ và trừng phạt chủ nhân của nó.
Xin ơn để có một tâm hồn khiêm tốn
Một phương thuốc hiệu quả nhất chống nọc độc này là yêu chuộng tính khiêm tốn và chạy trốn tính kiêu ngạo, kiêu ngạo là cội rễ của ghen tị. Người kiêu ngạo không chấp nhận ai hơn mình, thậm chí là bằng mình, họ dễ dàng ghen tị với tất cả những ai có vẻ vượt lên mình, nghĩ rằng nên hạ người khác hơn là nâng họ lên. Chính vì vậy Thánh Phaolô đã nói: “Chúng ta đừng có tìm hư danh, đừng khiêu khích nhau, đừng ganh tỵ nhau.” (Gl 5, 26). Nói cách khác, chúng ta phải hủy bỏ tính kiêu ngạo, đó là nguồn cội của tính ganh tị.
Yêu người anh em như Chúa Kitô yêu chúng ta
Chúng ta đừng ác cảm với bất cứ ai. Chúng ta yêu bạn mình trong Chúa và yêu kẻ thù mình vì tình yêu của Chúa. Ngài đã yêu thương chúng ta và hy sinh mạng sống vì chúng ta để giải phóng chúng ta khỏi quyền lực của tội lỗi. Chúng ta bắt chước người bác sĩ giỏi, ông ghét bệnh tật nhưng yêu thương người bệnh.
Philip Kosloski, fr.aleteia.org
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch