Cách tốt nhất để củng cố bản thân là sắp xếp lại cuộc sống một cách có tổ chức – đến nỗi bạn không thể làm gì khác ngoài kế hoạch có sẵn. Dưới đây là một vài gợi ý nhỏ cho bạn:
Niềm đam mê
Hãy làm nhưng công việc bạn thực sự yêu thích.
Dù rằng, theo vòng quay của cuộc sống, có những lúc chúng ta phải đảm nhiệm những công việc chúng ta không hề muốn. Điều này có thể giúp bạn cải thiện khả năng chịu đựng và trở nên đa năng hơn. Tuy nhiên, nếu nó khiến mỗi ngày đi làm trở nên buồn tẻ và áp lực, thì có lẽ bạn nên suy nghĩ về một công việc mới.
Thói quen
Tất nhiên, bạn không thể khiến cho mỗi ngày của mình trôi qua nhạt nhẽo như một chiếc máy tự động. Nhưng việc xây dựng một vài thói quen cốt lõi sẽ giúp ích rất nhiều để tạo nên một ngày làm việc có tổ chức, và để tạo tiền đề bắt đầu những thói quen khác. Hãy hình thành cho mình một lối sống độc lập: Thức dậy đúng giờ, làm việc tập trung,.. Làm tốt những công việc thường nhật như thế sẽ giúp cho việc tạo dựng những thói quen khác của bạn trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Sự tập trung
Là trạng thái mà tâm trí bạn hoàn toàn tập trung vào công việc. Đây có lẽ là phần khó nhất trong quá trình tạo nên một cuộc sống có tổ chức. Xung quanh chúng ta có vô vàn những mối bận tâm vu vơ, có hàng tá thứ phá hủy dòng suy nghĩ của chúng ta như: Tiếng ồn, Facebook, những công việc lặt vặt của Sếp,… Có thể nói, nếu đam mê và thói quen là điều kiện cần thì sự tập trung chính là yếu tố đủ để tạo nên quá trình xây dựng động lực hoàn hảo nhất.
Nếu vẫn không thể thực hiện những gợi ý trên, đừng vội từ bỏ, hãy thử 13 cách cực kỳ đơn giản sau đây.
1. Tìm hiểu lí do "Tại sao?"
Cố gắng toàn tâm toàn lực vào một công việc ngu ngốc và nhàm chán sẽ chẳng bao giờ khiến bạn yêu thêm nó đâu. Thay vào đó, hãy dừng lại và tự đặt câu hỏi tại sao bạn đến với công việc này, tại sao bạn tiếp tục làm việc đến tận bây giờ. Điều này có lẽ sẽ giúp bạn thư giãn hơn và có thể tìm ra nét hấp dẫn của công việc.
Thậm chí nếu bạn không tìm được nguyên nhân thì có lẽ bạn không cần bận tâm đến nó nữa. Đây chính là thời điểm để nghĩ về sự thay đổi và tương lai mới cho chính mình.
2. Cố gắng từ 5 phút
Tập trung cho công việc trong 5 phút đầu, 5 phút tiếp theo và 5 phút tiếp nữa,… Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Thành công từ những việc nhỏ sẽ thúc đẩy bạn tiến đến những thứ lớn lao hơn.
3. Di chuyển xung quanh
Khiến cho cơ thể luôn chuyển động khi bạn thực sự có động lực để làm gì đó. Phương pháp "giả mạo" này có thể hơi ngớ ngẩn, tuy nhiên nó giúp bạn duy trì được nguồn năng lượng trong cơ thể, tạo được sự hưng phấn khi bạn bắt đầu công việc.
4. Phát triển phần việc tiếp theo
Nếu bạn đang ở thế "bí" cho một vấn đề nào đó và chưa tìm ra biện pháp giải quyết, đừng dừng lại ở đấy mà hãy di chuyển ngay sang công việc tiếp theo.
Mải mê với một câu hỏi khó sẽ chỉ gây ra sự trì hoãn mà thôi.
5. Giải mã những vấn đề của bạn
Điều gì khiến bạn không muốn làm việc? Bạn không có động lực do bạn mệt mỏi, sợ hãi, chán nản hay bất mãn?
Đừng để những vấn đề không tên ngăn cản bạn phát triển sự nghiệp. Bởi đó chính là những vấn đề gốc rễ khiến bạn mất đi động lực, phá hủy niềm đam mê và khao khát làm việc của bạn. Hãy dừng lại và giải quyết chúng, sau đó những vấn đề phía sau cũng sẽ được tháo dỡ.
6. Loại bỏ nỗi sợ
Nỗi sợ hãi và lo lắng có thể khiến bạn không thể hoàn thành công việc – dù đó là việc dễ nhất, dễ như trở bàn tay. Nó có thể biến một nhân viên mạnh mẽ trở thành một kẻ yếu đuối, một con rùa rụt cổ chính hiệu. Dường như có thể nói, nỗi sợ chính là kẻ thù của thành công. Vậy làm thế nào để chống lại chúng?
Hãy cô lập và nhốt nỗi sợ của mình vào một cái lồng giam, đồng thời giải thoát cho sự tự tin, những ưu điểm, sở trường của bạn.
7. Tìm một người đồng hành
Một người bạn đồng hành sẽ động viên khi bạn bắt đầu có triệu chứng lười biếng. Đồng thời, điều này cũng giúp bạn không còn cảm thấy cô đơn trên con đường thay đổi và phát triển bản thân.
8. Khởi động một ngày mới
Hãy lên kế hoạch cho ngày mai thật cẩn thận và chi tiết từ tối hôm trước. Tập dậy sớm và làm hết những điều quan trọng vào buổi sáng. Việc xây dựng một đà hoạt động năng nổ sẽ là bước đệm tạo nên một ngày làm việc hiệu quả.
9. Đọc sách
Đừng bó buộc mình trong những cuốn sách tự thân, hãy đọc mọi cuốn sách bạn muốn, đặc biệt là những cuốn đem đến những ý tưởng mới. Những ý tưởng mới sẽ giúp cho "bánh răng thần kinh" của bạn chuyển động. Suy nghĩ nhiều hơn, hiểu ra nhiều điều tốt đẹp hơn sẽ tạo nên những động lực mới mẻ cho bạn.
Không những thế, bởi vì đọc sách giúp tăng khả năng suy nghĩ và trí nhớ của bạn, nó cũng giúp bạn gia tăng tốc độ và hiệu quả làm việc.
10. Chuẩn bị tốt từ những công cụ làm việc
Những hoạt động của môi trường bên ngoài ảnh hưởng rất nhiều đến tâm trạng làm việc của bạn. Một chiếc máy tính chậm chạp, các ứng dụng thường bị thoát ra ngoài và thậm chí là chiếc máy photo hỏng quanh năm có thể giết chết động cơ phía trong của bạn.
Các yếu tố bên ngoài tưởng chừng nhỏ nhặt như thế có thể là chiếc bẫy, phá vỡ động lực bạn đang cố gắng hình thành.
11. Cẩn thận với những vấn đề nhỏ
Chỉ một chút hoang mang trong suy nghĩ của bạn cũng có thể làm hỏng cả chuyện "đại sự". Vì vậy, đừng đùa với những vấn đề nhỏ bé, tưởng như là vặt vãnh. Bởi bạn không biết rằng tiếp sau đó mình có thể đánh mất cái gì đâu.
12. Xây dựng một câu thần chú cho riêng mình
Hãy thử tìm một vài câu nói giúp tập trung tâm lí và thúc đẩy bản thân xem. Nó giống như một chiếc giấy ghi nhớ ngắn gọn, súc tích để bạn không xao nhãng vào công việc cần thiết trước mắt: Tạo động lực.
Và nếu bạn không biết bắt đầu từ đâu, đây có thể là một gợi ý "Do it now!"
13. Xây dựng thành công
Bởi thành công tạo ra thành công. Khi bạn vừa về đích và chiến thắng, rất dễ dàng để bạn cảm thấy có động lực làm những điều tiếp theo. Cảm xúc sẽ chi phối tất cả. Dù chiến thắng ấy chỉ là một lời khen từ đồng nghiệp hay 2, 3 công việc buổi chiều đã được hoàn thành từ sáng,… cũng có thể khiến bạn trở thành một kẻ hăng hái.
Có rất nhiều cách để bạn tạo dựng những thành công nhỏ làm động lực cho những việc quan trọng sau này như điều chỉnh lại danh sách những việc cần làm trong ngày, hãy đặt những công việc dễ dàng lên trước. Và quan trọng nhất là luôn phải tâm niệm rằng, mình có thể làm hết và làm tốt mọi việc.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế