Những gì đáng giá là những gì đáng để chờ đợi
Hiện nay có nhiều nhóm đến rảo quanh các trường trung học và đại học để cổ động cho một lối sống khiết tịnh nơi người trẻ. Nhưng họ không nhận được sự tiếp đón nhiệt tình.
Gần đây có một nhà phê bình châm biếm: “Họ đang bảo người trẻ giữ khiết tịnh cho đối tượng đặc biệt sẽ kết hôn sau này. Tốt, nghe cũng hợp lý khi bạn 19 tuổi và đang chờ đối tượng này, hơn là khi bạn 39 tuổi và không chắc mình chờ ai!”
Có một sự thật trần trụi ở đây đủ để mở một hội nghị chuyên đề. Những gì được diễn tả chính là nỗi thất vọng khi cảm nhận cuộc đời bắt đầu vượt quá chúng ta, giấc mơ thật sự của chúng ta dành cho tình yêu dường như đã hết, và khi, càng ngày chúng ta càng nghi ngờ không biết mình có đang ở bên lề cuộc sống hay không. Khi đó, chờ đợi bị xem như dại dột và cám dỗ thì rất mạnh khiến chúng ta bắt đầu bẻ cong các lề luật.
Tuy nhiên không phải vì chúng ta đánh mất giấc mơ mà lề luật thay đổi. Cái gì làm chúng ta thay đổi cảm nhận về khiết tịnh và chờ đợi: làm cách nào chúng ta chờ đợi thêm? Làm cách nào chờ đợi khi, có vẻ như, không còn nhiều cái đáng để chờ đợi nữa?
Chúng ta không có nhiều mẫu quy chiếu lành mạnh về lãnh vực này: Người theo chủ nghĩa tự do, họ dễ dàng viết quan điểm của mình, người bảo thủ cũng dễ dàng từ chối nhìn sự thật khó khăn, nhưng điều bí mật lại không nằm ở chỗ đồng ý hay khước từ. Những gì cần làm khi chúng ta bắt đầu đánh mất quả tim vì các quan điểm là phải kết nối quả tim mình với những gì sâu thẳm, những gì thật sự nó cần. Chúng ta thực hiện điều đó cách nào? Bằng cách tín thác bản thân mình cho những gì mà rốt cùng nó mang đến cho chúng ta một đời sống thật.
Tôi xin đưa ra một ví dụ, đó là lời sỉ nhục, không nhiệt tình nhưng là lời tín thác sâu xa của thánh Phê-rô đối với Chúa Giêsu trong giai đoạn khó khăn khi nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người.
Sự cố xảy ra theo phúc âm thánh Gio-an. Khi ấy, Đức Giê-su giảng làm mọi người hoang mang và bối rối, kể cả các môn đệ. Đức Giê-su giảng: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì được sống muôn đời!” Phúc âm thánh Gio-an kể lại, sau khi Đức Giê-su nói lời này, người ta bỏ đi vì họ không thể chấp nhận được. Khi đó Đức Giê-su quay qua các môn đệ và hỏi: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” Thánh Phê-rô trả lời liền: “Dạ, chúng con cũng muốn bỏ đi nhưng Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời!”
Câu trả lời tuy không hăng hái nhưng nói lên tính trưởng thành: “Thầy có những lời ban sự sống đời đời!” Những gì cho chúng ta sự sống mời gọi chúng ta tín thác dù đôi khi quả tim chúng ta không muốn.
Câu trả lời của thánh Phê-rô cốt yếu muốn nói: “Chúng con không nhận nó, nhưng thà chúng con không nhận lời này nơi Thầy còn hơn là chúng con nhận nó nơi người khác!”
Có một lần tôi đã dùng chính những lời này trong một lớp học khi giảng về câu chuyện trên, có một anh nhận xét: “Nó giống như cuộc hôn nhân của tôi!” Có tiếng cười khúc khích trong lớp, nhưng anh nói: “Tôi nói nghiêm túc đó. Bất cứ ai từng kết hôn hay từng cam kết trong một quan hệ đều biết rằng có những lúc mối quan hệ rất căng thẳng, thất vọng, và thậm chí quá nhạt nhẽo. Có khi còn cảm thấy như mối quan hệ đã chết, nhưng bạn đủ thông minh để biết rằng, đối với bạn, cuộc sống nằm ở đó, không ở nơi nào khác. Đối với bạn, về lâu về dài, cuộc sống có nghĩa là ở lại trong mối quan hệ đó cho dù, ngày hôm nay, nó như không còn sự sống. Trong thâm tâm, tất cả chúng ta đều biết chính xác câu nói này có nghĩa: “Con không nhận nó, nhưng thà con không nhận lời này nơi Thầy còn hơn là con nhận nó nơi người khác!”
Rõ ràng vấn đề ở đây không chỉ là khiết tịnh và chờ đợi ngày đám cưới, nhưng là một hiểu biết khôn ngoan và trưởng thành để trực cảm một viễn cảnh to lớn, hiểu được cuối cùng những gì mang lại cho chúng ta sự sống không phải là những gì chỉ giúp chúng ta đi qua một đêm chán nản hay một giai đoạn buồn chán.
Tình yêu là một quyết định, không phải một cảm xúc. Chúng ta thấy khó để tin, vì trước khi quyết định yêu thương, đầu tiên hết chúng ta phải rơi vào lưới tình. Ban đầu, tình yêu chọn chúng ta hơn chúng ta chọn nó. Nhưng, như chúng ta biết, điều đó thay đổi, giống như thánh Phê-rô, trình độ trưởng thành đích thật sẽ bắt đầu từ giây phút khi chúng ta tín thác bản thân mình với một cái gì đó vượt lên cái chúng ta cảm thấy tốt nhất trong giây phút hiện tại. Sự trưởng thành vẫn chờ đợi bạn, ngay cả khi bạn đã 39 tuổi và không chắc mình đang chờ cái gì.
Và đôi lúc, rốt cuộc, chúng ta biết được niềm vui khi nhận ra điều đó thật là giá trị.
Vào ngày đám cưới, văn sĩ G.K Chesterton đã trao cho vợ cuốn sổ ông ghi chép trước khi kết hôn, ông là người có “bốn ngọn đèn cảm tạ luôn luôn ở trước mặt. Ngọn đèn đầu tiên là anh được ở trên cùng quả đất với một người đàn bà như em. Ngọn thứ hai là với tất cả các khiếm khuyết của anh, anh không 'mất hút theo các người đàn bà xa lạ'. Em không thể tưởng tượng được phần thưởng của tính tự chủ này to lớn như thế nào đối với anh. Ngọn đèn thứ ba là anh đã cố gắng yêu thương tất cả những gì có sự sống, một sự chuẩn bị lờ mờ để yêu em. Ngọn đèn thứ tư thì không có lời nào có thể diễn tả được. Nơi đây là điểm chấm hết cho cuộc sống trước đây của anh. Em hãy nhận lấy: chính nó đã dẫn anh tới với em.”
Cuối cùng thì, kiên nhẫn, chờ đợi, khiết tịnh, tín thác có giá của nó.
Ronald Rolheiser,
J.B. Thái Hòa dịch