7 đặc điểm của Thiên Chúa khi tha thứ
Thật lòng mà nói, không phải dễ dàng để tha thứ cho nhau, vì làm như thế chẳng khác nào đánh mất sự kiêu hãnh của mình!
Còn Chúa Giê-su, Ngài lại nhắc nhở chúng ta: "Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ" (Lc 6,36). Nhân từ là không xét đoán người khác qua những lỗi lầm của họ, nhưng luôn sẵn sàng bao dung và tha thứ. Khuôn mặt của một Thiên Chúa nhân từ và hay thương xót được diễn tả qua Đức Giê-su Ki-tô, con Ngài. Và khuôn mặt ấy đã được chính Con Thiên Chúa khắc họa qua những hình ảnh rất gần gũi và chân thật, về những đặc tính mà chúng ta có thể nhìn thấy nơi Thiên Chúa khi Ngài ban ơn tha thứ.
1/ Thiên Chúa luôn bận tâm đến việc tha thứ cho chúng ta
Trong dụ ngôn "Người Cha nhân hậu" (hay "Người con hoang đàng"), Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng có một chi tiết mà ít khi chúng ta để ý đến: " Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu." (Lc 15, 20). Người cha đã ở sẵn đó để chờ đứa con của mình. Ngay cả trước khi người con xin cha mình tha thứ, thí ông đã chạy vọt ra để ôm chầm lấy anh ta. Cũng vậy, trong những quan hệ giữa con người với nhau, bạn cũng phải là người đi bước trước, để đến với những ai đã làm tổn thương mình. Như Thiên Chúa, bạn cần luôn bận tâm và chờ đợi giây phút của sự hòa giải. Và khi người kia ngỏ lời xin bạn tha thứ, bạn hãy chạy đến, ôm họ, và tỏ bày niềm vui của bạn đối với họ.
2/ Thiên Chúa tha thứ ngay lập tức, không chờ đợi
Trong dụ ngôn, người cha thậm chí còn không để cho đứa con của mình nói xong hết cái bài diễn văn mà anh đã soạn sẵn. Ông kêu gia nhân mang áo đẹp nhất ra mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay cậu...Trên Thập Giá, khi nhìn những người đã tra tấn, sỉ nhục và đóng đinh mình trên Thập giá, Chúa Giê-su cũng đã thốt lên một câu đầy bất ngờ và gây ra không ít bối rối cho nhiều người: "Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23, 24). Làm sao có thể tha thứ cho những người đã làm tổn thương mình được chứ, nhất là khi đó lại là những người thân quen, gần gũi với mình? Tất nhiên là có. Bạn hãy ghi khắc điều đó luôn luôn, như Chúa đã nói "Họ không biết việc họ làm".
Chúng ta vẫn thường hay nghĩ rằng người khác xúc phạm mình là bởi vì họ xấu xa, hoặc họ không ưa gì mình. Nhìn chung (tuy không kể những trường hợp ngoài lệ), thì mọi chuyện lại đơn giản hơn nhiều: họ không biết. Để được định nghĩa là "tội", thì nó phải được thực hiện với đầy đủ ý thức và chủ động. Những điều kiện này không phải lúc nào cũng tồn tại. Nhiều khi chúng ta cũng đã từng xúc phạm một người nào đó nhưng thật tình là chúng ta không muốn, cũng chẳng biết và nhất là còn có lúc không kiểm soát được hành vi của mình.
Vì thế, bạn hãy luôn mở lòng và sẵn sàng tha thứ cho người khác. Dù họ có xin có xin bạn tha thứ cho họ hay không, thì bạn đừng bao giờ quên rằng có thể họ chẳng biết những gì họ đã làm. Đừng để bị cám dỗ vào những câu nói như "Tôi không thể tha thứ cho bạn", "Tôi sẽ không bao giờ bỏ qua cho bạn"... Nếu chúng ta không tha thứ cho người khác, thì chính chúng ta đang buộc chặt đôi tay của Thiên Chúa, và không để Ngài tha thứ cho chúng ta.
3/ Sự tha thứ của Thiên Chúa là một lễ hội tưng bừng
Ngay sau khi đón nhận đứa con của mình trở về và trả lại cho nó mọi đặc quyền của một đứa con trong nhà, người cha đã ngay lập tức sai gia nhân mở tiệc và họ bắt đầu "ăn mừng". Chẳng lẽ người cha đã quên tuốt hết những gì mà thằng con đó đã đối xứ với ông hay sao? Không hề. Chính ông cũng đã là người trả lời câu hỏi ấy: "Con ta đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy".
Làm sao có thể không vui cho được, khi mà giờ đây gia đình của ông lại tìm được bình an và đầm ấm như lúc trước? Không vui sao được khi những khác biệt và bất đồng giờ đây đã bị bỏ lại đằng sau?
Nếu Thiên Chúa luôn sẵn sàng xí xóa và "mở tiệc ăn mừng" mỗi khi bạn kêu xin Ngài tha thứ, thì tại sao bạn vẫn thường hay tha thứ với một khuôn mặt còn đang hằn học? Bạn hãy học cách tha thứ với niềm vui, vì chính Thiên Chúa cũng luôn làm cùng một cách như vậy đối với bạn.
4/ Thiên Chúa chẳng bao giờ buộc tội chúng ta
Trong câu chuyện về người phụ nữ ngoại tình bị kết tội ném đá, sau khi đã làm cho những người buộc tội cô ta phải bẽ mặt rút lui, một cuộc đối thoại vô cùng tuyệt vời đã diễn ra ngay tại đó. Chúa Giê-su ngẩng lên và nói : "Này chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao ?" Người đàn bà đáp : "Thưa ông, không có ai cả." Đức Giê-su nói : "Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !" (Ga 8, 10-11)
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong bài giảng tại nhà nguyện Thánh Marta đã có lần nói: "Người cáo buộc là ai?" Và ngài trả lời: "Trong Kinh Thánh, kẻ 'cáo buộc' được gọi là ma quỷ, Satan", nhưng ngài lưu ý rằng mặc dù ma quỷ cáo buộc, "Chúa Giêsu sẽ phán xét, vào ngày sau hết, nhưng ngay lúc này Ngài cầu bầu cho chúng ta và bảo vệ chúng ta”.
Chúng tạ thì lại thường hay có xu hướng buộc tội, chỉ trích người khác, chẳng giống Chúa Giê-su tí nào? Bạn muốn trở nên giống ai? Hoàng tử của Hòa bình hay Thủ lãnh của thế gian?
5/ Sự tha thứ của Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta phải dám thay đổi
Điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ yếu đuối sa ngã nữa. Sau cuộc đối thoại kỳ diệu đến ngỡ ngàng như vậy với người phụ nữ, Chúa Giê-su bảo cô: "Chị hãy về, và đừng phạm tội nữa!" (Ga 8,11). Đây quả thật là một điều không dễ dàng, nhất là khi chúng ta là những người bị người khác xúc phạm đến mình. Nhiều lúc, phạm tội trở thành một thói quen khó bỏ, "vì Lòng Thương Xót của Chúa là vô cùng", nên chúng ta chẳng chịu cố gắng để thay đổi gì cả, chẳng chịu để cho Lòng thương xót của Chúa biến đổi bên trong, tận sâu gốc rễ của con người chúng ta.
Khi ý niệm "Xin Chúa tha thứ" trở thành một thói quen, hoặc khi bạn đi xưng tội mà không có ý thức rằng Bí tích này sẽ giúp bạn thêm sức mạnh để tránh xa tội lỗi, thì ơn tha thứ của Chúa sẽ dần trở nên mờ nhạt trong cuộc đời của bạn. Bạn cần phải không ngừng cảm tạ Chúa và cám ơn anh em của mình, vì họ luôn sẵn sàng tha thứ cho bạn, và đồng thời, một sự thay đổi từ bên trong, trong suy nghĩ, lời nói và hành động là một điều hết sức cần thiết.
Nếu bạn lại tiếp tục phạm tội nữa thì sao? Thì chỉ cần đứng dậy thêm một lần nữa, và chân thành xin ơn tha thứ của Chúa, đồng thời quyết tâm làm những gì cần thiết để "bắt đầu" lại. Đã bao nhiêu lần bạn tha thứ cho những người đã xúc phạm đến mình? Có đến 70 lần 7?
6/ Thiên Chúa một khi đã tha là tha hết
Chúa tha hết, chẳng chừa chẳng nhớ điều gì. Trên Thập Giá, Chúa Giê-su đã nói với người trộm lành: "Hôm nay, anh sẽ được ở trên Thiên Đàng với tôi" (Lc 23,43). Còn chúng ta thì sao? Chúng ta tha thứ như thế nào? Tha thứ không bắt buộc là chúng ta phải quên đi những tổn thương mà mình đã chịu đựng. Tha thứ cũng không đòi buộc chúng ta phải tẩy sạch bộ nhớ của mình và để mặc cảm xúc qua một bên. Chúa Giê-su đã cầu xin ơn tha thứ cho những kẻ tra tấn mình khi đang ở ngút ngàn đau khổ trên Thập Giá. Có lẽ, nếu có một sự xúc phạm nào đó hết sức nặng nề, thì chúng ta sẽ thường giận cho tới mức mà đem theo nó xuống mộ luôn với mình.
Tha thứ có nghĩa là "cho đi". Tha thứ có nghĩa là "cho đi chính mình một lần nữa". Rõ ràng, Chúa Giê-su đã trao ban ơn tha thứ cho một kẻ hoàn toàn không xứng đáng, một tên trộm. Nhưng tên trộm này lại khôn, cái cuối cùng trên đời mà anh quyết định ăn trộm, đó là Thiên Đàng. Anh đã "lớn gan" ăn trộm cả Thiên Đàng.
Khi đã quyết định tha thứ, bạn đừng vác "bộ mặt của một nạn nhân" để đi cùng làng khắp xóm, hay tệ hơn, là với "thái độ của một người bị hại". Nếu bạn không tha thứ một cách hoàn toàn và thật lòng, thì cũng chẳng còn gì để nói, và cũng đừng trông chờ gì vào Bí tích Giải tội cả.
Tha thứ đúng nghĩa là để lại mọi thứ ở phía sau, không quan tâm đến nó nữa, một lần cho tất cả!
7/ Chính Thiên Chúa mới là người tha thứ cho chúng ta
Sự tha thứ là không hề có giới hạn khi chúng ta tha thứ cho nhau. Đó là một khởi đầu tốt đẹp!
Sau khi tha thứ cho người khác (mà nhớ là phải tha ngay và tha hết nhé), thì cũng đừng quên rằng những người mà trước đây chúng ta từng xúc phạm đến họ, họ cũng là con cái của Chúa (đồng thời cũng là niềm vui của Ngài). Vì thế, hãy đến với Tòa Giải tội, gặp Linh mục để xưng thú những lỗi lầm đó, sám hối và làm việc đền tội...Như vậy, bạn sẽ có được sự bình an trong tâm hồn, trong gia đình, trong các mối quan hệ và trong cuộc sống của mình.
Bình an thực sự được xây dựng trên sự tha thứ siêu nhiên ấy. Chúa Giê-su đã đoan chắc rằng Ngài để lại cho chúng ta ơn Bình an: "Thầy ban Bình an của Thầy cho anh em. Thầy ban cho anh em ơn Bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian..." (Ga 14, 27)
Trong một bài giảng tại nhà trọ Thánh Marta ngày 15/06/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: "Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã gánh lấy những tội lỗi của chúng ta, và vì chúng ta, mà Ngài đã tự biến mình trở thành một tội nhân."
Và câu trả lời của Đức Thánh Cha Phanxicô cho một em bé trong một lần gặp gỡ hơn 7000 trẻ em tại Vatican vào tháng 5 năm 2015, cũng thật đáng cho chúng ta phải suy nghĩ:
"Đúng rồi các con, bất đồng thì có đó, nhưng đừng để những tranh cãi ấy kéo dài cho đến ngày hôm sau. Hãy luôn nhớ điều đó. Nếu như các con làm đúng, và người kia sai. Làm thế nào để xin lỗi? Con không cần phải xin lỗi, nhưng hãy tỏ một cử chỉ cho thấy rằng quan hệ mối quan hệ giữa con với họ chẳng hề sứt mẻ tí nào.
Đừng để ngày đã tàn mà cơn giận vẫn còn! Điều đó không tốt tí nào cả. Cha cũng đã từng tranh luận nhiều lần, tới nay cũng vậy. Cha cũng đã từng nóng giận lên một chút, nhưng cha luôn tìm cách để làm hòa.
Là con người, không thể nào mà không có những lần tranh cãi. Nhưng điều quan trọng là đừng để cho những tranh cãi ấy dây dưa mãi, mà hãy để cho sự làm hòa và bình an cất lên tiếng nói chung cuộc."
Quốc Đạt
(lược dịch từ www.catholic-link.org)