Khi cô đơn bạn sẽ gọi tên ai?
Khi cô đơn bạn sẽ gọi tên ai? Và bạn có sẵn sàng chạy đến khi ai đó gọi tên bạn trong nỗi cô đơn của riêng mình?
Thức giấc, bên ngoài cửa sổ bàng bạc một màu xám ảm đạm. Uể oải và chán chường, bạn nhận thấy có gì đó đang xâm chiếm lòng mình, tựa như mây mù đang phủ kín khoảng trời ngoài sân. Cảm giác này quen lắm. Nó ghé thăm bạn thường xuyên. Mơ hồ nhưng rất thật. Nhẹ êm mà cũng cồn cào. Và bạn tạm gọi cảm giác ấy là nỗi cô đơn.
Cô đơn, một cách gọi thi vị của nỗi buồn, niềm đau, hay cơn sầu khổ thoáng ẩn thoáng hiện trong đời. Cô đơn sẽ đến bất chợt, dù sớm tinh mơ, chiều hoàng hôn hay đêm khuya vắng. Cô đơn cũng không trừ ai, từ cậu nhóc, cô nàng, đến cô dì, chú bác và ông bà lớn tuổi. Cô đơn là “một mình”, là tình trạng trống vắng khi không còn ai bên cạnh. Đó cũng là cảm giác lạc lõng, bơ vơ dù quanh mình có bao người vây lấy. Bạn sẽ làm gì khi ấy? Đi lang thang, tìm quên bằng những thứ ồn ào, hay đơn giản ngủ vùi và khóc? Đơn giản thôi, xin bạn hãy gọi tên một người.
“Em ơi!”, “Anh ơi!” – hãy gọi tên tình nhân của mình. Người ta vẫn thường ví đôi uyên ương như hai mảnh ghép trái tim, thế nên tim bạn sẽ lại đập những nhịp thường hằng khi có được mảnh ghép còn lại. Cũng có thể gọi tên một người bạn tâm giao hay một đồng môn tri kỷ. Triết gia Aristotles đã ví von thật thấm thía: “Tình bạn là một tâm hồn cư ngụ nơi hai thân xác.” Thế nên, gọi tên người thân hữu cũng là lúc bạn gọi chính tâm hồn mình. Cả tên cha, tên mẹ, tên anh chị em, tên con, tên cháu cũng có thể là những chọn lựa lý tưởng để gọi lên trong nỗi cô đơn. Mối dây ràng buộc máu mủ vẫn luôn có một sức mạnh an ủi vô lường.
Gọi tên là gọi về sự hiện diện của người yêu dấu. Nếu nỗi cô đơn đào khoét trong lòng ta một hố sâu, thì sự hiện diện của người ta thương có cơ may lấp đầy hố thẳm u uất ấy. Dù không phải lúc nào tiếng gọi đó cũng mang người ta thương đến bên mình một cách hữu hình, nhưng ít ra hình ảnh của họ cũng có giá trị gần như tương đương, tựa như chút ánh sáng lóe lên đẩy bóng tối xa dần.
Gọi tên ai đó trong nỗi cô đơn nói lên rằng ta cần họ biết bao, đặc biệt khi ta cảm thấy không còn ai ở lại. Thiên hạ vẫn thường nói với nhau về mối tương giao, về tình liên đới, và cứ sự thường người ta sẽ đẩy trách nhiệm cho kẻ khác. Tôi thường chờ người khác tìm đến mình thay vì khiêm tốn thú nhận tôi cần một ai đó và hạ mình cầu cạnh để có được sự hiện diện của họ. Nếu ai cũng đợi và chờ thì lấy ai chủ động và bắt đầu đặt gạch xây nên tình liên đới?
Cô đơn không xấu, nó là phản ứng của nội tâm, là diễn biến bình thường của tâm trạng. Cô đơn sẽ mang lại ích lợi khi tạo cho ta môi trường để nhìn vào lòng mình, để khám phá đường đi nước bước của nội tâm, để nghe rõ hơn nhịp đập thôi thúc của trái tim, mời gọi yêu thương và cho đi nhiều hơn nữa.
Chỉ đáng sợ khi bạn si mê nỗi cô đơn và cứ hoài ở lì trong đó. Bạn không còn làm chủ chính bạn nơi cuộc đời riêng. Bạn bị nỗi cô đơn bắt bớ. Bạn trở thành tù nhân của những tâm tư u uất sầu buồn.
Và một khi tiếng kêu tha thiết gọi tên người ta thương chẳng còn tác dụng, xin hãy thống thiết gọi tên Người Yêu Dấu. Người Việt vẫn thường kêu lên cách vô thức: “Trời ơi!” để nài xin Đấng Thiên Linh nào đó cứu giúp trong mỗi biến cố lớn nhỏ. Người Công Giáo lại khẩn thiết van nài: “Chúa ơi!” Còn bạn và tôi thì sao? “Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con!” – xin cứ lặp lại lời này thật nhiều để Người Yêu Dấu biết rằng bạn cần Ngài. Chắc rằng Ngài sẽ đến, đến ngay thôi, để cùng ở với bạn trong nỗi cô đơn, để mang lấy nỗi cô đơn của bạn vào chính Ngài.
Khi cô đơn bạn sẽ gọi tên ai? Và bạn có sẵn sàng chạy đến khi ai đó gọi tên bạn trong nỗi cô đơn của riêng mình?
Jos. Nguyễn Minh Vương, S.J. (dongten.net)