HY SINH

Nói tới hy sinh là nói tới tình yêu. Không có tình yêu thì sự hy sinh chỉ là một hành vi cao hứng trong phút chốc, hay chỉ là muốn phô trương sự dũng cảm của mình. Điều đó chẳng có nghĩa gì trong cuộc sống nhân sinh, mà chỉ làm dầy đặc thêm cái “Tôi” đáng ghét của mình...

HY SINH

“Ngài đã hy sinh chính bản thân mình.”  (Ep 2, 14) 

Nói tới hy sinh là nói tới tình yêu. Không có tình yêu thì sự hy sinh chỉ là một hành vi cao hứng trong phút chốc, hay chỉ là muốn phô trương sự dũng cảm của mình. Điều đó chẳng có nghĩa gì trong cuộc sống nhân sinh, mà chỉ làm dầy đặc thêm cái “Tôi” đáng ghét của mình.

1. Ý nghĩa và mục đích của sự hy sinh

Trong đời sống đức tin, cùng với Chúa Giêsu, cuộc đời mỗi người chúng ta là của lễ hy sinh hằng ngày dâng hiến lên Thiên Chúa để đáp lại tình yêu Ngài. Không có hy sinh thì không có của lễ. Của lễ mà không có hy sinh thì sự dâng hiến chỉ là bôi bác bề ngoài, và Thiên Chúa chỉ còn là bình phong để che đậy tà ý của con người. Vì thế hy sinh là chứng tích hùng hồn nhất để nói lên giá trị của hiến lễ (x. Ga 15, 13). Hy sinh càng lớn lao thì giá trị của hiến lễ càng cao cả. Hy sinh càng âm thầm sâu xa thì càng làm triển nở cuộc đời ta trong Chúa.

Hy sinh khởi sự từ chỗ đón nhận những công việc rất nhỏ bé và hèn mọn trong âm thầm. (x. Lc 19, 17 ; Lc 16, 10).

Trong hy sinh, ta phải dám làm những việc mà không ai muốn làm, nhưng có giá trị rất lớn đối với Thiên Chúa, vì nó bắt nguồn từ một tâm hồn thiện hảo và khiêm nhu chân thực. Cuộc đời cao đẹp của mỗi người chúng ta được kết dệt nên từ những hy sinh nhỏ bé và hèn mọn như thế. “Không hy sinh nơi những việc nhỏ, ta sẽ đầu hàng trước những hy sinh lớn lao. Đừng mơ tưởng đến những hy sinh lớn lao, đang khi chưa thể hy sinh trong những điều nhỏ bé.” (ĐHV, tr. 164).

Đời sống cộng đoàn có biết bao nhiêu điều đòi ta phải hy sinh hằng ngày. Chính Thánh Louis Gonzaga trong sáng như thiên thần cũng cảm thấy thấm thía những thánh giá do đời sống cộng đoàn đem lại, đó là những xích mích và những va chạm không sao tránh khỏi, nhưng Ngài đã coi đó như là những dịp tốt để hy sinh đền tội cho chính mình.

“Thánh thiện và tội lỗi, lắm lúc chỉ do thắng bại của một phút hy sinh” (ĐHV, tr. 172). Hy sinh chính là trang sức của sự thánh thiện, bởi vì nó làm ta nên giống Chúa Giêsu hơn. Ai tha thiết yêu mến Ngài cũng đều mong mỏi được hy sinh với Ngài và vì Ngài.

Chính sự hy sinh mới nói lên được một tình yêu chân thành, sâu thẳm đối với Chúa và tha nhân. Tình yêu không hy sinh là tình yêu trá hình. Tình yêu không dựa vào lời nói hay những cử chỉ trìu mến, nhưng phải được chứng tỏ qua những hy sinh cụ thể để làm bằng chứng sống động. Sự hy sinh càng cao độ thì càng diễn tả được chiều kích sâu xa của tình yêu, càng mang lại bầu khí an vui cho mình và những người xung quanh.

Tuy nhiên đừng quên rằng, con đường tình yêu là con đường thập giá nở hoa. Đó là con đường trải hoa hồng, nhưng dưới những cánh hoa hồng là sự ẩn nấp của những gai nhọn đâm thâu gây nên thương tích. Hy sinh là chấp nhận những thương tích để làm nên những chứng tích của tình yêu.

2. Hy sinh hãm mình

Hy sinh gắn liền với hãm mình, nghĩa là biết kềm chế những ham muốn, dục vọng, cũng như cả những ước vọng tầm thường để tôi luyện bản thân mình trở nên cao quí. Sự tiết độ trong hy sinh hãm mình chính là phương thức tẩy luyện tâm can khỏi những dơ bẩn và hôi hám của mùi tục lụy, và là điều kiện để làm triển nở đời sống tâm hồn dưới tác động của ơn thánh. Thiếu hy sinh hãm mình con người ta sẽ dần dần bị cứng đọng lại trong lề thói thường tình của mình và sẽ bị nô lệ hóa bởi chính nó.

Khi không còn hãm mình thì người ta dễ tìm kiếm những thỏa mãn riêng tư và lợi ích cá nhân. Trong khi đó tình yêu đích thực đòi người ta phải hy sinh, tiết chế thì mới đem lại những điều tốt đẹp cho mình và người khác. Thói quen hy sinh hãm mình sẽ giúp ta phong phú hóa nghị lực, làm giàu tâm cảm và làm gia tăng sức mạnh của ý chí để vượt ra khỏi sự ràng buộc của chính mình. Đó chính là nhu cầu của đời sống nội tâm đòi phải có tự do, để trở nên chính mình như mình đáng phải là.

3. Hy sinh từ bỏ

Hy sinh chỉ có trong sự từ bỏ. Khi từ bỏ, ta mới biết được rằng mình thật sự hy sinh. Từ bỏ để được tự do vươn cao và trải rộng giữa bầu trời mênh mông của sự sống huyền nhiệm tươi đẹp vô ngần.

Từ bỏ trước tiên là rời khỏi tư thế định vị như một cái khuôn đúc làm thành lề thói và kiểu cách hạn hẹp của mình, vì nghĩ rằng đó là một lối sống yên thân nhất để thể hiện chính mình. Thật ra đó chỉ là ảo tưởng, bởi vì sống là sống theo một niềm tin, nên cứ phải chuyển biến và tiến bước không ngừng, cứ phải ra đi theo định hướng của Thiên ý, như tổ phụ Abraham: hy sinh từ bỏ để ra đi vì niềm tin, bởi vì niềm tin mời gọi hy sinh từ bỏ.

Con người luôn có khuynh hướng muốn khư khư giữ kỹ những gì mình đã có, và lấy lại những gì mình đã cho; muốn chất đầy thêm cho mình mọi thứ, và coi đó như một bảo đảm cho cuộc sống mình. Nhưng càng chiếm giữ càng mệt mỏi; càng chất đầy càng nặng nề, khó lòng mà xoay sở để tiến bước. Điều kiện trước tiên trong hành trình tâm linh là trút bỏ, rời bỏ, cởi bỏ tất cả những gì không nhất thiết tối cần để cho tâm hồn mình được thanh thoát nhẹ nhàng.

Tuy vậy, cũng không nên thúc ép mình quá đáng khi chưa thể từ bỏ những điều không cần thiết lắm, kẻo gây nên một tâm trạng hụt hẩng, bất lợi trong đời sống nội tâm. Không nên gồng mình lên làm những điều mà mình chưa thể làm được một cách bình thản. Mọi hy sinh phải được nâng lên dần dần do ý thức nỗ lực và tác động của ơn Thánh. Không thể làm anh hùng trong một phút chốc, vì thế cần phải luôn khiêm tốn và kiên nhẫn với chính mình. Phải biết chờ đợi chính mình trong sự hòa nhịp của con tim và lý trí, của tự do và ý chí.

Chính Chúa luôn giữ vai trò chính yếu trong mọi diễn tiến đi lên của cuộc đời ta. Cần lắng nghe Ngài trong mọi lúc để tránh những hối thúc sôi động của chính mình. Điều cần thiết là luôn mang trong mình tâm tình từ bỏ: từ bỏ những cái phụ thuộc để có thể đón nhận những cái chính yếu ; từ bỏ những cái nhỏ nhen để được những cái lớn lao ; từ bỏ những cái cũ kỹ để đổi lấy những cái mới mẻ.

Tuy nhiên, nếu thiếu sự khôn ngoan sáng suốt thì cũng khó mà phân định được cái gì là phụ thuộc, nhỏ nhen, cũ kỹ, vì thấy cái gì cũng cần thiết với mình. Hơn nữa, người ta lại cảm thấy ưa chuộng và vui thích trước những cái phụ thuộc, nhỏ nhen và cũ kỹ đó, và có vẻ rất sợ khi bị mất nó. Có thể vì thiếu sự thao thức vươn lên, nên chưa ngộ ra những gì cao quí hơn, chưa nếm cảm được niềm vui lớn lao hơn trong sự từ bỏ.

Thật ra, với một tâm hồn đã quen chuộng sự hy sinh từ bỏ thì thường rất sáng tỏ, không có gì khó khăn khi phải phân định để lựa chọn từ bỏ hay không. Tuy nhiên, có những khi vì sự lôi kéo có vẻ chính đáng ở bên ngoài và sự tiếc nuối có vẻ hợp lý ở bên trong khiến người ta dễ lưỡng lự, chần chừ: muốn được cái mới nhưng vẫn muốn ôm lấy cái cũ; muốn cho đi nhưng vẫn muốn thu về. Hy sinh là sự cao thượng của tình thương, nhưng rồi mấy khi không vấn vương và tiếc nuối. Chỉ khi đặt mình trong tâm tình của Chúa, và trong sức mạnh của Ngài, ta mới can đảm hy sinh từ bỏ trọn vẹn hơn.

4. Hy sinh chính mình

Con đường đi lên của đời sống thuộc linh đôi khi còn mời gọi ta phải hy sinh từ bỏ cả những điều chính yếu, lớn lao, và ngay cả chính mình để có thể hoàn thành Thiên ý. Thiên ý là kế hoạch toàn bộ có tính cách vĩ mô trên đời sống nhân loại mà Chúa cần đến sự hy sinh lớn lao của chúng ta. Đây không phải là ơn gọi đặc biệt dành cho một số người, nhưng là cho hết mọi người trong những hoàn cảnh cụ thể nào đó khi Chúa muốn (x. Mt 5, 48).

Muốn mục đích thì cũng phải muốn phương thế. Mục đích càng lớn lao, phương thế càng gắt gao. Muốn chính Chúa thì cũng phải hy sinh như Chúa đã hy sinh cho ta. Hãy nhìn ngắm Chúa Giêsu, Đấng đã hy sinh tới cùng vì yêu thương ta. Tiếp bước theo Ngài, có biết bao chứng nhân hào hùng đã đổ máu vì yêu. Cách mạng bản thân còn khiến tim ta rỉ máu không ngơi, huống chi góp phần vào cuộc cách mạng của Chúa Giêsu để xây dựng nền hòa bình công chính của Nước Thiên Chúa.

Hy sinh chính mình là định mệnh cao cả của mỗi người chúng ta trong chương trình tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đem lại sự sống mới muôn đời cho mỗi người chúng ta. 

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu!

Như Chúa đã nói: Không có tình yêu nào lớn lao

bằng tình yêu của người dám hy sinh mạng sống…

Chúa đã làm như thế vì yêu nhân loại chúng con.

Nếu con chưa thực sự gặp Chúa,

chưa cảm nhận Chúa, chưa chạm vào Chúa,

thì chẳng bao giờ con dám hy sinh vì Chúa,

mà chỉ hy sinh theo cảm hứng và lợi lộc.

Con chưa gặp Chúa vì lòng con còn trắc trở,

chưa cảm nhận Chúa vì tim con còn ơ hờ,

chưa chạm vào Chúa vì trí con vẫn nghi ngờ.

Chúa thấy những yếu đuối, những ràng buộc,

và sự dung dưỡng của bản thân con,

xin dẫn đưa con lần bước trong sự hy sinh.

Con đường hy sinh là con đường thập giá,

mà Chúa đã đi qua để cứu chuộc con,

và con phải đi lại, để hoàn thành đời mình.

Xin cho con cảm nếm được

hương vị ngọt ngào và sâu lắng

của tình yêu Chúa đã dành cho con,

để con biết hy sinh tận hiến vì yêu mến Chúa

và yêu thương tha nhân đến cùng. Amen.

Lm. Thái Nguyên