Dù chưa thấy nhưng con tin!
Dễ tin thì trở thành nhẹ dạ cả tin. Khó tin thì thành cứng cỏi khô khan. Nếu ai mà tôi cũng tin, thì chắc là cả đời bị lừa gạt và trở thành kẻ ngốc nghếch. Nếu không tin một ai, thì hoặc là không sống nổi với ai hoặc có thể là những tên bạo chúa.
Thế nên, về lý thuyết mà nói, ai cũng muốn mình cần khôn ngoan sáng suốt để có thể tin đúng đắn vào ai đó vào điều gì đó. Nhưng trên thực tế, có bao nhiêu lời để bàn cho xuể về câu chuyện lòng tin. Tiếc rằng, những câu chuyện nổi tiếng mà người ta truyền tụng, thường lại là câu chuyện về lường gạt và lừa dối. Các chiêu thức càng tinh vi phức tạp, dường như càng thu hút người ta.
Có lẽ đó là một trong những mâu thuẫn của lòng người. Không muốn ai đó lừa gạt mình, nhưng mình lại thích lừa người khác, hoặc ngay cả thích thử lòng người khác. Thử và thật có một ranh giới rất mong manh.
Để nhìn vũ trụ, người ta dùng kính thiên văn. Tầm nhìn ngày càng vươn xa. Ngày xưa nói tới hàng vạn dặm, giờ đo bằng năm ánh sáng. Để nhìn những vật vô cùng nhỏ bé, người ta dùng kính hiển vi ngoại hạng. Dù nhìn gần hay nhìn xa, con người vẫn đang nhìn với ánh mắt của chính mình.
Người bị tật viễn thị thì đeo kính để có thể nhìn rõ vật ở gần. Người bị tật cận thị thì đeo kính để có thể nhìn rõ vật ở xa. Người loạn thị thì đeo kính để có thể nhìn vật mà không bị méo mó. Như thế, đeo kính là để hỗ trợ con người thấy cách trung thực hơn. Nhưng nếu trước tiên, người ta không thừa nhận mắt mình có tật, thì họ sẽ chẳng chịu đeo kính, và hậu quả thì ai cũng biết.
Tương tự thế, có thể thấy, mắt ai đó có tật tiêu cực, thì nên đeo kính tích cực. Mắt ai đó có tật tích cực quá đáng, thì nên đeo kính thâm trầm chút. Mắt ai đó hỗn loạn bởi xúc cảm, thì nên đeo kính điều hòa lại. Mắt ai đó khô khan cứng cỏi, thì nên đeo kính có chút xanh tươi. Biết mình, quả thật quan trọng. Nếu biết mình mà không đón nhận mình, thì sống trong sự căng thẳng giữa thực tế và lý tưởng, trong sự phân mảnh của cuộc sống.
Vẫn với ánh mắt, nó toát ra cái gì đó. Người xưa gọi là nét tinh anh của đôi mắt. Người nay gọi là cái hồn cái thần của ánh mắt. Có người nói, nhìn vào mắt là đã thấy đáng tin, hoặc nhìn vào mắt là đã thấy ma lanh, đã thấy đểu. Bằng cách nào có thể thấy được những điều ấy! Có lẽ nhờ kinh nghiệm, nhờ trực giác, có lẽ nhờ học thức… Có lẽ và có lẽ. Có rất nhiều lẽ. Nhưng nói cho cùng, người ta buộc phải nại tới lòng tin.
Trong làm việc, trong cuộc sống, người ta buộc phải đánh cược với lòng tin của mình đặt nơi một số người, tuy không phải là tin như nhau vào mọi người, mà tùy người tùy mức độ. Đơn giản như, người cha trao cho mỗi đứa con mỗi công việc và mỗi nguồn vốn khác nhau, là vì mức độ lòng tin người cha đặt nơi mỗi đứa là khác nhau. Đương nhiên người cha thấy nhiều điều nơi từng đứa con, nhưng khi trao phó điều gì đó, ông dựa vào lòng tin hơn là những gì ông thấy.
Tình yêu mến mà người mẹ dành cho con cái cũng dựa chính yếu vào lòng tin, chứ người mẹ chỉ thấy một điều quan trọng: đây là những đứa con của tôi. Tình vợ chồng cũng thế. Có một thời người ta đòi thấy nhiều bằng chứng, nhất là khi mới yêu nhau, nhưng càng ngày họ càng bị đòi hỏi là tin tưởng nhau. Nếu một ngày kia họ bắt đầu nghi ngờ và đòi thấy bằng chứng, thì đó cũng là dấu hiệu tệ hại cho thấy tình yêu của họ đang gặp khủng hoảng.
Nói như thế, không có nghĩa, tình yêu và lòng tin không cần những bằng chứng có thể thấy. Hoàn toàn không có nghĩa ấy. Lòng tin và tình yêu luôn tự động có những bằng chứng đáng tin cậy và chính yếu, nhưng không bao giờ là tất cả, không bao giờ là kiểu sở hữu trong tay. Không. Lòng tin và tình yêu không ở nơi một người mà là trong tương quan giữa người với người.
Thầy Giêsu là người rất thực tế về lòng tin mà con người dành cho nhau. Khi thấy người ta không chịu tin, Thầy nói: Nếu các ông không tin tôi, thì ít ra hãy tin vào những việc tôi làm. Người ta không chịu tin người khác, có thể vì người ta tự tin vào bản thân cách quá đáng. Lần kia, khi đối diện với sự cứng lòng không chịu sám hối của mấy người biệt phái, Thầy Giêsu đã phải mạnh miệng nói: Vì các ông không tin, nên các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thầy Giêsu còn giải thích rõ hơn khi nói: Vì các ông nói các ông không có tội, nên tội các ông vẫn còn.
Ngày nay, nói đến tội lỗi dường như dễ làm cho người ta thấy khó chịu. Nhưng quả thật, đó là bước khởi đầu của sám hối, của lòng thương cảm, của sự hòa giải, của lòng khiêm tốn, và của lòng tin, của tình yêu. Đó là lý do vì sao trong những đổ vỡ, chuyện thường là người ta đổ lỗi cho nhau. Thực tế là có lỗi gì đó và cũng thực tế là chẳng ai muốn nhận lỗi về mình. Chỉ một tâm hồn mạnh mẽ và hiền lành mới có khả năng nhận lỗi. Và đó là bước tạo nền cho lòng tin và tình yêu.
Thánh Phêrô là người sống cách chân thực những cung bậc của lòng tin. Ngài mạnh mẽ trong tuyên xưng, thẳng thắn trong lời nói, yếu đuối trong những khó khăn, khiêm tốn nhận mình hèn kém, can đảm tin vào tình thương mến của Thầy và của anh em.
Người ta thường quá tập trung vào những gì để thấy, rồi sau đó mới tin. Còn Thầy Giêsu, Thầy hé lộ một con đường mới: tin rồi sẽ thấy. Lòng tin đặt nơi Thầy sẽ mở ra một chân trời trước mắt các môn đệ. Một chân trời mà các ngôn sứ và các bậc khôn ngoan ước ao bao đời mà chưa được thấy. Phúc cho anh em vì những gì mắt anh em đang thấy! Lòng tin nơi Thầy giúp biến đổi con mắt nội tâm, biến đổi nét tinh anh của ánh mắt. Để ánh mắt nhìn xuyên thấu tội lỗi bằng tha thứ, xuyên thấu phản bội bằng trung tín, xuyên thấu thế gian bằng Nước Trời, xuyên thấu cái chết bằng tình yêu.
(Tứ Quyết SJ, dongten.net 05.12.2016)