Đối diện với vấn đề của bản thân

Đối diện với vấn đề của bản thân là việc của mỗi người chúng ta. Hãy xem Thiên Chúa mong muốn chúng ta tự xoay sở với những vấn đề của bản thân chúng ta như thế nào?

 

Đối diện với vấn đề của bản thân
 
An Nhiên
 
Thiên Chúa mong muốn chúng ta tự xoay sở với những vấn đề của bản thân chúng ta như thế nào?
 
Ai giải quyết những vấn đề của chúng ta? Chúa giải quyết hay chúng ta tự giải quyết? Hãy xem một vài ví dụ trong Kinh Thánh.
 
Adam có một vấn đề rất lớn. Bởi vì tội của mình, Chúa đã đuổi ông ra khỏi vườn địa đàng. Cuộc sống dễ dàng của ông chấm dứt, và Chúa nói với ông: “Ngươi phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn” (St 3,19). Cuộc sống trở nên khó khăn và có rất nhiều vấn đề. Kể từ đó, Adam phải tự lo liệu cho bản thân.
 
Noê đã có một vấn đề rất lớn. Sẽ có lũ lụt khắp mặt đất. Chúa đã cho ông biết điều đó, và bảo ông đóng một chiếc tàu lớn. Ông đã mất 120 năm để làm điều đó. Chúa nói cho ông biết vấn đề và cho ông giải pháp. Nhưng nó vẫn đòi hỏi phải làm việc rất vất vả!
 
Giuse đã có một vấn đề lớn. Ông bị giam trong tù. Chúa cho ông hiểu được giấc mơ của những người hầu của Pharaô, nhờ đó, cuối cùng ông được thả. Điều này rõ ràng là sự can thiệp của Chúa, và Giuse đã không mất công gì mấy trong việc này.
 
Môsê đã có vấn đề lớn. Khi chỉ mới vài tháng tuổi, ông đã xuýt bị giết bởi vì là một đứa bé trai Dothái. Chúa đã cứu ông bằng cách đặt ông vào trong sự chăm sóc của con gái Pharao. Nhưng Ngài đã làm thông qua kế hoạch và tính toán của mẹ Môsê, người đã bỏ ông vào một chiếc giỏ và thả trôi theo dòng nước.
 
Dân Israel đã gặp một khó khăn lớn. Một bên là biển và một bên là quân Aicập đang muốn giết họ. Nhưng Môsê đã bảo họ: “Đức Chúa sẽ chiến đấu cho anh em. Anh em chỉ có việc ngồi yên” (Xh 14,14). Và Chúa đã tách biển ra cho họ, và họ đi qua giữa lòng biển khô cạn.
 
Đavít đã khặp một vấn đề rất lớn. Ông phải chiến đấu với Goliath, một chiến binh điêu luyện và cao lớn hơn ông rất nhiều. Ông đã nói: “Đức Chúa… sẽ giật con ra khỏi tay tên Philitinh này” (1 Sm 17,37). Và Chúa đã làm. Nhưng Đavít vẫn phải bắn hòn đá để đánh bại Goliath.
 
Còn rất nhiều vấn đề khác trong Kinh Thánh. Nhưng những ví dụ trên đủ cho chúng ta hiểu ai chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề của chúng ta.
 
Đầu tiên, tất cả chúng ta đều là hậu duệ của Adam, không còn sống nơi vườn địa đàng. Cuộc sống vất vả. Chúng ta không thể ngồi yên và trông chờ Chúa chăm sóc chúng ta mà không có bất cứ nỗ lực nào từ phía bản thân mình.
 
Thứ hai, thông thường Chúa giải quyết vấn đề của chúng ta thông qua việc làm việc chăm chỉ của chúng ta. Những vấn đề của Môsê và Đavít là ví dụ rõ ràng cho việc này. Nếu không có đôi mắt đức tin, rất dễ xem câu chuyện Môsê được cứu và Đavít giết Goliath như là một ví dụ cho lòng can đảm và tài khéo léo của con người. Tuy nhiên, chúng ta tin Chúa hành động trong và thông qua những nỗ lực của chính chúng ta. Ngài đang hướng dẫn chúng ta.
 
Thứ ba, chúng ta có được sự khôn ngoan từ Chúa để giải quyết vấn đề. Noê thậm chí không hề hay biết vấn đề sắp xảy ra, và chắc chắn không nghĩ đến việc đóng một con tàu cao hơn 100m chính là giải pháp. Nhưng Chúa đã nói với ông. Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan, thông qua Lời của Ngài để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống.
 
Thứ tư, đôi khi, có những vấn đề quá lớn và vượt quá tầm kiểm soát của chúng ta, và chúng ta không thể làm bất cứ điều gì. Đây chính là một phần của việc sống trong một thế giới suy sụp. Chúng ta phải trải qua chúng với sự hiểu biết rằng Chúa ở cùng chúng ta trong những lúc khó khăn chứ không phải đưa chúng ta khỏi những khó khăn. Nhưng trong ân sủng của Ngài, Ngài cũng có thể đáp trả lời những lời cầu nguyện của chúng ta và giải thoát chúng ta. Có thể, có những hoàn cảnh, mọi người có thể không nhận ra sự can thiệp của Chúa (xem ví dụ về Giuse). Cũng có thể nhờ vào bàn tay oai hùng khiến mọi người kinh ngạc (xem ví dụ về việc dân Israel băng qua Biển Đỏ).
 
Thứ năm, vấn đề to lớn nhất mà tất cả chúng ta gặp phải chính là tội lỗi của chúng ta. Tội lỗi đã tách chúng ta ra khỏi Chúa. Đây chính là vấn đề Chúa Giêsu đã giải quyết cho chúng ta. Ngài đã chết cho tội lỗi của chúng ta, nhờ đó, chúng ta được giao hoà với Chúa nếu chúng ta tin vào Đức Giêsu. Tất cả những vấn đề khác, cho chúng dù tồi tệ đến thế nào, cũng chỉ là tạm thời. Trong thế giới mới mà Chúa chuẩn bị cho tất cả những ai tin vào Ngài, sẽ không còn nước mắt, tiếng khóc và nỗi đau.
 
Hãy lắng nghe tiếng nói của những người bị áp bức
 
Tiến sĩ Renato Mabunga (*) từ Manila, Philippines
Nguồn UCAN
Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế vẫn chưa được thực hiện
 
Từ năm 1950, Liên Hiệp Quốc kỷ niệm thông qua Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền lịch sử như là "tiêu chuẩn thực hiện chung cho tất cả các dân tộc và quốc gia".
 
Thật mỉa mai, vào ngày kỷ niệm lần thứ 64 hôm 10-12, hàng triệu người trên thế giới vẫn còn ao ước thực hiện ít nhất là quyền cơ bản nhất trong tiêu chuẩn chung này là công nhận "phẩm giá vốn có và quyền bình đẳng không thể chuyển nhượng của tất cả các thành viên trong gia đình nhân loại là nền tảng tự do, công lý và hoà bình trên thế giới".
 
Các cuộc nổi dậy liên tiếp trong thế giới Ảrập, các cuộc phản đối lan khắp các thành phố lớn và trung tâm thành phố ở châu Âu, châu Mỹ và châu Phi, tình hình khó khăn diễn ra liên tục ở châu Á, tất cả cho thấy thiếu nhân quyền trong quản lý và không thừa nhận nguyện vọng hoà nhập của người dân và khát vọng tham gia có ý nghĩa các vấn đề chung ảnh hưởng đến đời sống của họ.
 
Các cuộc tập trung và biểu tình công khai có ý nghĩa sâu sắc hơn là chỉ khẳng các quyền dân sự, chính trị, kinh tế và văn hoá của cá nhân. Đó là yêu cầu tham gia ra quyết định, khẳng định quyền tối cao bị nhiều lãnh đạo nhà nước lạm dụng.
 
Thay vì giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và hội đàm thành thật, hầu hết các chính phủ chà đạp quyền tự do ngôn luận, hội họp và giao thiệp cơ bản dưới chiêu bài vì "lợi ích và an ninh quốc gia".
 
Gần đây tại Singapore, những người bảo vệ nhân quyền và tài xế xe buýt He Jun Ling, Gao Yue Qiang, Liu Xiangying và Wang Xian Jie, nhân viên công ty trách nhiệm hữu hạn điều hành vận tải công cộng do nhà nước kiểm soát SMRT, tại toà bị buộc tội xúi giục đồng nghiệp biểu tình bất hợp pháp. Họ phản đối điều kiện sống tồi tàn trong các nhà tập thể của công ty và tiền lương thấp.
 
Ở Myanmar, các nhà chức trách dùng các biện pháp mạnh trước đây nhằm cố bịt miệng số người bất đồng chính kiến ngày càng nhiều. Cảnh sát chống bạo loạn tấn công các trại phản đối gần mỏ Letpadaung, phóng hoả đốt trại, thiêu sống các tu sĩ phản đối và bắt giam những người tổ chức biểu tình Ko Wai Lu, Daw Shan Ma, Ko Myo Chit, Ko Ye Lin, Daw Naw Ohn Hla và Ko Nyi Nyi.
 
Họ kêu gọi bảo vệ môi trường và đòi lại đất đai bị công ty liên doanh giữa Công ty Wanbao của Trung Quốc và công ty trách nhiệm hữu hạn Hiệp hội Kinh tế Myanmar của quân đội tịch thu. Bạo lực sắc tộc diễn ra liên tục trong bang Rakhine và vụ người Rohingya bị ngược đãi.
 
Tại Philippines, hành quyết ngoại tụng những người bảo vệ nhân quyền và hoạt động chống khai thác mỏ vẫn tiếp diễn. Các tay súng vũ trang được cho là những kẻ đâm thuê chém mướn, hay dính líu đến các quân đội tư nhân và các nhóm bán quân sự, thực hiện hầu hết các vụ giết người. Binh lính hành động đại diện cho các tập đoàn tư nhân và hay chỉ nghi ngờ phạm pháp nghiêm trọng.
 
Ở những nơi khác của châu Á, các nhóm đồng tính nữ, đồng tính nam, ái nam ái nữ và biến đổi giới tính bị lên án vì sở thích tính dục của họ được xem là sự nguyền rủa đối với các giá trị và văn hoá Á châu.
 
Tại Campuchia, chính quyền phải viện đến sự hăm doạ, răn đe và quấy rối của cả các tổ chức xã hội dân sự địa phương và quốc tế để tránh tham gia Hội thảo Thường dân ASEAN và Tổ chức Xã hội Dân sự ASEAN/Diễn đàn Người dân ASEAN, trùng với Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21. Các nhà chức trách dọa bắt giam bất cứ người nào tham gia các cuộc biểu tình công khai trong thời gian diễn ra hội nghị.
 
Tháng trước, các nước ASEAN thông qua Bản Tuyên ngôn Nhân quyền khu vực thiếu tiêu chuẩn tối thiểu do Liên Hiệp Quốc đề ra. Nó ẩn núp đằng sau 3 nguyên tắc chung về an ninh quốc gia, thuyết tương đối văn hoá và đạo đức chung vốn cản trở mạnh việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong khu vực. Nó khẳng định chủ quyền quốc gia thay thế nhân quyền.
 
Không chú ý đến quyền được nghe tiếng nói của người dân cho thấy các chính phủ ngang nhiên bỏ bổn phận tạo điều kiện thực hiện đầy đủ nhân phẩm, tăng cường dân chủ và xây dựng một xã hội tự do. Hãy để tiếng kêu của chúng ta được nghe thấy; hãy để tiếng nói của chúng ta có trọng lượng.
 
 
----------------
 
(*) Tiến sĩ Renato Mabunga là Chủ tịch Hội Người Bảo vệ Nhân quyền, nhà vận động hành lang tại Uỷ ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và là nhà giáo dục về nhân quyền khu vực.