SỰ THINH LẶNG TRONG ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG

Con người càng sống siêu thoát, nghĩa là càng từ bỏ mình và thế gian, thì sự thinh lặng càng sâu xa, bởi vì cái tôi được nuông chiều và thế gian được ham thích chính là những cái gây ồn ào náo động...

 

SỰ THINH LẶNG TRONG ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG

St Ignatius Loyola 2.pngGiữ thinh lặng là một nét đặc sắc của các tu sĩ chiêm niệm trong các đan viện.  Nó cũng là điều được khuyến khích và thường được tôn trọng trong những cuộc tĩnh tâm dành cho bất kì ai, không phân biệt linh mục, tu sĩ hay giáo dân.  Mục đích của việc giữ thinh lặng là để suy gẫm, để gặp gỡ Thiên Chúa.

Có hai thứ thinh lặng: thinh lặng bên ngoài và thinh lặng bên trong hay nội tâm.  Sự thinh lặng bên ngoài chủ yếu cốt ở tránh giao tiếp bằng lời nói với những người chung quanh.  Ngược lại, sự thinh lặng bên trong không liên quan gì đến tương quan với người khác, nhưng chỉ liên hệ đến chính bản thân.  Như chúng ta đều biết, nội tâm chúng ta làm xuất hiện những ý tưởng, những hình ảnh và những điều tưởng tượng không liên quan gì đến việc cầu nguyện; trong nội tâm chúng ta nhiều khi nổi dậy những tình cảm và cảm xúc tự nhiên như vui, buồn, giận v.v... mà chúng ta quen gọi là thất tình.

Vậy thinh lặng nội tâm cốt ở tránh tất cả những cái đó mà chúng ta coi như là những tiếng nói và những tiếng động gây ồn ào bên trong. Chính cái ồn ào hay náo động này phá sự yên tĩnh của tâm hồn. Chúng ngăn cản tâm hồn gặp gỡ Thiên Chúa, sống hiệp nhất với Ngài, lắng nghe những lời nhắn nhủ của Ngài, đón nhận ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, thưa gửi cùng Thiên Chúa và giải bày với Ngài những tâm tình, những ước nguyện .v.v.

Như vậy, giữ thinh lặng bên trong là để cầu nguyện.  Vì thế, trong viễn tượng đạo đức, sự thinh lặng bên ngoài chỉ có ý nghĩa khi nó tán trợ hay bảo vệ sự thinh lặng bên trong.  Cần nói như vậy vì trong không ít trường hợp, sự thinh lặng bên ngoài lại chỉ là cái bình phong che đậy cả một thế giới nội tâm ồn ào, náo động.  Sự thinh lặng bên ngoài còn được hiểu theo nghĩa rộng là phải tránh nghe, đọc hay xem những gì có thể phá rối sự trầm mặc của tâm hồn.  Nhưng cũng vì ý nghĩa hay mục đích của sự thinh lặng bên ngoài là như thế, nên sự thinh lặng này có tính cách mềm dẻo, nghĩa là, trừ trường hợp nó phải được tuân giữ tuyệt đối, nó vẫn cho phép có những cuộc trao đổi hay nói chuyện về Thiên Chúa và về những vấn đề thiêng liêng, những giờ cầu nguyện chung bằng lời kinh, tiếng hát, những lời khấn nguyện trong lúc riêng tư.

Nói giữ thinh lặng bên trong để cầu nguyện, tức là nhận có sự phân biệt giữa thinh lặng nội tâm và cầu nguyện.  Nên nhắc đến sự phân biệt này, bởi lẽ chúng ta thấy rằng môn Yoga hay thiền Ấn Độ, kể cả thiền Phật Giáo, cũng tìm sự thinh lặng nội tâm, nhưng không phải để cầu nguyện.  Tuy sự thinh lặng nội tâm khác với sự cầu nguyện, nhưng cả hai gắn liền với nhau chặt chẽ; cái thứ nhất là điều kiện cần thiết cho cái thứ hai; cái thứ nhất là phương thế, còn cái thứ hai là mục đích.

Vì sự thinh lặng nội tâm cốt ở sự vắng bóng những cái gây ồn ào náo động trong tâm hồn, nên chúng ta có thể hình dung đây là tâm hồn rỗng không.  Nhưng vì là rỗng không để cầu nguyện, nên điều này cũng có nghiã là tâm hồn rỗng không để được đầy tràn, và cái làm đầy tràn chính là sự hiện diện của Thiên Chúa.  Nói cách khác, giữ thinh lặng nội tâm đồng nghĩa với việc gạt bỏ những cái gây ồn ào náo động để tâm hồn được yên tĩnh, vì đó là nơi dành riêng cho Thiên Chúa, Đấng còn được gọi là Thiên Chúa thinh lặng.

Sự thinh lặng nội tâm có nhiều mức độ.  Con người càng sống siêu thoát, nghĩa là càng từ bỏ mình và thế gian, thì sự thinh lặng càng sâu xa, bởi vì cái tôi được nuông chiều và thế gian được ham thích chính là những cái gây ồn ào náo động.  Vì thế, ngày xưa các vị tu rừng vào rừng sâu hay sa mạc là nơi thanh vắng để bỏ lại mọi sự thế gian như tiền của, danh giá, địa vị.  Họ từ bỏ mình bằng cách bắt thân xác chịu cực khổ, như mỗi ngày hay vài ngày mới ăn một bữa rất đạm bạc, mỗi đêm chỉ ngủ vài ba giờ. Có vị còn đeo xiềng xích nặng nề, tự giam mình trong chòi không đủ cao để đứng và không đủ dài để nằm, v.v...  Bằng lối sống siêu thoát như vậy, họ có ý giữ cho tâm hồn được yên tĩnh để ngày đêm gặp gỡ Thiên Chúa, hay nói cách khác, để cầu nguyện liên tục trừ lúc ngủ.  Điều vừa nói chứng tỏ rằng sự thinh lặng nội tâm là thành quả của sự từ bỏ và của cả một công trình tu luyện.  Cũng vì thế mà có thể nói rằng chỉ các vị thánh - thánh ở đây hiểu theo nghĩa thánh Công Giáo - mới là những người giữ được sự thinh lặng nội tâm sâu xa.  Nhưng không được phép nói ngược lại rằng người giữ được sự thinh lặng nội tâm sâu xa là người thánh.  Thực vậy, sự thinh lặng nội tâm tự nó không phải là cầu nguyện hay hiệp nhất với Thiên Chúa, vì như đã nói trên, có những người ngoài Công giáo cũng từ bỏ mình và từ bỏ thế gian để đi tìm sự thinh lặng nội tâm.  Vậy khi nói thinh lặng nội tâm, chúng ta chú ý đến một khía cạnh của linh hồn trong quan hệ với Thiên Chúa, đó là gạt ra ngoài các thứ "tiếng động" và "ồn ào" do xác thịt, thế gian và ma quỷ gây ra trong tâm hồn, để nhờ đó chúng ta mới có thể chăm chú gặp gỡ Thiên Chúa với thái độ lắng nghe.  Đây là lúc chúng ta ở trong tình trạng hồi tâm, thu tâm (recueillement).  Giữa lúc này, những tiếng động và ồn ào có thể tái xuất hiện và đe dọa phá vỡ tình trạng thu tâm kia.  Nhưng dù chúng ta chưa là thánh nhân, chúng ta vẫn có thể, nhờ ơn phù trợ của Thiên Chúa, cố gắng ngăn cản được chúng.  Chính sự cố gắng này cũng góp phần vào việc chúng ta chống lại sự cám dỗ của xác thịt, thế gian và ma quỷ.

Sau cùng, sự thinh lặng nội tâm cũng cần được bảo vệ và nâng đỡ bằng cảnh vật yên tĩnh bên ngoài do sự vắng bóng những người qua lại.  Khi đọc Phúc Âm chúng ta biết Chúa Giêsu, sau khi chịu phép rửa ở sông Giođan, đã vào sa mạc cô tịch và sống ở đó bốn mươi đêm ngày.  Trong quãng đời hoạt động công khai, Ngài từng tìm nơi vắng vẻ để cầu nguyện: trên núi (Mt 14,23; Mc 6,46; Lc 9,28), trên núi vào lúc đêm khuya (Lc 6,12); nơi hoang vắng (Lc 5,16); nơi hoang vắng và sáng sớm, lúc trời còn tối mịt (Mc 1.35); trong vườn Giêtsêmani vào lúc đêm khuya (Mt 26, 36-46).

Hẳn không ai phủ nhận rằng những nơi thanh vắng, cô tịch là khung cảnh thuận lợi để nâng đỡ và bảo vệ sự thinh lặng nội tâm.  Vì thế, các đan viện của các Dòng tu chiêm niệm, nếu không ở những nơi hiu quạnh thì ít ra cũng nằm trong những khu đất được vây kín.  Các nhà tĩnh tâm cũng thường là những nơi tĩnh mịch, vắng vẻ.  Ngay các tu viện hoạt động tông đồ, khi có thể, cũng có một khoảng đất nhỏ yên tĩnh, một mảnh vuờn kín đáo chẳng hạn, để dùng làm nơi cho tâm hồn hưởng những giây phút thư giãn và thanh thản, hoặc sống trầm mặc trong bầu khí êm dịu của cầu nguyện.

 Rôcô Đinh Văn Trung, S.J.

Trích Tập San Hiện Diện