Linh hồn trưởng thành hay Con đường cái chết
Trong một quyển sách thấu suốt thâm sâu, Ơn Chết [The Grace of Dying], Kathleen Dowling Singh đã chia sẻ những nhận thức sáng suốt mà bà đã lĩnh hội trong thời gian theo nghiệp y khoa, đứng trước mặt hàng trăm người đang hấp hối. Trong số đó, bà cho rằng tiến trình chết, tự nó ‘là tự động ăn khớp tinh tế với sự hiệp nhất với Thần Khí.’
Về căn bản, bà nói rằng những người ở giai đoạn cuối cuộc đời trong cơn hấp hối, đặc biệt là những người không chết bất đắc kỳ tử, đang cảm nghiệm một sự thanh luyện làm nhỏ dần đi một cách tự nhiên những bám víu của người đó vào những sự đời này và cả vào cái tôi của bản thân, để được sẵn sàng đi và một sự sống và ý nghĩa mới vượt quá ý thức hiện thời của chúng ta. Theo bà, tiến trình cái chết là bà đỡ cho chúng ta vào một sự sống thâm sâu hơn, rộng lớn hơn.
Nhưng chuyện này không xảy ra với một giá rẻ. Tiến trình chết không dễ chịu gì. Hầu hết chúng ta không chết an bình trong giấc ngủ, không được chết thoải mái, hùng tráng và thanh thản. Mà thường cái chết đến với chúng ta khi già đi hay do căn bệnh nan y. Và những chuyện này thì không dễ chịu, hùng tráng và thanh thản gì. Thật sự, trong tiến trình cái chết là một nỗi đau, đôi khi là thống khổ cực độ, hầu như luôn luôn là một sự sỉ nhục, một sự tàn phá thể xác. Trong tiến trình chết, chúng ta mất đi hầu như mọi sự thân thương của mình: là sức khỏe, vẻ đẹp cơ thể, sự trang trọng, và đôi khi là mất cả ý thức. Chết hiếm khi đẹp.
Và như thế tiến trình chết vận hành giúp xóa bỏ đi những bám víu của chúng ta với đời này và vận động tiến về đời sau? Chết làm cho linh hồn trưởng thành. Nhưng như thế nào?
Viết về việc già đi, James Hillman đã đặt câu hỏi này: Tại sao Thiên Chúa và tự nhiên lại sắp đặt mọi sự cho chúng ta thêm tuổi, được trưởng thành, ngày càng kiểm soát cuộc sống của mình, thì cơ thể chúng ta lại bắt đầu rã nát và cần đến bác sỹ thuốc thang để duy trì. Liệu có Khôn ngoan nào nằm trong cội rễ của tiến trình cuộc sống buộc phải có sự suy tàn thể xác khi cuộc sống về chiều? Và Hillman nói rằng, có. Có một khôn ngoan bẩm tại trong tiến trình lão hóa và chết đi. Rượu tốt nhất phải già đi trong những bầu rượu cũ. Cơ thể chúng ta càng suy tàn, thì linh hồn càng mềm dịu và trưởng thành.
Chúa Giêsu dạy chúng ta bài học này, chính Ngài cũng đã đón nhận, với một sự miễn cưỡng nào đó. Đối mặt với cái chết, ngài sấp mặt xuống đất trong vườn Cây Dầu và cầu xin Chúa Cha: ‘Xin Cha cất chén này khỏi con! Nhưng, không theo ý con, mà là để ý Cha được trọn.’ Về căn bản, Chúa Giêsu đang hỏi Chúa Cha liệu có một con đường vinh thắng đến với Ngày Chúa Nhật Phục Sinh mà không cần qua đau đớn và sỉ nhục của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh hay không. Dường như là không. Sỉ nhục và chiều sâu liên kết bất phân ly với nhau.
Sau khi sống lại, Chúa đã bảo với hai môn đệ trên đường Emmaus rằng: ‘Chẳng phải Chúa Kitô cần phải chịu đau khổ hay sao?’ Đây là một mặc khải hơn là một câu hỏi. Câu trả lời đã rõ ràng rồi: Con đường đến với chiều sâu cần phải băng qua đau đớn và sỉ nhục. Kathleen Dowling Singh và James Hillman, đơn giản là xác định cho điều này: Đau đớn và sỉ nhục, theo tự nhiên vận động chúng ta tiến tới, đi qua những gì hời hợt để đến với sự sâu sắc hơn. Đau đớn và sỉ nhục, và cái chết chắc chắn sẽ đến, giúp mở chúng ta ra với một ý thức thâm sâu hơn.
Và trong thường thức của mình, chúng ta biết như thế. Nếu thành thật nhìn lại cảm nghiệm của mình, chúng ta phải thừa nhận rằng hầu hết mọi sự làm cho chúng ta trở nên sâu sắc hơn, lại là những sự mà chúng ta xấu hổ không dám nói ra, bởi chúng là những chuyện lăng nhục. Sỉ nhục cho chúng ta hạ mình xuống và đào sâu cho chúng ta. Còn những thành công, mà chúng ta thích kể, thường lại gây sự thổi phồng giả tạo trong đời.
Tâm lý gia/triết gia lừng danh William James, đã cho rằng có những vùng hiện thực và ý thức nằm ngoài những gì chúng ta đang cảm nghiệm hiện thời. Mọi tôn giáo, chứ không chỉ riêng Kitô giáo, đều nói với chúng ta như thế. Nhưng ý thức bình thường của chúng ta, và tự thức của chúng ta đặt ra những giới hạn ngăn cản chúng ta đến được những nơi đó. Thường thì, với chúng ta, chỉ có đời này, hiện thực này, thế mà thôi. Tiến trình chết giúp phá toang sự co cụm trong nhận thức, khái niệm và ý thức của chúng ta. Tiến trình chết mở chúng ta ra với một hiện thực và một nhận thức vượt ngoài những gì chúng ta đang xem là thực.
Nhưng ngoài tiến trình chết, còn có những cách khác để đến được hiện thực và ý thức này. Cầu nguyện và suy niệm là những khí cụ để chúng ta được những sự như trong tiến trình chết. Cầu nguyện cho chúng ta vận động để tháo gỡ những bám víu vào đời này và mở ra cho chúng ta nhận thức về đời sau. Như Singh đã nói: ‘Con đường đến với những vùng biến kỷ, mà các vị thánh và hiền nhân của mọi thời đại đã nhận thức qua suy niệm và cầu nguyện, có lẽ là con đường biến đổi mà mỗi chúng ta bước đi khi chết đi.’
Biết như thế cho chúng ta khuây khỏa. Chúa đang đến đón chúng ta, bằng cách này hay cách khác.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch