Sự vô tận của Thiên Chúa
Tôi chắc là, nhiều người trong chúng ta đã được thêm hứng khởi khi xem bộ phim ‘Thần và Nhân’ kể lại câu chuyện một nhóm các đan sỹ dòng Xitô, sau một quyết định đau đớn là không chạy trốn tình hình bạo lực ở Algeria vào thập niên 1990, cuối cùng đã tử đạo dưới tay những người Hồi giáo cực đoan vào năm 1996. Mới đây, tôi thêm tinh thần khi đọc nhật ký của một trong các đan sĩ đó, thầy Christophe Lebreton. Được xuất bản với tựa đề, ‘Sinh ra từ Ánh mắt Thiên Chúa, Nhật ký của một Tu sỹ Tử đạo,’ nhật ký của thầy ghi lại ba năm cuối đời và cho chúng ta một thấu suốt về thầy, về cộng đoàn của thầy, và về quyết định ở lại Algeria bất chấp phải đối diện với cái chết.
Trong một trang nhật ký, thầy Christophe chia sẻ một lần, giữa tình cảnh bị thù ghét và đe dọa, giữa một bên là những người Hồi giáo cực đoan và bên kia là chính quyền tham nhũng, khi tìm kiếm căn cứ để hi vọng, thầy bắt được bài thơ, Cái giếng, của nhà thơ Pháp, Jean-Claude Renard:
Nhưng làm sao dám chắc đã quá trễ
Để thành toàn khát khao
Nên hãy nhẫn nại khi ân sủng vẫn còn
Và khi luôn luôn, có lẽ, có điều gì hay
Ai đó nói lên từ thâm sâu thinh lặng và trần trụi
Rằng một ngọn lửa khôn tả triền miên xoáy sâu chúng ta
Phía dưới đất hoang đầy gai nhọn
Một giếng nước không bao giờ cạn
Một giếng nước không bao giờ cạn. Có lẽ đây là căn cứ thực sự để hi vọng.
Với tất cả chúng ta, có những lúc trong đời, dường như mất hi vọng, khi chúng ta nhìn vào thế giới hay nhìn vào bản thân, một cách vô thức hay ý thức mà nghĩ rằng: ‘Quá trễ rồi! Đã đi quá xa rồi! Không gì có thể cứu vãn! Mọi chước cách để thay đổi đã dùng hết rồi! Thật vô vọng!;
Nhưng cảm giác khủng hoảng tự nhiên này có thực sự là mất hết hi vọng hay không? Không nhất thiết là thế. Thật vậy, chính khi chúng ta cảm nhận thế này, khi chúng ta đầu hàng cảm giác rằng mình đã dùng hết mọi chước cách, thì hi vọng có thể đến và thay thế kẻ mạo danh nó, là những suy nghĩ mong ước và lạc quan tự nhiên. Vậy hi vọng là gì?
Chúng ta thường lầm hi vọng với kiểu suy nghĩ mong ước và lạc quan tự nhiên, nhưng cả hai điều này chẳng giống chút gì với hi vọng. Suy nghĩ mong ước là không có căn cứ. Chúng ta có thể ước mình trúng số hoặc ước có cơ thể như một vận động viên cấp thế giới, nhưng ước muốn này không có thực tế để dựa vào. Nó chỉ là thuần ảo tưởng. Lạc quan, thì dựa trên tính khí tự nhiên và cũng không giống gì với hi vọng.
Trong quyển sách mới của mình, Hi vọng không cần Lạc quan (Hope without Optimism) Terry Eagleton nhận định rằng lạc quan đơn thuần chỉ là tính khí tự nhiên và là nô lệ của tính khí ấy. ‘Người lạc quan bị xiềng xích vào sự vui vẻ.’ Hơn nữa, ông còn khẳng định rằng lăng kính đơn sắc của người lạc quan khác với người bi quan, chỉ ở một điểm duy nhất là, nó màu hồng chứ không phải màu xám. Hi vọng không phải là một ước mong hay tính khí, nhưng là một thái độ sống cần có căn cứ trên hiện thực vừa đủ? Vậy hiện thực vừa đủ là gì?
Jim Wallis, một nhân vật xuất chúng của đức cậy-hi vọng Kitô giáo trong thời đại chúng ta, nói rằng hi vọng của chúng ta không đặt trên những gì chúng ta thấy trên bản tin thế giới hằng đêm, bởi tin tức thì thay đổi luôn và vào một đêm nào đó sẽ rất tiêu cực khiến chúng ta có quá ít căn cứ để hi vọng Ông đúng. Dù cho trong một tối nào đó, thế giới có tốt hơn hay tệ hơn, thì đó vẫn không đủ chứng cứ để chúng ta tin rằng mọi sự tận cùng sẽ tốt đẹp. Ngay đêm sau mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn.
Pierre Teilhard de Chardin, người không ngừng khẳng định rằng mình là con người đức cậy chứ không phải người lạc quan, đã từng nói rằng, có hai lý lẽ đủ cho đức cậy. Khi được hỏi xem nếu như chúng ta thổi bay thế giới với một trái bom nguyên tử, thì sẽ thế nào, cha đã trả lời: Như thế nghĩa là đi lùi lại hàng triệu năm lịch sử, nhưng dự định của Thiên Chúa cho địa cầu vẫn tiếp tục. Tại sao lại thế? Bởi Chúa Kitô đã hứa, và trong sự phục sinh, Thiên Chúa cho chúng ta thấy Ngài có quyền năng để thực hiện lời hứa đó. Cậy trông-Hi vọng là dựa vào lời hứa và quyền năng Thiên Chúa.
Nhưng vẫn còn một lý do khác để chúng ta hi vọng, một sự làm căn cứ cho hi vọng của chúng ta và cho những lý lẽ đủ dể sống tin tưởng rằng cuối cùng mọi sự sẽ nên tốt. Và đó chính là sự vô biên của Thiên Chúa. Ẩn dưới chúng ta và vũ trụ, có một giếng nước không bao giờ cạn.
Mà chúng ta lại thường quên lãng hay hạ thấp giếng nước này theo mức độ hữu hạn của tâm hồn và tưởng tượng của mình. Thiên Chúa là Thiên Chúa phung phí, không cách nào hình dung được trong phạm vi thể lý, một Thiên Chúa đã tạo dựng và vẫn đang tạo dựng hàng tỷ tỷ vũ trụ. Hơn nữa, Thiên Chúa phung phí này, vượt quá tưởng tượng của chúng ta, nhưng đã được Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta là Đấng nhẫn nại và thương xót đến không tưởng tượng nổi. Không có giới hạn số lượng cơ hội cho chúng ta. Không có giới hạn nào đối với sự nhẫn nại của Thiên Chúa. Không có sự gì làm cạn nổi giếng nước thần thiêng.
Không bao giờ là quá trễ! Sự sáng tạo và lòng thương xót của Thiên Chúa là vô cùng vô tận.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch