Ảnh hưởng của thần tượng
Những năm vừa qua, làn sóng hâm mộ Hàn Quốc đang rầm rộ và ảnh hưởng rất lớn đến các quốc gia ở khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Hàng loạt cơn sốt mang tên “Hàn Quốc” liên tiếp bùng nổ trong một bộ phận người Việt trẻ như: ăn mặc theo phong cách Hàn, ăn đồ ăn Hàn, sử dụng mỹ phẩm Hàn, xem phim Hàn, nghe nhạc Hàn…
Ảnh hưởng rõ ràng nhất và nhiều nhất của “Làn sóng Hàn Quốc” chính là phim ảnh, âm nhạc… Các trang web phim Hàn tràn lan trên mạng. Fan hâm mộ của các ngôi sao Hàn, ca sĩ Hàn có mặt ở khắp mọi nơi.
Có những fan khi xem một bộ phim Hàn Quốc nào đó đã cất công lùng sục cho bằng được chiếc áo sơ mi, chiếc váy hay chiếc quần tây giống như các ngôi sao Kim Hee Sun, Yoon Eun Hye, Kim Hyun Joo, Choi Ji Woo... diện trên phim. Không chỉ bắt chước về ngoại hình bên ngoài, nhiều bạn trẻ còn học theo cách suy nghĩ, hành xử của thần tượng trong phim. Những câu chuyện tình lãng mạn trên phim Hàn đã trở thành niềm mơ ước của nhiều đôi bạn trẻ.
Liệu có thể cấm giới trẻ thần tượng một ai đó? Theo các nhà giáo dục, điều này là không thể bởi nếu bị ngăn cản giới trẻ sẽ chống đối và có hành vi tiêu cực. Vì thế, tốt nhất là phải đẩy mạnh giáo dục, trong đó giáo dục gia đình rất quan trọng.
Một chuyên viên giáo dục đã nói: Khi con “thần tượng” một ai đó, cha mẹ nên trò chuyện, gợi mở để giúp con nhận ra những giá trị tốt đẹp mang tính bền vững ở thần tượng, đó có thể là tài năng, là sự nghiệp, là trái tim nhân hậu, là giọng hát hay… Nhưng, giá trị đó không phải là toàn bộ thần tượng. Micheal Jackson được nhiều bạn trẻ thần tượng vì giọng hát nhưng mặt khác, ông lại nghiện rượu, ma tuý bởi đơn giản ông không hoàn hảo mà là “con người”.
Thần tượng một ai đó là lẽ thường tình. Vì con người dễ rập khuôn theo người khác. Những người càng xuất hiện nhiều trước công chúng càng có nhiều fan hâm mộ rập khuôn theo mình. Nhưng, con người luôn bất toàn, khiếm khuyết, chúng ta không thể rập khuôn theo thần tượng hoàn toàn mà phải thanh lọc những cái hay cái đẹp nơi thần tượng của mình.
Lễ Hiển Linh kỷ niệm ba vua theo ánh sao dẫn tới hang đá Belem. Ba Vua đã có cơ hội đến tôn thờ Chúa nhờ ánh sao, phải chăng để cho lương dân nhận biết Chúa, cũng cần những con người là ánh sao để dẫn dắt anh chị em mình? Hay có thể nói, chính chúng ta cũng phải là thần tượng cho anh em mình. Khi họ nhìn vào cuộc sống chúng ta họ muốn đến với Chúa. Khi họ nhìn vào cuộc sống chúng ta họ nhận ra Chúa đang làm chủ trong cuộc đời chúng ta.
Cuộc sống của người Kitô hữu phải là khuôn mẫu của tình yêu, của lòng bác ái bao dung. Đó chính là cách chúng ta lôi cuốn người khác đến với Chúa. Tuy nhiên, khi nhìn vào đời sống chúng ta đã nhiều lần chúng ta chưa phản chiếu tình yêu Chúa ra bên ngoài. Chúng ta đã sống thiếu tình yêu, thiếu lòng bác ái, bao dung khi vẫn còn mang thù hận, ghen tương với nhau. Nhiều người vẫn chưa có thiện cảm với đạo Công giáo khi chúng ta chưa sống Tin Mừng qua việc xây dựng tình hiệp nhất, công lý và bình an. Chúng ta vẫn sống chia rẽ, lỗi công bình, gây mất bình an qua lời nói châm chọc, kết án, bỏ vạ cáo gian anh em mình.
Đời sống của chúng ta dù ít dù nhiều luôn có ảnh hưởng trên người khác. Nhất là các bậc cha mẹ, thầy cô luôn tác động mạnh trên lối sống của con trẻ. Có biết bao gương lành của người lớn đã làm nên những con người phi thường cho nhân thế. Nhưng cũng có biết bao gương xấu của cha mẹ hay các nhà giáo dục đã làm cho biết bao con người sa đoạ hay lạc lối.
Xã hội luôn cần gương sáng để đẩy lùi bóng tối. Xã hội luôn cần những ánh sao sáng cho bầu trời thêm trong xanh. Xin cho đời sống chúng ta luôn là ánh sao dẫn về chân thiện mỹ tình thương. Xin đừng để những lối sống tội lỗi của chúng ta trở thành gương mù cho anh em. Amen.
Một hành trình của niềm tin
Hiển linh (Epiphanie) nghĩa là biểu lộ, tỏ ra. Theo sau các mục đồng, đến lượt các Đạo sĩ đã loan báo Đức Giêsu Kitô. Các vị có lẽ là những nhà Thiên văn học Babylon hoặc Ba Tư. Qua việc mời các Đạo sĩ đến thăm viếng Bethlem, Thiên Chúa muốn tỏ rõ mầu nhiệm cứu độ của Đức Giêsu Kitô phải được thắp sáng lên cho mọi dân tộc trên trái đất, như Thánh Phaolô đã khẳng định. Vì vậy, ý nghĩa của lễ này cho thấy một cuộc quy tụ dân chúng vĩ đại từ khắp mọi nơi, không phân biêt nguồn gốc, dân tộc quanh Đức Kitô để thiết lập thành Dân Thiên Chúa trong Giáo Hội phổ quát.
Qua bản văn của Bài đọc I gợi lên một Giêrusalem tương lai, được ở trong ánh sáng huy hoàng của Đấng Messia. Tiên tri Isaia loan báo và ca ngợi tương lai vinh quang của Thành Thánh giữa nhân loại. Và chỉ có Giáo Hội được Chúa Giêsu Kitô thiết lập là Giêrusalem đích thực. Nơi đây và qua Giáo Hội mọi quốc gia, mọi dân tộc trên trái đất sẽ trở nên Dân Thiên Chúa.
Trong môt đoạn trích thư gửi tín hữu Êphêsô, Thánh Phaolô cũng đã làm nổi bật một trong những yếu tố căn bản của "mầu nhiệm" mà ngài được lãnh nhận để loan báo cho thế giới: Tất cả mọi dân tộc trên mặt đất đều được mời gọi đến đón nhận ơn cứu độ của Đức Giês Kitô (Bài đọc II).
Trình thuật của Bài Tin Mừng cho thấy việc các Đạo sĩ viếng thăm Chúa Hài Đồng tại Bethlem mang một ý nghĩa tôn giáo quan trọng: Ánh sáng Tin Mừng - biểu thị bằng ngôi sao - được chiếu toả cho mọi quốc gia, mọi dân tộc. Đạo sĩ (Magos hay Mégas) tiếng Latinh dịch là Magi, nhóm Phụng Vụ Giờ Kinh dịch là các nhà Chiêm tinh (Thiên văn học). Họ ở bên phương Đông, nhưng không rõ xuất xứ, có lẽ ở Babylon hay Ba Tư (Perses), biết dân Do Thái đang mong đợi Đấng Cứu Thế, các ông tin tưởng khám phá dấu chỉ sự sinh hạ của Ngài qua một tinh tú huyền bí và họ đã nhanh chóng lên đường tìm đến bái lạy Người.
Trong khi những người ngoại quốc xa lạ khám phá ra Đức Kitô, thì những người Do Thái ở bản quốc dù đã được các tiên tri báo trước vẫn giữ một thái độ thờ ơ thậm chí thù địch và loại trừ Người. Từ bản chất, chúng ta thuộc về Đức Kitô, chúng ta đã sống niềm tin của mình ra sao? Các Đạo sĩ đã lên đường tìm kiếm Vua dân Do Thái, Đấng Cứu Thế, theo ánh sáng của ngôi sao lạ. Dõi theo đường đi của họ, chúng ta thấy đó là cả một hành trình đức tin. Khởi đầu là ra khỏi chính mình để lên đường, theo ánh sao, các ông dứt khoát rời khỏi quê nhà để đến một nơi xa lạ tìm kiếm Đấng mà các ông tin. Cũng vậy, mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng phải biết can đảm ra khỏi mình để tìm gặp Thiên Chúa, tìm gặp Đức Kitô mỗi ngày. Chứ không thể nhìn nhận và sống đức tin cách hời hợt hay chủ quan theo những gì mình biết cách hạn chế. Cuộc hành trình tìm kiếm Cứu Chúa của ba nhà Đạo sĩ, một cách sâu xa chính là hình ảnh cuộc đời mỗi người chúng ta. Thật vậy, con người trong mọi thời đại không khác nhau trong nỗ lực đi tìm hạnh phúc... Ba nhà Đạo sĩ đã không thỏa mãn với địa vị và cuộc sống của mình. Họ giã từ tất cả để dấn thân trên hành trình vô định tìm kiếm Đấng Cứu Thế. Công việc tưởng chừng như vô vọng, nhưng không, Tin Mừng cho thấy các vị đã đạt được ý nguyện. Hành trình cuộc đời mỗi người cũng là hành trình đức tin - khó khăn cản trở là điều tất nhiên phải có. Sự bất toàn của con người và khả năng hữu hạn của mọi thực tại trần thế khiến trên đường đi có những lúc đầy ánh sáng của niềm vui, hạnh phúc, nhưng có những khi cảm thấy tối tăm của buồn sầu, phiền muộn hay chán nản nghi, ngờ làm chùn chân ngại bước. Chúng ta phải thường xuyên gặp gỡ Chúa qua kinh nguyện, qua việc tìm hiểu, học hỏi Lời Chúa, nhất là phải năng tham dự các Bí tích và những phương thế thiêng liêng liêng khác để nhờ Chúa nâng đỡ, ủi an và dẫn ta bước đi mạnh mẽ trên đường đời.
Theo diễn nghĩa thì "hiển linh" là lúc Thiên Chúa tỏ mình cho muôn dân, đai diện là các nhà Đạo sĩ. Sự tỏ mình này cho thấy tính phổ quát của ơn Cứu độ. Đây là ân huệ dành cho mọi người chứ không độc quyền của một dân tộc nào ngay cả dân Do Thái. Trong Bài đọc II, Thánh Phaotô đã khẳng định tính phổ quát của ơn cứu độ: "Nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và cùng thông phần với lời hứa của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô". Ngày nay, Giáo Hội chính là nơi quy tụ muôn dân, sẵn sàng đón nhận mọi dân tộc, mọi quốc gia với kho tàng văn hoá của họ. Trong Sứ điệp gửi Cộng đoàn Dân Chúa, Thượng HĐGM Thế giới kỳ thứ 13 cũng khẳng định rằng việc tái truyền giảng Tin Mừng là điều cấp thiết trên thế giới và mời gọi các tín hữu Kitô can đảm loan báo Tin Mừng, vượt thắng sợ hãi bằng đức tin. Chính vì vậy, mỗi Kitô hữu phải là những đại diện chính thức của Giáo Hội có trách nhiệm loan báo ánh sáng Tin Mừng cho người khác.
Xã hội và con người hôm nay luôn khao khát và không ngừng tìm kiếm chân lý. Chúng ta xin Chúa ban ơn soi sáng cho các nhà lãnh đạo quốc gia luôn biết hướng dẫn mọi người theo tinh thần công lý, hoà bình và tự do, để xã hội ngày càng vươn tới những thành quả tốt đẹp của nền văn minh tình thương và sự sống.
Phanxicô Xaviê (EMTY.org)