Norm Pattis: người vô thần và cảm nghiệm Giáng Sinh

Chế giễu Giáo Hội là điều dễ làm, cho tới lúc các bạn đứng bên trong một thánh đường. Có một sự thinh lặng trong không khí, gợi ta nghĩ tới một điều thánh thiêng.Tất cả đều thực sự yên tĩnh...

Norm Pattis: người vô thần và cảm nghiệm Giáng Sinh

Norm Pattis là một luật sư vô thần, một cộng tác viên của tờ New Haven, nhân chuyến viếng thăm Vatican và nước Ý dịp Giáng Sinh vừa qua, đã thuật lại cảm nghiệm của ông về một cuộc gặp gỡ vô hình.

Hôm ấy là ngày trước Lễ Giáng Sinh, đáng lý ra tôi phải lăng xăng đây đó, cố gắng đi mua sắm vào những giờ phút cuối trong ngày, và để cho tinh thần ngày nghỉ khuất phục tôi toàn diện mới đúng. Nhưng các bạn thấy đó, tôi đã kháng cự lại cái tinh thần ấy, vì phần nào cảm thấy việc dành một ngày để cử hành chuyện sinh ra đời của Con Thiên Chúa bởi một trinh nữ là điều quá đáng, chịu không thấu.

Nhưng cuối cùng, tôi phải nhường bước, không hẳn vì thần học, cho bằng có cơ hội được ở gần những người tôi thương yêu, và cũng để tránh thế giới một ít ngày.

Các bạn thấy đó, Lễ Giáng Sinh là như thế. Nếu các bạn cứ để mặc nó, ngày lễ sẽ biến đổi các bạn. Ebenezer Scrooge (nhân vật chính trong A Christmas Carol của Charles Dickens) không phải là người duy nhất được tình yêu cởi trói.

Nhưng các bạn sẽ không thấy tôi đi mua sắm vào năm nay, ít nhất không phải gần nhà. Tôi đang viết từ Florence, Ý, sau khi đã ở Rôma một tuần.

Và, ngay lập tức, tôi bị cái điên dại của thập giá làm cho lặng điếng.

Phaolô từng viết về cái điên dại trên trong thư thứ nhất gửi cho Giáo Hội Côrintô: “Vì đối với họ, việc rao giảng về thập giá chỉ là thứ điên dại diệt vong; nhưng đối với chúng ta, những kẻ được cứu rỗi, nó là quyền năng của Thiên Chúa”.

Tôi không phải là người được cứu rỗi. Thập Giá là sự điên rồ đối với tôi. Hay hình như thế…

Ở Ý, các bạn không thể tránh được thập giá. Nó có mặt khắp nơi. Ở mọi quảng trường, hình như đều có một ngôi thánh đường. Trong các hốc tường cao ở góc phố, đều có các tượng ảnh tôn giáo đứng nhìn khách thập phương qua lại. Các công trình nghệ thuật công bố các truyện tích về hy sinh, cứu rỗi, và trầm luân.

Đi trên một con phố ở Ý, là y như các tượng ảnh dõi mắt trông chừng các bạn, nhắc cho các bạn nhớ rằng các bạn không được làm bằng cùng một thứ đá lâu bền ấy.

Hình như, Thiên Chúa hiện diện ở khắp nơi.

Gia đình tôi ở Ý trong mấy ngày trước khi một trong các đứa con của chúng tôi kết hôn ở Anh. Chúng tôi muốn dành ít thì giờ cho riêng chúng tôi trước khi mở cái trang lịch sử mới này. Nhà tôi và tôi tới Rôma một tuần trước khi các con tới, tất cả các cháu đều đã trưởng thành.

Vâng, Coliseum quả là đồ sộ và Forum quả gây thích thú bất tận. Rôma là một thành phố kiêu sa; nó là thủ phủ của một nền văn minh kéo dài tới nay đã hàng thiên niên kỷ.

Nhưng điều làm tôi chảy nước mắt là được thấy Vatican, thấy nó từ một người tội lỗi, một người môi miệng hôi thối, như Isaia từng nói, một người chưa bao giờ làm phiền cửa ra vào một thánh đường, chưa bao giờ cầu nguyện, và là một người hoàn toàn điếc đặc trước âm thánh của đấng thần thiêng.

Vậy tại sao lại xúc động đến thế?

Vâng, Nhà Nguyện Sistine quả là một kỳ công. Các tranh tường của Michelangelo thuật cho ta nghe những truyện tích quen thuộc của Thánh Kinh, và (Bức) Phán Xét Sau Cùng là lời tuyên bố mạnh mẽ cho vũ trụ thấy một trật tự luân lý. Nhưng các công trình nghệ thuật này quá áp đảo khiến tôi như bất động. Tôi luôn miệng thốt ra “wow”, luôn miệng, ở bất cứ góc nào mình nhìn tới.

Nhưng có một điều gì đó có thực chất hơn là mắt trần có thể thấy, một điều gì đó cứ kéo dài hoài trong im lặng. Nhưng là điều gì, thì tôi nói ra không được, chỉ biết tôi biết rõ tôi cần có nó nhiều hơn nữa.

Chế giễu Giáo Hội là điều dễ làm, cho tới lúc các bạn đứng bên trong một thánh đường. Có một sự thinh lặng trong không khí, gợi ta nghĩ tới một điều thánh thiêng.Tất cả đều thực sự yên tĩnh. Câu truyện về trinh nữ và người con của bà này quá ư là bất cái nhiên, nhưng nó nói lên một sự thật mà gần như tôi có thể nghe thấy: Gần như thôi, như thể cái nhìn của người yêu hơi đi lệch, và chưa chạm được vào mắt tôi.

Trong khuôn khổ Giáo Hội, tôi thấy có sự an toàn, theo tôi, hết sức đáng ngạc nhiên. Giữa những hỗn mang của thế giới, một điều gì đó vẫn đứng đó, vẫn đứng rất vững, bất chấp thời gian. Tôi tưởng tượng tôi đã kiếm được chỗ đứng ở đó, nếu điều như thế có thể có.

Tôi bỗng nhiên là người cha của đứa con cần được chữa lành: “Con tin, xin Ngài cứu giúp sự bất tín của con”, những lời của Máccô trong Tin Mừng của ngài xuất hiện trong đầu tôi.

Vậy đó, hôm ấy là ngày vọng Lễ Giáng Sinh. Tôi xa nhà và xa nhịp sống quen thuộc, nhưng gần những người tôi thương. Tôi là khách lạ trên một lãnh thổ xa lạ đầy những biểu tượng tôn giáo, những điều mà lý trí vốn dạy tôi phải khinh miệt.

Chúng tôi gọi gia hộ của mình là gia hộ “Hy Lạp Hóa”. Cha tôi xuất thân từ Đảo Crete, nhà tôi là người Do Thái. Chúng tôi không hề cử hành bất cứ ngày lễ tôn giáo nào theo kiểu tôn giáo.

Nhưng năm nay, chúng tôi sẽ dự Thánh Lễ nửa đêm tại Vương Cung Thánh Đường Sante Croce (Thánh Giá), tại mộ của Michaelangelo. Vào ngày Lễ Giáng Sinh, chúng tôi dự tính tham dự một buổi cử hành nữa tại Nhà Thờ Chính Tòa Sante Maria del Fiore, tức Duomo, kiệt tác của Brunelleschi và là nhà thờ Florence. Người ta cần tới hơn 100 năm mới hoàn thành ngôi thánh đường này, hết thế hệ này sang thế hệ nọ, lao công trong yêu thương để tạo nên một ngôi nhà cho vị Thiên Chúa vô hình.

Hôm nay Lễ Giáng Sinh, và, tôi xin nhắc một lần nữa, tôi xa nhà, một khách lạ trên một lãnh thổ xa lạ, bao bọc bởi những biểu tượng đức tin mà tôi không chia sẻ.

Ấy thế nhưng, vào ngay lúc này đây, tôi tràn ngập hoài mong. Tôi ước được những điều mà tuổi thơ của tôi hằng ước mong, chỉ một thoáng nhìn thấy thể thần linh, nghe được tiếng thì thầm của một giọng nói không thân xác. Xương hông của Giacóp bị gẫy khi vật lộn với một thiên thần. Giacóp quả là may mắn.

Giáo Hội hoàn vũ, một lời nói đã trở thành xác thịt.

Xin chúc mừng Lễ Giáng Sinh mọi người. Ước chi hòa bình gặp được các bạn trong cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Thế giới hình như đầy những ngạc nhiên.

Vũ Văn An