Thiên Chúa ẩn mình và bóng tối của đức tin
Khi tôi mới bắt đầu dạy thần học, tôi tưởng tượng mình viết được một quyển sách về sự giấu mình của Thiên Chúa. Tại sao Thiên Chúa vẫn giấu kín và vô hình? Tại sao Thiên Chúa không hiện thân rõ ràng để cho không một ai có thể phản bác?
Một trong những tiêu chuẩn trả lời cho câu hỏi này là: Nếu Thiên Chúa biểu lộ mình rõ ràng thì không cần đức tin nữa. Nhưng như thế lại dấy lên câu hỏi: Ai cần đức tin? Không phải sẽ tốt hơn nếu như thấy được Thiên Chúa rõ ràng sao? Tất nhiên còn có những câu trả lời khác cho câu hỏi này, nhưng tôi không biết hoặc không nắm bắt cho đủ sâu để thấy những câu trả lời đó có nghĩa.
Ví dụ như, một câu trả lời cho rằng Thiên Chúa là Thần Khí thuần tính và và thần khí đó không thể lĩnh hội được qua ý thức con người bình thường. Nhưng dường như nói thế này là quá mơ hồ. Và tôi bắt đầu tìm kiếm một câu trả lời khác hay một diễn giải tốt hơn cho câu hỏi này. Và cuối đường tìm kiếm, tôi thấy cả một túi vàng, nó đã dẫn tôi đến với thần nghiệm, cụ thể là Gioan Thánh Giá, và các ngòi bút thiêng liêng như Carlo Carretto.
Câu trả lời của họ là gì? Họ không có câu trả lời nào đơn giản cả. Những gì họ đem lại cho tôi là những quan điểm khác nhau quy chiếu về sự khôn tả của Thiên Chúa, mầu nhiệm đức tin và mầu nhiệm về nhận thức con người nói chung. Về căn bản, cách con người chúng ta nhận thức Thiên Chúa là rất nghịch lý, nghĩa là, càng biết sâu hơn về sự gì đó, thì con người hay khách thể đó bắt đầu bớt rõ ràng hơn về mặt khái niệm. Một trong những nhà thần nghiệm lừng danh nhất lịch sử cho rằng khi chúng ta đi vào sự thân mật sâu sắc hơn, thì chúng ta đồng thời cũng đi vào một ‘đám mây vô thức’, cụ thể là đi vào một nhận thức quá thâm sâu đến nỗi không thể khái niệm hóa được. Điều này nghĩa là gì?
Ba ví dụ tương tự dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu.
Thứ nhất: Hình tượng một trẻ bé trong bụng mẹ. Trong dạ mẹ, đứa bé được người mẹ bao bọc hoàn toàn, nhưng nghịch lý là đứa trẻ không thể thấy được mẹ mình và không có khái niệm gì về mẹ. Sự bất lực của đứa trẻ không thể thấy được hình ảnh mẹ là bởi người mẹ hiện diện khắp mọi nơi, chứ không phải vì không diện hiện. Người mẹ quá hiện diện, quá bao bọc, nên không thể nhìn thấy hay khái niệm được. Đứa trẻ phải sinh ra rồi mới thấy được mẹ mình. Chúng ta với Thiên Chúa cũng vậy. Kinh thánh bảo chúng ta rằng chúng ta sống, và vận động, và thở, và hiện hữu trong Thiên Chúa. Chúng ta đang trong dạ của Chúa, được Ngài bao bọc, và như một đứa trẻ, chúng ta phải được sinh ra (cái chết cùng là tái sinh) để thấy Thiên Chúa mặt đối mặt. Đó là sự tăm tối trong đức tin.
Thứ hai: Ánh sáng quá đỗi là bóng tối. Nếu bạn nhìn thẳng vào mặt trời với đôi mắt trần, thì bạn thấy gì? Chẳng thấy gì cả? Một ánh sáng quá mức khiến bạn bị mù cũng như nhìn vào bóng tối câm vậy. Và đó là lý do vì sao chúng ta gặp khó khăn trong việc nhìn Thiên Chúa, và là lý do vì sao càng đi vào thân mật với Thiên Chúa, càng đi vào sâu trong Ánh Sáng, thì Thiên Chúa dường như càng biến mất và khó hình dung hơn. Chúng ta đang bị mù, không phải bởi Thiên Chúa không hiện diện, mà bởi Ngài là ánh sáng quá mức với đôi mắt trần của chúng ta. Bóng tối của đức tin là bóng tối của ánh sáng cực độ.
Và thứ ba: Sự mật thiết sâu sắc là đả phá những lối mòn niềm tin. Càng thân mật với ai đó, thì những hình dung của chúng ta về người đó bắt đầu tan rã đi. Hãy thử tưởng tượng: Một người bạn nói với bạn rằng: ‘Tôi hoàn toàn hiểu anh. Tôi biết gia đình anh, nền tảng của anh, đạo đức của anh, tính khí và tâm tính của anh, các điểm mạnh điểm yếu, và thói quen của anh. Tôi hiểu anh.’ Bạn có cảm thấy mình được người khác hiểu hay không? Tôi ngờ là không.
Bây giờ hình dung một bối cảnh khác. Một người bạn nói với bạn rằng: ‘Anh thật bí ẩn với tôi! Tôi đã biết anh trong nhiều năm, nhưng anh thật thâm sâu mà tôi không dò thấu. Càng quen biết anh, tôi càng thấy anh là một điều bí ẩn’. Trong sự không hiểu này, khi mình là một điều bí ẩn hoàn toàn đối với nhận thức của người bạn này, nghịch lý thay, bạn lại thấy mình được người đó hiểu rất nhiều.
Thánh Gioan Thánh Giá cho rằng chúng ta càng đi sâu vào sự mật thiết, thì sẽ bắt đầu hiểu bằng cách không hiểu hơn là hiểu. Mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa cũng như thế. Ban đầu, khi sự mật thiết của chúng ta không quá sâu sắc, thì chúng ta cảm thấy mình hiểu mọi sự và chúng ta có những cảm nhận và ý niệm chắc chắn về Thiên Chúa. Nhưng chúng ta càng đi sâu, thì chúng ta sẽ bắt đầu thấy cảm nhận và ý niệm của mình sai lầm và trống rỗng, bởi vì sự mật thiết của chúng ta đang mở chúng ta ra với mầu nhiệm trọn vẹn hơn của Thiên Chúa. Nghịch lý thay, điều này có vẻ như Thiên Chúa biến mất và không tồn tại.
Theo định nghĩa, đức tin hàm chứa một sự tối tăm nghịch lý, càng đến gần Thiên Chúa trong đời, thì Thiên Chúa dường như càng biến mất, bởi ánh sáng cực độ có thể trông như bóng tối vậy.
J.B. Thái Hòa (chuyển dịch từ http://ronrolheiser.com/the-hiddenness-of-god-and-the-darkness-of-faith/#.VmtvF7-RSKE)