LINH MỤC NGUYỄN PHÁT TÀI VÀ ƠN GỌI DIỆU KỲ
Xuất thân trong một gia đình lương giáo, tốt nghiệp Đại học Y Dược với công việc đầy hứa hẹn, nhưng bác sĩ Nguyễn Phát Tài đã làm không ít người bất ngờ khi lựa chọn con đường tu trì và trở thành linh mục. 11 năm mục tử, mỗi ngày cha thêm cảm nghiệm sự quan phòng của Thầy Kitô...
Ơn gọi diệu kỳ
Tận hôm nay, hành trình đến với đạo, theo đạo rồi trở thành linh mục với cha luôn là những cột mốc lạ kỳ và khó quên. Ngày còn nhỏ, cậu Tài thường theo mẹ đi chùa đọc kinh, thắp hương, mến mộ Phật giáo. Vào năm 1986, gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn, phải đi lập nghiệp phương xa. Do có mối thâm tình từ trước với cha sở Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) lúc đó là Phanxicô Xaviê Ngô Viết Năng, cha mẹ cậu nhờ ngài chăm sóc và nuôi nấng giúp một người con. Vậy là cậu Tài rời nhà (cách giáo xứ 2km) về sống cùng cha Năng, khi 14 tuổi.
Trảng Bàng là xứ đạo nhỏ, chỉ vài trăm giáo dân. Hằng ngày, cậu có nhiệm vụ kéo chuông, dọn dẹp nhà cửa, giúp cha Năng các việc lặt vặt… Thời gian thoi đưa, nhận thấy đã tới lúc cậu xứng đáng được thành con Chúa, trước lễ Giáng sinh năm 1989 một tuần, cha Năng rửa tội cho đứa nhỏ quấn quýt mình bấy lâu. Lúc này, tâm trí cậu chớm nở một ý thức rõ ràng hơn về niềm tin Công giáo. Năm sau, cậu thi đậu Đại học Sư phạm và Y Dược TP HCM. Theo sự cố vấn của người cha tinh thần, cậu chọn học ngành Y. Thời điểm ấy, giới sinh viên có câu “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa” nên tin cậu trúng tuyển làm xôn xao rồi trở thành niềm tự hào của cả vùng quê hẻo lánh.
Tuy vậy, cạnh niềm vui là nỗi lo lừng lững. Kinh tế gia đình vẫn long đong nên không hỗ trợ được chàng tân sinh viên bao nhiêu. Khăn gói về Sài thành trọ học, để có tiền trang trải sinh hoạt 6 năm ở giảng đường, cậu làm gia sư khắp chỗ này nơi kia. Trường ở quận 5, trọ ở quận 1, chỗ dạy kèm khi quận 11, 8, 3… Với chiếc xe đạp cọc cạch, cậu sinh viên nghèo kiên trì những vòng quay ròng rã trên khắp ngã đường. Hai năm đầu, cậu chuyển chỗ ở mấy bận, đến năm thứ ba mới tìm được môi trường thích hợp. Một gia đình thuộc giáo xứ Cầu Kho (quận 1) cưu mang cậu ăn ở. Đáp lại tấm chân tình, cậu nhận dạy kèm con em họ học tập. Tại đây, cậu đi lễ hằng ngày, phụ một nữ tu dạy lớp giáo lý rước lễ và theo cha sở Félix Nguyễn Văn Thiện (một linh mục bác sĩ) đi khám bệnh và phát thuốc miễn phí ở nhiều nơi.
Mấy năm sinh hoạt ở Cầu Kho, đức tin “người tân tòng” ngày càng bén rễ sâu và được trui rèn thêm cứng cáp. Song, tác động sâu xa cho quyết định đi tu là vào mùa Chay năm 1994, tại dòng Chúa Cứu Thế, trong một thánh lễ tham dự, cậu được nghe cha chủ tế kể câu chuyện nói về việc từ bỏ mình đi theo Đức Kitô. Nghe xong, chàng sinh viên ngành Y cảm thấy có sức hút mạnh mẽ thôi thúc tiến tới ơn gọi. Hè năm ấy, khi đang là sinh viên năm tư, cậu về trình bày ý định này với cha Năng. Nhưng ngài tỏ ra phân vân, e ngại chỉ là sự bồng bột của tuổi trẻ. Để chứng thực quyết tâm, cậu nói mạnh: “Nếu cha không tin, con sẽ nghỉ học đi tu cho cha coi”. Bất ngờ trước lời trên, ngài khuyên cậu tiếp tục học hành, mọi sự còn lại hãy để thời gian thẩm định. Quay về thành phố, ngoài việc vừa học vừa làm như trước nay, mỗi tháng một lần cậu tới ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn tham dự lớp tìm hiểu ơn gọi, đều đặn như vậy trong hai năm.
Tháng 10.1996, sau khi tốt nghiệp Đại học với nhiều cơ hội mở ra trước mắt nhưng chàng tân cử nhân dứt khoát về nhà ôn giáo lý để thi vào chủng viện, và sau đó trở thành một chủng sinh. Trong suốt thời gian tại ĐCV, điểm ấn tượng với các cha giáo bấy giờ là thái độ chọn lựa rõ ràng, không lừng khừng “hai hàng” giữa đời – đạo nơi người thanh niên tân tòng này. Đến ngày 27.7.2004, thầy Giuse Nguyễn Phát Tài được bước lên Bàn Thánh.
Cha thường tổ chức những chuyến khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo vùng xa
Vì “Chúa đã chọn con”
Hơn 11 năm làm mục tử, cha trải qua nhiều chặng đường mục vụ như phó xứ Tha La và Chánh tòa Phú Cường, đi du học rồi trở thành Giám học tại TCV Phú Cường. Năm 2010, khi về nhà thờ Chánh tòa và làm Phó Giám đốc Caritas giáo phận, cha có cơ hội thực hiện những chuyến khám bệnh, phát thuốc như lúc ở Cầu Kho, với đúng với sở trường được đào tại giảng đường. Được dịp áp dụng kiến thức đã học để giúp bà con nghèo, vị linh mục bác sĩ hân hoan khấp khởi.
Khoác lên mình chiếc áo blouse, trên 20 lần cha cùng đoàn bác sĩ thiện nguyện đi tới các xóm đạo trong nội vi giáo phận như Phước An, Trảng Bàng, Suối Dây, Bến Trường…, hoặc vùng sâu vùng xa như Đinh Trang Hòa (tỉnh Lâm Đồng). Trung bình mỗi đợt khám có khoảng 500- 600 người, riêng lần ở Đinh Trang Hòa lên đến 1.000 người. Dù ít hay nhiều bệnh nhân thì bao nhọc mệt của cha và đoàn đều tan biến vì cảm thương sự thiếu hiểu biết và tình trạng “lướt bệnh” nơi bà con. Ai cũng nghèo, cũng đầu tắt mặt tối quanh năm nên ngã bệnh là thường nằm nhà chịu trận. Lâu lâu, những viên thuốc miễn phí giúp một số người thuyên giảm được một vài tuần lễ, nhưng thời gian sau lại tái phát. Thế nên, dù đến rồi đi trong phút chốc, nhưng mỗi lần quay gót, cha chỉ mong mỏi họ sẽ nhớ kỹ lời dặn kiêng cữ, giữ gìn vệ sinh, phòng ngừa những bệnh nguy hiểm như huyết áp, tim mạch, da liễu…
Biến thao thức thành hiện thực, cha cùng Caritas mở ra dự án “Chăm sóc sức khỏe cộng đồng” nhằm liên kết với các linh mục ở vùng xa trong giáo phận và chính quyền địa phương tại đó để thăm khám và phát thuốc cho người dân trong khu vực. Qua quá trình thăm khám, các bác sĩ sẽ theo dõi bệnh tình bệnh nhân. Đối với những trường hợp bệnh nặng hay nan y sẽ lập danh sách, tham vấn cho từng trường hợp và tìm hiểu hoàn cảnh của họ để vạch ra hướng hỗ trợ thiết thực cho người bệnh.
Ngoài các chuyến ra khơi như thế, nhiều năm nay cha vẫn thường tới các giáo xứ chia sẻ thông tin, kiến thức về mảng “bảo vệ sự sống”. Đối tượng chủ yếu là người trẻ đang học lớp giáo lý hôn nhân. Từ thực tế ngày càng có nhiều thai nhi bị cha mẹ thản nhiên, lạnh lùng vứt bỏ, cha chịu khó chọn lọc, tổng hợp tư liệu cần thiết rồi phổ biến lại cho những thanh niên nam nữ thêm ý thức về thực trạng đau xót này. Tuy chỉ là một bước đi nhỏ trên con đường rộng lớn, cha vẫn mong phần trao đổi của mình sẽ đánh động được nhiều người, giúp họ nhận biết ý nghĩa sự sống cao quý của từng sinh linh. “Vốn là một bác sĩ nên cha rất chú tâm tới vấn đề chăm sóc sức khỏe cộng đồng và cứu lấy những mầm sống vô tội. Từng làm việc chung với cha, tôi thấy ở đó hình ảnh một vị mục tử trẻ năng động, xông xáo và luôn đặt mình vào vị trí của người khác”, ông Dương Văn Đỏ, thành viên Caritas giáo xứ Chánh tòa Phú Cường nhận xét.
Khám bệnh cho người nghèo...
Ngày 4.9.2014, cha được bài sai về giáo xứ Tân Thông – Củ Chi. Lần đầu tiên đảm nhận vai trò chánh sở, cha cũng hơi lo. Tại xứ mới, cha đặc biệt quan tâm tới các lớp giáo lý dự tòng. Là người đạo theo nên cha thấu hiểu suy nghĩ, tâm tư, thắc mắc của họ về một tôn giáo mới. Do vậy, cha lên kế hoạch cụ thể về những nội dung, chủ đề sẽ truyền đạt trong các buổi học, ưu tiên những vấn đề cơ bản, đơn giản sao cho học viên có thể dễ nắm bắt, ghi nhớ. Còn những phần mang tính mầu nhiệm, thần học sẽ từ từ cắt nghĩa, truyền đạt sau.
Do khuôn viên nhà thờ rộng rãi, mát mẻ nên khá nhiều họ đạo, đoàn thể chọn về đây cắm trại, sinh hoạt. Nhận thấy khu nhà vệ sinh cũ đã xuống cấp, trong khi đây là nhu cầu thiết thực, cha cùng giáo dân sửa chữa, làm mới. Luôn tay làm việc này chuyện kia cho giáo phận và giáo xứ, cha cho rằng đó là ơn huệ Chúa ban vì biết mình có sức lực. Bằng giọng từ tốn, vị mục tử bộc bạch: “Nhiều người nói cuộc đời tôi rất lạ và đặc biệt, có lẽ do quá trình trở thành Kitô hữu rồi linh mục. Nhưng tôi tin ‘Chúa biết con hơn cả con biết con’ nên cần phải đáp lại lời Người đã nhiều lần nhiều cách tỏ ý muốn gọi mình”.
GIÁNG HƯƠNG