TRUNG THÀNH VÀ CHÂN THẬT
... Cách đây vài năm, vào dịp Lễ Giáng Sinh, tờ ”Ecco tua Madre - Đây là Mẹ con” đăng chứng từ của anh Jean - cựu tù nhân - về một vị Linh Mục anh dũng người Hoa. Vị Linh Mục là đan sĩ cao niên dòng Xitô. Anh Jean là tín hữu Công Giáo người Pháp. Xin giới thiệu trọn chứng từ.
Nơi trại tù lao động cải tạo Trung Cộng ở phía nam Bắc Kinh, vào cuối năm 1961, tôi nhìn thấy vị Linh Mục lần chót. Từ đó đến nay bao năm trôi qua, nhưng cứ mỗi độ Giáng Sinh về, khuôn mặt gầy guộc của vị Linh Mục lão thành người Hoa lại hiện lên rõ nét trong ký ức tôi. Đó là một khuôn mặt nhăn nheo với đôi mắt tinh anh không dễ bị chế ngự. Tôi có cảm tưởng như lại trông thấy vị Linh Mục đứng đó, trong cơn gió lạnh, tay cầm bánh và rượu giơ lên đọc Lời Truyền Phép, với ý thức rõ ràng mình sẽ gặp hiểm nguy nếu bất chợt bị khám phá điều đang làm.
Tôi biết Cha Xuân - tạm gọi tên vị Linh Mục người Hoa - vào đầu năm xa xôi ấy, khi một toán tù nhân đông đảo được chuyển đến trại chúng tôi dưới sự canh chừng khe khắt của ông cai tù tên Giang. Tôi được chỉ định làm trưởng nhóm tù nhân gồm 18 người. Chúng tôi có nhiệm vụ rửa chuồng heo, khuân vác các bao phân bón và chôn cất người chết. Cha Xuân ngủ trên chiếc chiếu nằm bên cạnh tôi.
Ngay từ ngày có mặt giữa chúng tôi, Cha Xuân trở thành đối tượng khiến mọi người phải lo âu. Cha mang dáng dấp của một cụ già thật yếu ớt, vậy thì làm sao có thể chu toàn các công tác lao động vô cùng nặng nhọc? Hơn thế nữa - và đây mới là mối bận tâm lớn lao nhất của chúng tôi - Cha là một đan sĩ Xitô và vì thế, Cha luôn luôn nói với chúng tôi về THIÊN CHÚA. Cha nhắc chúng tôi nhớ rằng THIÊN CHÚA sẽ luôn luôn trợ giúp chúng tôi nếu chúng tôi không đánh mất Đức Tin nơi Ngài.
Mà thật sự thì chúng tôi bỏ mất Đức Tin từ lâu lắm rồi! Chính những người cộng sản vô thần đã nghĩ đến điều này và đã lo liệu cho chúng tôi. Đối với người cộng sản thì tôn giáo là thuốc phiện mê dân, là mê tín dị đoan và nó đã hoàn toàn bị tước bỏ khỏi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc rồi! Nếu có ai còn ngoan cố tin vào sự hiện hữu của một quyền lực cao hơn quyền lực của ông chủ tịch Mao-Trạch-Đông, thì người ấy sẽ bị nghiêm khắc trừng phạt, bị kết án tử! Nói tóm lại, các Kitô hữu bị bách hại cũng chỉ vì cái tội dám công khai thờ lạy THIÊN CHÚA của đế quốc thực dân!
Cha Xuân - là người hơn ai hết - phải biết rõ hiểm nguy đó, vì Cha bị kết án 20 năm tù cải tạo lao động chỉ vì cái tội duy nhất là làm Linh Mục!
Vậy mà Cha không sợ hãi gì hết. Cha cứ tiếp tục cầu nguyện và sống đạo, dũng mạnh y như Kitô Giáo của Cha. Tất cả tù nhân chúng tôi biết thế, nên để Cha yên và dĩ nhiên là tìm cách xa lánh Cha. Chúng tôi đã có quá nhiều nguy hiểm rồi, không cần gánh thêm cái hiểm nguy đến từ tôn giáo của Cha Xuân! Nhưng Cha Xuân không mảy may khiếp sợ. Tôi không biết làm thế nào mà Cha Xuân khám phá ra tôi là tín hữu Công Giáo duy nhất trong nhóm tù nhân, ngoài Cha ra.
Một ngày trong lúc nghỉ xả hơi, Cha Xuân tiến lại gần tôi và nói:
- Con vẫn luôn là tín hữu Công Giáo tốt phải không? Nhất là con vẫn giữ đạo trong lòng phải không?
Tôi mệt mỏi cau có trả lời:
- Tôi là tù nhân, ông lão ơi! Hãy để tôi yên thân!
Cha Xuân có vẻ như không nghe lời tôi nói nên vẫn tiếp tục:
- Chúng ta có thể cầu nguyện chung, Jean à! Rồi Cha cũng có thể nghe con xưng tội nữa!
Tôi tỏ ra sừng sộ - vì sợ mấy tù nhân chung quanh có thể nghe lời ông cụ già điên khùng này - nên tôi nói:
- Nếu ông muốn tự đưa đầu cho người ta chém thì đó là chuyện của ông. Còn tôi, tôi muốn cứu lấy mạng sống tôi. Ông có hiểu không?
Nhưng lời nói vô lễ của tôi vẫn không làm Cha Xuân phật ý. Cha dịu dàng tiếp tục:
- Không sao hết con à, Cha hiểu! Cha chỉ muốn con nhớ rằng Cha là bạn của con.
Rồi Cha Xuân lãng ra xa để lấy cái bao phân bón mang đi. Đôi môi Cha mấp máy đọc lời Kinh Mân Côi.
Mặc dầu thân xác gầy gò ốm yếu, nhưng người ta không thể hiểu được làm sao mà Cha Xuân lại có thể gánh hai bao phân - mỗi bao nặng 35 ký - và bước đi trên đường đất gồ ghề. Người Cha như gập làm đôi dưới sức nặng quá lớn. Chưa hết. Chẳng những Cha thi hành công tác dành cho Cha mà còn làm thêm công tác của những người ốm yếu hơn Cha! Thật là chuyện không thể tưởng tượng được! Có lần một người trong chúng tôi đặt câu hỏi:
- Ai biết điều gì ban sức mạnh cho cụ già vẫn tiếp tục tiến bước không?
Một người nhanh nhẹn trả lời:
- Chính THIÊN CHÚA! Khi ông cai tù không canh gác thì THIÊN CHÚA ngự xuống và vác cái bao phân bón cho cụ già!
Câu giải thích khiến mọi người cất tiếng cười vang. Chúng tôi có rất ít dịp để cười! Chúng tôi lao động từ sáng sớm tới chiều tối mà phần ăn thì thật ít ỏi. Tối đến thì ngủ trong cái chòi giam đầy dẫy ruồi muỗi kêu vo ve. Mỗi ngày đều phải chôn cất người chết. Chúng tôi phải mang xác chết leo lên đồi để chôn ở nghĩa trang.
Mùa hè năm ấy tôi nghĩ là đã đến lượt tôi sẽ được chôn cất nơi nghĩa trang. Tôi bị suy nhược vì lao động quá mức và vì thiếu dinh dưỡng. Tôi bị ngất xỉu nhiều lần nên được mang lên bệnh xá. Trong mấy ngày liền tôi mê man bất tỉnh.
Rồi một đêm, khi tỉnh lại, tôi thấy Cha Xuân đang ngồi cạnh tôi và quạt gió mát lên mặt tôi. Cha lén lút đút vào miệng tôi cháo nóng được nấu bằng gạo và rau. Sau mỗi muỗng cháo, tôi cảm thấy như sức lực dần dần hồi phục trong tôi. Rồi Cha Xuân thì thầm vào tai tôi:
- Họ có thể hành hạ và giết chết thân xác chúng ta, con à. Nhưng họ không thể nào chạm đến linh hồn chúng ta. Chính chúng ta có nhiệm vụ gìn giữ linh hồn chúng ta. Hơn thế nữa, còn có Đức Mẹ MARIA trợ giúp chúng ta.
Sau đó Cha Xuân còn đến thăm tôi ba lần nữa và mỗi lần đều mang theo cháo nóng. Chỉ vào tháng 9 khi đủ sức trở lại lao động với nhóm tù nhân, tôi mới biết Cha Xuân đã thành công trong việc cổ động các tù nhân khác tìm kiếm rau cỏ ăn được trong các giờ nghỉ, còn chính Cha thì lén lút lấy trộm mỗi khi một ít gạo, rồi để dành cho đến lúc đủ số lượng nhỏ thì bắt nồi lên nấu cháo. Tôi cảm động cám ơn Cha Xuân và hổ thẹn vì đã cư xử bất nhã bất kính đối với vị Linh Mục lão thành.
Một ngày, Cha Xuân kể cho tôi nghe câu chuyện Cha bị bắt giam.
Vào năm 1947, mấy người cộng sản hùng hổ tiến vào chiếm quyền cai trị nơi thành phố quê sinh của Cha. Cha vắng mặt ở Đan Viện Xitô, và lúc trở về thì thấy các anh em đan sĩ đã bị giết chết, còn đan viện thì bị đập phá tan tành. Các người lính cộng sản sát máu trông thấy Cha liền bắt Cha tống giam. Sau khi bị tra khảo trong vòng 2 năm trời, Cha bị kết án 20 năm tù ”cải tạo bằng lao động”. Nghe xong tôi nhẹ nhàng nhận xét:
- Thôi thì ít ra là Cha vẫn còn sống!
Cha nhìn thẳng mặt tôi và nói:
- Cha còn sống bởi vì Chúa muốn thế. Cha tin rằng Chúa muốn trao cho Cha một sứ vụ. Nếu không phải như thế thì Cha ao ước được thông phần số phận của các đan sĩ anh em của Cha hơn!
Tháng 11 cùng năm ấy - 1961 - ông cai tù Giang chỉ định tôi làm trưởng nhóm tù nhân có nhiệm vụ chuẩn bị cánh đồng lúa ở trại 23. Một thời ngắn sau đó ông gọi tôi đến và nói rằng có người báo cáo cho ông biết là Cha Xuân cầu nguyện lén lút vào ban đêm. Rồi ông hét lớn:
- Có đúng vậy không?
Tôi mỉm cười nói vớt vát:
- Không phải vậy đâu, đó chỉ là chuyện một ông già lao lực suốt ngày nên đêm đến thì mệt mỏi và nói ú ớ trong giấc ngủ thôi!
Ông Giang nhìn chằm chặp mặt tôi dò xét hồi lâu rồi nói với giọng hăm dọa:
- Nếu ngày nào tôi biết được là ông ấy đọc kinh thì tôi sẽ nghiêm khắc trừng phạt cả nhóm và đặc biệt là hai người. Phải nói cho ông ta biết như thế.
Vừa về đến chòi giam tôi tìm gặp ngay Cha Xuân và nói:
- Xin Cha ý tứ. Con có thể bị biệt giam vài tháng. Nhưng Cha thì .. mạng sống lâm nguy.
Cha Xuân bình thản nhìn tôi và nói:
- Mạng sống của Cha quan trọng đến thế sao?
Rõ thật khổ, không có cách gì làm cho cụ già này lý luận bình thường được!
Tháng 12 đến. Trời lạnh cắt da và gió buốc thổi từ đông bắc đến. Một ngày gần cuối tháng 12, Cha Xuân tìm đến gặp tôi nơi bờ ruộng và hỏi xem Cha có thể nghỉ ngơi vài phút không. Tôi nói:
- Còn chút nữa thì đến giờ nghỉ. Cha không đợi được sao?
Cha đáp:
- Không, bởi vì sau đó thì tới giờ lính canh đến.
Có lẽ Cha muốn nói thêm điều gì đó nhưng không biết nói sao nên Cha hỏi tôi:
- Con có biết hôm nay ngày gì không?
Tôi khó chịu trả lời:
- Thứ hai 25 tháng 12!
Nói xong tôi bỗng im lặng vì trong tích-tắc tôi hiểu rằng, không phải chỉ là Lễ Giáng Sinh mà là cụ già muốn cầu nguyện! Tôi nói gần như khẩn khoản:
- Cha biết rõ đây là hiểm nguy mà!
Cha Xuân bình tĩnh nói:
- Nhưng Cha phải cầu nguyện. Rồi Cha cũng muốn con cầu nguyện với Cha nữa, bởi vì chỉ với riêng hai chúng ta thì ngày này mới có một ý nghĩa gì đó. Đức Chúa GIÊSU đã sinh ra từ Đức Trinh Nữ MARIA!
Tôi nhìn quanh quất. Không thấy lính canh, còn tù nhân gần nhất thì đang đứng ở giữa đường từ trại đến. Tôi nói:
- Cha xuống cái hố khô nước đi. Con chỉ cho Cha 15 phút thôi. Không hơn đâu nhé!
Cha hỏi:
- Con không xuống sao?
Tôi đáp:
- Con đứng ở đây!
Thật là những giây phút kinh hoàng tiếp theo đó. Cứ mỗi lần nghe tiếng gió rít, tôi có cảm tưởng như nghe tiếng hét của lính canh. Thế rồi, không hiểu một cái gì đó giúp tôi thắng vượt nỗi sợ hãi và đẩy nhanh tôi xuống cái hố. Và điều tôi trông thấy như muốn đè bẹp tôi.
Lần đầu tiên từ bốn năm qua - tôi quên bẵng ông cai tù Giang và trại tù - để chỉ còn nhớ thế nào là điều thật ý nghĩa khi tin tưởng vào một cái gì đó cao cả hơn là cuộc sống bình thường.
Dưới cái hố khô nước, Cha Xuân đang cử hành Thánh Lễ. Thánh Đường là mảnh đất hoang nằm ở miền Bắc Trung Quốc. Bàn Thờ là cụm đất cứng lạnh. Áo Lễ là chiếc áo tù nhân. Chén Lễ là cái tách bể. Rượu Lễ được vắt từ mấy trái nho được cẩn thận cất giữ. Bánh Lễ là một miếng bánh khô. Không có nến cháy nhưng thay vào đó là cành củi cháy. Ca Đoàn là tiếng gió rít liên tục như làm thành bản Thánh Thi. Hình như ngọn lửa nhỏ mang lời cầu nguyện của vị Linh Mục lão thành anh dũng bay đến tận Trời Cao và ngọn gió mang đi phân phối đến tận bốn gốc bể chân trời.
Trong phút chốc tôi bỗng cảm thấy niềm ao ước sâu xa được san sẻ Đức Tin của Cha Xuân. Tôi nghĩ rằng không nơi nào trên thế giới, kể cả trong những thánh đường đồ sộ nguy nga nhất của Kitô Giáo, không ai có thể cử hành - vào đúng ngày Lễ Giáng Sinh - một Thánh Lễ ý nghĩa như thế.
Một cách vô thức không ngờ, tôi bỗng cất cao lời thánh thiêng:
- Et cum spiritu tuo - Và ở cùng Cha!
Không hề lộ vẻ ngạc nhiên Cha Xuân đọc tiếp như khích lệ tôi:
- Ite Missa est - Lễ đã xong!
Miệng tôi phát ra lời kinh tưởng chừng như quên bẵng từ rất lâu:
- Deo gratias - Tạ ơn Chúa!
Thánh Lễ đã kết thúc.
Cha Xuân nói với tôi:
- Chúa sẽ tha thứ cho chúng ta và hiểu rằng chúng ta không thiếu sự tôn kính. Đây chỉ là cách thức thích hợp nhất cho hoàn cảnh của chúng ta!
Tôi thấy cổ họng nghẹn cứng. Nỗi sợ hãi lớn lao nhất của Cha Xuân không phải là sợ bị bắn chết mà là sợ xúc phạm đến THIÊN CHÚA! Sau cùng, điều mà vị Linh Mục lão thành cố gắng làm cho tôi hiểu suốt trong thời gian này chính là:
- Sự sống còn - như bất cứ loài động vật nào - tạo nên từ sự khéo-léo ma-lanh và làm cho khiếp đảm, thì không thể đủ cho con người. Con người cần phải có cái gì khác bên trên chính con người để có thể sống còn, như một giấc mơ, một niềm tin chẳng hạn.
Tôi nói với Cha Xuân:
- Con tin là Chúa sẽ hiểu và sẽ tha thứ cho chúng ta.
Cha Xuân đáp:
- Cám ơn con, Jean à! Xin THIÊN CHÚA bảo vệ con. Xin Đức Mẹ MARIA chúc lành cho con.
Và lần đầu tiên kể từ bốn năm qua, tôi tin rằng lời Cha Xuân nói đã ứng nghiệm. Vừa lúc đó thì tôi trông thấy ông cai tù tên Giang đang đạp xe về hướng cái hố khô nước. Trong chớp nhoáng tôi đủ giờ để nhảy xuống hố và làm bộ giơ tay trên ngọn lửa như tìm cách sưởi ấm, trước khi ông ta kịp nhìn xuống hố nghi ngờ dò xét. Ông ta hạch hỏi:
- Mấy người làm gì dưới hố?
Tôi trả lời đánh trống lãng kèm theo nụ cười ngây thơ:
- Cụ già muốn làm chút lửa để sưởi ấm.
Ông Giang hét lớn:
- Công việc chỉ được ngừng khi đến giờ nghỉ, chứ không phải trước giờ nghỉ! Hãy trở lại với công việc đang làm!
Vài ngày sau biến cố trên đây diễn ra cuộc thay đổi và di chuyển tù nhân.
Cha Xuân không còn ở chung đội tù với tôi nữa. Và từ đó trở đi tôi không còn trông thấy Cha Xuân nữa. Nhưng cái ngày đáng ghi nhớ ấy vẫn ghi khắc trong ký ức tôi suốt trong thời gian kinh hoàng còn lại của cuộc sống lao động tù đày. Nó nằm sâu nơi một góc nhỏ an toàn kín ẩn trong trái tim tôi mà không một ai có thể lọt vào, kể cả ông cai tù Giang và các tên lính canh. Thật an toàn và không sợ hãi.
Có lẽ hôm nay khi tôi viết những hàng này thì Cha Xuân vẫn còn sống. Hay có lẽ Cha đã trở thành người thiên cổ. Nhưng cho dầu những người cộng sản Trung Hoa đã giết chết Cha, thì họ cũng chỉ có thể giết chết thân xác Cha mà thôi, còn hồn thiêng bất tử của Cha, họ vẫn không thể nào chạm tới.
... ”Bấy giờ tôi thấy Trời rộng mở: kìa một con ngựa trắng, và người cỡi ngựa mang tên là ”Trung Thành và Chân Thật”, Người theo công lý mà xét xử và giao chiến. Mắt Người như ngọn lửa hồng, đầu Người đội nhiều vương miện, Người mang một danh hiệu viết trên mình, mà ngoài Người ra chẳng ai biết được. Người khoác một áo choàng đẫm máu, và danh hiệu của Người là: ”Lời của THIÊN CHÚA”. Các đạo quân thiên quốc đi theo Người, họ cỡi ngựa trắng, mặc áo vải gai mịn trắng tinh. Từ miệng Người phóng ra một thanh gươm sắc bén để chém muôn nước. Chính Người sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt chúng. Người đạp trong bồn đạp nho chứa thứ rượu là cơn lôi đình thịnh nộ của THIÊN CHÚA Toàn Năng. Người mang một danh hiệu viết trên áo choàng và trên vế: ”VUA các vua, CHÚA các chúa” (Sách Khải Huyền 19,11-16).
(”PRO DEO ET FRATRIBUS - Famiglia di Maria”, Veniva nel mondo La Luce Vera, Novembre/Dicembre 2009, Publicazione mensile, Anno 20, N 144-145, trang 8-13)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
Nguồn:vietvatican.net