Đông phương hướng tới tương lai
Mới đây ông Jean-Claude Guillebaud, Giám đốc Nhà Xuất bản Arenés, đã cho phát hành cuốn sách tựa đề “Một cuộc sống khác là có thể. Làm thế nào để tìm lại được niềm hy vọng?”. Trong sách ông đưa ra một vài nhận xét về xã hội Tây Âu. Đối với ông, Âu châu là một lục địa qúa già nua, mất thời giờ để tưởng niệm “cái vĩ đại” đã qua, trong khi Đông phương trẻ trung hướng tới tương lai và đầy sinh động. Ông cũng phê bình một số các lỗi lầm của các chính quyền Âu châu, trong đó có việc để cho mình bị lây nhiễm bởi cái luận lý của chủ thuyết tư bản anglosaxon. Ông viết: “Đáng lý ra Âu châu đã phải cho phép chúng ta bảo vệ việc giải thích nền kinh tế thị trường như lý thuyết đã được đưa ra hồi thập niêm 1920 với mục đích che chở, tái phân phối theo lý tưởng xã hội dân chủ. Có các lần khác tôi đã nói về một “chủ thuyết tư bản theo kiểu của Đức sau Đệ nhị Thế chiến” và nền kinh tế xã hội thị trường, có lý để chống lại chủ thuyết tư bản kiểu anglosaxon. Thế mà qua Uỷ ban Bruxelles nền xã hội dân chủ Âu châu đã mau chóng bị ô nhiễm bởi cái luận lý anglosaxon. Thay vì che chở chúng ta chống lại ảnh hưởng của bên kia bờ đại dương, thị việc xây dựng Âu châu đã trở thành con ngựa thành Troies và đã đưa “kiểu mẫu ấy” vào Âu châu như là buôn lậu vậy”.
Ông Jean-Claude Guillebaud sinh năm 1944 tại Alger, thủ đô Algerie, là nhà báo Công giáo, văn sĩ, chuyên viên diễn thuyết và là Kitô hữu chiến đấu. Ban đầu ông làm việc cho nhật báo “Sud Ouest”, sau đó làm phóng viên chiến trường trong 20 năm cho nhật báo có khuynh hướng rất đời “Le Monde”, cũng như cộng tác với nhật báo “Nouvel Observateur”. Ông cũng đã hướng dẫn nhóm “Các phóng viên vô biên giới”, và là thành viên của tổ chức “Pháp Phối hợp cho Thập niên của nền văn hoá hoà bình và không bạo lực”. Ông cũng đặc trách mục ký sự hằng tuần về cuộc sống của giới truyền thông trong trang bổ túc truyền hình của nhật báo “Nouvel Observateur” mới, và từ năm 2010, ông thay thế nhà báo Jacques Julliard trong vai trò phát hành nhật báo này. Ngoài ra, ông Guillebaud cũng đặc trách ký sự quan sát cuộc sống chính trị Pháp cho tuần san Công giáo “La Vie”. Từ năm 2008, ông cũng là thành viên Ban Cố vấn Kiểm soát nhóm Ấn loát “Bayard”. Trong tư cách là Giám đốc Nhà Xuất bản “Seuil”, ông đã có dịp tiếp xúc với nhiều nhân vật nổi tiếng của nền văn hoá Pháp như René Girard, Michel Serres, Edgar Morin, Régis Debray... Ông là một tiếng nói đặc thù và ở ngoài các lược đồ của nền văn hoá Âu châu.
Ông Jean-Claude Guillebaud là tác giả của trên 20 cuốn sách. Là người đã không sống đức tin và đã chỉ tái khám phá ra kho tàng đức tin của mình mãi sau này, ông đã viết cuốn “Tôi đã tái trở thành tín hữu Kitô như thế nào?” (2007). Trong các phán đoán của mình ông luôn duy trì được sự sáng suốt khiến cho Đức Hồng y Joseph Ratzinger rất bị ấn tượng, khi nói về cuốn sách “Nguyên tắc của nhân bản tính” của ông (2001).
Trong số các tác phẩm của ông có các cuốn như: “Charban-Delmas, hay nghệ thuật hạnh phúc trong chính trị” (1969); “Các ngày kinh khủng của nước Israel” (1974); “Các hoa giấy của Đế quốc” (1975); “Các năm mồ côi 1968-1978” (1978); “Một chuyến du hành Á châu” (1980); “Một chuyến du hành Đại dương châu” (1980); “Chuyến du hành Kéren” (1988): giải thưởng Roger Nimier; “Ngọn đồi của các Thiên thần: Trở về Việt Nam với Raymond Depardon” (1990); “Sự phản bội của ánh sáng: Điều tra về sự hỗn loạn ngày nay” (1995): giải thưởng Jean Jacques Rousseau; “Sự chuyên chế của lạc thú” (1998): giải thưởng Renaudot Essai; “Việc tái thành lập thế giới” 1999); “Nguyên tắc của nhân bản tính” (2001): giải thưởng Tiểu luận Âu châu Charles Veillon; “Tinh thần của nơi chốn” (2002); “Mùi vị của tương lai” (2003); “Sức mạnh của xác tín: Chúng ta có thể tin vào cái gì?” (2005); “Sự lẫn lộn các giá trị” (2009); “Khởi đầu một thế giới” (2008); “Họ đã chết vô ích sao: Một nửa thế kỷ của các vụ ám sát chính trị”, cùng viết với Jean Lacouture (2010); “Cuộc đời sống động” (2011); “Ham thích tương lai” (2011); “Một đời sống khác là có thể” (2012).
Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn nhà báo kiêm nhà xuất bản Jean-Claude Guillebaud về cuốn sách nói trên, do phóng viên Lorenzo Fazzini của nhật báo Tương Lai, cơ quan ngôn luận của Hội đồng Giám mục Italia, thực hiện, số ra ngày 28-11-2012.
Hỏi: Thưa ông Guillebaud, ông khẳng định rằng đã tìm thấy nhiều “tiến bộ” tại Á châu hơn là bên Âu châu. Nhưng mà trong đại lục “vàng” này các quyền con người như tự do tôn giáo, tự đo ngôn luận, tự do tư tưởng... đã không được bảo đảm khắp nơi. Như vậy thì phải cho kiểu nói “tiến bộ” ý nghĩa nào đây?
Đáp: Tôi biết rằng trong đa số các quốc gia Á châu như Trung Quốc, Việt Nam, Singapore, Malaysia... việc tôn trọng các quyền con người không được bảo đảm một cách hoàn toàn, và còn rất xa nền dân chủ. Chẳng hạn như trên bình diện chính trị, Trung Quốc và Việt Nam vẫn còn bị cai trị bởi các người lãnh đạo cộng sản “kiểu cổ hủ”, ít tôn trọng quyền tự do và phẩm giá con người. Tuy nhiên, nếu các quyền bính của họ bị xơ cứng và độc tài, thì các xã hội dân sự của hai nước này lại rất năng động, có óc sáng tạo và tích cực. Họ sống theo tiết nhịp của chế độ siêu tư bản, cũng sáng tạo và hướng tới tương lai, hướng tới “dự án” theo nghĩa bản thể học của từ này. Để lấy lại kiểu nói của nhà xã hội học Đức Max Weber, “sự ham thích tương lai” trong thời gian rất lâu đã là đặc tính của nền văn hoá Âu châu, là điều đã cho phép Âu châu rồi Tây phương nhập thể sự tiến bộ và tính tân thời.
Ngày nay, Âu châu cống hiến cho người ta cái cảm tưởng là đã trở thành một lục địa mệt mỏi, không niềm hy vọng, bị nhốt trong cái lồng của sự “hoài niệm quá khứ vĩ đại” của mình.
Hỏi: Ông có thể đưa ra các thí dụ nào để hậu thuẫn cho xác tín này hay không?
Đáp: Người Âu châu chúng tôi mất thời giờ “tưởng nhớ” các sự vật, hướng về quá khứ hơn là hướng tới tương lai. Ngày xưa thì Trung Quốc đã là chuyên viên việc tưởng niệm này: Trung Quốc cố cựu và giàu văn minh bất động trong việc tự cử hành chính mình, như triết gia tân tiến Liang Shuming, người đã phê bình nền văn hoá của ông, đã ghi nhận hồi năm 1920. Ngày nay, Trung Quốc tiến tới, trong khi Âu châu bất động. Chính vì thế mà trong cuốn sách của tôi tôi khẳng định, với một chút khiêu khích, rằng người Tàu “Tây Âu” hơn người Âu châu chúng tôi, họ biến thành những người đang mọc: Đông phương phía mặt trời mọc; trong khi chúng tôi lại trở thành những người đang lu mờ đi: Tây phương phía mặt trời lặn.
Hỏi: Thưa ông Guillebaud, ông có các lời lẽ tranh luận với các triết gia theo phái “tân khắc kỷ” như ông André Compte-Sponville, và đa số họ không phải chỉ ở Pháp. Ông lấy khoảng cách với thái độ “bị hấp dẫn mà họ có đối với sự khôn ngoan”. Tại sao vậy?
Đáp: Tôi tôn trọng ông Compte-Sponville chứ, và nhiều lần tôi đã đối thoại với ông trước công chúng. Trên nhật báo “La Croix”, chúng tôi cũng đã làm một cuộc phỏng vấn tay đôi. Nhưng tôi triệt để không đồng ý với ông ta về ý niệm hy vọng. Trong nhiều sách khác nhau, ông ấy tố cáo niềm hy vọng bằng cách trình bày nó như là thị trường bán bọt. Ông cho rằng tại sao lại phải dời lại tới ngày mai một niềm hạnh phúc hay một thú vui, mà người ta có thể sống ngay lập tức trong hiện tại? Dưới mắt của ông niềm hy vọng hoạt động như một cái thay thế di chuyển một cái gì đó của hiện tại, một cái gì rốt cuộc là vô ích. Nhưng tôi tin là ông ta lầm. Có một lần tôi cười và nói với ông ta rằng một người cựu cộng sản như ông mà lại đã không đọc Thánh Augustinô đủ.
Hỏi: Tại sao vậy, thưa ông?
Đáp: Bởi vì Thánh Augustinô đã nhắc nhở rằng niềm hy vọng chắc chắn liên quan tới tương lai, nhưng nó sống trong hiện tại. Nói cách khác, thay vì lấy đi cái gì của hiện tại, thì niềm hy vọng lại bỏ thêm cái gì vào cho nó. Và đàng khác, chúng ta biết rất rõ là một cá nhân hay một xã hội hy vọng thì hạnh phúc rất nhiều hơn là một cá nhân và một xã hội thất vọng. Nếu người ta theo kiểu lý luận của ông Compte-Sponville, thì điều này phải ngược lại.
Hỏi: Giáo hội Công giáo tại Pháp hiện nay ra sao? Tại Strasbourg, nguyệt san “Đời sống” đã tổ chức một đại hội, trong đó các tham dự viên đã duyệt xét các tình trạng chung của Kitô giáo Âu châu. Có các dấu hiệu hy vọng nào không, thưa ông?
Đáp: Tôi xác tín là có. Chúng tôi đang sống trong một tình trạng mâu thuẫn. Xã hội Pháp xem ra ngày càng bị tục hoá và ngoại giáo hơn. Cơ cấu Công giáo xem ra bị khủng hoảng hơn bao giờ hết, nhưng đồng thời người ta cũng cảm thấy một sự khao khát tinh thần, cả nơi giới trẻ. Tôi xin nói thêm rằng hiện tượng này xem ra không chỉ hạn hẹp trong nước Pháp mà thôi, cũng không chỉ có ở Âu châu. Tôi thường du hành đây đó vì công việc là phóng viên báo chí, và tôi nhận thấy cùng điều đó tại Phi châu, Á châu và cả tại các nước cựu cộng sản Đông Âu nữa. Không ai có thể nói cái gì sẽ nảy sinh ra từ hiện tượng “sự trở lại này của tôn giáo”. Cũng có thể xảy ra điều tệ hại hơn nữa. Nhưng có một điều chắc chắn: như nhà nhân chủng học Clifford Geertz, qua đời năm 2006, đã khẳng định: “Câu hỏi tôn giáo” không ở sau lưng chúng ta, nhưng ở phía trước chúng ta: nó là “một đối tượng của tương lai”.
Linh Tiến Khải
Nguồn: RV