VỊ GIÁO HOÀNG CỦA SỰ NGẠC NHIÊN...
Hai điều đáng lưu ý trong chuyến viếng thăm Sri Lanka của Đức Phanxicô: Điều thứ nhất: ngài là vị giáo hoàng của ngạc nhiên. Điều thứ hai, ngài là vị giáo hoàng, dù trong cảnh ngộ nào, vẫn được cảm tình của tường thuật truyền thông.
1. Vị Giáo hoàng của ngạc nhiên
Tại Colombo, Đức Phanxicô vẫn duy trì được danh hiệu giáo hoàng của những ngạc nhiên và nối vòng tay lớn. Thực vậy, vào buổi tối Thứ Tư vừa qua, ngài đã phối hợp được cả hai khía cạnh ấy khi bất ngờ viếng thăm ngôi đền Phật Giáo tại thủ đô Sri Lanka.
Theo phát ngôn viên Tòa Thánh, tại ngôi đền trên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được chỉ cho xem một căn phòng có tượng Buddha và hai vị thánh khác của truyền thống Phật Giáo. Các vị sư trụ trì cũng cho ngài xem một chiếc bình đựng thánh tích mà thỉnh thoảng lắm mới được mở ra, nhưng dịp này, các vị đã mở ra cho ngài xem.
Nhân dịp này, các vị sư trụ trì cũng cho ngài nghe ca hát mà theo phát ngôn viên Tòa Thánh, ngài đã “tôn kính lắng nghe”.
Dù không hề là lần đầu, vì Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng tới thăm một vị lãnh đạo Phật Giáo Thái Lan tên Vasana Tara tại một trung tâm Phật Giáo khi thăm Bangkok năm 1984, nhưng việc Đức Phanxicô thăm ngôi đền Phật Giáo này phải được coi là bất thường.
Một phát ngôn viên của Tòa Thánh cho biết một trong các vị có thẩm quyền trong Phật Giáo, khi nghinh đón Đức Phanxicô tại phi trường Colombo đã mời ngài ghé thăm, và Đức Phanxicô “muốn chứng tỏ tình bằng hữu và thái độ tích cực của ngài” đối với các Phật Tử.
Cuộc ghé thăm không dự trù trước mà theo phát ngôn viên Tòa Thánh kéo dài 20 phút này diễn ra sau khi Đức Phanxicô từ Đền Đức Mẹ Madhu trở về, nơi trước đây vốn là vùng tranh chấp trong cuộc nội chiến kéo dài 30 năm.
Cuộc nội chiến này khiến người đa số Phật Giáo chống lại người thiểu số Tamil theo Ấn Giáo, và là lý do khiến cho vấn đề hòa giải và hoà hợp tôn giáo trở thành các chủ đề chính của chuyến viếng thăm Sri Lanka.
Trong cuộc gặp gỡ các vị lãnh đạo Phật Giáo, Ấn Giáo, Hồi Giáo và Kitô Giáo vào đêm thứ Ba, chẳng hạn, Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng “không bao giờ được lạm dụng các niềm tin tôn giáo để bênh vực bạo lực và chiến tranh”.
Cuộc ghé thăm ngôi đền cách bất ngờ hôm thứ Tư có một ý nghĩa đặc biệt nếu xét tới phản ứng tiêu cực của Phật Giáo đối với cuộc viếng thăm năm 1995 trước đây của Đức Gioan Phaolô II, một cuộc viếng thăm diễn ra không lâu sau khi ngài làm người Phật Giáo nổi giận vì gọi tín ngưỡng của họ “phần lớn thuộc hệ vô thần” trong một cuộc phỏng vấn của một nhà báo Ý. Các vị lãnh đạo Phật Giáo hồi ấy đã tẩy chay cuộc gặp gỡ liên tôn do ngài tổ chức.
2. Dù trong cảnh ngộ nào, vẫn được cảm tình của tường thuật truyền thông
Nhà báo John L. Allen Jr., trong bài báo viết ngày 14 tháng Giêng từ Colombo, cho rằng chuyến tông du Sri Lanka, một lần nữa, nói lên khía cạnh quyến rũ của Đức Phanxicô đối với tường thuật truyền thông.
Ông cho rằng những nét tổng quát trong tường thuật thông thường về Đức Phanxicô nay đã trở thành quen thuộc. Ngài được coi như người bênh vực người nghèo và người bị chà đạp cũng như là nhà cải cách không câu nệ muốn dẫn Đạo Công Giáo tiến theo chiều cấp tiến.
Tuy không được người Công Giáo bảo thủ ưa thích, nhưng xét theo công luận và tường thuật truyền thông, lối nhìn trên thường có nghĩa là ngài vượt qua nhiều thiên kiến mà các vị tiền nhiệm không vượt qua được.
Tháng tám năm ngoái, chẳng hạn, khi Đức Phanxicô tới thăm một cơ sở bác ái CG bên ngoài Hán Thành tên là Kkottongnae. Cơ sở này chứa 5,000 người bệnh và khuyết tật, do một linh mục đầy lôi cuốn tên là John Oh thành lập. Vị linh mục này vướng vào nhhiều tai tiếng xưa nay.
Một số người trong Giáo Hội Đại Hàn coi nghiệp vụ này như một bịp bợm, chỉ lo gây quĩ hơn là phục vụ người cần tới; trước khi Đức GH tới thăm, những người chỉ trích cơ sở này vốn tổ chức cả hàng loạt các cuộc phản đối.
Tuy nhiên, cuối cùng, không một tai tiếng nào ảnh hưởng tới cuộc thăm viếng của Ngài; tình yêu thương người nghèo của ngài đã trở thành một thứ dã sử. Truyền thông không hề đặt dấu hỏi nào về chuyến viếng thăm này cả.
Tuần này, tại Colombo, ta cũng thấy một chuyện tương tự. Đêm thứ Ba, Đức Phanxicô đọc một bài diễn văn tại cuộc gặp gỡ liên tôn. Bài diễn văn này không khác về nội dung so với Đức Bênêđíctô XVI chút nào: cũng dè dặt về các giới hạn của cuộc đối thoại liên tôn: “Như kinh nghiệm đã cho thấy, muốn cho cuộc đối thoại như thế được hữu hiệu, nó cần được đặt cơ sở trên việc trình bày ngay thẳng các xác tín của mình” nghĩa là phải “trung thực” khi nói lên các niềm tin của mình.
Ngài nói tiếp “người ta không cần phải từ bỏ căn tính của họ, bất luận là căn tính sắc tộc hay tôn giáo, mới có thể sống hòa hợp với anh chị em mình”.
Nếu là Đức Bênêđíctô XVI nói như thế, nhiều thính giả chắc chắn sẽ nghĩ tới các tranh cãi lâu đời khiến Rôma chống lại các giám mục và các thần học gia Á Châu trong các vấn đề này. Họ sẽ cho rằng Đức GH muốn dập tắt hay ít nhất cũng muốn lên án cách khéo léo các quan điểm cấp tiến, muốn sáp lại Á Châu và các truyền thống của nó.
Với Đức Phanxicô thì khác, không ai hoài nghi ý muốn nối vòng tay lớn, nguyện vọng tha thiết muốn đối thoại của ngài, nên những nhận định như thế không ai chú ý cả, hay ít nhất không gây nên bất cứ phản ứng hay nhận định tiêu cực nào.
Sáng thứ Tư cũng thế, Đức Phanxicô, trong bài giảng lễ phong thánh cho linh mục Joseph Vaz, đã thúc giục người Công Giáo noi gương vị thánh mới và trở nên “các môn đệ truyền giáo”; ngài cho rằng “chúng ta được kêu gọi lên đường với cùng một lòng nhiệt thành như thế’.
Đức Gioan Phaolô II cũng nói như thế khi tông du Ấn Độ năm 1999. Ngài kêu gọi cho có một mùa gặt đức tin vĩ đại trên lục địa bao la và chủ yếu này… Thiên niên kỷ thứ nhất, thánh giá được trồng tại Âu Châu, và thiên niên kỷ thứ hai, được trồng tại Mỹ Châu và Phi Châu thế nào, thì thiên niên kỷ thứ ba, Thánh Giá cũng phải được trồng tại Á Châu như thế.
Lời nhận định ấy đã khiến nhiều người Ấn Độ theo Ấn Giáo nổi giận và lên tiếng phản đối phong trào cải đạo của Kitô Giáo tại đây. Họ tổ chức nhiều cuộc phản đối dọc lộ trình của ngài và yêu cầu ngài xin lỗi.
Nhưng với Đức Phanxicô, sự việc có khác. Cũng những câu nói với cùng nội dung đã không bị ai phê bình chỉ trích dù là người Phật Giáo đa số hay người Ấn Giáo thiểu số.
Vũ Văn An, VCN.