ĐỜI TU - 14 CHẶNG NGẮM

Hành trình lên đồi Golgotha là hành trình biểu lộ rõ nhất tình yêu của Thiên Chúa đối với con người... Cùng bước theo con đường khổ giá, con đường đến với sự sống, người tu sĩ cũng được chiếu soi từ con đường mẫu tận hiến đó.

ĐỜI TU - 14 CHẶNG NGẮM

Hành trình lên đồi Golgotha là hành trình biểu lộ rõ nhất tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Đó là của lễ Con Thiên Chúa đã hiến thân làm giá cứu chuộc cho nhân loại. Cùng bước theo con đường khổ giá, con đường đến với sự sống, người tu sĩ cũng được chiếu soi từ con đường mẫu tận hiến đó. Nhờ vậy, những con người “Theo Ta – Vác Thập Giá” sẽ gặp hạnh phúc ở cuối con đường này.

Chặng I: Nhập Dòng

Bước vào một cuộc sống mới, theo một lý tưởng mới, người tu sĩ bị “kết án”. Họ không còn sống cho riêng mình, nhưng sống cùng, sống với mọi người và Đấng họ mến yêu. Họ bị kết án là không còn sống theo phong cách tự do phóng túng, nhưng là theo nội qui và linh đạo của đời tu. Nhờ việc kết án này, họ bắt đầu bước theo con đường mới, con đường theo mẫu gương Đức Kitô.

Chặng II: Vác Thập giá

Theo Đức Kitô là vác Thập giá hằng ngày. Mỗi người, mỗi loại thập giá khác nhau. Có người vác thập giá bông, có người vác thập giá gỗ, có người nặng nề hơn khi phải vác thập giá bằng kim loại. Nhưng khi người tu sĩ biết sống chu toàn bổn phận hằng ngày bằng lòng mến, sống kết hợp mật thiết với Đức Kitô là lúc họ nhấc thập giá lên cách nhẹ nhàng, mà không phải là lê bước một cách nặng nề.

Chặng III: Ngã lần I

Nhiều khi thập giá quá nặng. Đó là những lần phạm luật, lúc khô khan trong việc đạo đức. Họ ngã vì những lầm lỡ đó. Nhưng rõ ràng, khi ngã quỵ không phải là cơ hội để nằm lì, mà chính là để thấy con người yếu đuối cần đến bàn tay Thiên chúa đỡ nâng.

Chặng IV: Tương quan gia đình

Con cái đi tu thường là niềm vinh dự cho gia đình. Vinh dự bao nhiêu, gánh nặng thêm nặng. Ngày ra đi, cha mẹ nào chẳng bịn rịn. Con cái đi tu, gia đình cũng “tu” cùng. Khi đi tu, người tu sĩ sẽ có những nỗi lo âu thường có về gia đình. Ai sẽ là người chăm sóc cho cha mẹ khi tuổi già? Lòng hiếu thảo của mình mọi người sẽ nghĩ thế nào? Nhưng Chúa Giêsu đã nói: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt37,10a).

Chặng V: Anh em đỡ nâng

Đời sống cộng đoàn thì cần thiết trong đời tu. Không có lối sống riêng lẽ như hòn đảo trong cộng đoàn. Đời sống cộng đoàn giúp người tu sĩ vững bước hơn trong ơn gọi của mình. Điều đó thể hiện qua những lần anh ngã em nâng… Thật hạnh phúc khi trên con đường theo Thầy có những anh em cùng lý tưởng, mục đích. Những vui buồn trên con đường được anh em sẻ chia. Nhờ đó, thập giá trở nên nhẹ nhàng hơn khi họ chỉ bước những bước chân độc hành.

Chặng VI: Ân nhân

Cuộc sống bao gồm những mối liên hệ. Đời tu không chỉ vỏn vẹn trong bốn bước tường, nhưng luôn có những ân nhân giúp đỡ người tu sĩ về tinh thần, vật chất. Họ là những con người quý mến những tấm lòng nhiệt thành vì Chúa. Người tu sĩ luôn ghi nhớ điều đó, in vào tâm họ trong mỗi lời kinh nguyện. “Xin Chúa trả công vô cùng cho những kẻ làm phúc cho chúng con”.

Chặng VII: Ngã lần II

Ngã! Có những khi trong đời tu cám dỗ triền miên, tưởng chừng không còn đứng dậy được nữa. Thập giá nặng hay là vì thân xác nặng? Nếu thập giá nặng thì ơn Chúa sẽ đủ cho họ bước tiếp. Thân xác nặng thì phải xem lại chính cách sống của họ. Những giờ nguyện ngắm tâm tình sẽ giúp họ nhận ra những yếu đuối và kịp thời uốn nắn.

Chặng VIII: Tương quan tha nhân

Mọi người thường bảo đi tu thì sướng, có người bảo là thằng khùng. Mỗi người, mỗi quan niệm. Quan niệm nào cũng có cái lý của quan niệm đó. Người đi tu thì rõ hơn về cái sướng, cái khổ đó. Trong đời tu, tha nhân chính là mình, tha nhân chính là Chúa. Chỉ biết rằng, sống vì tha nhân để đến với Chúa.

Chặng IX: Ngã lần III

Ngã nữa! Lúc nghĩ ta mạnh, là lúc dễ vương sa ngã. Ma quỷ biết lợi dụng điểm yếu của mỗi người. Biết là thân phận yếu hèn, nhưng nếu người tu sĩ không biết cậy dựa vào Thiên Chúa thì lần ngã này có thể không gượng dậy nổi để bước tiếp con đường thập giá. Nếu họ biết trung thành với ơn Chúa, họ sẽ càng thêm triển nở trong đời sống dâng hiến.

Chặng X: Lột bỏ con người cũ

Đời tu không cho phép người tu sĩ mang lối sống tự do phóng túng của con người cũ vào tu viện. Sống trong tu viện giữ luật để luật giữ mình. Lột bỏ lớp giáp tự vệ cái tôi để đón nhận những tác động của Thánh Thần trên đời sống người tu sĩ. Nhờ vậy, Thánh Thần sẽ hướng dẫn họ trên con đường thập giá, giúp họ sống thật trong con người tự do vâng phục.

Chặng XI: Đóng đinh tính xác thịt vào Thập giá

Buông thả theo cảm xúc xác thịt làm hư hại con người. Đóng đinh tính xác thịt vào thập giá là gạt bỏ những gì làm người tu sĩ xa Chúa. Không ai tự hào cho mình là người đứng vững trong vấn đề này. Trong cuộc chiến, không gì hơn là sự chiêm ngắm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, tránh xa các chước cám dỗ.

Chặng XII: Chết

Chết để được sống. Khi đời tu là một cuộc dâng hiến trọn vẹn, người tu sĩ hạnh phúc trao ban tất cả. Họ “chết” cho Chúa và tha nhân. Xin cho họ luôn giữ được nhiệt huyết của linh đạo dòng mình trong suốt chặng đường thập giá.

Chặng XIII: Mọi người yêu mến

Khi ra đi, người tu sĩ được mọi người yêu quý vì đã để lại một tấm gương đạo hạnh, phục vụ. Sống một cuộc đời hiến dâng trọn vẹn, họ là những chứng tá sống vì Hiến chương Nước trời. Họ phải sống sao để mọi người không phải than khóc vì những hối tiếc, nhưng mừng khóc vì được gia nghiệp Chúa ân ban.

Chặng XIV: Trọn vẹn ân tình

Các chặng đường tu không luôn là con đường đầy hoa thơm cỏ đẹp. Trên một con đường sẽ có nhiều lý tưởng chung gặp nhau. Sống đời tu là sống vì lý tưởng vinh quang của Thiên Chúa. Trọn vẹn cho một lý tưởng là chuyện không đơn giản. Kết thúc chặng đường, sẽ không còn những bước chân đồng hành quen thuộc. Đối diện với Chúa, liệu người tu sĩ sẽ mang theo gì sau cuộc đời này?

Pet Yen