QUẢN LÝ CẢM XÚC

Thời gian cứ trôi đi và cuộc sống của tôi cũng không nằm ngoài vòng xoay đó. Từ sâu thẳm tâm hồn, trong tôi vẫn nhen nhóm một ước mong muốn được biết chính mình, với một niềm hy vọng rằng vào một ngày nào đó tôi sẽ tìm được phương thức giúp tôi biết cách quản lý và làm chủ cảm xúc của bản thân. Và rồi, niềm mong đợi này không nằm ngoài vòng tay quan phòng của Thiên Chúa...

QUẢN LÝ CẢM XÚC

“Thế giới này sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu có những con người biết mình hơn”.

Tôi không nhớ rõ, lời nhận định trên của triết gia nào, nhưng tư tưởng này đã gieo vào lòng tôi sự tò mò và một niềm khao khát được khám phá bản thân. Tôi đã từng đặt ra cho mình thật nhiều câu hỏi: Tại sao tôi cần biết mình? Bản thân tôi có gì để khám phá? Tôi sẽ bắt đầu từ đâu? Một mớ câu hỏi cật vấn tôi! Thật không dễ dàng cho tôi chút nào bởi cả một quảng thời gian dài – hơn hai mươi năm làm người, lĩnh hội biết bao kiến thức về cuộc sống nhưng đã có trường lớp hay thầy cô nào dạy cho tôi biết rằng tôi phải học biết về bản thân để biết mình hơn đâu! Nhìn vào những thực trạng xã hội, tôi lại thầm hỏi: Bởi đâu có những đổ vỡ trong mối tương quan giữa con người, giữa vợ với chồng, giữa anh chị em trong gia đình, giữa cha mẹ với con cái, giữa đồng nghiệp, thậm chí, giữa những người cùng lý tưởng dấn thân? Vì đâu?!!

Thời gian cứ trôi đi và cuộc sống của tôi cũng không nằm ngoài vòng xoay đó. Từ sâu thẳm tâm hồn, trong tôi vẫn nhen nhóm một ước mong muốn được biết chính mình, với một niềm hy vọng rằng vào một ngày nào đó tôi sẽ tìm được phương thức giúp tôi biết cách quản lý và làm chủ cảm xúc của bản thân. Và rồi, niềm mong đợi này không nằm ngoài vòng tay quan phòng của Thiên Chúa. Ngài đã ban cho tôi cơ hội khám phá chính mình qua buổi tọa đàm của một chuyên gia tâm lý mà tôi được tham dự tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Tp. HCM. Hình ảnh đầu tiên gây ấn tượng và ngạc nhiên trong tôi chính là sự hiện khá đông của các vị có tuổi đáng kính. Điều này nằm ngoài sự tưởng tượng của tôi, vì tôi cho rằng việc tìm hiểu về bản thân mình chỉ là thao thức của những người bạn trẻ như tôi.

Mở đầu buổi nói chuyện, chúng tôi nhận được một câu hỏi khá bất ngờ và thú vị: “Mỗi người hãy tự lượng định và tự trả lời cho mình rằng mỗi ngày tôi cần phải ăn và bổ sung bao nhiêu tình cảm và cảm xúc tích cực cho đới sống tâm linh của tôi?” Trời ạ! Câu hỏi đúng là bất ngờ và khó trả lời làm sao! Một khoảng lặng làm cho hội trường trở nên trầm lắng . Nhìn sang bên trái, liếc sang bên phải tôi thấy ai cũng đưa tay lên nhưng không phải để trả lời mà đang vò đầu vuốt trán và trầm ngâm suy nghĩ. Con người trong xã hội thời nay vốn sống với xu hướng thích ăn cơm nóng, nói chuyện nóng, càng nóng hổi, càng sốt dẻo thì càng được quan tâm và biết đến. Mấy ai nghĩ đến việc quan tâm đến cảm xúc của đời sống tâm linh?! Hỏi như thế thì thật là…vò đầu, bức tóc cũng là điều dễ hiểu thôi. Tôi thầm nghĩ, giả như câu hỏi được đổi lại như: “Xin các bạn tự lượng định và tự trả lời cho mình rằng mỗi ngày tôi nên ăn bao nhiêu chất bổ, bao nhiêu gram đạm và protein để đảm bảo sức khỏe? thì chắc hẳn câu trả lời sẽ sinh động và phong phú biết chừng nào.

Thời gian trả lời đã qua đi nhưng trong tôi vẫn còn nhiều băn khoăn và suy nghĩ khi tôi được lắng nghe biết bao nhiêu vấn nạn được đặt ra. Hầu như đa số câu hỏi đều được bắt đầu đại loại như: tôi như thế này, như thế kia, tại sao chồng, vợ, con hay đồng nghiệp tôi lại hành xử như vậy với tôi? Tôi phải làm gì để thay đổi họ đây? Câu trả lời đơn giản cho tất cả những câu hỏi đó là: Tôi đừng làm gì hết ngoài việc hãy tự hỏi bản thân tôi đã phải làm gì để thay đổi chính mình rồi? Nếu nghĩ được như vậy thì tôi đã sống được nguyên lý tìm hài vừa với chân mình thay vì trải thảm cho thế giới (Anthony de Melo). Bởi theo lẽ thường tình, nếu ai đó cho tôi món quà mà tôi không nhận thì món quà đó sẽ nằm trên tay ai? Nhận hay không là quyền tự do của mỗi chúng ta. Lúc này dường như cả kháng phòng, ai nấy đều im lặng. Nghe đến đây, tôi dường như thấm thía về quy luật của cuộc đời. Đúng là mọi nguyên nhân đều bắt nguồn không đâu xa ngoài chính bản thân mình. Thế mà lúc nào tôi cũng tự tạo ra hàng rào danh dự bảo vệ mình bằng cách đỗ lỗi cho người này, người kia hay hoàn cảnh nọ. Tôi nhận ra rằng chính tôi, chứ không phải ai khác, đã tự mang đau khổ đến cho chính mình. Đó cũng là nguyên nhân làm cho tôi đôi khi khó chấp nhận bản thân.

Tạ ơn Chúa! Chúa đã không bỏ rơi một hình hài do chính Ngài nắn tạo nên, dù nó còn nhiều giới hạn và yếu đuối. Người đã đánh thức, khai mở cho tôi thấy được sự huyền nhiệm của ơn gọi làm người, điều mà bao năm qua tôi đã không hề lưu tâm hoặc chưa ý thức đủ. Chính lúc được trở về khám phá mầu nhiệm của đời mình, tôi mới cảm thấy đời tôi có nhiều ý nghĩa. Lúc này trong tôi như muốn hát lên thật to lời Thánh Vịnh “Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài thật xiết bao kỳ diệu” (Tv138,14). Tạ ơn Chúa vì đã nắn tạo nên con như con là, tạ ơn Chúa đã cho con được làm người. Hơn bao giờ hết, tôi thấy mình thật giá trị trước mặt Cha. Tôi hạnh phúc vì được làm người.

Chúa nắn tạo nên tôi khi ban cho tôi một thân xác lành mạnh, nhưng cao trong hơn nữa khi Ngài ban cho tôi một linh hồn, thổi vào tôi tình yêu Ngài và một con tim có cảm xúc. Không dừng lại ở cảm nhận nhất thời, tôi nghe như một lời mời gọi trở nên người quản lý cho những ân ban đó. Biết mình là một chuyện nhưng làm sao để gìn giữ và quản lý cảm xúc của chính mình lại là một thách đố đòi hỏi tôi phải đối diện thường xuyên trong cuộc sống của tôi. Chúa không cho phép tôi gạt bỏ hay khước từ những giới hạn của chính mình, mà Ngài mời gọi tơi chấp nhận và thăng tiến chúng mỗi ngày. Chỉ những lúc yếu đuối, tôi mới cảm thấy mình cần đến ân sủng của Cha,  vì tôi tin rằng; “Ơn Thầy đủ cho con vì sức mạnh của Thầy biểu lộ qua sự yếu đuối của con” (1Cr12,9)

Cúc Trắng – BM Santa Rosa