"NGƯỜI RỐT HẾT SẼ LÊN ĐẦU "

Nếu như thế gian có sự hưởng dụng những đặc quyền đặc lợi cho kẻ ở vị trí cao, thì với Nước Trời tất cả những tiêu chí ấy sẽ không có giá trị. Cánh cửa nước trời mở ra cho mọi người theo lòng quảng đại, theo tình yêu vô lượng của Thiên Chúa, vì thế người ta chỉ có thể tiến vào nếu can đảm bỏ qua những gì là ràng buộc thế tục, là ích kỷ vụ lợi, để hiểu được sự nghèo nàn của mình và luôn sống biết ơn Thiên Chúa...

"NGƯỜI RỐT HẾT SẼ LÊN ĐẦU "

Cha Viễn, OP

Chúng ta hay có xu hướng tô vẽ nên vẻ bề ngoài của 1 con người, mà chưa nhìn sâu vào bên trong để thấy được những điều lạ lùng Chúa làm nơi họ. Thông thường khi nhìn 1 con người có vẻ thánh thiện, đạo mạo, làm nhiều việc nhân đức, thì mình nói họ là thánh thiện. Còn những người bị bệnh down, tâm thần, tội nhân... thì mình có xu hướng ít quan tâm, ít bàn tới, hoặc tránh xa. Xét cho cùng chúng ta hay nhìn vào những vẻ bên ngoài để phán đoán 1 con người, để xét đến sự thánh thiện của họ. Nhưng ít khi chúng ta đi vào chiều sâu, vào giá trị đảo ngược của tin mừng nơi mỗi nhân vị.

Thiên Chúa là Đấng siêu nhiên, Người siêu việt và cách biệt hoàn toàn với tự nhiên (thiên thần, ma quỉ, linh hồn con người - linh hồn con người chỉ được gọi là tự nhiên vô hình). Khi xưa, trong 1 số cuốn sách người ta hay dịch là "đời sống thiêng liêng", nhưng nay người ta sửa thành "đời sống tâm linh". Đời sống tâm linh là điều mà chính Thiên Chúa ban cho con người, một hồng ân ban tặng nhưng không. Siêu nhiên là  điều hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, con người chỉ là người đón nhận từ một Đấng Trao Tặng Nhưng Không.

Ta hay có xu hướng bám víu vào tài năng đức độ để so sánh mình hơn người này người nọ, nhưng điều Thiên Chúa muốn ta nhận ra, đó là ta và các tội nhân cũng đều là người nhận lãnh, bởi vậy ta phải khiêm nhường.

Khiêm nhường ở đời này thường là khiêm nhường trá hình. (Ví dụ : “Ồ anh hát hay quá...”, “Không đâu tôi hát cũng được được thôi”). Nếu tôi là người hát hay thật sự thì cứ nhận đi... Đôi khi họ muốn giữ cho mình 1 đức tính luân lý tốt lành để chứng tỏ rằng mình ngon hơn người khác (“Ồ, thật là ngưỡng mộ anh ấy, anh ấy vừa hát hay, lại vừa khiêm tốn...”).

Ở thế giới siêu nhiên lại khác hẳn, Thiên Chúa sáng tạo tất cả từ hư vô. Thiên Chúa đã tặng ban biết bao nhiêu hồng ân trên các tạo vật của Ngài. Khi đã lãnh nhận, chúng ta đừng có vênh vang cho rằng tôi chưa lãnh nhận. Lẽ ra điều với điều này tôi nên cảm ơn Chúa, đón nhận với lòng tri ân Chúa, là Đấng đầy lòng yêu thương và sự tự do, luôn ban tặng nhưng không cho loài người.

Nguyên lý căn bản : Khi Thiên Chúa tặng không, nếu ta đón nhận với lòng tri ân, sẽ dẫn theo hệ quả là ta làm việc, đáp lại với lòng tri ân. Điều này thật đúng với cội nguồn đời sống Kitô Giáo. Ai nhận ra mình được ban ơn nhiều đó là người đạo đức thật chứ không giả hình làm bộ. Tất cả đều nhận lãnh từ một vị Thiên Chúa, mà với tình thương Người đã cúi xuống đáy tận cùng. Vì vậy khi nhận lãnh ta cũng phải biết đứng dậy phục vụ người nghèo. Giáo Hội càng cúi xuống trên những người bé mọn, càng lộ ra một cuộc sống chân thật.

Thái độ chân nhận sự hư vô của con người chỉ được biểu lộ khi ta có thái độ sống biết ơn với bao món quà ta được nhận không này, và biết chia sẻ với những người kém may mắn hơn ta. Ai càng nhận ra mình là người rốt hết, hư vô nhất, họ lại là người lớn nhất trong Nước Trời. Tinh thần nghèo khó không phải là một đức tính luân lý để bám víu, để sử dụng ở đời này. Có tinh thần cởi mở để hiểu được sự nghèo nàn của mình ở đời này là do được Thần Khí Thiên Chúa soi sáng.

Phúc thay những ai nhờ tinh thần của Chúa mà nhận ra mình nghèo ở đời này. Ông Gia kêu chỉ có một thân xác nghèo nàn xấu xí (về chiều cao), ông không có gì hết, leo lên cây như một đứa trẻ, vậy mà trên con đường đó ông lại gặp gỡ được Thiên Chúa. Người biết chấp nhận cái nghèo, nhìn nhận mọi sự là hư vô, và ý thức đến việc mình mắc nợ Thiên Chúa quá nhiều; lại là người được Thiên Chúa đưa vào dòng suối tâm linh mà nguồn mạch là chính Thiên Chúa. Điều này vẫn chưa thể hiện rõ trong bầu khí Giáo Hội. Trong Giáo Hội Việt Nam vẫn còn so sánh rất nhiều để “bằng chị bằng em”, vẫn còn khinh chê người tội lỗi dốt nát…

Chúng ta biết rằng đôi khi có những người ngễnh ngãng, muốn đến với Chúa nhưng lại bị mọi người xua đuổi, không có một sự trân trọng. Họ không nhận ra rằng, đây mới là người được Chúa thương nhất!

Đạo cứu độ khác một trời một vực với đạo luân lý. Đạo cứu độ lật ngược hết mọi thứ. Đây không phải là một thái độ tội nghiệp “trái chứng trở trời” của Thiên Chúa, mà là sự vận hành của ơn cứu độ. Ơn này đổ xuống những người xì ke ma túy, gái điếm... Họ lại là những người có cơ may nhảy đến với Chúa, được hưởng ơn cứu độ của Ngài.

Ta gọi Chúa là Cha là nhờ Chúa Giêsu Kitô (Một giao ước của chính bản thân Ngài). Chúa Giêsu nói "Cha của Thầy cũng là Cha của anh em " (Ga 20,17). Ở đây từ "của" rất đặc biệt, nó có 1 mối dây liên hệ đặc biệt. Ta biết rằng nơi thuộc về khác với lệ thuộc. Lệ thuộc là ta không tự do, bản thân của ta nằm ngoài. Nơi thuộc về có nghĩa rằng ta thuộc về một cộng đồng ngôi vị, ta góp cái "tôi" vào. Ta thuộc về nhau chứ không lệ thuộc nhau.

Ví dụ: Một bà cô già không chồng, bà không có nơi thuộc về, bà thường có xu hướng bảo đảm cho cuộc sống cô độc của mình bằng những sự vật. Như khi ai đó lấy đi mất cái chổi, cái nồi của mình thì bà khó chịu la lối, khó tính vô cùng. Nếu người có gia đình, có nơi thuộc về thì họ vì chồng vì con, nếu mất đi một điều gì đó cũng không sao, vì còn gia đình là còn tất cả…

Khi ta được rửa tội, ta thuộc về Chúa, Chúa thuộc về ta. Ta được gọi Chúa là Cha, không phải vì ta đẹp lòng Chúa hay ta ít tội lỗi hơn. Nhưng đó là một thực tại: ta có phẩm giá của một người con trước mặt Chúa.

Khi ta biết lãnh nhận với lòng tri ân, tự động ơn Chúa sẽ thay đổi đời sống chúng ta. Khi ta nói về 1 vị thánh, ta thường đề cập đến những điều tốt đẹp của họ. Trong khi đó, ta ít để ý đến điều quan trọng để họ được hiển thánh đó là lời chứng của họ, lời chứng mà qua đó làm lộ ra ơn tặng ban nhưng không của Thiên Chúa. Thông qua vị thánh, ta ca tụng tình yêu lạ lùng của Chúa. Giống như các Thánh Tử Đạo Việt Nam, họ là những người ngố vô cùng, nhiều vợ, nhiều con, bỏ đạo, chối đạo, chỉ cần bỏ đói vài ngày là chối Chúa ngay... họ yếu đuối vô cùng. Vậy mà Thiên Chúa đã làm trên cuộc đời của họ. Sự bé mọn lộ ra qua lời chứng.

Tóm lại, nếu Giáo Hội luôn luôn sống trong chiều kích Đức Maria : như hiền thê, âm thầm phục vụ, cúi xuống với người nghèo thì Giáo Hội sẽ bền vững vô cùng. Lời chứng của người nghèo hay tuyệt vời. Ta hãy tập thói quen cúi xuống đụng chạm đến người nghèo. Đừng chỉ lấy gương sáng của các “Đấng bậc” để sống theo, ta sẽ có nguy cơ ra khỏi lời chúc phúc của Chúa Giêsu: "Người rốt hết sẽ lên làm đầu"…

Bình Minh Sata Rosa ghi nhận.