Hành Trình Emmau
□ Nhìn em khóc, tôi cũng mủi lòng. Tôi thương em khổ. Tôi muốn an ủi nói thời gian sẽ chữa lành vết thương. Nhưng tôi yên lặng không nói chi, bởi biết có nói cũng bằng thừa. Nhìn em, tôi nghĩ tới hành trình Emmau...
Em,
hồi xưa giúp lễ cho tôi. Bây giờ lớn rồi, không giúp lễ nữa, nhưng đi lễ Chúa Nhật đều đặn. Con trai sinh ra bên Úc mà tiếng Việt nói giỏi không thua chi tiếng Anh. Còn hơn một năm nữa, em sẽ ra trường, văn bằng Master. Chiều hôm qua, em ghé vào nhà xứ, miệng sặc sụa mùi rượu. Tôi hỏi sao lại uống rượu ban ngày, bộ không sợ cảnh sát chặn lại bắt thổi hơi rượu hay sao. Em nhìn tôi, nói khô khốc con bị vợ bỏ. Tôi phá ra cười trong bụng, nhưng không tỏ lộ trên nét mặt, bởi em đã đám cưới bao giờ đâu mà có vợ. Nhớ tới cô gái tóc dài đen nhay nháy hay ngồi bên cạnh em trong thánh lễ chiều Chúa Nhật, tôi hỏi bây giờ thì sao?...
Em nghiêm nét mặt nói ngày mai cha ra nhà xác mang con về, chôn con ở đất thánh. Tôi hơi hốt hoảng nói bộ không còn gì để cứu vãn nữa hay sao? Em con trai râu quai nón nhìn rất nam nhi mà tự dưng lăn dài hai hàng nước mắt. Em nức nở khóc nói nó bỏ con đi lấy chồng rồi. Cha ơi giờ con chẳng còn gì nữa. Tan nát hết rồi cha ơi. Em lại gục mặt xuống khóc nức nở.
Nhìn em khóc, tôi cũng mủi lòng. Tôi thương em khổ. Tôi muốn an ủi nói thời gian sẽ chữa lành vết thương. Nhưng tôi yên lặng không nói chi, bởi biết có nói cũng bằng thừa. Nhìn em, tôi nghĩ tới hành trình Emmau.
Chị,
sinh hoạt trong Hội Lêgiô, tôi lâu lâu ghé vào Hội chia sẻ một bài giảng, dâng một thánh lễ. Hôm tôi giảng về nỗi mất mát của hai môn đệ trên đường Emmau, tự nhiên chị ngồi ôm mặt khóc thành tiếng. Cuối ngày cấm phòng, chị tâm sự riêng tư,
— Cha nghĩ thử coi, chồng thì chết trong trại cải tạo, xác không biết chôn ở đâu. Còn mỗi mình nó, chị bồng nó trên vai xin phép anh cho chị mang con đi vượt biên. Tới Úc, chị ngày cày hai job nuôi con. Ong Tây ong Việt lờn vờn trước cửa, nhưng chị đóng cửa lòng nuôi con khôn lớn. Mười tám tuổi, nó xin phép mẹ đi dự tiệc Prom ra trường. Nửa đêm, đồng hồ gõ 12 tiếng, cảnh sát gõ cửa đưa tin con chị bị xe vận tải cán nát bấy.
Nói tới đây chị lại vực mặt vào hai lòng bàn tay khóc mùi mẫn.
Tôi nhìn chị khóc, tự nhiên tôi mơ tới Chúa gọi tên em như ngày nào Chúa đã gọi Lazarô bước ra khỏi ngôi mộ đá.
Gặp,
em, gặp chị, tôi cứ nghĩ tới hành trình Emmau. Tôi nghĩ tới những lần tôi cũng đã thất vọng khi con thuyền đánh cá đang lênh đênh trên biển, những người trên thuyền đang bị hải tặc hành hung, khiến cho máu đỏ, mạng sống, đời người loang lổ trên một khoảng sàn tàu nhỏ nhoi. Nghe lời chia sẻ của em và của chị, tôi lại nhớ tới không biết bao nhiêu lần tôi bừng con mắt dậy chỉ để nhận ra giờ này mình đã trắng tay. Bao nhiêu mộng mơ vào trong tương lai giờ này đã tan biết hết. Vào những giây phút thất vọng như thế, tôi cứ hay nghĩ tới hành trình Emmau,
— [Vào một buổi sáng mùa Xuân], có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmau, cách Giêrusalem bẩy dặm đường. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Ðang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Ðức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. Người hỏi họ: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?" Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu (Luke 24:13-17).
Nỗi mất mát nào chẳng mà đớn đau, bởi vì cách đây khá lâu, cũng đã có rất nhiều người cũng đã cảm nghiệm được sự mất mát to lớn cho một giấc mơ. Nhìn hòn đá đang từ từ che kín ngôi mộ, nhiều người có cảm tưởng mình đang lăn tảng đá chôn lấp giấc mơ của chính mình. Còn gì nữa mà mơ! Có người bỏ về làng tiếp tục nghề đánh cá. Có người âm thầm ngồi than khóc trong bóng tối. Có người treo cổ tự sát.
Cuộc sống là một tổng hợp của những buồn và vui, khóc và cười, mất và được. Có những lúc nổi giận, đốt hết. Có những lúc từ bi, thứ tha. Có những lúc mất hết, trắng tay. Những mất mát trong đời là một phần của cuộc sống. Chấp nhận mất mát cũng như chấp nhận ánh sáng ban ngày và bóng tối ban đêm. Chấp nhận mất mát cũng như chấp nhận mình đang còn trẻ và mình cũng đang già. Chấp nhận mất mát cũng như chấp nhận mình là con của bố và của mẹ, có những người chị, người anh, và người em.
Nhưng chấp nhập không thì cũng chưa đủ. Phải hy vọng, hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn, rực rỡ hơn. Hy vọng như người con hoang đàng, hai người phụ nữ, một người bên giếng nước, một người trước tòa án, đã hy vọng những dĩ vãng những lỗi lầm của mình sẽ được quên đi, sẽ được xóa nhòa. Hy vọng như Phêrô đã từng hy vọng là mình sẽ được thứ tha. Thất vọng như Giuđa đã từng tuyệt vọng vào một ngày mai. Cành cây bên vệ đường là nơi người mất hy vọng tìm đến. Một sợi dây treo lên, một mạng người rớt xuống. Hy vọng như hai người môn đệ của hành trình Emmau...
Theo như Luca, vào một buổi sáng mùa Xuân, có hai người quyết định rời bỏ thành phố Giêrusalem. Trên con đường bẩy dậm dẫn về ngôi làng nhỏ bé Emmau, có hai người mất hy vọng đang đi với nhau. Nhưng Niềm-Hy-Vọng đã tới với họ. Niềm-Hy-Vọng chuyện trò với họ. Và bởi Niềm-Hy-Vọng, họ quyết định quay về Giêrusalem, thành phố của mất hy vọng. Họ quay về để tạo dựng lại một niềm hy vọng mới. Bao nhiêu người chứng kiến cảnh tảng đá đang từ từ chôn lấp một xác chết. Họ thất vọng. Họ cảm nghiệm đắng cay cho một mất mát. Nhưng rồi họ lại hy vọng, hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn. Cuối cùng đúng như họ mơ ước, mùa Xuân, Mùa Hy Vọng đã tới gần hai ngàn năm.
□ Nguyễn Trung Tây, SVD