VINH DỰ CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ

Rất có thể người môn đệ cũng vác thập giá nhưng không ý thức đủ về mầu nhiệm của thập giá, nên không chấp nhận những hy sinh vì nhu cầu phần rỗi các linh hồn. Vác thập giá mà không bước đi theo Đức Kitô, không ý thức đủ về mầu nhiệm của thập giá, người môn đệ biến thập giá trở thành đồ trang sức để đánh bóng cho danh dự, tên tuổi của mình. Và như vậy, khi phải vác thập giá mà không được theo như ý mình, phải hy sinh nhiều hơn là được lợi cho bản thân, người môn đệ sẽ dễ dàng từ bỏ thập giá để chọn lựa cái khác có lợi cho mình hơn.
VINH DỰ CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ

Sống ở đời, ai cũng muốn tìm cho mình một vinh dự. Có người tìm vinh dự nơi tiền bạc, coi tiền bạc như là một vinh dự, thế là dốc toàn tâm toàn ý để kiếm cho thật nhiều tiền. Có người coi vinh dự của đời mình là danh vọng, chức quyền. Quyền càng cao, chức càng trọng thì vinh dự càng lớn; tên tuổi càng nổi thì vinh dự càng tỏa sáng, vậy là cũng tìm đủ mọi cách để đánh bóng cho tên tuổi, hầu củng cố cho chức quyền, địa vị của mình. Người đời là thế, vinh dự của họ là vậy, thế đâu là vinh dự của người môn đệ Đức Kitô?

 

Trong thư gởi tín hữu Galata, chương 6 câu 14, thánh Phaolô Tông Đồ minh định cho chúng ta đâu là vinh dự của người môn đệ Đức Kitô: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!”

Vậy là đã rõ, vinh dự của người môn đệ phải là Thập Giá Đức Kitô. Vì đối với Đức Kitô và các môn đệ của Ngài, chỉ có Thập Giá mới dẫn đến Vinh Quang. Và Thập Giá phải là niềm vui, niềm hy vọng, là sự nghiệp và là hạnh phúc của người môn đệ.

 

Thế nhưng thử hỏi, ở đời có mấy ai muốn chọn Thập Giá làm vinh dự của mình, vì Thập Giá thường gắn liền với đau khổ, nhọc nhằn; gắn liền với hy sinh, và đòi hỏi một sự từ bỏ bản thân cách triệt để. Thập giá, đau khổ là thế, nhọc nhằn và đòi hỏi phải hy sinh là vậy, thế mà Chúa Giêsu lại cho đó là điều kiện tối cần thiết cho những ai muốn bước theo Ngài, muốn làm môn đệ của Ngài.

 

Thực vậy, Đức Kitô nói với chúng ta trong Matthêu 16, 24: “Nếu ai muốn làm môn đệ Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo ta.” Trong Luca 14, 27 Ngài nói: “Ai không vác thập giá mình mà theo Ta thì không thể làm môn đệ Ta.” Hơn nữa Ngài nói trong Matthêu 7, 13-14: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.” Thiên Chúa mời gọi người môn đệ vác thập giá và phải vác qua cửa hẹp!

 

Thiên Chúa muốn người môn đệ vác thập giá, vì thập giá chính là phương dược Ngài dùng để chữa lành cho con người những thương tích do tội của họ gây ra. Ngài biết sự đau đớn và nhục hình của thập giá và nếu Ngài đã có thể tìm ra được một phương cách khác thoải mái, dễ dàng hơn thì Ngài đã làm. Chúa Giêsu đã cầu xin Chúa Cha ba lần, “Nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này, nhưng đừng theo ý con, một xin theo ý Cha.” Với tình yêu dành cho Chúa Cha và cho con người, Đức Kitô đã vâng lời chấp nhận mang lấy bản tính mỏng dòn của con người, và đã chỉ cho con người biết phải yêu Chúa thế nào, qua việc xa tránh tội lỗi và qua việc chấp nhận đau khổ. Ngài đã trở nên nạn nhân của tội bằng cách tự hạ mình, sẵn sàng chấp nhận cái chết nhục nhằn trên thập giá. 

Thập giá cần thiết và là điều kiện để có thể làm môn đệ Đức Kitô. Tuy nhiên, người môn đệ không được tự tạo ra thập giá cho mình, nhưng biết sẵn sàng đón nhận thập giá và đi con đường thập giá luôn có và đủ trong cuộc đời và hành trình sứ vụ của người môn đệ. Thập giá luôn có và đủ để người môn đệ vác, và nhất là để thanh luyện người môn đệ nên giống Thầy mình, sống như Thầy, hy sinh như Thầy, phục vụ như Thầy mình, hầu được hưởng vinh quang với Thầy.

 

Đối với người môn đệ, thập giá, trước hết, là sự tiết chế cần thiết để sống siêu thoát trước những nhu cầu được thoải mái, tiện nghi, và được thỏa mãn của bản thân. Ngày nay, trước những tiện nghi về vật chất, người môn đệ dễ bị cám dỗ để có một cuộc sống thoải mái và tiện nghi. Nhiều khi lấy lý do là để phục vụ, để làm việc cho có hiệu quả …, nên cố gắng tìm kiếm cho được những tiện nghi vật chất: nào là phải có Laptop xịn để làm việc; nào là phải có xe hơi để làm phương tiện đi lại; nào là phải có Ipad để dễ tra cứu trên mạng Internet ... Ma quỷ đang dùng những thứ đó để kéo người môn đệ xa Chúa, xa Giáo Hội, xa những giáo huấn của Chúa và Giáo Hội về tinh thần khó nghèo của người môn đệ, và nhất là đi lạc hướng trong khi phục vụ con người. Khi đó thay vì phục vụ cho những nhu cầu của người khác thì người môn đệ lại phục vụ cho những nhu cầu hưởng thụ của chính bản thân mình.

 

Kế đến, thập giá là những hy sinh mà người môn đệ, trong sứ vụ phục vụ, dành cho và vì hạnh phúc của tha nhân. Người môn đệ Đức Kitô phải là người sống theo Thầy mình, Đấng “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 45). Sống trong một nền văn hóa “thờ Chúa kính cha”, người môn đệ dễ quên đi sứ vụ của mình là phục vụ, bởi vì người ta vẫn coi người môn đệ như là “thần tượng” của họ, nên cách này cách khác, họ luôn muốn cung phụng cho người môn đệ được đầy đủ về nhu cầu vật chất. Được cung phụng như vậy, người môn đệ dễ rơi vào tình trạng “ăn quen nhịn không quen”, và cứ như vậy, thay vì hy sinh phục vụ con người, người môn đệ sẽ bắt người khác phục vụ mình. Và khi không còn được phục vụ, hầu hạ, người môn đệ trở nên chán nản, bất mãn, rồi bỏ cuộc, bỏ thập giá và sứ vụ.

 

Sau cùng, thập giá là việc sẵn sàng từ bỏ ý riêng để phục tùng ý Chúa qua ý bề trên, hầu chu toàn cách tốt nhất trách nhiệm và sứ vụ của người môn đệ. Nhiều khi miệng thì nói: sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi được bề trên sai đi, nhưng lại thòng câu: với điều kiện là thế này, là thế nọ … Ví dụ: con sẵn sàng đi vùng sâu vùng xa, nhưng ở đó lại là vùng sông nước, mà con lại không biết bơi; hoặc: con sẵn sàng chuyển đổi đi chỗ khác, nhưng con lại đang làm dở dang công trình này công trình nọ; hay là: con phải đi chỗ khác, vì ở đây con không hợp với người này, không làm việc được với người kia. Không biết bơi, đang làm dở công trình này công trình nọ, hay không hợp với người này, không làm việc được với người kia, … không phải là lý do để không đổi đi chỗ khác hoặc để ở lại.

 

Lý do chính là không muốn bỏ ý riêng để sống ý Chúa qua ý bề trên. Ma quỷ có một nghìn lẻ một lý do để cám dỗ người môn đệ không sống Đức Vâng Phục, mà người môn đệ vẫn thấy hợp lý, và thậm chí bề trên cũng thấy hợp lý. Không từ bỏ ý riêng để sống Đức Vâng Phục, người môn đệ không thể vác thập giá và đi trọn con đường thập giá của đời mình. Và khi đó, thập giá không thể là niềm vinh dự của người môn đệ. Đức Kitô đã đi trọn con đường thập giá để cứu con người khỏi ách thống trị của tội là vì Ngài đã sống vâng phục thánh ý Chúa Cha.

 

Trong khi nỗ lực chu toàn trách nhiệm và sứ vụ, chắc chắn người môn đệ Đức Kitô sẽ phải đối diện với những khó khăn và thử thách, ngay cả những chống đối. Những khó khăn thử thách và chống đối đến từ bên ngoài, từ kẻ thù, điều đó xem ra dễ hiểu và dễ chấp nhận. Nhưng khó hiểu, khó chấp nhận và đau đớn nhất khi những điều đó xẩy đến từ trong chính nội bộ, từ những người thân tín của mình. Đây là nỗi đau mà Đức Giêsu đã phải trải qua khi bị Giuđa, một trong nhóm Mười Hai, phản bội.

 

Đây là thực tế mà người môn đệ phải biết và phải chấp nhận. Những hy sinh, những nỗ lực của người môn đệ là cho và vì hạnh phúc của người khác, nhưng người môn đệ cũng vẫn bị những “người khác” đó chống đối. Điều này chẳng có gì lạ, vì Đức Kitô đã làm nhiều phép lạ để chữa bệnh, trừ quỷ cho dân chúng, …, nhưng cuối cùng cũng nhận được sự trả ơn từ dân chúng là nhục hình khổ giá.

 

Người môn đệ chẳng làm gì cả thì bị cho là ù lỳ, lười biếng, không nhiệt tình; trái lại, khi nhiệt tình hăng hái phục vụ thì lại bị gièm pha đủ chuyện: nào là muốn lấy điểm với bề trên, nào là muốn đánh bóng danh dự bản thân, nào là thế này, nào là thế nọ …, cũng như “ông Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: ‘Ông ta bị quỷ ám.’ Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Mt 11, 18-19). Vậy, trước những khó khăn, nhọc nhằn, gièm pha, chống đối, nếu người môn đệ không coi niềm vinh dự của đời mình là Thập Giá Đức Kitô, làm sao có thể đứng vững và đủ can trường vác thập giá đến đỉnh đồi Canvê!?

 

Thập giá là niềm vinh dự của người môn đệ. Tuy nhiên, thập giá chỉ niềm vinh dự của người môn đệ khi người môn đệ vác thập giá của đời mình bước theo Đức Kitô, và ý thức, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô, “Thập Giá là mầu nhiệm, mầu nhiệm của Thiên Chúa, Đấng tự hạ mình trở nên không” vì con người. Rất có thể người môn đệ cũng vác thập giá nhưng không phải là bước đi theo Đức Kitô, mà là bước đi theo ý mình, theo ý thế gian. Nghĩa là, vác thập giá với suy nghĩ: chấp nhận hy sinh một chút để rồi sẽ được thế này, được thế kia: Vác thập giá theo kiểu “thả con tép bắt con tôm”, hay “hòn đất ném đi hòn chì ném lại” …

 

Rất có thể người môn đệ cũng vác thập giá nhưng không ý thức đủ về mầu nhiệm của thập giá, nên không chấp nhận những hy sinh vì nhu cầu phần rỗi các linh hồn. Vác thập giá mà không bước đi theo Đức Kitô, không ý thức đủ về mầu nhiệm của thập giá, người môn đệ biến thập giá trở thành đồ trang sức để đánh bóng cho danh dự, tên tuổi của mình. Và như vậy, khi phải vác thập giá mà không được theo như ý mình, phải hy sinh nhiều hơn là được lợi cho bản thân, người môn đệ sẽ dễ dàng từ bỏ thập giá để chọn lựa cái khác có lợi cho mình hơn.

 

Con đường thập giá của người môn đệ không khốc liệt như của Chúa Giêsu, nhưng luôn khó và thậm chí là không thể chấp nhận theo nghĩa tự nhiên. Tuy nhiên, nếu xác tín Thập Giá Đức Kitô là niềm vinh dự của đời mình, người môn đệ sẽ đủ can đảm sống lời Kinh Thánh: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Ga 2, 17). Và khi đó, người môn đệ sẽ học biết phải vác thập giá của mình cách trung thành thế nào qua cầu nguyện và suy gẫm với Đàng Thánh Giá.

 

Qủa thế, qua Đàng Thánh Giá, Đức Giêsu chỉ cho người môn đệ biết phải vác thập giá thế nào. Chúa Giêsu đã kiên trì chịu đựng từ chặng thứ nhất cho tới lúc chịu đóng đinh vào thập giá, để qua đó, mặc khải cho người môn đệ rằng, người môn đệ của Ngài không bao giờ phải vác thập giá một mình. Trong chặng thứ tư, Mẹ Maria xuất hiện và cùng bước đi với Chúa Giêsu. Cũng vậy, Mẹ sẽ cùng bước đi với người môn đệ của Đức Kitô trên đường sứ vụ, mà cũng là đường thập giá.

 

Trong chặng thứ năm, ông Simon thành Syrinê vác đỡ thánh giá cho Chúa Giêsu, và chặng thứ sáu, bà Vêrônica lau mặt cho Chúa. Thiên Chúa cũng gởi đến cho người môn đệ những con người, hiện thân của Đức Kitô, để giúp đỡ người môn đệ trên con đường thập giá và sứ vụ. Theo truyền thống, Chúa Giêsu đã ngã ba lần khi vác thập giá. Ngài ngã bởi vì sức nặng của tội loài người. Ngài đã ngã nhưng Ngài không ngục. Ngài đã đứng dậy mỗi lần ngã, và Ngài đã đi trọn con đường thập giá của Ngài.

 

Người môn đệ cũng có thể ngã vì những yếu đuối của bản thân, vì những khó khăn hiện tại và trước mắt, nhưng không được ngục. Người môn đệ phải đứng dậy bằng những nỗ lực của bản thân, qua việc ăn năn sám hối và xưng tội, cậy trông vào ơn Chúa và cậy nhờ vào những trợ giúp của nhiều người, nhất là biết đón nhận những góp ý của bề trên, của những người cùng đồng hành, cùng cộng tác, và của cả những người mình đang phục vụ họ, để rồi tiếp tục đi trọn con đường thập giá đời mình. Được như vậy, Thập Giá Đức Kitô thực sự sẽ là niềm vinh dự của người môn đệ.

 

Để kết, xin trích dẫn ra đây hát “Niềm Tự Hào” của Linh mục, nhạc sĩ Thái Nguyên để một lần nữa, xác tín về niềm vinh dự của người môn đệ Đức Kitô. Bài hát đó thế này:

 

“Niềm tự hào của tôi là Thánh Giá Chúa tôi, niềm tự hào của tôi là vác Thánh Giá đi lên mỗi ngày. 1/ Ta đi lên đi lên lòng vui vác thập tự giá. Ta đi lên đi lên trong hy vọng niềm tin sáng tươi. Vì sự nghiệp của ta là Thập tự giá. 2/ Ai tin yêu Giêsu đường đi chính là Thập Giá, không hoang mang lo âu nhưng vui mừng hiên ngang tiến lến lên. Vì đường Thập tự giá là đường hạnh phúc.”

 

Hà Vi