Để giữ hòa khí cho bạn cho tôi

Thiết lập mối tương quan tốt đẹp trong gia đình, xã hội luôn là ước mơ của con người. Muốn làm được điều đó, việc học hỏi kỹ năng sống, nhất là kỹ năng giao tiếp sao cho tạo nên sự an bình cả đôi bên là yếu tố cần thiết cho mọi người chúng ta.

Để giữ hòa khí cho bạn cho tôi

Chiều cuối tuần 22.03.2014, hàng trăm bạn trẻ đã nô nức tới Trung tâm Mục vụ TGP TPHCM để tham dự buổi nói chuyện của Frère Giuse Trần Trung Lập, FSC về một đề tài thật sự mới mẻ: “Tương giao bất bạo động”.

Tuong-giao-bat-bao-dong 09

 

Tuong-giao-bat-bao-dong 12

Tại sao xã hội ngày nay xem ra ngày càng báo động bởi những vụ án làm rúng động cả nước? Phải chăng tương giao con người với con người đang đi vào đêm tối của sự khủng hoảng trầm trọng về đạo lý, về luân thường?

1. Chỉ quan sát, không đánh giá

Diễn giả trình bày bài giảng dựa trên quan điểm của tiến sĩ Marshall B. Rosenberg, nhà tâm lý học Mỹ, người sáng lập và là Giám đốc phụ trách Dịch vụ Giáo dục của Trung tâm Giao tiếp bất bạo động. Trước hết, để tránh những sai lầm cho bản thân, để giữ tương quan tốt đẹp với người bên cạnh, chúng ta cần khởi đầu bằng việc chỉ quan sát sự việc mà không được đánh giá hay đưa ra lời nhận xét nào. Bởi vì, những hiện tượng đập vào mắt ta chưa hẳn đã phản ánh nội dung bên trong nó. Nghĩa là hiện tượng ban đầu ta quan sát thấy, ta chỉ nên nói về hiện tượng bên ngoài, không được phát biểu một suy đoán nào về nội dung bên trong của hiện tượng. Đây là quy tắc đầu tiên trong giao tiếp cũng như trong mọi vấn đề của đời sống giúp chúng ta có cái nhìn khách quan và đúng đắn, không bị sai lạc về người đối diện.

Danh ngôn có câu: “Lời nói ra như mũi tên đã bắn đi khó mà thu lại được”. Hoặc “Bạn sẽ làm người khác bị thương, hoặc bạn sẽ biến chính mình thành nạn nhân. Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi nói”. Hay ca dao Việt Nam cũng đề cập: Kim vàng ai nỡ uốn câu; Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời”.

Nếu ta nhìn hiện tượng bên ngoài và vội vàng đánh giá, lời đánh giá của ta sẽ làm cho người bị đánh giá tự ái, từ đó dẫn đến những xung khắc khó giải hòa.

2. Nhận biết và diễn tả cảm xúc

Khi chúng ta không biết diễn tả cảm xúc, người nghe sẽ không nhận ra điều chúng ta muốn, từ đó đi đến một chuỗi các hệ lụy như: không hiểu nhau và đổ vỡ mối tương quan tình cảm.

Người Việt thường có “cái tật” khó nói thẳng, hay tránh né những cảm xúc của mình, thậm chí không biết cách diễn tả cảm xúc cho đối tượng hoặc đối phương hiểu. Trong đó, phải kể tới một phần vì sĩ diện, vì bảo vệ “cái tôi” của mình, vì thế thay vì diễn tả cảm xúc, người ta thường trách móc nhau và đổ lỗi cho nhau. Chẳng hạn, khi ta bị người khác nói nặng lời, ta không dám nói lên cảm nhận của mình: buồn, thất vọng; mà ta thường trách đối phương: “Sao anh nói như thế?”, “Anh có biết anh đã làm tôi buồn không?”

Trong tương quan xã hội, đặc biệt tương quan vợ chồng, việc diễn tả đúng cảm xúc thay vì nói lên suy nghĩ sẽ có sức mạnh xoa dịu cơn nóng giận, bực tức và tái thiết mối quan hệ tình cảm tốt đẹp hơn.

3. Lãnh trách nhiệm về cảm xúc của mình

Đứng trước một câu nói không mấy tốt đẹp cho mình, chúng ta thường trải qua 3 giai đoạn:

- Chúng ta thấy mình chịu trách nhiệm về cảm xúc của người khác: Đây là lỗi của rất nhiều người. Khi nghe lời khiển trách, đánh giá của ai đó, ta thường tự trách mình: “Tại sao tôi làm cho người kia buồn?” Nếu chúng ta quá mang nặng suy nghĩ trách mình trước cảm xúc của người khác thì dễ rơi vào trạng thái cứ phải “gồng mình lên” để sống, cố gắng làm đẹp lòng mọi người. Như thế, sớm muộn gì, mối quan hệ của đôi bên cũng sẽ đi đến chán nản, mệt mỏi và đổ vỡ.

- Chúng ta không muốn nhận trách nhiệm về cảm xúc của người khác: Điều này sẽ làm tổn hại cả hai bên. Trước niềm vui, nỗi buồn của tha nhân mà ta quá dửng dưng, không cảm thấy liên quan gì tới mình, thì chúng ta dễ rơi vào tình trạng sống “nhẫn tâm”.

- Chúng ta chịu trách nhiệm về hành vi và ý định của ta: Chúng ta đáp lại nhu cầu của người khác, xuất phát từ lòng cảm thương, chứ không phải từ sợ hãi, tội lỗi hoặc hổ thẹn. Chúng ta chịu trách nhiệm về ý định và hành vi của mình chứ không lệ thuộc vào cảm xúc của người khác.

4. Lời yêu cầu

Ca dao Việt Nam có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua; Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” Hay câu: “Rượu lạt uống lắm cũng say; Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”.

Lựa lời nói sao cho đẹp, cho đúng thời cơ là điều không dễ, đặc biệt trong cách nói lời yêu cầu. Đó là cả một kỹ năng mà mỗi người cần phải học hỏi và kinh nghiệm. Tiến sĩ Marshall B. Rosenberg đã đưa ra những phương pháp cụ thể để nói lời yêu cầu mà không bị phản cảm:

- Dùng ngôn ngữ tích cực khi yêu cầu.

- Ngôn ngữ yêu cầu rõ ràng, cụ thể để diễn tả điều ta muốn.

- Đưa ra lời yêu cầu trong tâm trạng ý thức, biết rõ.

- Yêu cầu trung thực.

- Yêu cầu ngược lại với đòi hỏi.

Mục đích của lời yêu cầu không phải bắt người khác thay đổi hành vi để ý muốn của ta được thực hiện, nhưng là xây dựng mối tương quan dựa trên trung thực và cảm thông, điều này sẽ lấp đầy nhu cầu của mỗi người.

Thiết lập mối tương quan tốt đẹp trong gia đình, xã hội luôn là ước mơ của con người. Muốn làm được điều đó, việc học hỏi kỹ năng sống, nhất là kỹ năng giao tiếp sao cho tạo nên sự an bình cả đôi bên là yếu tố cần thiết cho mọi người chúng ta.

Nhận định: Bài giảng của diễn giả rất mạch lạc, logic, đã đem đến cho người nghe bài học quý báu và thiết thực trong đời sống hiện đại. Với cách trình bày cụ thể, chi tiết, rõ ràng, Frère Giuse Trần Trung Lập để lại nhiều ấn tượng đẹp qua buổi chuyên đề: “Tương giao bất bạo động”.

Hồng Loan.