Những Tâm Sự Từ Dụ Ngôn Người Cha Nhân Hậu

Chị kính mến, Đúng là hên quá, em đang nghỉ xuân và sống với các Sơ ở Kobe, cũng có chút thời gian rảnh rỗi, nhưng một tuần qua không vào được mạng. Hôm nay trời mưa, không ra vườn nhổ cỏ được, bất ngờ vào được email, thế là đáp ứng SOS của Chị. Em gởi đến các chị chút suy tư của em. Máy em đang dùng không có phông tiếng Việt, chị bỏ dấu vô cho em với nhé. Sau đó chị gởi lại cho em một bản có dấu với nha… Cảm ơn Chị nhiều. Em Bích Trang, fmm.

Những Tâm Sự Từ Dụ Ngôn Người Cha Nhân Hậu

NGƯỜI CHA:

Tui có hai đứa con, thằng lớn thì lúc nào cũng nghiêm trang đứng đắn, không chê vào đâu được. Làm gì đi đâu cũng có giờ có giấc hẳn hoi, tui nói một lời là nó vâng dạ răm rắp, lễ nghĩa gia phong chỉnh tề thật không hổ thẹn với tổ tiên.

Còn thằng em thì hào hoa phong nhã ra phết, chỉ tội hay chơi bời nhưng cũng được việc. Hai đứa lớn khôn thành tài cả, ruộng vườn, bò bê, kẻ hầu người hạ đủ cả. Chừng nầy tuổi đầu nhìn chúng nó lớn khôn sống an vui hòa thuận là tui dzui rồi…

Dzậy mà tui đâu có ngờ, thằng Út nó đòi chia gia tài để nó đi mần ăn xa, nó muốn tự do lập nghiệp riêng. Nó mà mần ăn cái gì, tui biết tính nó mà, cầm được đồng tiền là tiêu sạch. Nhưng nó muốn đi thì tui đâu có giữ nó lại được, tui muốn nó được tự do chọn lựa lối sống của nó. Ngày nó lôi cái vali nặng chình ra đi, lòng tui đau như cắt, tui mất đứa con yêu quý của tui rồi sao?

Tui đã dặn nó, lúc nào nó trở về tui cũng sẵn lòng, có đi đâu làm gì thì cũng hãy nhớ có cha già đang đợi chờ nó. Không biết nó có nghe không mà bỏ đi biền biệt để cho tui bao nhiêu tháng chờ năm đợi. Chiều nào tui cũng ra con hẻm đầu làng chỉ mong thấy bóng dáng còn mình trở về... Hai hàng cây hoa Anh Đào đã bao lần rụng lá thay bông, không biết thằng con nhà tui còn nhớ đường về không nữa...

Chiều mùa đông mưa rơi lạnh buốt, tui ra đầu ngõ chờ con thì nhận được tin thằng Út đang chăn heo thuê cho người ta, lấy đậu muồng heo ăn nên bị chủ đánh cho tơi bời. Tui cúi đầu quay về mà tim đau thắt lại, ở nhà đâu có thiếu thốn gì đâu mà con tui phải đi làm thuê ở đó dzậy? Đau lắm, đói lắm phải không con? Con tui đói rét, khốn khổ tui cũng tan nát cõi lòng. Nó đi chân heo khác nào bôi tro trét trấu lên mặt tui dzậy…

Tui muốn sai gia nhân di bắt nó về cho đỡ xấu hổ, mà làm thế tui lấy mất tự do của nó thì sao? Thôi thì tôi sẽ tiếp tục chờ nó trở về. Tôi luôn hy vọng con tui sẽ trở về, tôi đã chuẩn bị sẵn cho nó bộ áo thật đẹp, đôi đầy thời thượng, chuẩn bị bữa tiệc thịnh soạn đón con tui dzề...

Một ngày, cũng như mọi ngày tui đang đứng chờ con. Thì ở kia… Đúng rồi… Đúng là con của tui rồi. Tui quăng gậy chạy đến với nó mà hai chân cứ quýnh lại. Ôi, con yêu dấu của tui đây mà. Tui ôm lấy nó hôn lấy hôn để. Thương quá đi thôi đứa con tui, ngày đêm tui mong chờ. Tui mừng quá, con tui quỳ xuống nói gì đó mà tui không kịp nghe… Tui hối hả bảo gia nhân mặc áo, mang giày, xỏ nhẫn cho con tui, rồi tui đưa nó vào nhà cho nó được nếm hưởng niềm vui tràn đầy với tui. Tui mở tiệc mời mọi người ăn mừng thiệt linh đình.

Giữa niềm vui lớn lao đó, tui lại phải trăn trở vì thằng lớn đi làm về mà không chịu vào nhà ăn tiệc. Tui ra năn nỉ nó vào thì bị dội một gáo nước lạnh… Nó trả lời với tui: cha coi, đã bao năm câu hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà cha chưa bao giờ cho con lấy một con dê con để ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi nuốt hết của cái với bọn điếm nay trở về thì cha lại giết bê béo ăn mừng.

Chèng đéc ơi, sao con tui ở trong nhà với tui mà nó nghĩ nó là kẻ hầu người hạ dzậy trời? Sao nó không thể chung cùng một niềm dzui với tui dzậy nè? sao nó lại chối từ người em của nó dzậy? Sao nó không thể dzui khi em của nó trở về? Sao nó không thể hiểu được rằng mọi sự của tui có đều là của nó dzậy? Tội nghiệp con tui quá... Thật đau lòng !!! ...

Anh Hai:

Cha à, con chưa thể vào nhà của chúng ta, con chưa thể gọi cái thằng mắc dịch đó là em con được thì cũng có lí do của con. Cha còn nhớ, hồi con bé mỗi lần con rót nước cho cha, cha trả cho con 500 đồng, con rửa chén cho mẹ, mẹ cho con 2000đ, con học thuộc bài mẹ thưởng cho cây cà-rem. Khi còn được điểm 10 cha thưởng cho 5000đ. Còn khi con không ngoan bị cha mẹ phạt quỳ trên vỏ mít, đứng úp mặt vào tường, bị quát mắng, bị ăn đòn ăn lươn… Ở trường học, học trò ngoan giỏi thì được phần thưởng, lên lớp. Đứa nào quậy phá dốt đặc thì bị phạt, bị đì sói trán, ở lại lớp...

Học giáo lý ở nhà thờ cũng dzậy, học giỏi biết nghe lời các cha, các Sơ thì được lãnh bí tích, đọc lời Chúa, giúp lễ... con thằng nào lì lợm, lười biếng thì bị ra rìa!!! Những bài học giáo lý cha Sở dạy cho con rằng, làm việc lành phúc đức thì được Chúa thưởng cho lên Thiên Đàng, con làm việc xấu xa thì bị Chúa phạt đầy xuống hỏa ngục. Từ nhỏ đến giờ, con luôn phấn đấu giữ đúng luật lệ, phép tắc để được nhận phần thưởng và ngồi rung đùi khoái chí nhìn mấy đứa bị phạt.

Nhưng hôm nay thì trái lại, sao cha không phạt cho cái thằng mất dạy đó đi? Sao cha lại thương cho nó trong khi nó chẳng có một chút công trạng nào cả? Kẻ đáng được nhận phần thưởng là chính con kia mà? Sao cha lại bẻ gãy cái logic mà con đã bao năm lĩnh hội? Cha thấy không, mỗi ngày con làm việc 8 tiếng, tôi về lần chuỗi năm mươi, kinh sáng tối chẳng bỏ bữa nào, việc giáo xứ, hội đoàn, công tác tông đồ tham gia đầy đủ. Cha đã thưởng cho con cái gì đâu chứ?

Con phấn đấu sống tốt, giữ đúng luật lệ nhà Dòng rồi được trở thành tu sĩ. Đó là điều đương nhiên con được hưởng, công sức con đã bỏ ra, sao sách vở lại cứ nói đó là ân huệ của Cha? Thật là khó hiểu!!!  

Lúc nào con cũng nhìn về Cha là Đấng thưởng phạt công minh, xét xử công bình, nhưng hôm nay con thất vọng về Cha. Con không thể cùng chia sẻ chung một phần thưởng với “thằng con của Cha kia” được. Con cảm thấy rất tức giận vì cha không công bằng với con, thiên tư cho nó, con ganh tỵ với nó. Con không thể cảm nghiệm được tình thương của Cha dành cho con.

…Và rồi con cũng nghe tim mình thổn thức, từ nhỏ đến giờ con chưa bao giờ làm điều gì ‘vì Cha’ cả mà chỉ ‘vì phần thưởng’, con chưa bao giờ làm điều Cha muốn mà chỉ vì ‘con sẽ nhận được cái gì’; Con chỉ sống vì lợi ích của bản thân mình chứ chưa bao giờ dám sống cho tha nhân… Con thấy thất vọng khi bị thất bại, khi bị người khác phê bình chỉ trích, con thấy bực tức, hậm hực khi mình không bằng người khác, khi người nào đó có phần thưởng lớn hơn của con.

Con sống với một lớp áo giáp dày bọc bên ngoài là sự thành công, danh dự, tài năng, được đánh giá tốt, được kính trọng mà chưa bao giờ con là chính mình cả. Con sợ bị thất bại, bị chê cười, khinh khi, con sợ phải đối diện với những yếu đuối của bản thân…

Cha cho con thời gian và cơ hội để con cởi chiếc áo giáp này ra, để cảm nghiệm tình cha luôn bao bọc cuộc đời con, để rồi con sẽ bước vào nhà của chúng ta với em của con - nơi đó Cha vẫn đang chờ con phải không cha?

Con của Cha.

Người con hoang đàng:

Cha kính mến,

Sau khi tiệc xong, mọi người ra về, con trở về phòng mình và khóc. Con khóc trong niềm hạnh phúc ngập tràn. Con đang được ở trong chính ngôi nhà của mình, điều mà con chẳng dám trông mong nữa…

Cha biết không, ngày con ra đi với mớ gia tài kếch xù cha ban cho, bạn bè đến nâng chén cụng ly, gái đẹp săn đón, độc lập tự do hạnh phúc, con muốn gì là có cái đó, ăn sung mặc sướng, thuốc trắng thuốc lắc đưa con đến cõi cực lạc, phê lắm cha à! Con tưởng mình đã đến được bến bờ hạnh phúc. Con đắm mình trong cơn bạc đỏ đen, cuốn hút trong những cơn say men rượu nồng, con làm nô lệ cho đồng tiền, cho những thú vui chóng qua…

Tiền hết, nợ chất chồng, bạn bè xa lánh, chẳng đứa con gái nào đếm xỉa đến con nữa. Trắng tay! Mọi sự phù vân! Con thèm khát cái khói trắng quyến rũ kia. Con đi ăn trộm, ăn cắp và bị người ta đánh đập, chửi rủa… Con phải đi làm thuê, ở đợ để trả nợ cho người ta. Con sống lang thang thất thểu, không chỗ nương thân. Con nghĩ đến Cha nhưng con thấy hổ thẹn quá, con không dám đối diện với Cha, con nghĩ đến sự trừng phạt của Cha khi con trở về...

Con sống lăn lóc trong cô đơn, tủi nhục, đói rét. Con heo còn được ăn đầu muong no bụng, còn con phần không bằng một con heo… Cha ạ! Con trằn trọc trong cơn đói khát và nghĩ cách trở về với Cha để được ăn cho no bụng, để được sống còn, chỉ mong được làm một đứa đầy tớ trong nhà của Cha.

Và con trở về lòng trĩu nặng bởi những dằn vặt của tội lỗi, con xấu hổ bởi những yếu hèn, nhục nhã vì con đã đánh mất nhân phẩm của một con người. Con về với cha trong trần trụi, đói rách vậy mà từ xa Cha đã nhận ra con, đã ôm hôn con dù con hôi hám, bẩn thỉu đến cỡ nào.

Cha đã tha thứ cho con trước khi con có thể nói hết bài diễn văn soạn sẵn. Con không ngờ con lại quá quan trọng đối với Cha đến thế. Con không biết rằng, từ ngày con ra đi là từng giờ từng phút Cha mong chờ con quay về để khoác vào cho bao hồng ân, trả lại địa vị làm con mà con đã đánh mất. Con hư đốn như vậy mà Cha đã không thất vọng về con.

Và bây giờ con đang được nếm hưởng tình yêu thương vô bờ bến của Cha, không phải vì con có công trạng gì trước mặt cha mà chỉ vì ‘con là con yêu dấu của Cha’ – Cha yêu có như con LÀ – với những ân ban, tài năng, với những tổn thương, yếu đuối, lầm lỡ, phải không Cha?...

Con cảm ơn Cha rất nhiều.

Con của Cha.

Bích Trang, fmm

Kỷ niệm tĩnh tâm Mùa Chay năm 2014 tại Himeji-Japan