Thánh Giuse
Thánh Giuse, cha nuôi của Đức Giêsu
Đức Chúa Thánh Thần nói rất ít về những nhân vật nổi tiếng trong Kinh Thánh, điển hình là Thánh Giuse. Giuse là nhân vật nổi bật nhất trong phụng vụ, chỉ sau Ðức Trinh Nữ Maria. Ấy vậy mà Kinh Thánh không hề trích dẫn hoặc ghi lại bất kỳ lời nói nào của ngài.
Trong bài này chúng ta chỉ nêu ra năm nhân đức của Thánh Giuse. Mỗi nhân đức sẽ được đề cập vắn tắt để rồi rút ra những bài học áp dụng cho chúng ta.
Ðức Khiêm Tốn của Thánh Giuse
Khiêm tốn là biết nhận chân, nhìn nhận sự thật. Nhân đức khiêm tốn giúp ta nhận ra chân giá trị của mọi sự và hành động theo sự nhìn nhận mối tương quan thực của chúng ta, trước hết, là đối với Thiên Chúa và rồi với tha nhân.
Theo tiêu chuẩn này, Thánh Giuse là một người rất khiêm tốn.
Ngài nhận ra vị trí của mình đối với Ðức Maria và Chúa Giêsu. Ngài biết mình thua kém về mặt ân sủng so với cả hai đấng. Ấy vậy mà ngài chấp nhận vai trò người chồng của Ðức Maria và người bảo trợ Con Thiên Chúa.
Bài học cho chúng ta là nếu ta khiêm tốn thật, ta sẽ không tìm cách tỏ ra ta đây tài giỏi hơn, đạo đức hơn con người thật của mình. Ðồng thời, ta cũng không đánh giá thấp bản thân mình. Một người khiêm tốn không đánh giá mình quá cao nhưng cũng chẳng đánh giá thấp bản thân mình.
Nếu ta khiêm tốn thật, ta sẽ không giả bộ tỏ ra tài giỏi, đạo đức hơn con người thật của mình. Ðó là thái độ kiêu ngạo. Ta cũng không phủ nhận khả năng thật của mình hoặc cho rằng mình tài hèn sức mọn, thua kém mọi bề. Ðó là khiêm tốn giả tạo.
Khiêm tốn là nhân đức luân lí giữ ta khỏi đi quá trớn. Ðức khiêm tốn giúp ta không khao khát quá mức và thèm muốn vô độ danh vọng cho bản thân, trái lại khiêm tốn dẫn đưa ta vào trong một tình yêu bản thân có trật tự, dựa trên sự đánh giá đúng về vị trí của mình trong tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Sự khiêm tốn của người tôn giáo nhìn nhận con người hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa và mọi người đều là thụ tạo bình đẳng với nhau. Khiêm tốn không chỉ đối nghịch với kiêu ngạo mà còn đối nghịch với sự tự ti không dám nhận mình được Thiên Chúa ban cho các tài năng để mình sử dụng theo thánh ý Chúa.
Ðức Khiết Tịnh của Thánh Giuse
Truyền thống Hội Thánh luôn cho rằng Thánh Giuse sống cuộc đời khiết tịnh thánh hiến. Một số phúc âm ngụy thư mô tả Giuse như một ông già, thậm chí còn là một người đàn ông goá vợ. Tuy nhiên, đây không phải giáo huấn của Hội Thánh.
Ta tin rằng Giu-se là người khiết tịnh, đã sống đời hôn nhân khiết tịnh với Ðức Maria nhằm bảo vệ phẩm giá và danh tiếng của Maria và Người Con của Mẹ.
Chúng ta có thể học được điều gì? Ðó là đức khiết tịnh có một mục đích tông đồ. Ðức khiết tịnh giúp ta chinh phục các tâm hồn. Ðức khiết tịnh được Thiên Chúa đánh giá cao. Người quan phòng sắp xếp một loạt các phép lạ liên quan đến đức khiết tịnh:
* Sự thụ thai của Ðấng Cứu Thế
* Sự kiện Con Thiên Chúa sinh ra bởi một trinh nữ
* Cuộc hôn nhân giữa Ma-ri-a và Giu-se
* Cuộc đời Chúa Giê-su Ki-tô
Khiết tịnh là nhân đức điều hoà, chế ngự thú vui xác thịt theo các nguyên tắc của đức tin. Với người lập gia đình, đức khiết tịnh điều hoà ước muốn ấy cho phù hợp với cuộc sống của mình. Với người độc thân muốn lập gia đình, ước muốn phải bị chế ngự cho đến khi lập gia đình. Với những ai có ý định không lập gia đình, ước muốn ấy bị hy sinh hoàn toàn.
Khiết tịnh có nghĩa là chế ngự mọi hành vi hoặc tư tưởng không phù hợp với giáo huấn của Hội Thánh về việc sử dụng cơ quan truyền sinh. Ðặc biệt, đức khiết tịnh nhấn mạnh đến việc xa lánh những gì làm cho tâm hồân trở nên nhơ uế.
Ðức Vâng Lời của Thánh Giuse
Ðức vâng lời của Giuse bao trùm mọi khía cạnh trong đời sống của ngài. Ngài vâng lời mọi lúc mọi nơi.
Ngài vâng lời khi bước vào đời hôn nhân với Ðức Trinh Nữ Maria.
Ngài vâng lời khi đến Bêlem đăng ký sổ bộ cùng với Ma-ri-a và chấp nhận cảnh Ðức Giêsu sinh trong hang bò.
Ngài vâng lời khi đem Hài Nhi và Mẹ Người đang đêm lánh sang Ai Cập.
Ngài vâng lời khi đem Hài Nhi lên Giêrusalem theo quy định của Lề Luật, chấp nhận thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa khi Hài Nhi bị lạc, và chấp nhận thánh ý còn nhiệm mầu hơn của Thiên Chúa khi Trẻ Giêsu tuyên bố với Ðức Maria rằng Người phải lo việc Cha Người-dẫu rằng điều ấy hết sức làm phiền lòng người Cha nuôi Giuse của mình, để vâng phục Cha Người.
Bài học cho chúng ta là gì? Vâng lời là một trắc nghiệm về tình yêu của ta đối với Thiên Chúa. Lề luật của Người là phương thế giúp ta chứng minh tình ta yêu Người. Ở đâu không có vâng phục, ở đấy không có tình yêu. Ở đâu có sự vâng phục nhiều, ở đấy có tình yêu nhiều.
Giuse là người gia trưởng. Ngài đứng đầu Thánh Gia. Trên Ngài không có ai để ngài tuân phục. Như vậy. sự vâng phục của Giuse chủ yếu là vâng phục nội tâm.
Mỗi lần cần phải vâng phục, Giuse lại được linh hứng. Chính sự linh hứng của Thiên Chúa bảo Giuse hãy kết hôn cùng Ðức Trinh Nữ Diễm Phúc. Chính sự linh hứng nội tâm bảo Giuse hãy kết hôn cùng Ðức Maria sau khi ngài phát hiện Maria đang mang thai. Cũng chính sự linh hứng của Thiên Chúa bảo Giuse hãy cùng Maria chạy sang Ai Cập. Chính sự linh hứng của Thiên Chúa bảo Giuse hãy trở về Paléttin. Cuối cùng cũng chính được Thiên Chúa linh hứng mà Giuse được chỉ thị hãy sống cùng Giêsu và Maria tại Paléttin.
Sự vâng phục của Giuse có nguồn gốc sâu xa từ bên trong. Ngài vâng phục Thiên Chúa bằng một bản năng siêu nhiên. Giuse vâng phục không phải chỉ vì hễ được bảo gì thì cứ vậy mà làm mà còn do tâm trí của ngài luôn luôn hoà hợp với tâm trí của Thiên Chúa.
Ðức Khôn Ngoan của Thánh Giuse
Ðức khôn ngoan của Thánh Giuse thể hiện rõ nét nhất nơi việc ngài thực hành đức thinh lặng. Dĩ nhiên Giuse có nói. Tuy nhiên, Phúc Âm không ghi lại một lời nào của ngài, hẳn nhiên muốn dạy ta rằng nếu ta muốn thực hành nhân đức khôn ngoan, ta phải biết thực hành đức thinh lặng.
Ta cần giữ thinh lặng khi có người muốn nói và ta thực hành đức bác ái bằng sự tự chế ấy.
Ta cần giữ thinh lặng khi đã rõ đành rành cần bắt tay hành động và thôi nói về việc cần làm. Một số người có thói quen cứ nói đi nói lại mãi như thể đó là phương thế để thực hiện thánh ý Chúa. Tuy nhiên lời nói không thể thay thế cho việc làm được.
Thánh Giuse dạy ta rằng khôn ngoan là hiểu biết đúng đắn việc gì cần làm, việc gì phải tránh.
Khôn ngoan là nhân đức của trí khôn giúp ta biết phân tích vấn đề, biết nhận chân phân biết phải trái, tốt xấu. Theo nghĩa này, khôn ngoan là nhân đức luân lý giúp ta biết suy tính, biết lựa chọn và biết chuẩn bị các phương thế thích hợp để tránh điều xấu. Khôn ngoan là có đầu óc thực tiễn, và ta thủ đắc nhân đức khôn ngoan bằng cách hành động vừa do được thấm nhuần ơn thánh sủng. Có thể nói rằng đức khôn ngoan vừa mang tính tự nhiên tận nhân lực, vừa mang tính siêu nhiên vì được Thiên Chúa tiếp sức.
Là một nhân đức, sự khôn ngoan bao gồm ba bước: suy tính kỹ, bàn hỏi với người khác; biết nhận định, phán đoán trên cơ sở những chứng cứ thu thập; và bắt tay hành động sau khi đã đi đến quyết định.
Ðức Yêu Thương của Thánh Giuse đối với Chúa Giêsu và Mẹ Maria
Các nhân đức khác của Thánh Giuse rất đáng ta ngưỡng mộ, tuy nhiên tình yêu đặc biệt mà ngài dành cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria rất đáng ta noi theo.
Thiên Chúa quan phòng đã đặt ngài sống với Chúa Giêsu và Mẹ Maria và ngài đã sống đúng lòng kỳ vọng của Thiên Chúa bằng cách tận tình yêu thương, chăm sóc Chúa Giêsu và Mẹ Maria.
Ðiểm đáng quan tâm ở đây không phải việc Thánh Giuse được kề cận bên Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong nhiều năm, mà là việc ngài biết thực hành đức yêu thương.
Thánh Giuse không chỉ nói với Chúa Giêsu và Mẹ Maria rằng ngài yêu cả hai vị lắm mà Ngài thể hiện tình yêu bằng hành động. Ngài sống đức yêu thương.
Ðó là bí quyết của tình yêu chân chính. Ta tôn sùng Chúa Kitô và Mẹ Người đích thực khi ta thực hiệân điều mà ta biết là Chúa Kitô và Mẹ Maria muốn ta làm. Nghĩa là ta nhận ra sự quan phòng của Thiên Chúa mọi lúc, mọi sự trong cuộc đời của ta:
* nơi những thất vọng và thất bại
* nơi những biến cố xảy ra bất ngờ
* nơi những trì hoãn, trục trặc
* nơi những dấu chỉ của thời đại
* nơi những hành vi kỳ quặc của một số người
* nơi sự im lặng nhiệm mầu của Thiên Chúa, là Ðấng thường ẩn giấu ý định của Người đối với ta, mà lại sử dụng những người khác - mấu chốt là ở đây, nghĩa là thông qua những người khác - để nói với ta điều mà Người muốn ta làm.
Thánh Giuse rất đáng để ta học hỏi và chạy đến khẩn cầu. Vậy, ta hãy thưa cùng ngài:
Lạy Thánh Giuse, cha nuôi Chúa Giêsu và người bảo bọc Ðức Trinh nữ Maria, xin dạy chúng con bài học khó nhất mà chúng con cần phải học trong cuộc sống: xin dạy chúng con biết yêu thương như ngài đã yêu bằng cách thực hành đức ái, bằng cách thực thi các tình cảm mà chúng con thường biểu lộ ra trong khi cầu nguyện. Xin dạy chúng con hiểu điều Mẹ Ma-ri-a muốn nói khi Mẹ thưa: "Xin thành sự nơi con theo ý chỉ của Chúa". Và điều Chúa Giê-su muốn nói khi Người dạy: "Nếu anh em yêu mến Thày thì anh em sẽ giữ lệnh truyền của Thày".
-----
Lm. John A. Hardon, S.J.
Quang Tâm chuyển dịch
Nguồn Hivong.org