SỐNG ĐẠO LÀ TỬ ĐẠO

Tất cả chúng ta đều được mời gọi làm chứng nhân cho Đức Kitô ngoài phố chợ cũng như trong gia đình, khi sản xuất cũng như chỗ buôn bán, trong xí nghiệp cũng như ở trong trường lớp, trong Thánh đường cũng như nơi giải trí. Tất cả mọi nơi, mọi lúc, chúng tôi mang trong thân mình cuộc khổ nạn của Đức Kitô, để ánh sáng tình yêu của Đức Giêsu luôn tỏ hiện bằng sự sống lương hảo, hiền từ, vui vẻ, dễ thương, thanh sạch, ngay ngắn, cởi mở đầy yêu thương và sẵn lòng tha thứ của chúng tôi, để cho những người đang ghét đạo Chúa, hoặc không biết Đức Giêsu, nhìn vào chúng tôi là những chứng nhân của Ngài, sẽ yêu mến Đức Giêsu và đón nhận Ngài vào cuộc đời mình.

SỐNG ĐẠO LÀ TỬ ĐẠO

Lm. Giuse Trần Đình Long, SSS.

Tử đạo là người làm chứng Tin Mừng Đức Giêsu Kitô trước mặt mọi người, và cảm nghiệm rằng Đức Giêsu yêu thương và đang hoạt động trong đời sống mình.

Tử đạo là chứng nhân về Đức Giêsu Kitô và Thánh Thần làm cho người ấy trung tín với Đức Giêsu cho đến chết.

Việc tử đạo là kết quả một đời sống chứng nhân bằng cách gắn bó hằng ngày với Chúa Kitô, rồi chóp đỉnh mới là sự chết vì yêu mến Đức Giêsu hơn chính mạng sống mình.

Tử đạo không thể là những người suốt cả đời sống xa Tin Mừng Chúa Giêsu, rồi lúc khó khăn cấm cách gồng mình lên giơ cổ cho người ta chém để làm anh hùng.

Như vậy, tất cả tín hữu đều là chứng nhân của Đức Giêsu Kitô.

Đức Giêsu nói : “Quả thật, quả thật ta bảo các ngươi, giả như hạt lúa gieo xuống đất không chết đi, thì nó trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, nó mới sinh hoa lắm quả”. (Ga 12, 24)

Đức Giêsu là hạt lúa tinh tuyền được Cha ban cho thế gian để chết đi.

Đức Giêsu là vị tử đạo duy nhất và thứ nhất của nhân loại trước Thiên Chúa Cha. Và Ngài cũng là nhân chứng độc nhất vô song của Cha trước thế gian. Ngài nói: “Ai thấy Ta là thấy Cha” (Ga 14,9). Và Đức Giêsu cũng đã phải chết vì gọi Thiên Chúa là Cha (Mt 26,65 ; Mc14,63 ; Lc 22, 70 )

Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, nhờ Ngài những kẻ chết vì Danh Ngài cũng sẽ được sống lại vinh quang như Ngài.

Kẻ tin hôm nay đặt cuộc sống vui buồn sướng khổ hằng ngày của mình trong Đức Kitô, như hạt lúa gieo vào lòng đất thân yêu, để Đức Giêsu làm chủ đời mình, không để thế gian làm chủ, quyết tâm trung tín với Ngài đến cùng. Như vậy là kẻ ấy đang sống tinh thần tử đạo thật sự rồi.

Vậy tử đạo là gì ? Nếu không phải là cuộc sống chết đi từng ngày trong Đức Giêsu Kitô để sự sống Đức Kitô được tỏ hiện.

Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô đã viết : “Trong mọi thời và khắp nơi, chúng tôi mang trong thân mình chúng tôi cuộc tử nạn của Đức Giêsu, ngõ hầu sự sống của Đức Giêsu cũng được tỏ hiện nơi mình chúng tôi” (2Cr 4, 10)

Đức Maria, Mẹ chúng ta. Mẹ không bị người ta giết vì đạo Chúa như các vị tử đạo, nhưng Mẹ là Nữ Vương các Thánh Tử Đạo vì suốt đời Mẹ đã luôn mang trong mình cuộc tử nạn của Chúa Kitô. Suốt đời Mẹ là chứng nhân tuyệt hảo cho Đức Kitô trước mọi người.

Như vậy tử đạo có phải là các anh hùng liệt sĩ như người ta vẫn phong tặng không ?

Các vị tử đạo không phải anh hùng như người ta phong cho các Ngài. Các Ngài còn vượt xa hơn nhiều anh hùng thế gian, là người chết vì tranh đấu cho lý tưởng mình theo. Cái chết ấy gây đau khổ cho chính bản thân họ, cho gia đình họ và còn gây hận thù giữa họ và những kẻ gây ra đau khổ chết chóc cho họ.

Các vị tử đạo là những người chết vì yêu mến Đức Giêsu. Sự chết của các Ngài là nguồn hoan lạc cho chính các Ngài, và là hạnh phúc cho gia đình và dân tộc các Ngài. Hơn thế nữa sự chết ấy lại còn sinh hoa trái cứu độ trên những kẻ giết các Ngài. Biết bao người ghét đạo đã được trở lại nhờ máu và lời cầu nguyện của các vị tử đạo.

Cái chết của Têphanô đã nảy sinh sự sống của Phaolô, vị Tông Đồ dân ngoại sau này. Trong lúc Têphanô bị ném đá vì danh Đức Giêsu, thì Phaolô cổ vũ và giữ áo choàng của những kẻ đi ném đá. Kinh Thánh nói: Saolô đã đồng tình vào việc giết ông (Cv 7,58 ; 8,1)

Mẫu gương của các tử đạo là gì?

Các vị tử đạo đã nhìn vào Đức Giêsu như mẫu gương duy nhất của mình. Đức Giêsu yêu Cha hơn mạng sống của mình, thì trong Đức Giêsu các vị tử đạo cũng yêu mến Thiên Chúa và anh em hơn mạng sống mình.

Khi cổ mang gông, tay bị xiềng đi ra nơi chịu chết, các vị tử đạo luôn cầu nguyện tạ ơn Thiên Chúa. Sự cầu nguyện này xuất phát từ ân huệ được chiêm ngắm sự cầu nguyện tạ ơn của Đức Giêsu khi Ngài đi vào cuộc tử nạn (Mt 26,30).

Lòng yêu thương tha thứ của các vị tử đạo đối với những kẻ đánh đập và giết chết mình cũng xuất phát từ trái tim Giêsu nơi thập giá đã xin Cha Ngài tha thứ cho những kẻ làm khốn Ngài (Lc 23,34)

Những sự lạ lùng và sức mạnh siêu vời của các vị tử đạo như trên, khác hẳn với anh hùng thế gian, do bởi đâu mà có được ?

Sức mạnh siêu vời ấy không tự nơi các vị tử đạo mà có được như vậy. Trước những hình khổ và roi đòn, các vị ấy cũng run rẩy sợ hãi như mọi người chúng ta, và các vị ấy cũng không thể tự mình vui vẻ chúc lành cho những kẻ đánh đập, chửi mắng mình.

Đức Thánh Cha Piô XII trong thông điệp nói về trái tim Đức Giêsu đã viết: “Chính tình yêu siêu nhiên của trái tim Đức Kitô và của Thần Khí Ngài mang cho các vị tử đạo lòng can đảm anh dũng đến chết trong máu đào”

Trong thư gửi giáo hữu Côrintô, Thánh Phaolô viết: “Sức mạnh ấy, kho tàng ấy, chúng tôi chứa đựng trong bình sành, lọ đất (bình sành là thân xác yếu đuối, dòn mỏng của con người). Ngõ hầu quyền lực siêu vời kia thực rõ là của Thiên Chúa chứ không phải xuất phát tự chúng tôi” (2Cr 4,7)

Suy niệm như vậy, ta thấy Đức Giêsu yêu mến các kẻ làm chứng nhân cho Ngài biết bao.

Tình yêu siêu nhiên mà các tử đạo chịu lấy nơi Đức Giêsu Kitô đủ mạnh hơn mọi đau khổ của thế gian, và cuối cùng thắng cả sự chết. Tình yêu ấy còn thấm vào lòng những kẻ làm sự dữ, đổi lòng độc ác của họ nên hiền lành, làm cho họ hồi tâm quay về đón nhận ơn cứu độ của Đức Giêsu.

Về phần mình, các vị tử đạo nhìn nhận sự yếu đuối của các ngài. Chính vì thế, các ngài đã liên lỉ cầu nguyện để được gắn bó với Đức Giêsu trên chặng đường hấp hối đau thương của mình, như Đức Giêsu đã liên kết với Cha nơi vườn cây dầu.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là cha ông chúng ta. Các ngài là những công dân Việt Nam lương hảo, thuộc đủ mọi tầng lớp, đủ mọi lứa tuổi: già, trẻ, tráng niên, phụ nữ.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam cũng còn là các thừa sai ngoại quốc, mà lòng mến của Đức Giêsu đã thôi thúc các ngài dấn thân trên đất nước thân yêu của chúng ta. Máu của các ngài đã được thấm trong máu chiên con là Đức Giêsu Kitô, và đã thấm xuống lòng đất Việt Nam.

Như vậy hạt lúa tinh tuyền gieo vào lòng đất này không phải để nảy lên hận thù nhưng làm bừng lên tình yêu Đức Giêsu Kitô. Tình yêu ấy luôn ôm ấp tất cả dân tộc này vào trái tim cứu độ của Ngài.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã bị vua quan vu cáo cho đủ mọi thứ tội, bị đặt cho nhiều điều xấu xa theo lòng gian dối của họ. Tất cả những hành động ấy chỉ nhằm một mục đích là: tiêu diệt việc rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu Kitô. Nhưng trước bạo lực, các ngài đã yên lặng như con chiên bị dẫn đến lò sát, rồi theo Thầy mình đã lặng yên vâng ý Cha bước lên Thập Giá.

Thiên Chúa đã chúc phúc cho các Thánh Tử Đạo Việt Nam, như Kinh thánh nói :“Phúc cho các con khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Các con hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho các con ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,11-12)

Đức Giêsu Kitô là Thầy và là bạn chí thiết của các vị tử đạo, Ngài đã bao trùm các vị đó bằng vinh quang của Thiên Chúa. Sách Khải Huyền đã diễn tả thế này : “Các kẻ mặc áo dài trắng kia là ai vậy ? Họ từ đâu đến?”

Đó là những người từ cuộc quẫn bách lớn lao mà đến, họ đã giặt áo họ trắng tinh trong máu chiên con, vì lẽ ấy họ được ở trước ngai Thiên Chúa. Và Đấng ngự trên ngai căng trướng của Ngài trên họ, họ sẽ không còn phải đói hay khát nữa. Trên họ mặt trời và nóng bức hết thảy sẽ không giáng xuống. Vì chiên con sẽ chăn dắt họ, và sẽ đưa họ tới các nguồn mạch nước sự sống. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ (Khải huyền 7,13 - 17).

Chúng ta không mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam như những bậc anh hùng cái thế, cũng không chỉ cử hành linh đình bên ngoài như một ngày giỗ lớn lao. Nhưng tất cả chúng ta cảm tạ Thiên Chúa đã yêu thương ban cho ông cha chúng ta được phúc thông phần vào việc khai sinh Hội Thánh Việt Nam bằng chính máu mình.

Trong Đức Giêsu, các Thánh Tử Đạo Việt Nam vẫn đang sống, đang liên kết với từng tín hữu làm chứng nhân trong cuộc sống trần thế hôm nay.

Tất cả chúng ta đều được mời gọi làm chứng nhân cho Đức Kitô ngoài phố chợ cũng như trong gia đình, khi sản xuất cũng như chỗ buôn bán, trong xí nghiệp cũng như ở trong trường lớp, trong Thánh đường cũng như nơi giải trí. Tất cả mọi nơi, mọi lúc, chúng tôi mang trong thân mình cuộc khổ nạn của Đức Kitô, để ánh sáng tình yêu của Đức Giêsu luôn tỏ hiện bằng sự sống lương hảo, hiền từ, vui vẻ, dễ thương, thanh sạch, ngay ngắn, cởi mở đầy yêu thương và sẵn lòng tha thứ của chúng tôi, để cho những người đang ghét đạo Chúa, hoặc không biết Đức Giêsu, nhìn vào chúng tôi là những chứng nhân của Ngài, sẽ yêu mến Đức Giêsu và đón nhận Ngài vào cuộc đời mình.

Đừng để cuộc sống của chúng tôi làm cớ cho người ta ghét đạo và xa rời Đức Giêsu hơn nữa. Đừng để người đời mỉa mai : “Tin Đạo chứ không tin người có Đạo” hoặc : “Họ chỉ giữ Đạo mà không sống Đạo”.

Lạy Đức Giêsu Kitô là Đấng đã yêu mến các Thánh Tử Đạo, chúng con tin rằng chúng con cũng đang được yêu mến bằng chính trái tim mà Chúa đã yêu mến các vị tử đạo.

Xin cho chúng con được sống và làm chứng nhân cho Chúa, nhất là trong Năm Đức Tin này. Dù có phải thiệt thòi về của cải, dù có bị người ta ghét bỏ, hoặc có bị lao đao gian truân cơ cực tối ngày vì dám sống đạo, dám sống đức tin, dám làm chứng cho niềm tin của mình thì xin Thần Khí Chúa nâng đỡ con và làm cho lòng con được trung tín với tình yêu của Ngài cho đến chết và luôn xác tín rằng Sống Đạo chính là Tử Đạo.

CHÚT BÁM VÍU SAU CÙNG

Gã rũ người như cái bao bị trên vai người phụ nữ. Gã nặng thật. Người đàn bà vừa nắm chắc tay lái, vừa gồng bờ vai bé tý của mình cho gã dựa vào. Dù rũ như cái bao hắn vẫn lè nhè vớt vát một câu:

- Cô chở cháu thế, có ngán không ?

- Ngán cái gì ? Trông cho về tới nhà để mi nghỉ cho yên. Gió ù ù thế này, mi vật ra giữa đường, mình cô xoay sở làm sao được.

Rồi con đường xa hun hút cũng dừng. Người đàn bà cũng tha gã về được tới nhà, gọi cửa, giao gã lại cho gia đình, không quên dâng một lời tạ ơn và xin Chúa chở che cho gã !

 

Tướng cướp lừng danh một thời chỉn chu chụp ảnh đi làm giấy tờ tìm lại nguồn gốc

·       Một Cuộc Đời Như Cây Mất Gốc

Gã vốn không phải là người Việt Nam. Trên giấy tờ, gã là công dân một nước Đông âu, nhưng thực tế gã là một bụi đời chính cống của vỉa hè Sài Gòn. Một người Việt Nam thứ thiệt !

Gã được sinh ra bởi một người đàn bà đẹp, và rất đẹp. Gã có một cội nguồn rất oai, không phải loại thứ dân thấp kém tầm thường. Bố gã là người nước ngoài, xét gốc gác thì là dòng giống hồng quân xô viết. Còn mẹ gã là con quan cực lớn. Bà ấy đi làm việc ở nước ngoài, và sinh ra gã.

Cuộc hôn nhân quá khác biệt đó đổ vỡ. Cộng thêm lúc bé tý gã bị sốt bại liệt. Những thầy thuốc rất giỏi của Châu Âu đã cứu cho cặp chân gã có thể đi lại được.

Mẹ ôm gã bỏ chạy khỏi Châu âu, chạy khỏi mối tình làm bà đau khổ vật vờ, chạy khỏi cái giá lạnh của băng tuyết có thể lấy đi những bước chân của gã. Lúc đó gã là một thằng tây con rất là kháu khỉnh.

Và thế là hắn thành người sống ở thành phố tràn nắng Sài Gòn, nhưng không có bất cứ giấy tờ nào dính líu tới Việt Nam. Hắn cứ ăn cơm Sài Gòn, và vẫn cứ là một người ngoại quốc.

Hắn bập bẹ nói tiếng Việt Nam, và hắn cũng đến trường. Mẹ hắn rất khốn khổ mới có thể xin cho thằng con nước ngoài nhập học trường quốc nội.

Mẹ hắn tiếp tục khổ. Bà tái giá, đẻ một bầy con. Lẽ dĩ nhiên, dù cha dượng có thương thế nào thì thương, khoảng cách vẫn cứ có.

Ở nhà thì hắn chán. Ở lớp thì hắn cách biệt cô đơn. Hắn chọn một con đường là bỏ học, lang thang sống bụi với đám trẻ con móc bọc !

Mẹ thương, mẹ khóc, mẹ đi tìm hắn về năm lượt bảy lần. Song về nhà, chỉ cần chút gì đó tủi phận mình, hắn lại dội ngược ra hè phố. Mười lăm tuổi, hắn phạm lỗi, và chấp nhận để gia đình gửi vào trường giáo dưỡng.

Đây sẽ là một nỗi đau dai dẳng cho người mẹ thân yêu của gã, bởi khi hắn phạm lỗi, ông ngoại có bàn đến phương án này. Ông tin vào môi trường giáo dưỡng nghiêm khắc và nhân văn sẽ khiến hắn thành người. Một sự tai hại...

Sau hai năm giáo dưỡng, hắn hoàn toàn mất sạch nét thơ ngây, chút Tây âu cũng chẳng còn. Bây giờ hắn là một thằng thanh niên bậm trợn ngang tàng, mình dày đặc hình xăm. Khái niệm tình thương cũng hoàn toàn biến mất trong óc hắn.

Chút ủi an, yêu thương của mẹ không thể bù đắp cho hắn những nỗi đau. Không giấy tờ người Việt Nam là không thể có xe, không có việc làm, một thằng thanh niên mười bảy tuổi với sự tổn thương đầu đời. Hắn quẫn !

Và thế là hắn bị đêm đen nuốt chửng. Hắn làm những việc phạm pháp và đối diện với tù đày. Lần nào bị bắt tù, hắn đều gào thét, tranh đấu bằng được thân phận ngoại quốc của mình, và hắn luôn được nhốt ở trại tù dành cho người nước ngoài, điều đó an ủi được gã tý chút.

Tính đến nay thì thời gian hắn ngồi tù đã nhiều hơn những tháng ngày hắn tự do dưới mặt trời. Cái cuộc đời tù đày của một tên tây lai có lúc rầm rộ tới mức gương mặt của hắn được phơi trên báo với những bài về những vụ án có những yếu tố giật gân, hi hữu.

Với hắn, thế là hết. Thế là chẳng còn gì. Lần sau cuối đi tù, hắn ngoái lại nhìn mẹ hắn, mắt nhạt nhòa khóc không thành tiếng.

·       Không Hẳn Là Đã Hết

Lần cuối đi tù ấy, tòa kêu án bốn năm. Mẹ cũng thương yêu ngoi ngóp đi thăm nuôi một thời gian, rồi sau đó là bằn bặt chia ly. Hắn cũng không còn muốn ngóng trông. Thôi thì đời muốn tới đâu thì tới.

Mẹ gã không bỏ gã !

Nhưng cuộc đời với những sự cố bị thương, đã đánh nát gia đình chị chẳng còn gì. Chị lần hồi mang bầy con biệt tích về một nơi heo hút.

Nơi ấy vắng vẻ, vài nóc nhà, rồi người ta cũng biết và chẳng dây dưa phiền phức với gia đình chị mà chi, trừ gia đình người phụ nữ sát vách.

Nhà ấy khác nhà chị quá. Họ có đạo, và bình an. Chị cũng không muốn dây dưa, thành ra cửa đóng then cài im ỉm.

Những quả là buồn quá.

Nỗi buồn khiến người mẹ cũng dần dà làm quen với nhà bên. Một chút đỡ ngại ngần khi người đàn bà Công Giáo đón nhận những lời tâm sự của chị mà không hề chê cười, phán xét, hay đạo đức dạy đời như thói thường chị vẫn gặp.

Và hai người đàn bà gần gũi hơn với nhau. Người mẹ mới thổ lộ về đứa con sắp ra tù. Người đàn bà Công Giáo hàng xóm hối thúc chị dọn cửa dọn nhà, liên lạc với trại tù, và gửi tý tiền lên cho cậu con có tiền đón xe về. Và cậu tây ở trại ra, sống ở xóm hắt hiu buồn, có mẹ chăm sóc và có người đàn bà Công Giáo hàng xóm thi thoảng hỏi han, ân cần không xa lánh.

Nhờ vậy mà hắn cũng đỡ đớn đau. Hắn thú nhận với mẹ và cô, hắn nghiện lòi, hết đường cứu vãn.

Người đàn bà Công Giáo hàng xóm bảo gã : vẫn có một con đường, cô sẽ cầu nguyện khẩn xin Thiên Chúa yêu thương cứu vớt hắn.

Mưa dầm thấm lâu, hắn cũng rất muốn sống lương thiện làm người. Cô bàn bạc với mẹ hắn liên lạc với tòa đại sứ làm giấy làm tờ chứng minh nhân thân của hắn.

Và họ động viên hắn cai nghiện, dù là cai tại nhà thôi. Hắn đồng ý. Nhưng giữa chừng cai, hắn lên cơn chạy sổng ra ngoài, song hắn vẫn muốn dừng. Hắn lại điện thoại về cầu cứu.

Mẹ hắn đang ốm, thế là cô đi đón hắn về. Cô vẫn động viên hắn hãy kiên trì cầu nguyện Đấng mà hắn nghe cô gọi là Thiên Chúa !

Hắn bỗng nhiên ngơ ngác. Mặc dù cô là người dưng nước lã nhưng vì thương hắn mà kiên trì cầu nguyện xin Thiên Chúa xót thương hắn, vậy hắn sao không cố kiên trì thương lấy thân mình, và thương mẹ đang chết lần mòn vì đám con đi lạc đường sai hướng.

Hắn lầm bầm trong cơn sảng : “Con sẽ kiên trì, kiên trì…”

Mẹ hắn ngồi bên. Nước mắt mẹ nóng hổi rơi trên mặt hắn. Cô hàng xóm có Đạo đã tranh thủ về nấu cho hắn một bát mì thơm bốc khói bê sang cho hắn. Cô cầm tấm hình Lòng Chúa Xót Thương và động viên : “Nếu cháu kiên trì cầu nguyện, Chúa sẽ xót thương, sẽ không bỏ cháu...”

Hắn nhận ra, chưa phải là hết, còn có mẹ và cô, rất có thể còn có cả ông Chúa đầy lòng xót thương mà cô tín nhiệm nữa cũng đang dòm xuống hắn, xót thương hắn.

Hắn lờ đờ mở mắt, bụng cồn cào, miệng lẩm bẩm nhắc lại sau cô lời kinh : “Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót chúng con và toàn thế giới…”

Thay đoạn kết câu chuyện chứng nhân giữa đời thường : Chúng ta đã bắt đầu vào Năm Sống Đức Tin. Đức Tin cần phải được diễn đạt ra bằng cuộc sống. Người phụ nữ Công Giáo trong câu chuyện trên đã sống đức tin bằng hành động cụ thể trên những con người tưởng chừng đã là đồ bỏ rồi, không còn chút hy vọng nào nữa. Chị đã đến, đã cho người thanh niên ấy thấy mình vẫn còn “chút bám víu cuối cùng” chính là Thiên Chúa. Chị đã biến lời cầu nguyện thành hành động. Chị đã luôn “sống đức tin” trong đời thường của mình chứ không đợi đến “năm sống đức tin” mới sống đức tin, vì chị xác tín rằng “Đức tin không có việc làm  là đức tin chết.”

Lãng Tử