... Tiếp xúc đầu tiên của tôi với anh chị em vô gia cư - vào năm 1982 - khi tôi làm Cha Sở xứ đạo Okayama bên Nhật Bản.
Vào một buổi tối, khi đóng cửa nhà thờ, tôi trông thấy một người đàn ông nằm ngủ trên ghế băng. Vì không muốn ông ở lại suốt đêm trong nhà thờ cũng không muốn đuổi ông ra, tôi đưa ông vào ngủ nơi căn phòng nhỏ cạnh nhà thờ.
Có lẽ hài lòng với chỗ ngủ mới, nên chiều nào cũng thế, sau khi lang thang suốt ngày, ông tìm về căn phòng nhỏ của giáo xứ để ngủ qua đêm.
Sau này tôi biết ông tên Mikitô và không bình thường. Tốt nghiệp đại học, ông không chịu làm việc, nhưng sống nhờ của cha mẹ hay bạn bè và lang thang đầu đường xó chợ. Tôi liên lạc với văn phòng dịch vụ xã hội và xin họ giúp ông Mikitô.
Thời gian sau, tôi thuyên chuyển về thủ đô Tokyo và làm Cha Sở giáo xứ Matsubara. Nơi đây, có rất nhiều người vô gia cư đến giáo xứ xin giúp đỡ. Mỗi lần như thế, chúng tôi có thói quen dọn cho họ một bữa ăn - thường là bát mì ăn liền - và cho thêm tiền túi 500 Yen, tương đương với 5 mỹ kim.
Tôi tiếp tục thói quen lành thánh này. Sau một năm, tôi quen biết hầu hết ”khách hàng” của giáo xứ. Tôi đặc biệt chú ý đến một người, vì dáng vẽ khác thường của ông. Người ta gọi ông là ”Kobu - người có bướu” vì ông có cục bướu lớn nơi cổ. Giọng ông nói thật trầm.
Ông Kobu hơi nhút nhát nhưng thành thật. Đôi khi ông xin tiền mua vé xe lửa đi kiếm việc làm. Tôi sẵn sàng giúp đỡ ông. Tôi còn mời vị y sĩ trong giáo xứ đến để khám cục bướu và khuyên ông nên mổ. Nhưng ông do dự không dám quyết định. Bẵng đi một thời gian ông Kobu không đến giáo xứ xin giúp đỡ. Cho đến một ngày, tôi trông thấy ông đang sơn tường và không còn cục bướu nơi cổ.
Chúng tôi vui mừng gặp lại nhau. Ông kể cho tôi biết là một Linh Mục khác - Cha Mito - khôn khéo thuyết phục khiến ông nghe lời và đi mổ cục bướu. Cha Mito còn tìm cho ông căn nhà trọ và việc làm: sơn quét lại tường nhà thờ và các căn phòng của giáo xứ.
Chúa Nhật sau đó, ông Kobu đến gặp tôi đưa 2000 Yen - tương đương 20 mỹ kim - và nói:
- Xin Cha dùng số tiền giúp những người không nhà cửa, thường đến giáo xứ xin!
Tôi rất cảm động về cử chỉ liên đới. Cũng kể từ ngày đó, tôi nhận ông làm việc cho giáo xứ một tuần một lần. Ông Kobu kể tôi nghe về cuộc đời ông.
Lúc ông còn nhỏ tuổi, thân phụ ông bị bệnh lao. Một mình mẹ ông phải làm việc nuôi sống cả gia đình 4 người. Sau 5 năm liệt giường, thân phụ ông qua đời. Vài năm sau, mẹ ông cũng chết vì bệnh lao. Người chị cả lập gia đình với người lính Mỹ và sang sống bên Hoa Kỳ. Phần ông, sau vài năm làm việc, ông ngã bệnh nặng, mất việc làm. Mất việc làm ông cũng mất luôn nhà ở, vì không có tiền trả tiền nhà. Từ đó ông sống lang thang ngoài đường.
Người chị cả ở Hoa Kỳ có ý tìm ông. Bà nhờ cảnh sát tìm giúp. Nhưng vì ông không có nhà nên không ai biết ông lang thang nơi nào. Giờ đây, ông có việc làm, có nhà ở, cảnh sát tìm được ông và báo cho bà chị cả biết. Bà chị liền mời em sang Mỹ. Cha Mito rửa tội cho ông Kobu trước khi ông lên đường sang Hoa Kỳ. Ngày ông lãnh bí tích Rửa Tội cũng có sự hiện diện của gia đình bà chị. Đây là gia đình Công Giáo thật đạo đức. Tôi sung sướng chia sẻ niềm vui của toàn gia đình ông Kobu.
Sau chuyện ông Kobu là chuyện ông Nachu, người không nhà cửa.
Khi ông Nachu đến giáo xứ xin giúp đỡ, tôi giao việc để xem ông làm như thế nào. Ông luôn cố gắng tìm việc đây đó hầu có thể trả tiền nhà ngủ qua đêm.
Ông Nachu có tính tình đặc biệt: sống ngày nào hay ngày đó, không lo lắng dự trù cho tương lai. Vì thế, khi có việc làm, có tiền thì có chỗ ở. Mất việc thì cũng mất luôn chỗ ngủ. Bây giờ ông có việc làm và có đồng lương tương đối khá.
Mỗi lần lãnh nhiều tiền ông đến ngay giáo xứ trao cho chúng tôi, khi thì 2000 Yen, có khi đến 5000 Yen (khoảng 50 mỹ kim). Ông nói:
- Đây là tiền giúp người không nhà cửa!
Lòng ông Nachu thật quảng đại...
Chứng từ của Cha Cyriel Smet Linh Mục thừa sai người Bỉ dòng Khiết Tâm Đức Mẹ (Scheut).
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt