Nhân Năm Đức Tin Nghĩ Về Đặc Tính Bí Tích Nơi Người Kitô Hữu

Nếu các Bí Tích là "cửa vào thánh thiêng", thì đặc tính Bí Tích chính là một sự thay đổi sâu xa và lưu lại mãi mãi trong linh hồn người ta khi đã vào cửa thánh thiêng đó. Như vậy, việc lãnh nhận các Bí Tích nhờ sự biến đổi của Đức Kitô, người Kitô hữu được sinh vào trong chiều kích mới, chiều kích của sự hiện hữu, nghĩa là chiều kích của Thiên Chúa, một sự hiện hữu mà Chúa Kitô đã sống suốt cuộc đời trần thế của Ngài.

 

Nhân Năm Đức Tin Nghĩ Về Đặc Tính Bí Tích Nơi Người Kitô Hữu

WTGP HN

seven_sacramentsTrong kinh nghiệm cuộc sống dân gian, người ta thường nói: "rổ nhà ai, quai nhà nấy" để chỉ về người đó thuộc gia đình, tầng lớp, và địa vị nào trong xã hội,... với người Công Giáo, chúng ta mang trong mình hình ảnh Đức Kitô ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, để từ đó, chúng ta trở nên người Kitô Hữu, là người thuộc về Đức Kitô, và được mời gọi trở nên giống Ngài. Vậy tại sao lại có sự biến đổi đó? Kinh nghiệm của ta về sự thay đổi đó như thế nào? Xin được dựa trên nền tảng thần học của thánh Tôma Aquinô để làm sáng tỏ đặc tính Bí Tích nơi người Kitô Hữu.

1. Đặc tính Bí Tích

Nếu nói: "Bí Tích là những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng do Chúa Kitô thiết lập, và được trao lại cho Giáo Hội để ban sự sống thần linh cho chúng ta" thì đặc tính Bí Tích là một cái gì đó sâu xa bên trong linh hồn không thể xóa nhòa. Đặc tính ấy là thường hằng, là cái sẽ tồn tại muôn đời, sẽ không thể bị đánh mất. Nếu các Bí Tích là "cửa vào thánh thiêng", thì đặc tính Bí Tích chính là một sự thay đổi sâu xa và lưu lại mãi mãi trong linh hồn người ta khi đã vào cửa thánh thiêng đó. Như vậy, việc lãnh nhận các Bí Tích nhờ sự biến đổi của Đức Kitô, người Kitô hữu được sinh vào trong chiều kích mới, chiều kích của sự hiện hữu, nghĩa là chiều kích của Thiên Chúa, một sự hiện hữu mà Chúa Kitô đã sống suốt cuộc đời trần thế của Ngài.

2. Kitô Hữu là người đồng hình đồng dạng với Đức Kitô nhờ đặc tính Bí Tích

Như đã nói, đặc tính Bí Tích chính là một sự thay đổi sâu xa từ bên trong, làm cho con người đó chung phần sự sống thần linh với Thiên Chúa thông qua Đức Giêsu. Đặc tính Bí Tích còn làm cho ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô nhờ được dìm vào trong một khuôn đúc mới, để xuất hiện trong một hình ảnh mới, hình ảnh của chính Đức Kitô, Đấng đã yêu mến và vâng phục Cha. Vậy hình ảnh mới là gì?

Trước khi nói đến một hình ảnh mới trong Đức Kitô, chúng ta nói đến một hình ảnh cũ, hình ảnh của một con người thuần túy.

Con người của chúng ta mang nặng những ám ảnh bởi tội lỗi do nguyên tổ gây nên (x. St 3,8-15). Mặt khác những hệ lụy của tội (x. St, 3, 16-24) nó đã làm cho con người ưa chiều theo sự tội ( St 4, 1-16) và làm nô lệ cho nó, đó là thời Cựu Ước.

Sang thời Tân Ước, khi Đức Kitô đã nhập thể và trở nên Đấng Emmanuel (x. Lc 2,1-17) thì con người chúng ta được giao hòa lại với Thiên Chúa và được Người canh tân, đổi mới, để trở nên giống Người thông qua các Bí Tích. Khi chúng ta được dìm vào nước thánh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới...Từ nay trong ta có Thiên Chúa và trong Thiên Chúa có ta, ta và Thiên Chúa cùng chung nhau một dòng máu thông qua Đức Giêsu (x. Ga 15, 1-8; 17, 20 tt), bởi lẽ con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô, được cùng chết và mai táng với Ngài, thì chúng ta cũng được cùng sống lại với Ngài như Ngài đã sống (x. Rm 6, 3 – 11 ).

Như vậy, hình ảnh mới là hình ảnh tái sinh để trở nên giống Đức Kitô, chiều kích mới là qua Đức Giêsu, nơi các Bí Tích, chúng ta được sống trong Thiên Chúa. Khi đã trở nên giống Người, chúng ta noi gương để sống trọn vẹn trong Thiên Chúa như Ngài đã sống. Vậy sống như Ngài chính là quy chiếu tất cả mọi thành công (x. Mt 11,25-27), thất bại (x. Ga 12,28) về Thiên Chúa, không dừng lại ở chính mình.

Như vậy, tuyên bố của Thánh Tôma khi nói "Đặc tính Bí Tích giống như dìm mình vào trong một khuôn đúc mới, để xuất hiện một hình ảnh mới, hình ảnh Đức Kitô", thực sự là một quan điểm mới về Bí Tích. Ngài đã sử dụng triết học của Aristote để làm nổi bật lên được sức mạnh của đặc tính Bí Tích. Đặc tính ấy chính là một ấn tín thiêng liêng bên trong linh hồn không thể xóa nhòa, đó là một sức mạnh trường cửu. Đặc tính ấy ta không thể thấy được, nhưng ta vẫn có thể biết được nhờ việc lãnh nhận các bí tích. Khi tuyên bố như thế, thánh Tôma đã khai mở cho các nhà nghiên cứu phê bình một lối nhìn mới về Bí Tích và những đặc tính của nó, đồng thời cũng giúp cho mỗi người chúng ta ý thức về sự biến đổi siêu nhiên từ bên trong của các Bí Tích . Theo Tôma, hình ảnh mới là hình ảnh của Đức Kitô, Ngài luôn làm theo ý Đấng đã sai mình, mọi vinh quang danh dự đều thuộc về Cha thì đến lượt chúng ta, khi lãnh nhận các Bí Tích, chúng ta được trao phó nhiệm vụ liêng liêng để phụng tự Thiên Chúa, đồng thời cũng phải trao truyền cho kẻ khác những điều liên quan đến việc thờ phượng Thiên Chúa, và đây là điều đặc biệt của ấn tích nơi các Bí Tích mà Thánh Tôma đã đề cập tới.

3. Những áp dụng cụ thể để giữ lại hình ảnh Đức Kitô trong mình

Trong hành trình đời tu, hay đời thường, người ta sợ nhất hai điều. Một là sự cô đơn và hai là sự nhàm chán trong công việc. Nhưng nếu không cô đơn thì sự nhàm chán kia cũng khó có thể vùng vẫy trong tâm hồn được. Chiều dài thời gian nó làm cho con người ta cảm thấy chán trường và mệt mỏi, đồng thời nó cũng làm cho ta cảm thấy mọi chuyện trở thành bình thường, nhất là việc đạo đức, và nó sẽ làm cho nhiều người mất niềm hy vọng, không còn tin vào những chuyện thánh thiêng mình cử hành nữa. Sống trong tình trạng tâm hồn trống rỗng, không có kinh nghiệm về Thiên Chúa trong cuộc đời và qua các cử hành phụng vụ, ta sẽ cảm thấy mình cô đơn, hoang mang về niềm tin cũng như hy vọng của mình nơi Chúa và các công việc bổn phận mình làm.

Ước gì những công việc đạo đức hằng ngày như: tham dự Thánh lễ, cử hành các giờ kinh Phụng Vụ, Bí Tích và các việc đạo đức...ta hãy làm mới lại trong cung cách cử hành, nhờ lòng mến thúc đẩy, có thế, ta sẽ không bị rơi vào sự trống vắng ngay trong những mầu nhiệm mà ta cử hành hằng ngày.

Mong thay, trong Năm Đức Tin này, mỗi người hãy làm mới lại hình ảnh của Đức Kitô, một Đức Kitô luôn làm theo ý Cha, bởi vì: "lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy", đồng thời luôn giữ lại hình ảnh của Đức Kitô cách sống động trong cuộc đời của ta qua các cử hành Phụng Vụ cũng như trong đời sống thường ngày như một lời chứng về sự hiện diện của Chúa. Sống được như vậy, ta có thể nói: Cuộc đời Kitô Hữu của mình như là một Bí Tích giữa Thiên Chúa và con người và Đặc tính Bí Tích giống như dìm mình vào trong một khuôn đúc mới, để xuất hiện một hình ảnh mới, hình ảnh Đức Kitô Phục Sinh.

Jos.Vinc. Ngọc Biển


Đức tin, ân huệ của Thiên Chúa ban cho con người cách nhưng không

Email
In

Niem_TinTrước tiên, xin phép được lưu ý ngay niềm tin nói ở đây là niềm tin tôn giáo hay còn gọi là Đức tin, vốn liên quan đến những tương quan giữa Thiên Chúa và con người, và ngược lại, giữa con người và Thiên Chúa, bởi vì khi nói đến niềm tin hay đức tin, cũng như trong tình yêu, là nói đến tương quan giữa các đối tác (les partenaires) : tôi tin "có" Thiên Chúa, tôi tin Ai "là" Thiên Chúa, tôi tin Thiên Chúa "là" Ai, tôi tin "vào" Thiên Chúa, và chúng tôi tin nhau...

Thế nhưng, không như tương quan giữa các đối tác bình thường là các thụ tạo hữu hình có thể tiếp cận được cách dễ dàng và cụ thể, đối tác Thiên Chúa hoàn toàn khác biệt (absolument Autre), rất gần gũi nhưng cũng rất xa vời và siêu việt, vì thế, ngay cả khả năng có thể biết "có" Thiên Chúa, biết Ai "là" Thiên Chúa và biết Thiên Chúa "là" Ai, và tin "vào" Ngài cũng là một ân huệ nhưng không của Thiên Chúa ban cho loài người qua và trong Đức Giêsu-Kitô, Con và Ngôi Lời làm người của Ngài. Trong tương quan với vị Thiên Chúa như thế, tất cả những gì con người "có" và "là" đều là hồng ân nhận được từ Thiên Chúa. Thậy vậy, cũng như căn tính hữu thể của Đức Giêsu-Kitô, Con và Ngôi Lời làm người là sự "đón nhận hoàn toàn từ Cha", trong tâm tình tri ân và cảm tạ, căn tính hữu thể của các thụ tạo nói chung, và đặc biệt con người vốn được tạo dựng "theo hình ảnh Thiên Chúa" (vốn là chính Đức Giêsu-Kitô : xem 1 Cr 11, 7; 2 Cr 4, 4; Cl 1, 15), và "giống như Thiên Chúa" (xem St 1, 26-27), cũng vậy, chỉ được xác lập do tư thế "đón nhận tình yêu" của Thiên Chúa-Ba Ngôi, trong tâm tình tri ân và cảm tạ như vậy1.

Vì thế, có hai vấn đề sẽ được đề cập đến trong bài suy tư nầy :

1- Tính nhưng không của ân huệ Đức tin (nhìn từ phía Thiên Chúa);

2- Tri ân và cảm tạ (nhìn từ phía thụ tạo và con người)...

I- TÍNH NHƯNG KHÔNG CỦA ÂN HUỆ ĐỨC TIN :

"Tình yêu cốt ở điều nầy : không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta." (1 Ga 4, 10).

"Tin chỉ có thể là một ân huệ của Thiên Chúa, bởi vì chỉ mình Thiên Chúa mới có thể nói cho chúng ta về Thiên Chúa.2"

Khi khẳng định : "Chính Thầy là Con Đường , là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy." (Ga 14, 6), hẳn Đức Giêsu muốn nói với chúng ta : a) Ngài là Đường hay là Đạo (Logos) hay là Nguyên Lý của mọi thụ tạo, hay nói cách khác chính "trong" Ngài và "bởi" Ngài mà tất cả mọi thụ tạo, đặc biệt con người mới có thể bắt đầu hiện hữu; b) Ngài, trong tư cách vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật, là hiện thân của Sự Thật về Thiên Chúa và về con người, hay nói cách khác, Ngài chính là mặc khải về Thiên Chúa và về con người; c) Ngài vì vừa là Thiên Chúa vừa là người, nên cũng chính là hiện thân của Tình Yêu, tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với con người, và sự sống tình yêu đó chính là sự sống vĩnh hằng...

Như vậy, có nghĩa là toàn bộ các Công trình Tạo dựng, Mặc khải và Siêu độ, vì thế, kể cả Đức tin của con người đều được thực hiện duy chỉ bởi, qua và trong Đức Giêsu-Kitô, Con và Ngôi Lời làm người của Thiên Chúa mà thôi...

Nếu như Thiên Chúa tạo thành, Thiên Chúa mặc khải và Thiên Chúa siêu độ cũng là một, thì không thể có sự đối kháng giữa việc Ngài thông ban sự sống và hữu thể lúc ban đầu và việc được tham dự vào bản tính của Ngài và biết Ngài sẽ được ban cho 'lúc thời gian viên mãn'3.

Tương quan giữa Thiên Chúa và con người và ngược lại, như vậy, vốn nằm ngay trong chính cấu trúc hữu thể của các thụ tạo nói chung, đặc biệt là con người, hay nói cách khác, là đã được ban cho cách nhưng không từ khi con người bắt đầu hiện hữu, điều mà ngôn ngữ Tây phương gọi con người là một hữu thể có tính tôn giáo (être religieux) và ngôn ngữ Đông phương gọi con người là tổng thể "tam tài" ("Thiên-Địa-Nhân hòa") (xem St 2, 7 : "Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.")...

Khi nói tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu nhưng không, điều nầy có nghĩa đây là một tình yêu vô điều kiện, vô vị lợi và vô biên giới... Hay nói cách khác, không phải vì con người thế nầy thế kia mà Thiên Chúa yêu thương nó và tỏ mình ra cho nó, trong tất cả mọi sự, Thiên Chúa bao giờ cũng đi bước trước, tức là tất cả đều do sáng kiến tình yêu tự do của Ngài...Thần học cổ điển ít quan tâm đến khía cạnh nầy. Điển hình của quan niệm cổ điển nầy và ngày nay vẫn còn tổn tại trong một số lý giải thần học và giáo lý, như việc người ta cho rằng nguyên nhân của việc Đức Giêsu-Kitô, Con và Ngôi Lời của Thiên Chúa làm người là vì con người đã phạm tội ! Người ta lý luận như kiểu giả như nếu con người không phạm tội thì Thiên Chúa không mất công gì mà phải xuống thế làm người !

I.1- Công trình TẠO DỰNG, ân huệ nhưng không :

I.1.a- Ngôn ngữ Thánh Kinh :

Công trình tạo dựng nói chung, đặc biệt con người, được thực hiện "trong" và "bởi" Đức Giêsu-Kitô, Con và Ngôi Lời làm người của Thiên Chúa :

- Ga 1, 3 : "Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Ngài, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Ngài là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại."

- Cl 1, 15-16-17.19-20a : "Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo, vì trong Ngài, muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Ngài và cho Ngài. Ngài có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Ngài...Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Ngài, cũng như muốn nhờ Ngài mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình..."

Riêng con người, cách đặc biệt, được tạo dựng "theo hình ảnh Thiên Chúa" :

- St 1, 26-27 : "Thiên Chúa phán : 'Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta...Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa'...

Thế mà, Đức Giêsu-Kitô chính là Hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình :

- Cl 1, 15 : "Đức Giêsu-Kitô là Hình Ảnh của Thiên Chúa vô hình." (xem thêm 1 Cr 11, 7; 2 Cr 4, 4)...

Như vậy, con người là một tổng thể "thiên-địa-nhân hòa", điều mà nhà thần học Dòng Tên Raimon Panikkar gọi là "cosmothéandrique"4.

- St 2, 7 : "Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật."

I.1.b- Ngôn ngữ thần học :

- "Thiên Chúa chẳng có động cơ nào khác để tạo dựng, ngoài tình yêu của Ngài. Từ không không, thụ tạo đã được gọi đi vào hiện hữu. Không phải bởi vì thụ tạo hiện hữu mới được yêu thương, mà chính bởi vì thụ tạo được yêu thương nên mới hiện hữu. Ipso amore creatur: Mọi sự được tạo thành đều nhờ tình yêu mà Ngài hằng yêu!"5

- "Là nguồn suối vĩnh hằng của thực tại thần linh, Cha đồng thời cũng là nguồn suối phát sinh sự sống thụ tạo. Đó là sự trào vọt của tình yêu của Ngài, là sự cho không tuyệt đối của Ngài, mà vốn hằng khiến Cha là 'Đấng hằng sinh xuất' ra Đấng hằng được sinh xuất, Đấng hằng yêu thương Đấng hằng được thương yêu. Nguồn suối đó là sự nhưng không thuần túy mà, trong sự tự do hoàn toàn nhất, khiến cho Cha trao ban hữu thể, sáng tạo ra những đối tượng cho tình yêu của Ngài, đó là những thụ tạo.6"

- "Sự tương ứng giữa hành động nhiệm xuất bên trong mầu nhiệm thần linh (= sự sinh ra Con) và hành động tạo thành để lộ cho thấy căn tính hữu thể của thụ tạo...Nơi thụ tạo, mọi sự đều được ban cho, bắt đầu từ hữu thể của nó...Tất cả mọi sự - hiện hữu, sự sống, những khả thể vật chất và tinh thần diễn ra trong thời gian và trong không gian – đều là ân huệ...Cấu trúc của thụ tạo là 'hiện hữu được đón nhận', là sự đón nhận tình yêu, tình yêu mà khi yêu thụ tạo làm cho thụ tạo hiện hữu. Chính lúc bấy giờ, người ta mới hiểu được làm thế nào mà mọi sự đều đã được tạo thành 'bởi Đức Kitô và cho Đức Kitô', Đấng vốn có 'trước mọi sự' và nơi Ngài 'mọi sự được lập hữu' (x. Cl 1, 16 tt).7"

- "Chính trong Thần Khí mà mọi sự được tạo thành (x. St 1, 2) và chính trong Thần Khí mà mọi sự được duy trì hiện hữu (x. thí dụ Tv 104, 29). Cũng như trong sự sống thần linh, Thần Khí vẫn hằng hiệp nhất Cha với Con, trong tư cách tình yêu tạo ra hiệp nhất giữa Đấng hằng yêu thương và Đấng hằng được thương yêu, cũng vậy, Thần Khí tạo ra sự hiệp nhất giữa thụ tạo với Đấng tạo thành, bảo đảm sự hiệp nhất nguyên thủy và thuộc cấu trúc hữu thể giữa thụ tạo với Thiên Chúa, và như vậy, bảo đảm tính bản thiện của mọi cái hiện hữu, tức là hữu thể thụ tạo được cắm rễ sâu và được thiết lập trong nền tảng tình yêu : 'Và Thiên Chúa thấy rằng điều đó quả là tốt lành' (St 1, 4.10.12.18.21.25.31).8"

Như vậy, chính ở nơi đầu nguồn của Đức tin, tức là chính sự hiện hữu của chủ thể tin đã là một ân huệ nhưng không của Thiên Chúa ban cho ! Và dấu ấn tương quan Tạo Hóa-Thụ tạo, Cha-con giữa Thiên Chúa và con người vốn nằm trong cấu trúc hữu thể của tất cả mọi thụ tạo, đặc biệt, con người...

I.2- Công trình MẶC KHẢI, ân huệ nhưng không :

Triết học và Thần học Tây phương, bị ảnh hưởng nặng nề bởi quan điểm "nhị nguyên" Hy lạp, nên thường có khuynh hướng phân biệt rạch ròi giữa cái "tự nhiên" và cái "siêu nhiên", vì thế, phân biệt nào là "mặc khải tự nhiên" (révélation naturelle) hay "mặc khải vũ trụ" (révélation cosmique) và "mặc khải siêu nhiên" (révélation surnaturelle)...

Triết học Đông phương nói chung ưa thích thể thống nhất và cái tổng thể của thực tại hơn, nên ưa thích triển khai khái niệm "HÒA", như được phản ảnh trong quan niệm "tam tài" (Thiên-Địa-Nhân hòa), và khái niệm "có nhau" hay "ở trong nhau", như được phản ảnh trong nguyên lý "ÂM-DƯƠNG" (trong ÂM luôn có DƯƠNG và trong DƯƠNG luôn có ÂM)...

Thật vậy, khi khẳng định "Thầy là Sự Thật", Đức Giêsu, trong tư cách vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật mặc khải cho chúng ta chính Ngài là hiện thân của Sự Thật của tất cả mọi sự thật, hay nói cách khác, chính Đức Giêsu-Kitô, Con và Ngôi Lời làm người của Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa là Ai, thụ tạo là gì và con người là ai, và tương quan giữa Thiên Chúa và con người và ngược lại, điều mà mầu nhiệm ngôi hiệp sẽ hé lộ cho chúng ta một cách hết sức sâu sắc.

Thật vậy, mầu nhiệm ngôi hiệp nơi Đức Giêsu-Kitô, Con và Ngôi Lời làm người của Thiên Chúa cho chúng ta hiểu được, một đàng, tương quan giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người và Thiên Chúa, đàng khác, và đây là điều quan trong, mặc khải cho chúng ta cung cách mà Thiên Chúa mặc khải cho con người và cung cách mà con người có thể nhận ra được Thiên Chúa như thế nào, điều mà chúng ta sẽ đề cập đến trong phần sau...

"Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mặc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Ngài (x. Ep 1, 9). Nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, trong Thánh Thần, và được thông phần bản tính của Thiên Chúa (x. Ep 2, 18; 2 P 1, 4)." (DV, số 2)...

Công trình Mặc khải, như vậy, cũng là ân huệ nhưng không Thiên Chúa ban cho con người. Đó hoàn toàn là sáng kiến tình yêu của Thiên Chúa.

I.2.a - Ngôn ngữ Thánh Kinh :

- Ep 1, 9 : "Ngài (Thiên Chúa-Cha) cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu : thiên ý nầy là kế hoạch yêu thương Ngài đã định từ trước trong Đức Kitô..."

- Dt 1, 1 : "Thưở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết nầy, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử của Ngài."

I.2.b - Ngôn ngữ thần học :

"...Vì thế, chính Ngài (=Đức Giêsu-Kitô), Đấng mà hễ ai thấy được Ngài cũng là thấy được Chúa Cha (x. Ga 14, 9), - qua toàn bộ sự hiện diện và toàn bộ sự bày tỏ mình ra của Ngài, qua những lời và qua những công việc của Ngài, qua những dấu chỉ và qua những phép lạ của Ngài, và nhất là qua sự chết và sự phục sinh vinh hiển của Ngài từ giữa những kẻ chết, và cuối cùng qua việc sai phái Thần Khí sự thật đến, - đã chấm dứt công trình mặc khải khi hoàn tất công trình đó và qua chứng tích thần linh, xác nhận rằng Thiên Chúa vẫn hằng ở với chúng ta để giải thoát chúng ta khỏi bóng tối tội lỗi và sự chết và làm cho chúng ta được phục sinh để sống sự sống vĩnh hằng." (DV., số 4).

"Mặc khải bằng sự hiện diện" là một đóng góp mới của thần học hiện đại, dù chưa được đào sâu cách thấu đáo. Ở đây, Công đồng Vatican II có vẻ thích hạn từ "hiện diện" ("présence") hơn hạn từ "ngôi vị" ("personne"). Hạn từ "hiện diện" cụ thể hơn và có nền tảng Kinh Thánh hơn, vì yếu tố số một ở đây là hữu thể của Đức Giêsu, tức là "một Ai đó" chứ không phải một giáo lý hay một chương trình. Toàn bộ hiện sinh của Đức Giêsu-Kitô là mặc khải, là chứng tá9.

Thế mà, St 1, 26-27 cho thấy con người được tạo dựng nên "theo hình ảnh Thiên Chúa" và "giống như Thiên Chúa", và hình ảnh của Thiên Chúa lại chính là Đức Giêsu-Kitô, Con và Ngôi Lời làm người của Ngài (1 Cr 11, 7; 2 Cr 4, 4; Cl 1, 15)...

Điều đó có nghĩa ngay trong cấu trúc hữu thể của con người, Đức Giêsu-Kitô hiện diện trong cùng lúc vừa như là nguyên lý, vừa như là trung gian, vừa như là cùng đích của con người...

Như là nguyên lý, bởi vì chính do Ngài mà con người được hiện hữu. Như là trung gian, bởi vì chính qua trung gian của Ngài, hay nói đúng hơn, khi "ở trong" Ngài mà con người được làm con Thiên Chúa. Như là cùng đích, bởi vì Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa, mà theo đó con người đã được tạo dựng nên...Đây chính là cơ sở để người ta tin là trong cấu trúc hữu thể của con người ngay từ đầu đã có một tư thế nguyên sơ (disposition originelle) để nhờ đó con người có thể luôn luôn "tiếp cận được" với Thiên Chúa, để "biết được" Thiên Chúa và để "sống với" Thiên Chúa, vốn là Đấng Tạo Hóa và là Cha của tất cả mọi người (l'homme, capable de Dieu), mà ngôn ngữ thần học gọi là "mặc khải tự nguyên sơ" (révélation originelle) hay là mặc khải "do tự bản tình tự nhiên" (révélation naturelle). Mặc khải tự nguyên sơ hay do tự bản tính tự nhiên nầy là một mặc khải thường hằng và là cơ sở của mặc khải mà ngôn ngữ thần học cổ điển thường gọi là "mặc khải do tự siêu nhiên" (révélation surnaturelle).

"Nhưng, Thiên Chúa không dừng lại ở đó. Ngày từ buổi ban sơ của lịch sử nhân loại, Thiên Chúa đã tự tỏ bày mình ra như một ngôi vị-đối tác ngay trong cung lòng lương tâm của con người để mở ra cho con người con đường siêu độ. Hình thức mặc khải nầy đã được gọi là "do tự siêu nhiên", bởi vì mặc khải siêu nhiên đó vốn là biểu trưng của sự Thiên Chúa muốn tự thông ban chính mình Ngài cho nhân looại. Từ đầu cho đến cuối lịch sử, Thiên Chúa không chỉ ghi trong trái tim con người dấu ấn một ơn gọi, mà Ngài còn muốn ban cho con người những ân huệ cần thiết để con người có thể hoàn tất ơn gọi đó.10"

Ngoài ra, cần lưu ý khi nói Đức tin là ân huệ nhưng không (don gratuit), điều đó không có nghĩa Đức tin là một đặc ân (privilège) chỉ được ban cho một thiểu số nào đó thôi, mà là ân huệ được ban cho tất cả mọi người, không phân biệt11.

Ngôn ngữ triết học gọi con người là một hữu thể tôn giáo là vì thế. Vì nằm trong cấu trúc hữu thể của con người, nên cảm thức tôn giáo là một cảm thức đức tin nguyên thủy và có tính phổ quát. Khi nói cảm thức tôn giáo là một cảm thức nguyên thủy và có tính phổ quát là muốn nói rằng, tự trong cấu trúc hữu thể, con người đã "ở trong" tương quan với Thiên Chúa và với các thụ tạo khác. Ở đây, cái nhìn "tam tài" (Thiên-Địa-Nhân hòa) của Đông phương và cái nhìn của Kinh Thánh do thái-kitô rất gần gũi với nhau.

"Vì tự cấu trúc hữu thể vốn có tương quan với Mầu nhiệm Thánh Thiên Chúa-Ba Ngôi, con người là hình ảnh của Thiên Chúa Cha, qua Con, trong Thần Khí. Nơi con người, phản ảnh Tình Yêu hằng yêu thương, trên cơ sở từ nguyên thủy con người vốn được yêu thương trong tình yêu hiệp nhất và tự do. Thiên Chúa Tam Vị, khi thông ban hữu thể cho thụ tạo, cũng ghi khắc nơi nó một sự gì đó thuộc vận động sự sống vĩnh hằng của Ngài, và như vậy khiến nó trở thành hình ảnh của lịch sử tình yêu vĩnh hằng.12"

I.3- Công trình SIÊU ĐỘ, ân huệ nhưng không :

Nếu "được siêu độ", cách tích cực, đồng nghĩa với việc "được trở thành con Thiên Chúa", "được sống sự sống vĩnh hằng" , "được tham dự bản tính thần linh", và cách tiêu cực, với "được tha thứ mọi tội lỗi", thì việc con người được siêu độ cũng là một ân huệ nhưng không của Thiên Chúa ban cho loài người, bởi vì những điều đó chúng ta chỉ "có" được khi chúng ta được "ở trong" Đức Giêsu-Kitô", Con và Ngôi Lời làm người của Thiên Chúa mà thôi.

I.3.a- Ngôn ngữ Thánh Kinh :

- Ep 1, 3-6 : "Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu-Kitô, Chúa chúng ta, từ cõi trời, Ngài đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Kitô, Ngài đã chọn ta, trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Ngài, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Ngài. Theo ý muốn, và lòng nhân ái của Ngài, Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu-Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Ngài ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu..."

- Ga 1, 3 : "Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Ngài, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Ngài là sự sống, và sự sống là ánh sáng ch nhân loại."

- Ga 17, 3 : "Thế mà sự sống vĩnh hằng đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến là Giêsu-Kitô".

I.3.b- Ngôn ngữ thần học :

Có một điều cần lưu ý ngay đó là việc Đức Giêsu-Kitô là Đấng Trung Gian duy nhất và phổ quát trong Mặc Khải và trong Siêu Độ hoàn toàn không đồng nghĩa với việc Thiên Chúa chỉ có một cách mặc khải và siêu độ duy nhất nào đó trong lịch sử mà thôi. Chính lầm lẫn chết người nầy đã khiến một số nhà thần học về các tôn giáo trong gần nữa thế kỷ qua cách độc đoán chỉ biết đặt câu hỏi là liệu có ơn siêu độ nơi những tôn giáo "ngoài kitô" (!?) hay không, thay vì đặt vấn đề Thiên Chúa siêu độ anh chị em "lương dân" như thế nào...

Thần học kinh viện mà não trạng vốn nặng tính cơ cấu, duy luật, dựa trên "công trạng", hẳn là ít quan tâm đến đặc tính nhưng không (vô điều kiện, vô vị lợi và vô biên giới) của tình yêu của Thiên Chúa, vốn là một yếu tố nền tảng và hết sức quan trọng trong nỗ lực suy tư thần học...

Thật vậy, nếu tình yêu của Thiên Chúa là nhưng không, vô điều kiện, vô vị lợi và vô biên, thì ơn siêu độ của Ngài cũng vậy. Sự khác biệt giữa "kẻ tin" và "người không tin" cũng gần giống như sự khác biệt giữa những kẻ biết cha mẹ mình là ai và những kẻ biết chắc rằng mình vẫn có cha có mẹ như ai, nhưng không biết đó là những ai. Một thí dụ khác : không ai sống được mà không nhờ sự hiện hữu và hiện diện của không khí, giáo cũng như lương, nhưng sự khác biệt nằm ở chỗ người nầy biết có sự hiện hữu của không khí và mình sống được là nhờ đó, còn một số người khác vẫn sống nhờ không khí, nhưng lại không biết và không ý thức được những điều nầy !

Sứ mạng loan báo Tin Mừng của những người kitô-hữu, mọi nơi và mọi thời, vì thế, có thể nói cũng giống như sứ mạng của Phaolô ở Athêna :

"Kính thưa quí vị người Athêna,, xét về mọi mặt, tôi nhận thấy các ngài rất mực sùng tín. Vì ngang qua, tôi ngước mắt nhìn các đồ thờ của các ngài, tôi đã gặp cả một tế đàn trên có khắc : KÍNH THẦN VÔ DANH. Vậy, Đấng các ngài không biết nhưng có thờ kính, thì này tôi xin loan báo về Ngài cho các ngài :..." (Cv 17, 22-23).

II- TÂM TÌNH TRI ÂN VÀ CẢM TẠ :

Đức Tin, nếu nhìn từ phía Thiên Chúa-Ba Ngôi, là ân huệ nhưng không, còn khi nhìn từ phía đối tác là con người thì đó là những tâm tình tri ân và cảm tạ, vốn là hai tâm tình luôn đi đôi với nhau. Thế nhưng, tâm tình tri ân và cảm tạ chỉ có thể có thực khi người ta biết rõ mình phải tri ân và cảm tạ ai và về cái gì.

II.1- Tri ân và cảm tạ "Ai ?" :

Từ tận đáy lòng, vì là hữu thể tôn giáo, từ thưở xa xưa, con người, dù mông muội, cách khá phổ biến, cũng đã có những hình thái tri ân và cảm tạ trời, giàng, thần đất, thần sông, thần núi, v.v...

Có lẽ, không như một số triết gia vô thần, cách đơn giản, cho rằng nguồn gốc của những hiện tượng tôn giáo (niềm tin, tín ngưỡng dân gian, v.v...) là do sự ngu dốt của con người khi chưa có những kiến thức khoa học, mà trái lại, đúng hơn, chính những cảm thức tôn giáo vốn nằm trong cấu trúc hữu thể của con người mới là nguồn gốc của những hiện tượng tôn giáo. Một cách nào đó, con người trực giác được mình không phải là nguồn gốc cho mình và là nguyên lý của mình. Nguồn gốc đó, nguyên lý đó, là một "Ai đó" : đó có thể là đấng hóa công, là ông trời, là giàng, là cái trứng nguyên thủy, v.v... Thật vậy, khi nghiên cứu các câu truyện cổ tích, thần thoại của các dân tộc trên thế giới, kể cả những dân tộc man di, người ta có thể khám phá ra điều đó, đặc biệt, nơi Kinh Thánh của người Do Thái, các Kinh Rig-Veda, Upanisah của người Ấn Độ...

Những tâm tình tri ân và cảm tạ đó của con người, ngay từ thưở sơ khai, được diễn đạt qua những cử chỉ thô thiển, bên ngoài có vẻ như mê tín dị đoan, nhưng thực chất nói lên "niềm tin" của con người vào một Đấng nào đó, vốn là nguồn gốc của nó, có khả năng che chở, phù trì hay trừng phạt nó, nguồn gốc của mọi ơn lành cũng như sự dữ, và là những hiện tượng có thể nói là phổ biến...

Người ta có thể trách cứ và phê bình sự "mê tín" (tin sai, tin đấng không đáng tin, v.v...) của anh chi em lương dân, nhưng liệu chính chúng ta, những kitô-hữu, chúng ta có dám cho mình là tin chắc và tin đúng vị Thiên Chúa của Đức Kitô hay không, hay lại như nhận xét của Bruno Forte :

"Thiên Chúa của những người kitô-hữu liệu có phải là vị Thiên Chúa của Đức Kitô không ?

Vấn nạn nầy, thoạt tiên, có vẻ nghịch lý, nhưng nảy sinh cách tự nhiên, nếu như người ta xem xét cách thức mà nhiều kitô-hữu tự trình bày cho mình vị Thiên Chúa của họ. Trong diễn từ diễn tả, họ nói về Ngài như về một "ngôi vị" thần linh nào đó mơ hồ, nhiều hay ít đồng hóa với Đức Giêsu của các sách Tin Mừng, hay như một hữu thể cao vời nào đó, cũng không chính xác gì hơn. Trong kinh nguyện, họ nói với vị Thiên Chúa bất định nầy, trong khi công thức mà phụng vụ dùng để nói với Cha qua Đức Kitô trong Thần Khí thì lại bị họ coi như là kỳ quặc, nếu không muốn nói là tối tăm khó hiểu : người ta cầu nguyện Thiên Chúa, nhưng không biết cầu nguyện trong Thiên Chúa ! Có một tình trạng không thể chối cãi là nhiều kitô-hữu, "mặc dù trong những tuyên xưng đức tin về Thiên Chúa-Ba Ngôi hoàn toàn là chính thống, nhưng trong cụ thể đời sống tôn giáo thì lại hầu như theo khuynh hướng "độc vị" ("monothéistes")13.

Có thể nói rằng một trong những nét chủ yếu làm nên căn tính của con người và làm cho con người khác với con vật, đó là tâm tình tri ân và cảm tạ kẻ hay đấng đã làm ơn cho mình. Sở dĩ thế, bởi vì qua kinh nghiệm tích lũy từ hàng ngàn đời, con người lần hồi khám phá ra nguyên lý nhân-quả, vốn chi phối các mối tương quan giữa các thụ tạo với nhau và với một "Ai đó" : đó có thể là Trời, là Giàng, là Thượng Đế, là Ngọc Hoàng, là Thần, là Đức Chúa, là Thiên Chúa, v.v...

Từ khi con người bắt đầu biết suy tư, khởi điểm của mọi thứ triết học, có ba vấn nạn lớn vẫn là những nỗi ám ảnh khôn nguôi của con người : 1. "Nhân sinh hà tại ?" (Hiện sinh nầy của con người bởi đâu mà có ?); 2. "Tại thế hà như ?" (Ý nghĩa của hiện sinh trần thế nầy là gì ?); 3. "Hậu thế như hà ?" (Sau hiện sinh trần thế nầy sẽ là gì ?) 14.

Đây là ba vấn nạn mà Hubert Reeves, nhà vật lý thiên thể gốc Canada đã gọi là : "Les questions sont universelles, les réponses sont culturelles" (Các vấn nạn mang tính phổ quát, các đáp án phản ảnh cho thấy các nền văn hóa) 15 . Thật vậy, ba vấn nạn đó là những vấn nạn muôn thưở của loài người, và các nền văn hóa, tín ngưỡng của tất cả các dân tộc, các vùng, miền, nói cho cùng, đều chỉ là phản ảnh những câu giải đáp mà con người nghĩ tưởng là có thể trả lời được cho những vấn nạn nầy.

Và, nếu, "Mọi sự đều đã được Cha Ta trao phó cho Ta, và không ai biết được Con trừ phi có Cha; và cũng không ai biết được Cha trừ phi có Con và kẻ được Con khấng mặc khải ra cho." (Mt 11, 27), thì ngay cả những tâm tình tri ân và cảm tạ của con người đối với Thiên Chúa cũng lại là những hồng ân nhưng không của Thiên Chúa ban cho con người :

"Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.

Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con..." (Kinh Tiền Tụng chung IV).

Vì thế, Đức Giêsu đã tuyên bố :

"Mà sự sống vĩnh hằng đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô." (Ga 17, 3).

Có thể nói rằng nét độc đáo làm nên căn tính của mặc khải kitô đó là mặc khải Thiên Chúa như là Cha của Con là Đức Giêsu-Kitô, Đấng được Cha sai đến trần gian, và là Cha của tất cả mọi người vốn đã được tạo dựng nên trong Con, bởi Con và giống như Con.

Như vậy, Đấng mà tất cả mọi người phải tri ân và cảm tạ đó Vị Thiên Chúa của Đức Kitô, vốn vừa là Đấng tạo dựng nên tất cả mọi thụ tạo, và là Cha của tất cả mọi người, không phân biệt giáo hay lương.

II.2- Tri ân và cảm tạ "về điều gì ?" :

Trong cái nhìn kitô, nói chung, tất cả những gì con người "là" và "có" đều là hồng ân của Thiên Chúa ban cho cách nhưng không. Vì thế, hiện sinh của con người là hiện sinh luôn trong tư thế và tâm tình tri ân và cảm tạ Thiên Chúa chí ái, toàn tri và toàn năng.

Có thể nói rằng tuy dưới những hình thái khác nhau, đối với những đối tượng khác nhau, về những nhu cầu tinh thần, vật chất khác nhau, đôi khi bề ngoài có vẻ như "mê tín", con người từ thưở hồng hoang vẫn đã có những tâm tình tri ân và cảm tạ về những gì họ đã nhận được từ các thần thánh hay từ thiên nhiên, thí dụ như nghi lễ cúng "Giàng" lúa mới nơi các anh chị em dân tộc thiểu số...

Tạm kết

Đức tin tôn giáo, như vậy, từ đầu chí cuối, vẫn là ân huệ nhưng không Thiên Chúa ban cho con người. Và bởi vì là ân huệ nhưng không, nên không phải phát xuất từ phía con người, mà là do Thiên Chúa ban cho. Thế mà, tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu vô bờ vô bến, và toàn thể thụ tạo đều là đối tượng của tình yêu nầy của Thiên Chúa-Ba Ngôi. Một trong những sứ mạng quan trọng và cao cả của người kitô-hữu, vì thế, chính là chia sẻ và loan báo Tin Mừng đó cho tất cả mọi người...

Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung

-------------------------------------------------------------

Notes:

1. Xem Bruno Forte, Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi như một lịch sử, bản Việt ngữ của lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung, nxb. Tôn giáo, 2010, trg. 215.

2. Bernard Sesboüé, Croire, Droguet & Ardant, Paris, 1999, p. 51.

3.Bruno Forte, Id., trg. 229.

4. Raimon Panikkar, La Trinité, une expérience humaine primordiale, Ed. Du Cerf, Paris, 2003, trg. 108.

5. Bruno Forte, Id., trg. 312.

6. Bruno Forte, Id., trg. 213.

7. Bruno Forte, Id. tt. 215-216.

8. Bruno Forte, Id. trg. 216.

9.Auteur collectif, Histoire des Dogmes, tome IV : La Parole du Salut, Desclée, 1996, p. 524.

10.Bernard Sesboüé, Croire, Id., tt. 158-159.

11. Bernard Sesboüé, Croire, Id., trg. 52.

12. Bruno Forte, id., trg. 235.

13.Xem Bruno Forte, id. trag. 18.

14.Xem Lưu Hồng Khanh, Triết học nhập môn, Triết học Đông phương, Tập 1, nxb. Trẻ 2005, Sàigòn, trg. 31.

15. Được Hubert Reeves nhắc tới trong Bài Phỏng vấn, được thực hiện bởi Frédéric Lenoir và Djénane Kareh Tager, đăng trong Le Monde de Religions de Janvier et Février 2005, với tựa đề Intimes convictions.

 WTGP HN