Cô gái gốc Việt cứu sống 5 mạng người sau khi qua đời
Nghĩa cử hiến tạng của Kim Pham, cô gái gốc Việt bị đánh hội đồng cho đến chết tại Mỹ, đã giúp cứu sống 5 mạng người, hãng tin NBC (Mỹ) cho biết.
Kim Pham, 23 tuổi, cô gái gốc Việt bị đánh hội đồng cho đến chết tại Mỹ – Ảnh: NBC
Kim Pham, 23 tuổi, đã bị đánh đập dã man bên ngoài một hộp đêm tại thành phố Santa Ana, thuộc Quận Cam (bang California, Mỹ) vào hôm 19.1 chỉ vì cô vô tình xen ngang chỗ chụp hình của một nhóm người.
Các bác sĩ cho biết cô đã chết não ngay hôm 19.1, nhưng đến ngày 22.1, các bác sĩ mới gỡ bỏ máy hỗ trợ thở để đảm bảo rằng ý nguyện hiến tặng nội tạng của cô có thể được thực hiện.
Trước khi chết, Kim Pham đã đăng ký hiến tạng sau khi mình qua đời.
Ngoài tim, phổi, thận, lá lách và gan, Kim Pham cũng hiến cả mô, với mong muốn giúp được thêm nhiều người, theo NBC.
“Chúng tôi thật có phước khi có Kim, vì cô ấy có một tâm hồn tốt đẹp hiếm có. Cô ấy luôn đặt nhu cầu của người khác trước mình và không bao giờ nghĩ xấu về ai”, NBC dẫn một tuyên bố từ gia đình nạn nhân.
Theo báo cáo của cảnh sát, Kim đã bị đấm, đá và nằm ngất xỉu trên mặt đất sau khi cãi vả với một nhóm 5 người, gồm 2 đàn ông và 3 phụ nữ.
Cô vẫn nằm bất tỉnh khi cảnh sát đến hiện trường. Có rất nhiều người chứng kiến khi vụ việc xảy ra, một số thậm chí đã lấy điện thoại di động ra quay.
Cảnh sát đã bắt được 2 nữ nghi phạm và hiện đang truy lùng người thứ 3.
Nguồn: thanhnien
Chuyện ít biết về nữ sinh gốc Việt bị đánh chết ở Mỹ
Theo lời một nhân chứng giấu tên cho biết nguyên nhân của vụ xô xát có thể là do Kim Pham đã vô tình đi qua ống kính khi một nhóm 5 người gồm 3 nữ, 2 nam đang chụp ảnh. Sau đó, hai bên nảy sinh cãi cọ và 5 người kia lao đến đánh đập Kim một cách tàn bạo.
|
Cô gái gốc Việt Kim Pham đã bị chết não 1 ngày sau khi bị một nhóm người tấn công. |
Một nhân chứng khác sử dụng điện thoại di động ghi lại hình ảnh nhóm 5 người kia đánh đập dã man, thậm chí dẫm lên người Kim. Đoạn phim dài gần 10 giây này đang được cảnh sát sử dụng để xác định danh tính các nghi phạm. Tại hiện trường, cảnh sát cũng tìm thấy chiếc điện thoại được cho là của một nghi phạm.
Hiện, cảnh sát đã bắt được 2 nghi phạm nữ và đang truy lùng nữ nghi phạm thứ ba. Ban đầu, cảnh sát cho biết có 2 người đàn ông và 3 phụ nữ liên quan nhưng sau kết luận chỉ có 3 nghi can nữ. Cảnh sát cũng không rõ ai là người mở đầu cuộc chiến trước.
Theo tin tức mới nhất, những người bạn của Kim mặc dù có mặt tại hiện trường nhưng không dám làm chứng. Cuộc điều tra của cảnh sát đã lâm vào bế tắc khi không có ai trong số những người nói trên cung cấp thông tin. Thậm chí, có một người còn thẳng thừng từ chối cung cấp thông tin dù cảnh sát đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng hỗ trợ.
Tiền thưởng cho ai cung cấp thông tin có liên quan đến vụ án mạng đã tăng từ mức 5.000 USD lên 11.000 USD.
Kim Phạm – cô gái có tấm lòng nhân ái
Trước vụ tai nạn, Kim đã tình nguyện hiến tặng các bộ phận nội tạng của mình cho những bệnh nhân cần. Cô gái 23 tuổi này đã bị chết não hôm 19/1 tại bệnh viện nhưng vẫn được gắn các thiết bị hỗ trợ sự sống, vì các bác sĩ chờ sử dụng nội tạng cho mục đích hiến tặng. Cảnh sát thành phố Santa Ana thông báo cô qua đời vào khoảng 12h36 ngày 28/1 khi bác sĩ tháo các thiết bị hỗ trợ.
Cha và mẹ kế chỉ phát hiện Kim từng đăng ký hiến tặng nội tạng khi nạn nhân nhập viện.
Lisa – con gái mẹ kế của Kim Pham nhận xét về chị gái rằng: “Kim thường giúp đỡ người khác mà không cần họ trả ơn. Đó chính là tính cách tốt đẹp của chị ấy".
Katie, một người thân khác, cho biết, Kim luôn khuyên cô nên chấp nhận mọi người bất kể họ như thế nào.
"Kim là người có trái tim nhân hậu nhất mà tôi biết. Chị ấy quan tâm tới tất cả mọi người", Katie nói. "Những người tốt như chị ấy rất ít".
Kim Pham vừa tốt nghiệp ngành tâm lý học ở Đại học Chapman nhưng lại muốn trở thành một nhà văn. Cô từng sử dụng các bài tiểu luận của mình vào hai tuyển tập văn học nói về sự trải nghiệm của một người Mỹ gốc Á.
"Kim Pham là một con người đẹp, không bởi cô ấy trẻ đẹp mà vì cô ấy có một trái tim vàng", Mai Bui, người biên tập của hai tuyển tập, nhận xét.
Kim di cư từ Việt Nam sang Mỹ vào năm 1991 lúc 1 tuổi. Khi Kim lên 5 tuổi, mẹ cô qua đời vì bệnh hiểm nghèo.
Chính vì trải qua nỗi đau mất mẹ nên Kim luôn tìm đến những cảnh đời bị bỏ quên và cố gắng giúp đỡ họ.
Cô gái gốc Việt từng nêu 7 nỗi sợ hãi thanh niên cần tránh
Là một người có tấm lòng nhân ái, Kim Pham luôn khích lệ các bạn đồng trang lứa hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Không chỉ vậy, cô còn chỉ ra 7 nỗi sợ hãi lớn nhất của thanh niên.
Trên trang blog cá nhân, Kim miêu tả bản thân là người thích phân tích, yêu sự chân thật và có trái tim nhân ái. Cô cũng chia sẻ về tình yêu gia đình, bạn bè.
Kim từng viết bài Bảy nỗi sợ lớn nhất bạn cần tránh ở tuổi 20 trên trang Elite Daily. Cô gái Mỹ gốc Việt kêu gọi những người cùng lứa tuổi không được sợ hãi. Kim liệt kê 7 nỗi sợ hãi cần tránh đó là: Sự thất bại, không được mời dự tiệc, không sánh bằng người khác, những điều chưa biết hoặc những việc sẽ diễn ra trong tương lai, cảm giác cô đơn, lời từ chối, bị tổn thương bởi người khác.
Giáo sư tâm lý Carol Brodbeck tại Đại học Chapman nơi Kim từng theo học, cho biết, mọi người đều yêu quý cô gái này. “Cô ấy viết bằng cả sự nhiệt huyết, sự sắc sảo vượt lên trên tuổi tác. Mọi người ở Chapman sẽ nhớ Annie (tên thường gọi của Kim Pham) rất nhiều”, Brodbeck nhận xét.
Giáo sư Ed Dana giảng dạy môn Tâm lý tại Đại học Chapman, kể rằng ông từng dạy Kim Pham 4 năm và luôn coi cô như một người bạn.