Ba Vua và Ngôi Sao Lạ

Ngày nay trên con đường hành hương về Nước Trời, ai trong chúng ta chẳng có những giây phút bị lạc lối, những giây phút chúng ta có cảm tưởng mình đang bị bỏ rơi, hoặc cảm thấy hình như niềm tin vào Thiên Chúa và Tình Yêu của Ngài đang dần dần tan biến vào trong thinh không. Trong những giây phút yếu đuối, thất vọng, và chập chờn với ngọn nến của niềm tin như vậy, mời bạn và tôi, chúng ta hãy cùng nhau hướng về Thiên Chúa, dõi mắt tìm kiếm nguồn trợ lực của trời cao.
Ba Vua và Ngôi Sao Lạ
Nguyễn Trung Tây

Ba Vua và Ngôi Sao Lạ

...Ba vua, họ là ai? Tên chi?. ..[Và] truy lùng dấu vết của ngôi sao lạ, ngôi sao một thời chiếu sáng đưa đường dẫn lối ba vua...

Mùa đông tới với những cành cây xám khô bơ vơ trơ trụi lá. Mùa đông buông rơi những hạt bông tuyết lất phất bay bay. Mùa của cây xám khô và của bông tuyết trắng nhắc nhở tới mùa Giáng Sinh, mùa của thanh bình và của hy vọng. Giáng Sinh rộn ràng thương xá, người người mua sắm, chuông vàng chuông bạc vang vang một góc trời. Giáng Sinh đốt đèn sáng rực những bầu trời đêm đen của Tây Âu và Bắc Mỹ. Giáng Sinh giăng mắc đèn mầu nơi nơi, đèn bám mái nhà, đèn viền cửa sổ, đèn sáng lấp lánh cây thông xanh trong căn phòng khách ấm cúng. Đặc biệt người Kitô hữu Việt Nam còn có phong tục làm hang đá. Bên trong hang đá lấp lánh dây kim tuyến là tượng Chúa Hài Đồng nhỏ bé nằm trong máng cỏ nở nụ cười ngây thơ. Bao bọc chung quanh Hài Nhi Giêsu là thánh Giuse, Đức Mẹ Maria, và những mục tử chăn chiên; tất cả đều đang im lặng chiêm ngắm mầu nhiệm Ngôi Hai ra đời làm người. Sánh vai với thánh thợ mộc Giuse, Mẹ Maria, và những mục đồng là Ba Vua. Trên tay ôm những món quà, vàng bạc, mộc dược, và nhũ hương, ba người khách lạ năm xưa của thôn làng Bethlehem trầm ngâm nghiêng mình thờ lạy Hài Nhi Thánh. Nhắc đến Ba Vua, chúng ta không thể nào quên được ngôi sao lạ đã hiện ra trên bầu trời thông báo cho Ba Vua biết đại tin mừng là Thiên Chúa đã mặc lấy thân xác con người qua mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể.

Ba Vua và Ngôi Sao Lạ là một trong những khuôn mặt quan trọng không thể thiếu vắng trong mùa Giáng Sinh. Nhắc đến Giáng Sinh là nhắc đến ngôi sao lạ. Nhắc đến ngôi sao lạ là nhắc đến Ba Vua. Nhưng người Kitô hữu Việt Nam nói riêng và người Kitô hữu nói chung rất mù mờ về sự tích Ba Vua và Ngôi Sao Lạ. Nếu đặt câu hỏi, “Ba Vua tên gì?” hoặc “Ngôi sao lạ tên chi?”, nhiều người Kitô hữu sẽ lúng túng và ngập ngừng không ít thì nhiều với hai câu hỏi vừa được nêu ra. Bởi vậy, trong bài tham khảo Ba Vua và Ngôi Sao Lạ,

(1). Chúng ta sẽ cùng nhau khăn gói lên đường đi tìm kiếm hình ảnh của những người khách hành hương năm xưa. Họ là ai? Tên chi?

(2). Sau khi diện kiến, chuyện trò, hàn huyên, và tâm sự với Ba Vua, chúng ta sẽ tạm biệt các ngài, tiếp tục lên đường tìm kiếm một dung nhan khác của tháng Mười Hai. Lần này chúng ta sẽ không đi tìm người nữa, nhưng là truy lùng dấu vết của ngôi sao lạ, ngôi sao của một thời chiếu sáng đưa đường dẫn lối Ba Vua tới thị trấn Bethlehem.

I. Ba Vua, Mágòi

Theo như thánh sử Mátthêu khi “Đức Giêsu sinh ra tại Bethlehem, xứ Giuđê, trong đời vua Hêrôđê, mágòi (μάγoi) từ phương Đông tìm đến Giêrusalem. Các ông hỏi,

— Vua người Do Thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhìn thấy ngôi sao của Người ở phương Đông, và chúng tôi đến để triều bái Người” (Mátthêu 2:1).

Trong tiếng cổ Hy Lạp mágòi (μάγoi) không có nghĩa là vua. Mágòi là danh từ số nhiều của mágọs (μάγoi), có nghĩa là chiêm tinh gia, giải mộng gia, phù thủy (pháp sư), và tu sĩ của nền văn hóa Trung Đông thời cổ.

A. Chiêm Tinh Gia

Mágòi là những nhà chiêm tinh gia bởi vì họ có những kiến thức và khả năng đặc biệt về thiên văn học. Căn cứ vào những dữ kiện thâu thập được từ những vòng quay quỹ đạo, tốc độ vận hành, và năng lượng ánh sáng của những vị tinh tú trong vũ trụ, những nhà mágòi có khả năng dự liệu hoặc tiên đoán được những biến chuyển hoặc những biến cố sẽ xảy đến trên mặt quả địa cầu. Đặc biệt tương tự như người phương Đông chúng ta, người Trung Đông tin rằng khi một hài nhi chào đời, trên trời một ngôi sao mới cũng sẽ xuất hiện. Nếu hài nhi là con vua cháu chúa hoặc một đấng minh quân, ngôi sao bản mệnh này sẽ chiếu sáng rực rỡ trên vòm trời trong một khoảng thời gian khá lâu; thí dụ, khi Đức Giêsu hạ sinh tại thành phố Bethlehem, ngôi sao bản mệnh của ngài đã xuất hiện trên bầu trời thông báo cho nhân loại biết Con Một Thiên Chúa đã hạ sinh làm người. Từ phương Đông của nước Do Thái, những nhà chiêm tinh gia đã nhìn thấy ngôi sao lạ. Dựa vào khả năng thiên văn học của mình, những nhà chiêm tinh gia biết rằng ngôi sao mới xuất hiện trên bầu trời này chính là ngôi sao bản mệnh của Đông Cung Thái Tử của vuơng quốc Do Thái. Bởi thế các ông hành trang lên đường đi thẳng tới kinh thành Giêrusalem là thủ đô chính trị của nước Do Thái vào thời bấy giờ để triều bái Ngài. Rất tiếc, Đức Giêsu lại không hạ sinh ở thủ đô Giêrusalem, nhưng tại một thôn làng Bethlehem, cho nên các nhà chiêm tinh gia lạc đường bí lối khi họ đặt chân tới kinh thành Giêrusalem. Bởi thế họ phải mở miệng hỏi thăm tin tức về vị Đông Cung Thái Tử,

— Vua người Do Thái mới sinh ra hiện bây giờ đang ở đâu?

B. Giải Mộng Gia

Ngoài tài thiên văn nhìn trời ngắm sao, những nhà mágòi còn có tài giải đoán những cơn mơ và giấc mộng. Nếu những người mágòi của thánh sử Mátthêu còn sống cho tới ngày hôm nay, người ta có thể dừng chân ghé vào tịnh thất của họ. Sau khi đặt một quẻ tiền lên trên đĩa giấy, những nhà mágòi năm xưa sẽ diễn giải chi li phân tích tỉ mỉ ý nghĩa của những cơn mơ và giấc mộng đã xuất hiện trong giấc ngủ chập chờn đêm qua của thân chủ. Bởi thế, theo như sử gia Philô, trước khi hài nhi Môisen chào đời, vua Pharao đã phải triệu tập những nhà mágòi người Ai Cập vào trong cung điện để diễn giải cho nhà vua nghe ý nghĩa của một giấc mơ đã khiến vị hoàng đế sông Nile băn khoăn trằn trọc suốt một đêm trường. Lắng tai nghe vua Pharao kể lại tất cả những chi tiết của cơn mơ, những nhà mágòi tiên đoán rằng không bao lâu nữa, một trẻ sơ sinh của người nô lệ Do Thái sẽ chào đời. Hài nhi này có khả năng thách đố vương quyền của hoàng đế Kim Tự Tháp, bởi sau khi lớn lên, người thanh niên này sẽ đứng lên xui giục dân Do Thái vùng dậy đòi lại quyền tự do và quyền làm người. Dưới sự lãnh đạo của chàng thanh niên, người nô lệ Do Thái sẽ quyết định ngưng, thôi không tiếp tục đời sống làm nô lệ tôi mọi cho người Ai Cập nữa. Nhận được hung tin, vua Pharao tưởng chừng như sét vừa đánh ngang qua tai. Hoàng đế Ai Cập quyết định ra tay hành động. Giết rắn phải giết từ trong trứng nước, cho nên ông liền ký một sắc chỉ ra lệnh giết chết hết tất cả những nam hài nhi sơ sinh của người Do Thái. 

C. Phù Thủy

Ngoài thiên tài giải đoán mộng mị, mágòi cũng còn là những nhà phù thủy. Họ có khả năng biểu diễn pháp thuật, bay trên không trung, hô phong đảo vũ, miệng đọc thần chú biến trắng thành đen, biến nước không mùi không vị hóa thành máu đỏ. Bởi thế, một lần kia cũng trong cung điện hoàng gia của vua Ai Cập, Thiên Chúa ra lệnh cho Aaron, anh của Môisen, làm phép lạ biến cây gậy của Aaron hóa thành một con rắn khổng lồ trườn bò trước mặt vua Pharao và bá quan văn võ người Ai Cập. Trước phép thuật của Aaron, vua Pharao cười nửa miệng. Ông cũng cho đòi những nhà mágòi người Ai Cập tới trước sân rồng. Theo lệnh của vua Pharao, những nhà mágòi Ai Cập quẳng cây gậy của họ xuống đất. Ngay lập tức những cây gậy của những ông mágòi đất Kim Tự Tháp cũng lại hóa thành những con rắn lớn (Xuất Hành 7:10-12).

Một lần kia, trên con đường viễn chinh tiến về vùng Đất Hứa, trong khi đang chuẩn bị cho những bước chân đầu tiên tiến qua đường biên giới lãnh thổ của vương quốc Môáp, những người dân du mục Do Thái đã đụng độ giáp mặt với một ông phù thủy mágọs lạ nhất trên trần đời. Nhận được tin tức tình báo là đoàn quân viễn chinh bách chiến bách thắng Do Thái đang mấp mé ở đường biên giới, vua Balắc của người Môáp mất ngủ; bởi ông e ngại cho nền thịnh vượng và sự tồn vong của vương quốc một khi đất nước Môáp ngập bóng đoàn quân thiện chiến du mục Do Thái. Sau nhiều đêm trằn trọc, cuối cùng ông nghĩ ra một kế. Vua Balắc đích thân triệu mời phù thủy mágọs Bálàam từ phương đông tới cung điện hoàng gia. Với hy vọng chận đứng vó ngựa bách chiến bách thắng của dân du mục Do Thái, vua Balắc nhờ ông mágọs Bálàam mở miệng chúc dữ Môisen và toàn thể dân riêng của Giavê Thiên Chúa. Nhưng rất tiếc, trước khi ông phù thủy có dịp mở miệng chúc dữ kẻ thù của người Môáp, thần khí của Thiên Chúa ngự vào ông mágọs Bálàam. Cho nên, thay vì chúc dữ, Bálàam lại mở miệng chúc lành dân Do Thái, không phải chỉ một lần, mà là ba lần. Thấy vậy, vua Balắc nổi giận cự mắng ông phù thủy Bálàam không tiếc lời (Dân Số 22—24).

Những nhà mágòi phù thủy không chỉ xuất hiện trong dòng lịch sử Cựu Ước, lần giở những trang sách của Tân Ước, ngoài câu chuyện Ba Vua hay là Ba Ông Phù Thủy của thánh sử Mátthêu, bạn cũng sẽ nhận ra hình dạng của hai ông mágòi khác trong Sách Tông Đồ Công Vụ (8, 13). Theo như Tông Đồ Công Vụ 8, sau khi thánh Phêrô và Gioan đặt tay lên trên đầu của những người tân tòng người Samaria, Chúa Thánh Linh từ trời cao ngự xuống tràn ngập tâm hồn của những người mới gia nhập đạo. Thấy chuyện lạ lùng như vậy, ông tân tòng phù thủy mágọs Simon liền nổi máu tham—và có lẽ cũng bởi tại méo mó nghề nghiệp muốn học thêm pháp thuật. Ông mágọs Simon liền chìa tiền ra mua chuộc chức thánh với thánh Phêrô. Trước lời yêu cầu sặc mùi tiền bạc của phù thủy Simon, người ngư phủ Biển Hồ năm xưa nổi giận chúc dữ ông tân tòng mágọs (Tông Đồ Công Vụ 8:9-27). Rất may cho ông phù thủy, sau khi tỏ lòng ăn năn thống hối, mở miệng xin lỗi, thánh Phêrô vui lòng chín bỏ làm mười bỏ qua câu chuyện hối lộ mua quan bán chức.

Mágọs Êlima người Do Thái trên đảo Sairus trong chương 13 thì không gặp may mắn như ông bạn đồng nghiệp mágọs Simon người Samaria trong chương 8. Biết rằng Quan Thống Đốc đảo Sairus muốn gặp mặt Phaolô và Barnabas để lắng tai nghe những lời vàng ngọc của Thiên Chúa, mágọs Êlima tìm đủ mọi cách ngăn cản ông Quan Thống Đốc; bởi ông phù thủy e ngại rồi đây địa vị pháp sư và quyền lợi của ông sẽ lung lay hoặc tan theo mây khói một khi Quan Thống Đốc gia nhập đạo Thiên Chúa. Biết rõ âm mưu đen tối của ông mágọs Êlima, vốn nóng tính như Trương Phi, ông cựu Biệt Phái Phaolô nổi giận mở miệng chúc dữ ông mágọs của Quan Thống Đốc không tiếc lời. Thế là mágọs Êlima hóa thành người mù lòa, phải nhờ người khác dắt đi những bước chân chập chững đầu tiên trong đêm đen và bóng tối (Tông Đồ Công Vụ 13:4-12).

Một nhân vật thiếu niên nổi tiếng đương thời của thiên niên kỷ thứ ba đang làm say mê bao nhiêu tâm hồn thiếu niên và người lớn cũng lại là một cậu mágọs phù thủy, đó là cậu bé Harry Potter của nữ tiểu thuyết gia người Anh J. K. Rowling. Theo như những cuốn tiểu thuyết viết về cuộc đời của cậu phù thủy Harry Potter, Harry đã từng được dạy dỗ và huấn luyện trong ngôi trường chuyên môn đào tạo những ông và bà mágòi phù thủy.

D. Tư Tế

Ngoài phù thuật, mágòi cũng là những nhà lãnh đạo tôn giáo. Tương tự như những thầy tư tế Lêvi Do Thái, Linh Mục Công Giáo, Đạo Sĩ Lão Giáo, hay Pháp Sư Việt Nam, mágòi là những người đại diện cho dân chúng để cử hành những nghi thức tế lễ thuộc về tôn giáo, thí dụ, lập trai đàn cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Ông tư tế Imhotev trong phim Mummy và Mummy Returns, hai bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Holywood bàn về cuộc tình giữa thầy Thượng Phẩm Imhotep và vương phi Anck Su Namun vợ của Pharao Seti I, cũng là một ông mágọs. Bởi sức mạnh của tình yêu, thầy magọs thượng tế Imhotev đã liên tiếp làm hết pháp thuật này sang pháp thuật kia với hy vọng hồi sinh lại mạng sống cho người tình Anck Su Namun.

Bởi họ thuộc về đẳng cấp giáo sĩ trong xã hội, mágòi được hưởng rất nhiều đặc quyền đặc lợi chỉ dành riêng cho giới tu sĩ. Thông thường, mágòi sống trong cung điện hoàng gia kề cận vua chúa hoàng hậu. Thí dụ, ông mágọs Êlima của Quan Thống Đốc đảo Sairus trong Tông Đồ Công Vụ (13:7), hay là bà mágọs trong bộ phim Nữ Hoàng Ai Cập Cleopatra do đại tài tử mắt tím Elizabeth Taylor thủ vai nữ hoàng được trình chiếu lần đầu vào năm 1963. Bà mágọs này xuất hiện ít nhất hai lần trong bộ phim Cleopatra; lần thứ nhất, bà báo cho nữ hoàng Ai Cập Cleopatra biết là bà ta sẽ hạ sinh một người con trai; lần thứ hai, bà phù thủy báo cho nữ hoàng biết tin hoàng đế Cêsar sẽ bị sát hại. Bà magọs này sống trong cung điện của nữ hoàng Ai Cập. Khi nữ hoàng viễn du sang kinh thành Rôma diện kiến hoàng đế Cêsar, bà mágọs cũng được đi theo thuyền rồng viễn du vượt Địa Trung Hải tới kinh đô của đế quốc La Mã.

E. Mágòi: Tu Sĩ Trung Đông

Bởi sự khác biệt quá lớn giữa hai nền văn hóa, thần học gia Việt Nam đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong khi phiên dịch danh từ mágòi của văn hóa Trung Đông sang văn hóa Đông Phương. Đương nhiên không thần học gia Việt Nam nào dịch danh từ mágòi của thánh sử Mátthêu là phù thủy hoặc là pháp sư, nhưng Linh Mục Nguyễn Thế Thuấn và một số bản văn Phụng Vụ dịch mágòi là những đạo sĩ. Có nơi dịch là những chiêm tinh gia. Nơi khác dịch là những nhà thông thái.

Bởi nét đặc thù của vùng đất Trung Đông, như đã được trình bày ở trên, thật sự ra:

(1). Mágòi không thể chỉ hiểu đơn thuần như là những nhà đạo sĩ của Lão Giáo.

(2). Mágòi cũng không chỉ thuần túy là chiêm tinh gia, bởi chiêm tinh gia trong văn hóa Việt Nam không bao hàm ý nghĩa của những nhà tu sĩ.

(3). Mágòi cũng không chỉ là những nhà thông thái.

Mà thật ra mágòi vừa là đạo sĩ, vừa là chiêm tinh gia, vừa là những nhà thông thái, vừa là giải mộng gia, và là những nhà tu sĩ.

(1). Mágòi là những nhà đạo sĩ vì họ có thể làm phép thuật biến cây gậy thành chú rắn khổng lồ như đã được trình bày trong sách Xuất Hành.

(2) Mágòi là những chiêm tinh gia và nhà thông thái bởi kiến thức rộng rãi về thiên văn học, thí dụ, câu chuyện Ba Vua.

(3). Mágòi là những giải mộng gia bởi họ có khả năng giải thích được những cơn mơ và giấc mộng như đã được trình bày và nhắc đến trong cuốn Tiểu Sử Môisen của nhà sử gia nổi tiếng Philô.

(4). Mágòi cũng là tu sĩ, bởi họ đại diện cho vua chúa cử hành những nghi thức phụng vụ dâng hương trong đền thờ bụt thần.

Bởi vậy, nói cho chính xác nhất, mágòi là những nhà tu sĩ của những tôn giáo đa thần Trung Đông thời cổ. Nói cho ngắn gọn, mágòi là những Nhà Tu Sĩ Trung Đông.[1]

II. Ba Vua, Ba Tên Tuổi, Ba Nhân Dáng

Mágòi không phải là vua mà là những nhà tu sĩ Trung Đông. Nhưng ngày hôm nay, rất nhiều người Kitô hữu vẫn quen miệng gọi họ là Ba Vua. Tự dưng những nhà tu sĩ Trung Đông không phải là con cháu của vua chúa được rất nhiều người Kitô hữu yêu mến đội lên đầu ba cái vương miện hoàng gia.

A. Thánh Vịnh 72

Nguyên nhân chính đã góp phần vào hiện tượng hoàng gia hóa những nhà tu sĩ Trung Đông có lẽ đã bắt nguồn từ bài Thánh vịnh 72:10-11.[2]

Từ Tásis và hải đảo xa xăm,

hàng vương giả sẽ về triều cống,

Cả những vua Ả Rập, Xơva.

Cũng đều tới thờ lạy, tiến dâng lễ vật.

Mọi quân vương phủ phục trước ngai rồng.


Nếu mang hai câu chuyện, chuyện Tu Sĩ Trung Đông trong Matt 2:1-12 và Thánh Vịnh 72:10-11, lên bàn cân phân tích và so sánh, độc giả Kinh Thánh sẽ nhận ra hai câu chuyện này có rất nhiều nét tương đồng. Theo như Thánh Vịnh 72:10-11, từ phương xa, vua của các sắc dân sẽ lên đường hành hương tiến về vùng đất thánh để thờ lạy và thượng tiến lễ vật dâng lên Giavê Thiên Chúa. Trong trường hợp của những nhà tu sĩ Trung Đông, từ phương Đông của những vương quốc Ả Rập, vùng đất của Alađin và cây Đèn Thần, các ngài cũng đã lần tìm đi theo dấu sao tiến về kinh thành Giêrusalem dò hỏi tông tích của Tiểu Hoàng Đế Giêsu. Khi kiếm ra được Con Một Thiên Chúa trong hình dạng trẻ thơ, các nhà tu sĩ Trung Đông đã bái phục thờ lạy trước ngai rồng của Hài Nhi Đông Cung Thái Tử. Sau cùng, họ dâng lên Thiên Chúa lễ vật, vàng, nhũ hương, và mộc dược.

B. Bao Nhiêu Tu Sĩ Trung Đông?

Theo như thánh sử Mátthêu, “Khi Đức Giêsu sinh ra tại thôn làng Bethlehem, tại Giuđêa, trong thời Vua Hêrôđê, những nhà tu sĩ Trung Đông lần tìm đến kinh thành Giêrusalem” (2:1). Nguyên thủy trong câu văn vừa được trích dẫn, tác giả Mátthêu chẳng nhắc nhở, ngài cũng không buồn ngồi nhẩm đếm con số thành viên của phái đoàn phương Đông đã từng dừng chân tại kinh thành hòa bình Giêrusalem để hỏi thăm tin tức về tung tích của Hài Nhi Giêsu. Lần tìm từng nét, lần đọc từng chữ trong mười hai câu văn của bài Tin Mừng Tu Sĩ Trung Đông và Ngôi Sao Lạ (Mátthêu 2:1-12), chẳng ai nhìn thấy con số ba ẩn hiện thấp thoáng ở bất cứ nơi nào. Nhưng lạ lùng vô cùng, đến ngày hôm nay, vẫn có rất nhiều người quen miệng gọi những ông tu sĩ Trung Đông là Ba Vua.

Thực sự ra, mặc dù thánh sử Mátthêu không nhắc nhở đến con số tu sĩ Trung Đông đã ghé ngang vào kinh thành Giêrusalem năm xưa, trong phần cuối của câu chuyện, thánh sử Mátthêu kể lại, sau khi diện kiến và thờ lạy Hài Nhi Thánh, những nhà tu sĩ đã tiến dâng lên vị Tiểu Hoàng Đế ba lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược.

Dựa theo con số ba, tổng số của những lễ vật đã được dâng tiến này, Giáo Hội thời sơ khai làm một con toán cộng rất đơn giản,

1 vàng + 1 nhũ hương + 1 mộc dược = 3 người

Cuối cùng dựa vào phương trình toán học đại số căn bản và đơn giản ở trên, Giáo Hội thời tiên khởi kết luận rằng đã có Ba Vua từ phương Đông lên đường đi tìm kiếm Hài Nhi Thánh.

Nhưng con số ba không phải là một con số duy nhất xuất hiện trong dòng lịch sử ơn cứu độ. Chỉ có hai vua xuất hiện trong những bức tranh tại hầm mộ Sts. Peter và Marcellinus. Nhưng lại có tới những bốn ông vua đã xuất hiện trong một bức tranh tại hầm mộ St. Domitilla. Và sau cùng, có tới những mười hai ông vua đã được nhắc tới, với đầy đủ tên tuổi theo như truyền thống của Giáo Hội Đông Phương thời trung cổ.

C. Nhân Dáng

Chuyện về Ba Vua không chỉ tạm dừng bước tại nơi này. Theo như truyền thống của Giáo Hội Tây Phương cũng là một truyền thống phổ thông được nhiều người biết đến, tên của Ba Vua là Melchior, Gaspar, và Balthasar. Vua Melchior cao niên, râu tóc bạc trắng như cước. Vua Melchior đã tiến dâng vàng lên Tiểu Hoàng Đế Giêsu. Ngược lại với Vua Melchior, Vua Gaspar là một thanh niên còn trẻ, người to lớn, dáng vạm vỡ. Vua Gaspar đã tiến dâng lên Hài Nhi Thánh lễ vật nhũ hương. Vị vua sau cùng là Balthasar, hoàng đế gốc Phi Châu. Vua Balthasar đã tiến dâng lễ vật mộc dược lên Hài Nhi Thánh.

Ngược lại với truyền thống Tây Phương, theo như Giáo Hội Đông Phương thời trung cổ, tên của Ba Vua là: Hormizdah, vua của xứ Persia, Yazdegerd, vua xứ Saba, và Perosadh, vua của xứ Sheba. Theo như Giáo Hội Ethiopia, tên của Ba Vua là Hor, vua xứ Persia, Basanater, vua xứ Saba, và vua Karsudan của đông phương.

III. Ngôi Sao Lạ

Ngoài Ba Vua, Ngôi Sao Lạ xuất hiện trên vòm trời thủ đô của Do Thái vào những ngày đầu tiên của thiên niên kỷ thứ nhất là một chi tiết cũng đã từng gây nên rất nhiều tranh luận giữa những nhà thần học gia. Theo như thánh sử Mátthêu, những nhà tu sĩ Trung Đông đã dừng bước hỏi thăm dân chúng của kinh thành Giêsuralem, “Vua người Do Thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông Phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”.

Tương tự như Ba Vua, thánh sử Mátthêu cũng không hề nhắc nhở đến tên tuổi của ngôi sao lạ. Ngài cũng không buồn ngồi vẽ lại hình ảnh của ngôi sao một thời chiếu sáng rực rỡ trên vòm trời Bethlehem. Bởi không tên không tuổi, một số người vẫn quen miệng gọi ngôi sao lạ năm xưa là ngôi sao Bethlehem. Bởi không biết tên tuổi và hình dạng của ngôi sao lạ, thần học gia và khoa học gia lại phải vất vả khăn gói lên đường tìm kiếm tung tích của ngôi sao. Nhắc đến hành trình tìm kiếm tông tích của ngôi sao năm xưa, một trong những ứng cử viên sáng chói nhất của ngôi sao lạ cho tới ngày hôm nay vẫn là ngôi sao chổi Halley với cái đuôi dài lê thê đã từng xuất hiện trên bầu trời vào năm 1986. Sao chổi Halley với đường quỹ đạo 76 năm một lần cũng đã từng ghé thăm Thái Dương Hệ vào năm 12 trước Công Nguyên. Nhưng Đức Giêsu sinh ra vào khoảng giữa năm thứ 4 và thứ 6 trước Công Nguyên. Thời gian khác biệt giữa sao chổi Halley và năm Đức Giêsu sinh ra là khoảng 6 năm. 6 năm, một khoảng cách quá dài quá khác biệt để chúng ta có thể kết luận rằng sao chổi Halley chính là ngôi sao lạ của năm xưa.

Cho tới ngày hôm nay, thật sự ra vẫn không có một thần học gia hoặc khoa học gia nào đã giải được bài toán ngôi sao lạ. Bởi thế, gốc tích và thân thế của ngôi sao lạ vẫn là một ẩn số (x). Tuy nhiên, nếu thảo luận dưới lăng kính của thần học, ngôi sao lạ có thể được hiểu như là một biểu tượng, một dấu hiệu đã được Giavê Thiên Chúa gửi đến cho dân ngoại trên toàn thế giới. Ngôi sao lạ chiếu sáng bầu trời đêm đen thông báo cho dân ngoại biết về một chương trình cứu chuộc nhân loại trong một giai đoạn mới của một Thiên Chúa từ bi và đại lượng. Trong giai đoạn mới này, Thiên Chúa sẽ đích thân nhập thể. Ngài sẽ sống với nhân loại, và Ngài sẽ chết cho nhân loại. Và sau cùng Ngài sẽ sống lại, mang tất cả nhân loại, không phân biệt lương giáo, thoát ra khỏi xiềng xích của tội lỗi đã trói buộc họ từ bao lâu nay. 

IV. Tu Sĩ Trung Đông và Ngôi Sao Lạ

Rời bỏ vùng đất Trung Đông của những năm thứ nhất Công Nguyên, giờ đây chúng ta quay về lại với thiên niên kỷ thứ ba. Sau cuộc hành hương vất vả về lại vùng đất thánh, chúng ta đã có dịp diện kiến những nhà tu sĩ Trung Đông, hỏi tên hỏi tuổi của các ngài, và chiêm ngắm dung nhan của Ngôi Sao Lạ. Để kết thúc bài tham khảo Tu Sĩ Trung Đông và Ngôi Sao Lạ, có lẽ điều mà mọi người Kitô hữu nên tự hỏi mỗi người sau cuộc hành hương, đặc biệt trong mùa Giáng Sinh, là chúng ta đã học hỏi được điều chi qua bài Tin Mừng Tu Sĩ Trung Đông và Ngôi Sao Lạ (Matt 2:1-12)?

Ngày xưa những nhà tu sĩ Trung Đông đã mau chóng đáp trả lại tiếng mời gọi Thiên Chúa vào bữa tiệc Nước Trời. Có những lúc các ngài lạc đường, lạc lối, bối rối, bơ vơ, và bỡ ngỡ giữa thị trấn Giêrusalem, nhưng các ngài không hề ngã lòng trông cậy vào Thiên Chúa. Cuối cùng, đúng như họ đã từng hy vọng, ngôi sao lạ tái xuất hiện trên bầu trời, chỉ đường dẫn lối, dẫn dìu các ngài đi thẳng tới nơi Hài Nhi Thánh đang say nồng giấc ngủ thiên đàng.

Ngày nay trên con đường hành hương về Nước Trời, ai trong chúng ta chẳng có những giây phút bị lạc lối, những giây phút chúng ta có cảm tưởng mình đang bị bỏ rơi, hoặc cảm thấy hình như niềm tin vào Thiên Chúa và Tình Yêu của Ngài đang dần dần tan biến vào trong thinh không. Trong những giây phút yếu đuối, thất vọng, và chập chờn với ngọn nến của niềm tin như vậy, mời bạn và tôi, chúng ta hãy cùng nhau hướng về Thiên Chúa, dõi mắt tìm kiếm nguồn trợ lực của trời cao. Ngôi sao lạ đã xuất hiện trên bầu trời soi đường dẫn lối cho những nhà tu sĩ Trung Đông năm xưa. Tương tự như vậy, nếu chúng ta cầu xin, Thiên Chúa sẽ nghiêng người, lắng tai nghe lời cầu nguyện. Từ trong cõi chết đầy dẫy đêm đen bóng tối, Ngài sẽ gửi ngôi sao lạ tới hướng dẫn chúng ta về cõi ngập tràn ánh sáng, nơi đó chỉ có mùa xuân, thanh bình, và hạnh phúc vĩnh cửu.

□ Nguyễn Trung Tây, SVD


www.nguyentrungtay.com 

_________________________________

chú thích

[1] Trong những bản tiếng tiếng Anh, cả hai, New Revised Standard Version (NRSV) và New Jerusalem Bible (NJB), đều dịch μάγoς là những nhà thông thái (wise men). Riêng bản văn New American Bible (NAB) thì khác. Những thần học gia của NAB cũng dịch, nhưng thật sự ra họ không dịch chi hết, bởi họ sử dụng chữ magi, danh từ số nhiều của magus trong tiếng La Tinh, phiên dịch từ danh từ số ít của tiếng Koiné: μάγoi.

[2] Isaiah 60:3-6 cũng có những nét tương tự như Thánh Vịnh 72:10-11.

Thư Mục Tham Khảo

Bauer, David. “The Kingship of Jesus in the Matthean Infancy Narrative: A Literary Analysis,” Catholic Biblical Quarterly 57 (1995) 306-323.
Blomberg, Craig. “The Liberation of Illegitimacy: Women and Rulers in Matthew 1-2,” Biblical Theology Bulletin 21:145-150.
Brown, Raymond. An Adult Christ at Christmas. Collegeville, Minnesota: The Liturgical Press, 1977.
Brown, Raymond. The Birth Of The Messiah. New York: Doubleday, 1993.
Farquharson, J. F. “The Star of Bethlehem,” JBAA 89 (1978) 8-20.
Ferrari-D’Occhieppo, K. “The Star of the Magi and Babylonian Astronomy,” in Chronos, Kairos, Christos. Ed. Jerry Vardaman and Edwin Yamauchi. Winona Lake, IN: Eisenbrauns, 1989. Pp. 41-53.
Filas, F. L. “The Star of the Magi,” IER 85 (1956) 432-33.
Freitag, R. S. The Star of Bethlehem: A List of References. Washington, D. C.: Library of Congress, 1979.
Gardner, Richard. Matthew. Scottdale, PA: Herald Press, 1991.
Gonzalez, Justo. The Story of Christianity, Vol. I. New York, NY: HarberCollins Publishers, 1984.
A Grammatical Analysis Of The Greek New Testament. Rome: Editrice Pontificio Istituto Biblico, 1993.
Hare, Douglas. Interpretation: Matthew. Louisville, Kentucky: John Knox Press, 1993.
Metzger, Bruce M. “Names for the Nameless in the New Testament: A Study in the Growth of Christian Tradition,” in Kyriakon: Festschrift Johannes Quasten. Ed. Patrick Granfield and Josef A. Jungmann. Münster Westfalen: Aschendorff, 1970. Pp. 79-86.
Murphy, Frederick J. Pseudo-Philo. New York, NY: Oxford University, 1993.
Nguyễn Thế Thuấn, Kinh Thánh, La Verne, CA: El Camino Press, 1980.
Overman, J. Andrew. Church and Community In Crisis. Valley Forge, PA: Trinity Press International, 1996.
Sách Lễ Giáo Dân, Houston, TX: Cơ Sở Xuất Bản Zieleks, trang 147.
Saldarini, Anthony. Matthew’s Christian-Jewish Community. Chicago: The University of Chicago Press, 1994.
Senior, Donald. Matthew. Nashville, TN: Abingdon Press, 1998.
Kinh Thánh: Tân Ước, Westminster, CA: Nhà Xuất Bản Du-Sinh Saint Joseph, 1994

Nguồn Vietcatholic