MỘT HỘI THÁNH BẦM TÍM, TỔN THƯƠNG VÀ NHƠ BẨN

Quả thật anh em tôi bị bầm tím, anh em tôi bị tổn thương, nhưng hình như anh em tôi có được niềm vui Tin Mừng, trong nỗi trăn trở của tôi lóe lên một ánh sáng, chính sức sống của Giáo Hội đang tồn tại và mãnh liệt ở những vùng như vậy, chứ không phải nơi những nhà thờ nguy nga “ở những trung tâm và cuối cùng bị vướng vào một mảng lưới của những cố chấp và thủ tục”...

MỘT HỘI THÁNH BẦM TÍM, TỔN THƯƠNG VÀ NHƠ BẨN 

Tôi vừa trở về thành phố từ một vùng truyền giáo cao nguyên, một lần nữa chuyến đi để lại trong lòng tôi nhiều nỗi trăn trở, tiếng cồng tiếng chiêng theo tôi về phố, âm vang đều đặn nghe buồn não nuột như tiếng rên nhẹ của núi rừng.

Dâng lễ trong một căn nhà nguyện nhỏ, cả ngàn người  chặt như nêm, vây kín trong ngoài, may mà cao nguyên mùa này se lạnh, gió núi thổi về từng cơn xua đi cái nóng hừng hực của hơi người. Các Cha cho tôi biết tại giáo điểm này có hơn 2.500 giáo dân, nhưng toàn vùng dọc quốc lộ dài hơn 40 cây số có hơn 8.000 giáo dân, chỉ có 1 giáo điểm này đươc phép tụ tập dâng lễ. Vị Giám mục giáo phận đã nói với nhà cầm quyền về quyền tự do tôn giáo của giáo dân, người dân có quyền được thụ hưởng sự chăm sóc tâm linh khi có nhu cầu. Ngài kêu gọi lương tâm của những người có trách nhiệm, hãy nhìn đến các cụ già, các người bệnh tật không thể vượt 40 cây số để đến giáo điểm như hiện nay. Ngài đề nghị chấp thuận cho mở thêm các giáo điểm khác gần đó. 

Không chỉ im lặng, không giải quyết, vị đứng đầu huyện trả lời với dân chúng “ai muốn theo đạo thì ra khỏi huyện, huyện này không chấp nhận có người theo đạo”, một linh muc trong hạt nói với tôi như vậy. Tôi cố không tin vào tai mình, rồi tôi cố không tin vào lời của vị linh mục đó, nhưng chính vị Giám mục nói với tôi “hồ sơ nằm ở huyện nhiều năm nay, không giải quyết và cũng không chuyển lên tỉnh !”. 

Chỉ có một giáo điểm, mà giáo điểm này do chính giáo dân lập nên, tự động xây dựng, bị hành hạ đủ điều, bị hạch sách đủ thứ, cuối cùng trước sự “lì lợm” của giáo dân, bất đắc dĩ phải công nhận. Nhưng vị linh mục quản nhiệm không được phép cư trú, ngài phải ở một nhà xứ khác cách đó hơn 40 cây số, ngày ngày di chuyển đến dâng lễ và giáo dân trong vòng bán kính 40 cây số của giáo điểm tìm cách đến với ngài. ..

Trong hoàn cảnh khốn khó như vậy, vị quản nhiệm không ngại khó, không ngại khổ, ngài lao mình vào công cuộc loan báo Tin Mừng, ngài tìm đến các buôn làng xa xôi để an ủi, để khuyến khích, để nâng đỡ các linh hồn. Giáo dân nghèo nhưng hồn nhiên sống Lời Chúa, họ duy trì các buổi phụng tự và siêng năng tham dự các bí tích. Cha quản nhiệm chỉ cho tôi một đống biên bản do nhà cầm quyền địa phương lập vì ngài “vi phạm” hoạt động tôn giáo, nụ cười hiền hòa ngài nói “lập nhiều quá quen rồi”, ngài kể cho tôi nghe những gian khổ khi đến vùng này khi đó còn là vùng trắng (không có hoạt động tôn giáo), “khi đó con khổ biết mấy mà không làm gì được con, bây giờ con hết sợ rồi !”. 

Đức Thánh Cha Phanxicô vừa ban hành Tông Huấn “Niềm vui của Tin Mừng”, ngài nói về một Giáo Hội mở cửa đi ra, tôi thật sự bị đánh động bởi bức Tông Huấn này. 

Ngài lặp đi lặp lại rằng ngài thích “một Hội Thánh bị bầm tím, bị tổn thương và nhơ bẩn vì ra ngoài các đường phố, hơn là một Hội Thánh... chỉ quan tâm đến việc nằm ở trung tâm và cuối cùng bị vướng vào một mạng lưới của những cố chấp và thủ tục. …. (Bản Tổng lược Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng của GLV. Phaolo Phạm Xuân Khôi).

Quả thật anh em tôi bị bầm tím, anh em tôi bị tổn thương, nhưng hình như anh em tôi có được niềm vui Tin Mừng, trong nỗi trăn trở của tôi lóe lên một ánh sáng, chính sức sống của Giáo Hội đang tồn tại và mãnh liệt ở những vùng như vậy, chứ không phải nơi những nhà thờ nguy nga “ở những trung tâm và cuối cùng bị vướng vào một mảng lưới của những cố chấp và thủ tục”. 

Lm. Vĩnh Sang, dcct.