Hãy để Chúa đến gặp chúng ta

Giáng Sinh không chỉ là ngày lễ hội hằng năm hay kỷ niệm một biến cố đẹp. Giáng sinh còn là điều gì đó hơn thế. Giáng Sinh là một cuộc lên đường đi gặp Chúa. Giáng Sinh là một cuộc gặp gỡ. Chúng ta đến gặp Chúa với con tim rộng mở, với cuộc sống của chúng ta. Gặp gỡ Đấng hằng sống, gặp gỡ Người với đức tin của chúng ta.

Chuẩn bị Giáng Sinh: Hãy để Chúa đến gặp chúng ta

Chuẩn bị mừng Lễ Giáng Sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tín hữu hãy mở lòng ra để gặp Chúa là Đấng đổi mới mọi sự.

Trong bài giảng Thánh lễ thứ Hai Tuần I Mùa Vọng tại nhà nguyện trong Nhà khách Santa Marta, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng chuẩn bị mừng Lễ Chúa Giáng Sinh là đi vào cuộc hành trình của đức tin và cầu nguyện để gặp gỡ Chúa. “Bởi vì Giáng Sinh không chỉ là ngày lễ hội hằng năm hay kỷ niệm một biến cố đẹp. Giáng sinh còn là điều gì đó hơn thế. Giáng Sinh là một cuộc lên đường đi gặp Chúa. Giáng Sinh là một cuộc gặp gỡ. Chúng ta đến gặp Chúa với con tim rộng mở, với cuộc sống của chúng ta. Gặp gỡ Đấng hằng sống, gặp gỡ Người với đức tin của chúng ta.”

Nhưng sống đức tin không phải điều dễ dàng. Nói về viên quan đại đội trưởng trong bài đọc đã có niềm tin lớn lao khi xin Chúa chữa lành cho người đầy tớ của mình, Đức Thánh Cha nói rằng chúng ta giống như viên quan này trong hành trình đức tin “đến gặp Chúa để cho Chúa gặp mình”.

Khi chỉ có chúng ta đến gặp Chúa, có thể nói chúng ta là chủ nhân của cuộc gặp gỡ; nhưng nếu chúng ta để cho Chúa đến gặp chúng ta, chính Người sẽ bước vào cuộc đời chúng ta, chính Người đổi mới chúng ta, và đó là ý nghĩa của việc Chúa Kitô đến: Người đổi mới tâm hồn, cuộc sống, niềm hy vọng của chúng ta.

Với niềm tin - như của viên quan đại đội trưởng - chúng ta lên đường gặp Chúa chính là để Chúa gặp chúng ta.

Không phải lúc nào Chúa cũng nói với chúng ta điều chúng ta muốn nghe, nhưng Người sẽ nói với tôi điều quan trọng đối với tôi “vì Chúa không nhìn chúng ta theo đám đông, Người nhìn vào khuôn mặt, vào đôi mắt của từng người trong chúng ta. Tình yêu của Chúa không phải là một tình yêu trừu tượng, tình yêu ấy cụ thể. Chúa nhìn tôi một cách cá nhân”. Và “để cho Chúa gặp chúng ta có nghĩa là để cho Chúa yêu thương chúng ta”.

(Theo Vatican Radio)
Minh Đức
Nguồn: WHĐ
 

Thiên Chúa Là Đấng Cứu Độ Tôi

Các bạn trẻ thân mến,

Jesus_w15Con người chúng ta yếu đuối. Bản chất yếu đuối này của chúng ta đã được thể hiện nơi hình ảnh Ađam và Eva năm xưa, khi vì cứng tin và ngạo mạn, dám cãi lệnh Thiên Chúa. Nó cũng được phản ánh qua hình ảnh dân Do Thái trong kiếp nô lệ bên Ai Cập, lúc bất tín và bội nghĩa khi lữ thứ qua sa mạc khô cằn. Tội ta phạm càng ngày càng gia tăng. Ta ước ao, muốn sống một đời công chính, muốn xây dựng một xã hội bình an, nhưng dường như chẳng thể làm được. Số phận con người, ngay từ khi chối bỏ Thiên Chúa, đã bị gắn chặt với Hỏa Ngục trầm luân.

Thế nhưng, lòng thương xót của Thiên Chúa trỗi vượt hơn tất cả những lầm lỗi của chúng ta. Ta phải gánh lấy những hậu quả do tội ta gây ra, nhưng song hành bên ta, bàn tay của Chúa vẫn kề bên nâng đỡ. Khi nghe tiếng kêu than của dân, Thiên Chúa đã không nỡ bỏ mặc. Ngài làm đủ mọi cách, thi triển những dấu lạ khác nhau để khiến cho Pharao phải trả lại tự do cho dân Người. Trong sa mạc, biết bao nhiêu lần dân bội phản với Chúa, Ngài vẫn kiên nhẫn yêu thương, chiều chuộng và giữ gìn họ hết lần này đến lần khác. Họ muốn ăn bánh, Chúa cho Manna. Họ đòi ăn thịt, Chúa cho đàn chim bay tới. Chẳng những không biết ơn, dân cứ luôn miệng kêu trách Chúa. Chúa cho đàn rắn xuất hiện, làm bị thương nhiều người. Nhưng khi họ xin lỗi, Chúa lại ra tay chữa lành. Tình yêu của Chúa luôn bao bọc lấy họ, luôn làm mới lại tương quan giữa Ngài với họ. Chúa đích thực là Thiên Chúa của tình yêu và giải phóng.

Lời hứa cứu độ của Thiên Chúa không phải chỉ xuất hiện ngẫu hứng sau này, khi dân kêu cứu, nhưng đã nằm trong ý tiền định của Ngài ngay khi con người đầu tiên phạm tội. Ngay khi phát hiện mình đã bị lừa, Ađam và Eva có lẽ cũng cảm nhận được phần nào những hình phạt sắp tới, nhưng hai ông bà sao có thể biết được hậu quả của tội kinh khủng thế nào. Chính Thiên Chúa đã đi bước trước. Ngài để cho hai ông bà phải chịu đựng những gì đã gây ra, nhưng cũng không quên thêm vào bản án một lời hứa sẽ ban Đấng Cứu Độ cho con người. Ngài đã nói với con rắn là tuy nó xảo quyệt và độc ác, nhưng nó sẽ bị đạp đầu, bởi một người sinh ra từ người nữ. Trong mọi chuyện, tuy có thể Chúa lặng im và tưởng chừng vắng bóng, nhưng Chúa chưa bao giờ bỏ rơi con người trong cơ đơn và tuyệt vọng.

Các bạn trẻ thân mến,

Các bạn hãy lặng thinh và ngẫm nghĩ lại xem, có phải khi bạn gặp một khó khăn nào đó, luôn xuất hiện bên cạnh các bạn một ai đó hay một cái gì đó nâng đỡ các bạn không? Chúng ta vẫn hay gọi đó là sự may mắn, nhưng chắc chắn sự may mắn ấy là cả một sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Cái hay của Thiên Chúa là Ngài không ra tay xóa bỏ hoàn toàn sự dữ, nhưng làm cho xuất hiện ngay lòng sự dữ tia sáng của sự niềm vui và thiện hảo. Nhìn vào trong trời đất, ta thấy nơi bất cứ sự xấu nào cũng lóe lên một dấu hiệu báo phúc bình an. Bầu trời đen u ám và làm khiếp sợ bao người. Nhưng nếu không có bầu trời đêm, ta sẽ chẳng bao giờ có được những đêm trăng dịu ngọt soi bóng xuống dòng sông, hay phút thanh bình khi chiêm ngắm các vì sao lung linh nhảy múa. Mùa đông với những cơn bão như làm vỡ tung trời đất. Nhưng nếu không có mùa đông, ta sẽ không còn thấy quý giá nữa khi xuân về, mang theo tiếng chim ca lảnh lót, tiếng hạt mầm tí tách vỡ nhẹ để vươn lên.

Giáo Hội chúng ta hơn hai ngàn năm nay đã trải qua không ít những thăng trầm và bắt bớ. Thế nhưng, bất cứ lúc nào đời sống của Giáo Hội sa đà và khủng hoảng, thì Chúa lại cho xuất hiện khi ấy các vị đại thánh để vực Giáo Hội dậy. Thuở ban đầu, khi Giáo Hội còn phôi thai, Ngài đã đặt Phêrô và Phaolo như hai cột trụ vững chắc để nâng đỡ Giáo Hội. Khi Giáo Hội bị những ham muốn của cải bủa vây, Ngài gửi đến thánh Phanxicô Assisi như một chứng tá của khó nghèo và khiêm nhu. Khi Giáo Hội bị những lạc thuyết tấn công, Ngài cho thánh Đaminh xuất hiện như một vũ khí chống trả. Khi Giáo Hội đứng trước nguy cơ chia rẽ vì các giáo phái Thệ Phản, Ngài đã cho xuất hiện một Inhaxio với ý hướng trung thành với Mẹ Giáo Hội đến cùng. Khi Giáo Hội đắm chìm trong sa hoa hưởng thụ, Ngài sai đến một Teresa Calcutta nhỏ bé, nhưng làm khuynh đảo cả địa cầu vì tấm gương phục vụ và bác ái. Vì hận thù và ganh ghét, người ta bất chấp tất cả để sát hại nhau, Chúa đã đánh động lương tâm của những người thiện chí, mở rộng vòng tay để đón lấy các nạn nhân. Rõ ràng, Chúa luôn luôn dõi mắt chăm lo cho con người.

Lịch sử cuộc đời của mỗi người chúng ta cũng vậy. Chúa dường như chẳng bao giờ để ý đến những tội lỗi lớn lao ta đã phạm, nhưng lại ghi nhớ rất cặn kẽ những hy sinh nhỏ bé của chúng ta. Chúa chỉ chờ có cơ hội là thi ân giáng phúc cho ta. Chúa đích thực là Đấng cứu độ của chúng ta.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Theo dongten.net