Khi Cha Thành bị hôn mê và nhập viện, một cựu chủng sinh từ Cam Ranh và một vị giáo sư gần 90 tuổi từ Nghệ An đã báo tin cho tôi. Trong ngày đầu tiên sau khi cha về với Chúa, một cha bạn từ Nha Trang, ba chị tu hội đời từ Bà Rịa, Đà Lạt và Sài Gòn, một giáo dân ngành phát hành sách ở Sài Gòn và một du học sinh Việt Nam từ Rôma nhắn tin, gọi điện hoặc email cho tôi trong nghẹn ngào. Con người vừa ra đi có một ảnh hưởng rất âm thầm mà cũng rất rộng rãi.
Tôi có chung với cha một quá khứ Tiểu Chủng viện Thánh Giuse Qui Nhơn và Đại Chủng viện Piô X Đà Lạt. Ngày những cánh chim Giáo hoàng Học viện tan đàn, cha đã viết một bài hát cho mình và cho anh em với câu đầu tôi không sao quên được: “Đôi khi bỗng thấy mình như thiền sư xuống núi – khi chưa nuốt hết vần kinh của trang sách thiêng - nhưng tai nghe tiếng Chúa kêu mời - nhưng tim rung tiếng nấc nhân loại - làm sao không nỡ khép môi cầu kinh…”
Câu hát như báo trước ơn gọi tu hội đời của cha.
Rời Giáo hoàng Học viện, người chủng sinh Đặng Xuân Thành phải về gia đình và làm công nhân ở Daklak. Ít lâu sau anh về Sài Gòn, trọ tại nhà bà con ở Giáo xứ Sao Mai dạy ngoại ngữ, dịch thuật và biên tập sách tôn giáo vừa kiếm sống vừa tìm hướng thể hiện ơn gọi trong tình cảnh mới. Thời điểm ấy, Tu hội Hy Vọng của Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận vừa được sát nhập vào Tu hội đời quốc tế Thánh Tâm Chúa Giêsu. Anh nhận dịch tài liệu cho tu hội, cả những bản văn riêng của Tu hội Thánh Tâm Chúa Giêsu lẫn những sách mang tính thần học về ơn gọi tu hội đời nói chung. Những trang sách ấy đã sớm cuốn hút anh vào lý tưởng tu hội đời, những tu sĩ không áo dòng, không nội cấm, không có đời sống chung, chỉ mang theo ba lời khấn dấn thân đem Tin Mừng của Chúa vào mọi lĩnh vực trần thế. Tu hội Thánh Tâm Chúa Giêsu do Cha Pierre Joseph Picot de Clorivière (1735-1820) sáng lập. Ngoài hai ngành nam độc thân và nữ độc thân còn có ngành dành cho các đôi bạn và ngành dành cho các linh mục. Năm 1981, Cha Thành được thụ phong linh mục, một thành viên của Tu hội Thánh Tâm Chúa Giêsu thuộc Giáo phận Bắc Ninh nhưng vẫn tiếp tục phục vụ ngoài giáo phận.
Tôi cũng là một linh mục phục vụ ngoài giáo phận như cha. Hai anh em cùng nguồn gốc và cảnh ngộ nên khá gần gũi. Những lần về Sài Gòn, tôi vẫn thường ghé thăm và nghỉ đêm lại ở gác trọ của cha, chia sẻ buồn vui, sáng dậy dâng lễ và đọc kinh thần vụ với nhau, ăn sáng chung rồi ai lo việc nấy. Mấy năm sau, gia đình cha chuyển về Sài Gòn, ở Giáo xứ Vườn Chuối, cha ở trên căn gác cao nhất; rồi mấy năm sau nữa, cha sắm được nhà cho tu hội tại quận 8, tôi cũng thường ghé thăm như thế.
Cuộc sống và cung cách phục vụ của cha cũng là một nguồn động viên cho tôi. Trước nhan Chúa, tôi rất ý thức trách nhiệm về ơn gọi của mình. Giữa cảnh sống lang bạt ngoài lòng giáo phận, tôi khao khát có tình liên đới, có bạn đồng hành để đứng vững. Tôi quen biết nhiều dòng nam với nhiều anh em rất thân thiết. Cuộc sống huynh đệ của họ thật đẹp nhưng tôi không muốn lìa bỏ tính cách một linh mục giáo phận. Giữa những trăn trở chọn lựa, con đường của Cha De Clorivière đã lôi cuốn tôi. Là một linh mục triều, khi được đóng thêm dấu ấn của ba lời khấn để sống triệt để các giá trị Tin Mừng, trong tình huynh đệ với những anh em cùng chí hướng tâm linh và trong tình nghĩa giáo phận, tôi chỉ được thêm chứ không mất mát gì. Năm 1991, tôi ngỏ ý và Cha Thành nhận tôi vào giai đoạn tìm hiểu tu hội. Tháng 7-1992, bất ngờ tôi nhận được tiếng gọi thật rõ, tha thiết và đập mạnh vào tai, gần như không được phép từ chối, đòi hỏi tôi dấn thân để đem Dòng Cát Minh Têrêxa ngành nam vào Việt Nam. Tôi xin cha cho chấm dứt giai đoạn tìm hiểu. Tháng 5-1993, Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các cho phép tôi xúc tiến thủ tục nhập Dòng Cát Minh và mãi cuối năm 1999 tôi mới xin được giấy tờ đi châu Âu làm nhà tập. Ngày 9-9-2000, tôi được khấn lần đầu và cứ lặp lại lời khấn mỗi năm, cho tới tháng 9-2005 thì Ban Đào tạo cho biết tôi không có ơn gọi trong Dòng Cát Minh. Vị tập sư của tôi là một linh mục người Mỹ đầy kinh nghiệm đã có những nhận định rất chính xác và đi đến kết luận ơn gọi tu dòng của tôi chỉ có tính cách giai đoạn, đã đến lúc tôi cần can đảm trở lại đời sống linh mục triều. Tôi rất buồn và trình sự việc với Bề trên Tổng quyền. Cha Tổng quyền đã có một quyết định ngược với kết luận của Ban Đào tạo. Thế nhưng, Thiên Chúa đã can thiệp. Tôi bị đau nặng đến độ theo cả Giáo luật và Hiến pháp dòng đều không được khấn trọn. Lúc ấy Bề trên Tổng quyền mới đổi ý, bảo tôi về lại với Giáo phận.
Tôi về lại Qui Nhơn ngày 8-9-2007, Cha Thành đang phục vụ tại Hà Nội. Hôm sau, lời khấn dòng của tôi hết hạn về mặt Giáo luật nhưng điều tôi đã phát nguyện trong tâm thì vẫn còn đó. Qui Nhơn – Hà Nội xa cách, ít khi chúng tôi có dịp gặp nhau. Tôi không tiếp nối câu chuyện Thánh Tâm Chúa Giêsu với Cha Thành vì đã biết cách để bước trên con đường của Cha De Clorivière, dù chỉ có một mình, với lời phát nguyện Cát Minh.
Khi nghe tin Cha Thành được Chúa gọi về, tôi lục lại kỷ niệm thì tìm được lá thư đề ngày 23-12-2010, với đoạn mở đầu về sức khoẻ: “Năm nay sức khoẻ em trở nên kém hơn trước, đặc biệt trong bệnh cao huyết áp hay nói rộng hơn, chứng đau tim mạch. Có lẽ một phần vì tuổi tác, phần nữa là em không còn nhiều sức chịu đựng và khả năng thích nghi cao như trước kia…”
Hè năm 2011, chúng tôi gặp nhau lần cuối, khi cha đưa một số anh em linh mục Bùi Chu vào tĩnh tâm tại Qui Nhơn. Cha đào tạo các hội viên tu hội đời, đào tạo những chủng sinh trôi nổi, các chủng sinh đang ở chủng viện và cả các anh em linh mục trẻ chủ yếu bằng linh thao Inhã. Không phải là linh mục Dòng Tên nhưng cha được ơn giảng linh thao rất kết quả. Với khả năng làm việc nhanh và có phương pháp, mỗi năm, cha đều soạn các đề tài linh thao thành một bài in thành tập cho những anh chị em không dự linh thao với cha có thể cùng chia sẻ.
Cuối năm 2011, khi duyệt lại bản thảo bộ sưu tập “Có Một Vườn Thơ Đạo”, tôi xin cha gửi cho những bài thơ mới của cha lịch làm việc của cha không cho phép. Tôi giữ nguyên những bài thơ cha viết trước năm 1997. Cha nhờ một chủng sinh chuyển từ máy vi tính của cha cho tôi một đoạn ngắn, chia sẻ với độc giả cả về tính trần thế trong hoạt động mục vụ lẫn về việc đào tạo:
“Có thể nói hai phần ba cuộc đời linh mục của tôi (hơn 30 năm cho tới năm 2012 - TTT) xoay quanh hai trục chính trong suy tư cũng như trong việc làm: Một là gắn bó với những con người “ngoài phố”, từ những người thân trong gia đình đến những sinh viên hay giáo viên tại trường lớp, những người làm công hay làm chủ, những người khác Đạo hay không Đạo, ngay cả những người có Đạo hay thuộc hàng ngũ những người tu hành cũng là những người sinh sống và tu trì “giữa đời”. Hai là gắn bó với công việc đào tạo (dưới nhiều hình thức như dạy ngoại ngữ hay thần học, viết lách hay dịch thuật, hướng dẫn tĩnh tâm hay đồng hành thiêng liêng). Bên ngoài có thể là những lựa chọn có phần nào do hoàn cảnh bắt buộc, nhưng sâu xa bên trong là đáp lại một lời mời gọi của Thiên Chúa – một lời mời gọi không phải chỉ bắt đầu với thái độ và lập trường của Giáo hội Công giáo trong Công đồng Vatican II (đồng hành với nhân loại), mà đã có từ xa xưa qua cách ứng xử của Thiên Chúa với dân Do Thái trong lịch sử (nhập cuộc và hành động). Đó là lời mời gọi nhìn ra bước đi của Chúa trong chuyển biến lịch sử hết sức cụ thể của những con người, nghe ra tiếng nói của Chúa trong những động tĩnh hết sức tầm thường của những cuộc đời. Và cũng vậy, trả lời cho Chúa qua những câu nói ấp úng – những cử chỉ đơn sơ – những hành vi giản dị của con người... Phải chăng đó là công việc của một ngôn sứ có Đạo? Hay cũng là công việc của một người làm thơ tôn giáo?” (Có Một Vườn Thơ Đạo, NXB Phương Đông 2012, tập 3, trang 427).
Tin cậy vào kinh nghiệm đào tạo của cha, khi Cha G.B. Nguyễn Khắc Bá, Giám đốc Chủng viện Vinh Thanh mời tham gia ý kiến cho bản định hướng nội quy của chủng viện (http://daichungvienvinhthanh.com/category/chung-vien/quy-che/), tôi đã chạy đến với cha. Trong phần còn lại của lá thư ngắn cuối năm 2010 nói trên, cha trả lời câu hỏi của tôi, bằng mấy dòng thật súc tích gãy gọn và chính xác, khá trùng khít với những gì cha đã sống tại Sài Gòn trước kia cũng như với đoạn chia sẻ trên đây: “Em rất thích cách trình bày Quy chế cho chủng sinh của Giáo phận Vinh. Chỉ xin đề nghị: Nếu đã muốn chia các bộ môn học thành 3 nhóm Mầu nhiệm, Hiệp thông và Sứ vụ thì nên phân phối các môn ấy đều các năm học, nghĩa là năm nào cũng có mấy môn thuộc khối này và khối kia. Cũng nên chú ý tập cho chủng sinh tập quán và sự ham mê làm việc trí thức riêng và chung, qua các nghiên cứu, dịch thuật và biên tập. Ngoài ra, trong mảng đào tạo tâm linh, nên chú ý hơn đến tinh thần và những việc khổ chế tự nguyện, khả năng đọc và thi hành ý Chúa trong cuộc sống. Trong mảng đào tạo nhân bản, chú ý hơn tới đức tính trung thực và thành thật, đặc biệt tránh thói chỉ tập sống khéo léo hay khôn ngoan thế gian (đừng đồng hoá khéo léo với đức khôn ngoan của Tin Mừng)”.
Cha Thành ra đi, những ai biết khá rõ về cha đều cảm thấy thương một, tiếc mười. Thương mến cha và tiếc cho Hội Thánh. Có người hỏi tại sao Chúa lại sớm gọi những người như anh Nhiên, cha Hưng, cha Đông và cha Thành ra đi đang khi Giáo hội Việt Nam đang cần họ biết mấy? Liệu phải chăng sau khi họ đã gieo rồi, Chúa còn muốn họ trở thành phân bón cho những hạt mình gieo? Hay chính họ vừa là người gieo hạt vừa là hạt giống Chúa gieo, phải mục nát đi để trổ sinh nhiều hoa trái? Tôi nghĩ có lẽ là cả hai. Như Charles de Foucauld, họ phải qua đi để cho những hạt mầm sớm nẩy nở đều khắp và mạnh mẽ. Tôi tin rằng sự ra đi của họ là cơ hội để Chúa Thánh Thần nhân họ lên bằng cách làm bùng lên ngọn lửa họ đã nhen trong lòng những người đã gặp gỡ họ. Sẽ có thật nhiều người tiếp tục con đường của họ với những bước chân đầy bản lãnh và sức mạnh của Chúa Thánh Thần để Giáo hội Chúa trên Quê hương Việt Nam tiến bước vững chắc trên giai đoạn mới: thời của những vị thánh hiển tu. Để dẫn chứng cho niềm hy vọng ấy và để kết thúc bài viết tưởng niệm, tôi xin được trích đoạn tâm tình chia sẻ của Art. Bụi Đá, một học trò của cha Thành, viết từ trời Âu:
“Những ngày qua đất trời Roma đang chuyển mình, nó khua dậy những luồng khí lạnh đến buốt thịt thấu xương. Trong giữa tiết trời giá đông ảm đạm, tôi lại nhận được tin Cha giáo Phêrô Đặng Xuân Thành ra đi đột ngột sau cơn tai biến não… Những ký ức về một người Cha, một người Thầy… bất chợt ào về, khiến cho tâm hồn người học trò tha hương tê tái như muốn bỏ lại sau lưng những nỗi lòng trĩu nặng…
Mùa thu năm 2005, tôi có duyên may gặp Cha giáo Đặng Xuân Thành, khi ngài ra giảng dạy và làm việc tại Đại Chủng viện Hà Nội. Ngay từ lần gặp đầu tiên, ngài đã để lại trong lòng tôi sự kính trọng và khâm phục; bởi vì ngài không chỉ là một giáo sư văn võ song toàn (có lẽ tác giả định viết là “tài đức song toàn” – TTT) mà còn là một “người thầy tâm linh” có tâm huyết với Giáo hội, có tinh thần xây dựng, có tri thức uyên thâm, có sự hiểu biết ngọn nguồn, có trải nghiệm thâm niên, có tâm hồn thanh cao, có trái tim rộng mở, có tấm lòng bao dung… Chính qua những lần gặp gỡ bàn hỏi với “vị thầy tâm linh này”, ngài đã khơi dậy và chỉ bảo cho tôi những lý tưởng sống cao đẹp, những hy sinh rất tầm thường, những nẻo đường nên tung bước để luôn biết sẵn sàng dấn thân phục vụ ‘vì một Nước Trời cho Quê Hương’.”
VÀ ANH ĐÃ TRỞ THÀNH MÙA XUÂN
(Để tưởng nhớ người bạn vừa nằm xuống, Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành)
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
***
Chiều nay cơn gió mùa đông lạnh
Mang theo về nổi xót mông mênh
Có một “mùa Xuân” vừa xa khuất
Chỉ còn đây nổi nhớ chênh vênh.
Anh đi như lá tìm về cội,
Như dòng sông dừng kiếp lãng du,
Lá vẫn xanh dòng sông trong vắt,
Nên đôi bờ, cây tiếc ngẩn ngơ.
Tên anh có phải là Thiên mệnh?
Để cuộc đời có “Đặng Xuân Thành”,
Để đạo có thêm mùa xuân thánh,
Để người duyên nợ với Thánh Linh.
Anh đi nhưng mà anh vẫn sống,
Vẫn còn đây nhan nhản chứng từ.
Anh vẫn sống giữa anh em bạn hữu,
Và giữa lòng Dân Chúa nơi nơi.
Trần gian anh là “xuân” để lại,
Rồi đây hạt giống sẽ đơm bông,
Thiên quốc anh là xuân vĩnh cửu,
Một mùa xuân cuộc sống viên thành.
Ngỡ ngàng vì sự ra đi quá đột ngột! Mới sáng hôm thứ tư, 27 tháng 11, tôi được Cha giáo Antôn Nguyễn Cao Siêu thông báo Cha Thành bị bệnh nặng, ngay lập tức tôi báo tin cho một vài người anh em đã từng quen biết và đã được ngài chỉ giáo khi còn trong Nam, để cầu nguyện cho ngài. Ai ngờ, 19g30 cùng ngày, tôi thật bàng hoàng khi nghe tin ngài đã qua đời từ những chị em Tu hội Thánh Tâm và các thầy đại chủng sinh của Đại Chủng viện Hà Nội.
Xúc động vì tại sao thánh ý của Chúa lại kỳ lạ như thế! Cha giáo là một người tài cao trí rộng, ngài đang đảm trách những công việc rất quan trọng trong chủng viện (giám học). Sự hiện diện và đóng góp của ngài đã làm cho chủng viện khởi sắc từng ngày. Tuổi 60 là tuổi đang hăng say dấn thân cho sứ vụ. Lẽ ra Chúa phải để cho ngài phục vụ thêm một thời gian nữa. Ai ngờ, Chúa đã gọi ngài về...
Thật tiếc thương! Vì cả cuộc đời của ngài gần như sống ẩn dật, âm thầm hy sinh cho mọi người; nhưng ngài đã không chịu khuất phục trước ngoại cảnh, ngài đã tìm mọi cách để học hỏi, đã dùng thời gian tưởng chừng như bi đát dưới con mắt của người đời để sống tinh thần là men, là muối và là ánh sáng ngay trong những thực tại u ám. “Hữu xạ tự nhiên hương”, đời sống chứng tá của ngài đã làm cho nhiều người phải ngưỡng mộ, trong đó phải kể đến giới tu sĩ trong Nam ngoài Bắc. Đến khi được tự do dấn thân phục vụ, thì ngài "như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ".
Thật vậy, suốt hơn 20 năm linh mục, ngài đã sống trong âm thầm. Nhưng dù là lúc thuận tiện hay không thuận tiện, ngài luôn thể hiện là một người cha nhân ái, một người thầy hết mực yêu thương, luôn thao thức với ơn gọi và quan tâm đến đời sống tu đức, nhân bản, tri thức và thiêng liêng cho môn sinh.
Có lẽ vì thế mà ngài có sức cuốn hút lạ thường, nên ngay từ khi thấy trang mạng của Tổng Giáo phận Hà Nội loan tin “Cha giáo Phêrô Đặng Xuân Thành đã được Chúa gọi về”, ở nhiều nơi, nhất là tại các học viện, dòng tu, ai cũng tỏ rõ sự tiếc thương cũng như hỏi nhau về chương trình và nơi chốn sẽ an táng ngài để cùng đến tiễn biệt ngài lần cuối.
Có những vị là thầy của ngài khi xưa đã thốt lên: “Cha Thành là một sinh viên xuất sắc thời còn học ở Giáo hoàng Học viện Piô X Đà Lạt”; những người bạn học cùng với ngài thì nói “ngài là một người anh, người em dễ thương, vui tính, luôn sống hài hoà, quân bình, coi trọng tình bạn”; những độc giả đã được diễm phúc đọc các tác phẩm dịch thuật hay chính ngài viết thì nhận định “ngài là một con người sâu sắc và thông thái”; với giáo dân đây đó, nhất là tại Giáo xứ Nam Hải, quận 8, Sài Gòn, nơi ngài đã từng sống âm thầm nhiều năm trời, họ không ngần ngại ca ngợi ngài "là một linh mục sống âm thầm, kiên trì, khiêm tốn”; “mấy chục năm làm linh mục, sống ở giáo xứ, nhưng chỉ nhận mình là một thầy giáo dạy học bình thường mà thôi”; còn những người đã được diễm phúc ngồi trong các giảng đường, được nghe và đón nhận những kiến thức trong các khoa học thánh mà ngài truyền đạt thì “thương cha vô cùng”.
Riêng với tôi, tôi thực sự tạ ơn Chúa vì Ngài đã cho tôi gặp được Cha giáo Phêrô trong những năm đầu khi tôi vào vào Sài Gòn, qua những lần linh thao, các cuộc tiếp xúc riêng tư, hay trong những giờ lên lớp, rồi khi ngài đã ra Đại Chủng viện Hà Nội để dạy học, tôi vẫn thường xuyên liên lạc với ngài qua email..., trong suốt thời gian đó, tôi có cảm nghiệm thật rõ nét là: dù nhỏ bé, yêu đuối và thấp hèn, nhưng trước mắt và trong trái tim của ngài, tôi biết mình được ngài dành cho một vị trí đặc biệt. Nhận định này không chỉ của riêng tôi, mà tất cả những người đã được diễm phúc gặp gỡ hay tiếp xúc ngài đều có chung nhận định như thế. Quả thật, ngài biết rõ từng người, người nào đau yếu, ghẻ lở, đui què, với ngài, ngài luôn sẵn lòng yêu thương, thông cảm và tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho họ an vui, hạnh phúc và thăng tiến. Ngài đúng là mục tử nhân lành, luôn biết các con chiên và sẵn sàng hy sinh vì đoàn chiên, vì sứ vụ (x. Ga 10,14).
Mặt khác, điều làm tôi tâm phục ngài nhất là việc ngài sẵn lòng vâng theo tiếng Chúa qua bề trên (lúc đó là Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt) để lên đường với vài ba cuốn sách gọn lỏn trong va li và nhanh nhẹn ra Hà Nội để thi hành thánh ý Chúa. Ngài vẫn biết rằng ra ngoài đó sẽ không dễ dàng về nhiều mặt, nhất là môi trường và khí hậu sẽ không tốt cho sức khoẻ. Nhưng mang trong mình ngọn lửa nhiệt huyết của nhà đào tạo, tinh thần dấn thân của người tông đồ, ngài đã tâm sự với tôi: “Con ạ, cha biết trước những khó khăn, vất vả đang chờ cha, nhưng cha xác tín rằng: tương lai là của Chúa, cha sẽ sống với hiện tại và chu toàn bổn phận hằng ngày theo ý Chúa là điều tốt nhất. Con cầu nguyện cho cha nhé.”
Ngày cha rời Sài Thành lên đường ra Thủ Đô để nhận sứ vụ mới, tôi không tiễn chân cha được, chỉ biết rằng những ngày sau đó, các sinh viên thần học tại các học viện mà ngài đã tham gia giảng dạy, cũng như nhiều dòng tu trong Miền Nam đã được ngài cộng tác cách này hay cách khác đã tỏ rõ sự luyến tiếc, vì từ nay có thể rất ít được nghe ngài giảng tĩnh tâm, được ngài đồng hành, được thụ huấn trên các giảng đường học viện...
Tiếc thay!
Từ khi nghe thấy tin ngài qua đời, trong tâm trí tôi có những suy nghĩ: Cha giáo Phêrô không bị tử đạo theo nghĩa đen, nhưng việc ngài sống âm thầm, đơn sơ, khó nghèo, trung thành với Chúa, luôn coi trọng ý bề trên và sẵn lòng từ bỏ mọi sự để đến những nơi xa lạ vì sứ vụ, thì đó quả là một cuộc tử đạo liên lỉ trong cuộc đời của ngài. Cha không đổ máu đào để chứng tỏ lòng yêu mến Thiên Chúa như các anh hùng tử đạo, nhưng việc chọn lối sống tu trì trong Tu hội Thánh Tâm, qua 3 lời khuyên Phúc Âm - khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục - thì đã là tử đạo trong tâm rồi.
Thật thế, theo quan niệm các nhà tu đức hiện nay thì đây là cách tử đạo liên lỉ, sống một cách trung thành với 3 lời khấn dòng, từ ngày này qua ngày khác, quả là một cuộc tử đạo đầy tính anh hùng. Cha đã trở thành “Đức Kitô thứ hai” và cha rập đời sống của mình vào một khuôn đúc mới, để xuất hiện trong một hình ảnh mới, hình ảnh Đức Kitô Mục Tử nhân lành.
Đang hăng say phục vụ, căn bệnh hiểm nghèo đã đột ngột đến với cha. Toà Giám mục Hà Nội đã kịp thời đưa cha đi cấp cứu, nhưng mọi chuyện trở nên muộn màng khi căn bệnh quá nặng. Một tuần trôi qua, cha nằm hôn mê sâu trong bệnh viện, mọi người đến thăm hỏi, nhưng cha không hề nhúc nhích, lúc này, cha đã trở nên hạt lúa mì gieo vào lòng đất để từ đó được nảy sinh những bông lúa vàng trĩu nặng. Thật thế, cha không lên tiếng, nhưng mọi người lên tiếng thay cho cha, và tinh thần của cha bắt đầu được lan toả trong sự kính trọng, yêu mến của nhiều người.
Cha Phêrô ra đi là một sự mất mát to lớn cho Tổng Giáo phận Hà Nội, Đại Chủng viện Hà Nội; cho Tổng Giáo phận Sài Gòn, nơi ngài đã âm thầm phục vụ nhiều năm; cho Tu hội Thánh Tâm, nơi mà ngài đã là thành viên và cũng là bề trên; cho nhiều dòng tu, học viện, cũng như niềm tiếc thương của nhiều người...
Như vậy, suốt 60 năm làm con Chúa, 32 trong tư cách là mục tử, Cha Phêrô là một nhà tu hành mẫu mực; là một người quản lý các mầu nhiệm của Chúa cách khôn ngoan, tài giỏi; là một tông đồ nhiệt thành; là một nhà giáo dục đào tạo kiên nhẫn, mẫu mực; là một chủ chăn hiền hoà và can đảm, luôn tận tâm hy sinh phục vụ, được nhiều người thương mến. Giờ đây, cha nằm đó trong tư thế bất động, ngài không thể đứng dâng Thánh lễ cuối cùng của cuộc đời mình với quý Đức cha, các cha trong ban đào tạo, với linh mục đoàn, các thầy đại chủng sinh, các tu sĩ và với bà con thân thuộc cũng như cộng đoàn Dân Chúa. Nhưng chắc chắn ngài đang cùng với chúng ta dâng lời chúc tụng, tạ ơn Thiên Chúa và cũng không ngớt lời bầu cử cho chúng ta. Và, có lẽ trong âm thầm, ngài đang nhắn gửi mỗi chúng ta: “Hãy yêu thương nhau như Chúa đã yêu.”
Giờ đây, trước lúc chia tay cha, chúng con xin được thân thưa với cha: “Chúng con yêu cha, mến cha và nguyện sẽ làm cho tinh thần của cha sống mãi trong trái tim của mỗi chúng con.”
Ước gì lời Chúa nói khi xưa - "Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành, hãy vào hưởng niềm vui của chủ anh!" (Mt 25,21) - sẽ là lời tuyên phong cho cha khi cha ra trình diện với Chúa. Amen.